Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Chuyên mụcLuật hình sự Luật hình sự

Hiện nay, hệ thống pháp luật của Nhà nước bao gồm nhiều ngành luật khác nhau. Tuy nhiên, khi Nhà nước mới xuất hiện, hệ thống pháp luật còn rất sơ khai, chỉ bao gồm có một vài ngành luật. Luật hình sự được xem là một trong vài ngành luật ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người và giữ một vai trò rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.

 

Những nội dung cùng được quan tâm:

 

Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Mục lục:

  1. Khái niệm Luật hình sự Việt Nam
  2. Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự
  3. Phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Luật hình sự

1. Khái niệm Luật hình sự Việt Nam

Khái niệm luật hình sự xuất hiện từ thời cổ đại và có những cách hiểu khác nhau. Trong tiếng Anh, luật hình sự được gọi là “Criminal Law”, tiếng Pháp là “Droit Criminel” và tiếng Đức là “Criminalrecht”. Từ “criminal” xuất phát từ từ “crimen”, nghĩa là tội phạm hoặc sự kết án về một tội nào đó. Như vậy, luật hình sự được hiểu là luật về tội phạm. Song song đó, người ta còn dùng các cụm từ “Penal Law” (tiếng Anh), “Droit Penal” (tiếng Pháp), hoặc “Strafrencht” (tiếng Đức) để chỉ luật hình sự. Từ “penal” xuất phát từ từ “poena”, nghĩa là hình phạt. Trong trường hợp này, luật hình sự được hiểu là luật về hình phạt. Đây là cách hiểu về luật hình sự trong tiếng Việt.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội, trật tự xã hội, Nhà nước dùng nhiều biện pháp vừa có tính thuyết phục, vừa có tính cưỡng chế để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm. Khi hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cho xã hội chưa cao, Nhà nước có thể chỉ sử dụng các chế tài hành chính, dân sự… Nếu hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cao đối với xã hội thì Nhà nước cần áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ và nghiêm khắc nhất – chế tài hình sự, được quy định bởi luật hình sự. Thông qua hoạt động lập pháp hình sự, nhà làm luật đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hình sự để quy định tội phạm và hình phạt đối với các tội phạm đó.

Như vậy, có thể hiểu Luật Hình sự là hệ thống các quy phạm pháp luật xác định về các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội để quy định là tội phạm và quy định hình phạt áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân thương mại thực hiện các tội đó. Nói như vậy không có nghĩa là Luật hình sự chỉ quy định về tội phạm và hình phạt. Trái lại, bên cạnh tội phạm và hình phạt, Luật hình sự còn quy định các nội dung liên quan đến cơ sở và điều kiện của trách nhiệm hình sự cũng như các chế định pháp luật hình sự khác liên quan đến trình tự, điều kiện, yêu cầu của quyết định hình phạt, các căn cứ và phạm vi của các biện pháp tha miễn trách nhiệm hình sự và hình phạt.

Như trên đã nêu, luật hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật, do vậy nó sẽ có tất cả các đặc điểm đặc trưng của một ngành luật nói chung. Tuy nhiên, với tư cách là một ngành luật độc lập, Luật hình sự có một số đặc điểm và các nguyên tắc đặc trưng của mình. Nói cách khác, Luật hình sự có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng, phù hợp với đặc điểm của mình.

Các nội dung liên quan:

2. Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự

Đối tượng điều chỉnh của bất kỳ một ngành luật nào cũng là một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định. Việc nghiên cứu đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự phải xuất phát từ  chức năng, vai trò của nó. Luật hình sự trước hết có chức năng bảo vệ các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…khỏi sự xâm hại của các hành vi phạm tội. Luật hình sự thực hiện chức năng này bằng cách quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với những người đã thực hiện hành vi đó. Nói cách khác, Luật hình sự điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi có một tội phạm xảy ra. Theo một số quan điểm, quan hệ xã hội phát sinh trong điều kiện này là các quan hệ xã hội tiêu cực vì nó phát sinh khi có người thực hiện hành vi phạm tội.

Trong quan hệ pháp luật hình sự, có hai chủ thể với những địa vị pháp lý khác nhau là Nhà nước và người phạm tội.

– Nhà nước là chủ thể có vị trí đặc biệt trong quan hệ pháp luật hình sự với tư cách là người bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Nhà nước, thông qua các cơ quan tư pháp hình sự nhân danh mình (cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án…) có quyền khởi tố, bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội, buộc họ phải chịu những hình phạt nhất định tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm mà họ đã gây ra hoặc tha miễn một số người thực hiện hành vi phạm tội nếu người này hội đủ những điều kiện do pháp luật hình sự quy định. Mặt khác, với tư cách là người đại diện cho công lý, Nhà nước đồng thời có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người phạm tội thông qua một loạt những quy định chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người phạm tội, người bị kết án. Trong quan hệ pháp luật hình sự, Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình thông qua các cơ quan chức năng chuyên trách, đại diện mình (cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án…).

– Chủ thể thứ hai trong quan hệ pháp luật hình sự là người phạm tội – người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị Luật hình sự coi là tội phạm. Người phạm tội có trách nhiệm chấp hành các biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước áp dụng đối với họ, đồng thời họ cũng có quyền yêu cầu Nhà nước đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của mình, chỉ áp dụng các biện pháp chế tài trong giới hạn luật định và có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho hành vi phạm tội của mình.

Căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự là hành vi phạm tội đã diễn ra trong thực tế và thời điểm chấm dứt quan hệ pháp luật hình sự là khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt hoặc bất kỳ biện pháp nào của mà Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội hoặc người phạm tội chết.

Tóm lại, đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự Việt Nam là các quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm. Thông qua việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi có tội phạm xảy ra, Luật hình sự Việt Nam tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ phát triển, tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm. Bằng cách đó, Luật hình sự Việt Nam góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các quyền và lợi ích của công dân cũng như đảm bảo việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội do Nhà nước đề ra.

Nội dung tóm tắt:

Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là các quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật của ngành luật đó điều chỉnh. Các quan hệ xã hội được các quy phạm PLHS tác động tới là đối tượng điều chỉnh của luật hình sự. Luật hình sự chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội khi có tội phạm xảy ra- đó cũng chính là các quan hệ PLHS

Vậy, Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm.
Thời điểm bắt đầu xuất hiện quan hệ pháp luật hình sự là thời điểm người phạm tội bắt đầu thực hiện tội phạm và quan hệ pháp luật này chấm dứt khi người phạm tội được xoá án tích. Trong cả quá trình này xuất hiện đồng thời quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, quan hệ pháp luật dân sự… Tuy nhiên, quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, đa số trường hợp bắt đầu xuất hiện khi có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can.

Trong quan hệ pháp luật hình sự luôn có hai chủ thể với những vị trí pháp lý khác nhau.

1. Nhà nước: Có quyền truy tố, xét xử người phạm tội, buộc họ phải chịu những biện pháp trách nhiệm hình sự nhất định để bảo vệ pháp luật bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Nhà nước thực hiện quyền này bằng cách thể hiện ý chí của mình trong Bộ luật hình sự. Mặt khác, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội.

2. Người phạm tội: Có trách nhiệm chấp hành các biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước áp dụng đối với mình. Mặt khác, họ có quyền yêu cầu Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

3. Phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật nói chung là cách thức, phương thức mà hệ thống các quy phạm pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh nhằm vào các mục đích nhất định của ngành luật đó. Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật được xác định bởi tính đặc trưng của đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó. Mặt khác, phương pháp điều chỉnh của một ngành luật thông qua một số hình thức tác động như: trình tự xác lập các quyền và nghĩa vụ chủ thể của quan hệ pháp luật, mức độ xác định các quyền, sự lựa chọn sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật, đặc điểm quan hệ giữa các bên, phương pháp bảo đảm thực hiện các quyền của chủ thể…v.v…Do tính đặc trưng của đối tượng điều chỉnh cũng như các hình thức điều chỉnh (trình tự, mức độ xác định…) của mỗi ngành luật là khác nhau nên có nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau.

Dựa trên tính đặc trưng của đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự, các nhà lý luận Luật hình sự Việt Nam gọi phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự là phương pháp quyền uy. Đó là phương pháp sử dụng quyền lực Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ pháp Luật hình sự, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.

Các cơ quan đại diện cho quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp hình sự có quyền sử  dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế mà pháp luật cho phép để giải quyết các yêu cầu về nội dung và mục đích của pháp luật hình sự. Quyền lực Nhà nước không bị hạn chế bởi thế lực của một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái nào. Người phạm tội, do thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội được Nhà nước bảo hộ và Luật hình sự coi là tội phạm nên phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tội phạm đã gây ra. Trách nhiệm này thuộc về  cá nhân kẻ phạm tội do chính kẻ phạm tội gánh chịu một cách trực tiếp chứ không thể “chuyển” hay uỷ thác cho một người nào khác. Người phạm tội không có quyền từ chối hình phạt hay thoả thuận với Nhà nước về mức hình phạt. Quan hệ giữa Nhà nước và người phạm tội là quan hệ gần như một chiều, người phạm tội phải luôn tuyệt đối tuân theo những quyết định của Nhà nước.

Nội dung tóm tắt:

Xuất phát từ chức năng điều chỉnh và địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật này, luật hình sự sử dụng phương pháp quyền uy – phương pháp sử dụng quyền lực Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ pháp luật hình sự. Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người phạm tội không bị cản trở hay phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Người phạm tội phải phục tùng những biện pháp mà Nhà nước đã áp dụng với họ. Trách nhiệm của người phạm tội về tội phạm mà họ đã gây ra là trách nhiệm đối với Nhà nước chứ không phải trách nhiệm đối với người bị hại hay trách nhiệm đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

>>> Xem thêm: Khái niệm, cấu tạo và hiệu lực của đạo luật hình sự Việt Nam

Câu hỏi ôn tập:

  1. Luật hình sự là gì?

  2. Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự là gì?

  3. Phương điều chỉnh của Luật hình sự là gì?


Các tìm kiếm liên quan đến Luật Hình sự là một ngành luật độc lập, chứng minh luật dân sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật việt nam, ngành luật độc lập là gì, ngành luật hình sự là gì, đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng hình sự, vai trò của luật hình sự, đặc điểm quan hệ pháp luật hình sự, bộ luật hình sự là gì, các nguyên tắc của luật hình sự

5/5 - (12049 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền