Các bước định tội danh trong một vụ án cụ thể

Chuyên mụcĐịnh tội danh và quyết định hình phạt, Luật hình sự dinh-toi-danh

Định tội danh là cơ sở và là tiền đề cho hoạt động quyết định hình phạt. Đó là quá trình xác định sự giống nhau, sự trùng lặp giữa các tình tiết cơ bản, điển hình của một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra với các dấu hiệu của CTTP cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Nói cách khác, đó là sự xác định hành vi của một người thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP nào trong Bộ luật hình sự. Vì thế, để định tội chính xác, người định tội cần xác định đầy đủ các tình tiết đã xảy ra liên quan đến vụ án. Ngoài ra, họ cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, chính xác pháp luật hình sự – cấu thành tội phạm.

Các bước định tội danh

Quá trình định tội danh là một quá trình hoạt động tư duy phức tạp. Hoạt động định tội danh cần được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Tóm tắt và phân tích hành vi của người phạm tội trong vụ án

Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, người tiến hành tố tụng cần tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong vụ án. Việc làm này giúp Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cũng như Hội thẩm nhân dân nắm được tất cả các hành vi của bị can, các tình tiết của vụ án. Đồng thời, việc tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong bước này giúp cho việc kiểm tra, đánh giá về mặt hình sự những bước sau không bị lệch hướng. Trong một vụ án hình sự, có rất nhiều tình tiết khác nhau, trong đó không phải tình tiết nào cũng có giá trị trong việc định tội. Khi tiến hành tóm tắt và phân tích vụ án, người thực hiện sẽ có thể phát hiện ra những điểm mấu chốt giúp cho việc giải quyết vụ án một cách mau chóng, chính xác và có hiệu quả. Nếu vụ án có những điểm khác nhau cần kiểm tra thì quá trình tóm tắt và phân tích sẽ làm rõ mối liên hệ giữa chúng.

Những nội dung liên quan:

Cần chú ý, để đạt được sự chính xác và có hiệu quả, người thực hiện việc tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong vụ án cần đảm bảo các yêu cầu sau:

– Nghiên cứu kỹ, đọc nhiều lần hồ sơ vụ án để tóm tắt đúng và không bỏ sót tình tiết vụ án;

– Không nên nhắc lại sự việc một cách máy móc, đơn điệu mà phải tóm lược được những hành vi, những tình tiết có ý nghĩa cho việc định tội;

– Không được có những bổ sung hoặc thay đổi các tình tiết của vụ án, không được đánh giá chủ quan về mặt pháp lý các tình tiết đó;

Bước 2: Xác định khách thể loại của hành vi xâm hại mà bị can đã thực hiện và các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra

Dựa vào kết quả tóm tắt và phân tích hành vi bị can, người tiến hành tố tụng phải rút ra kết luận rằng có quan hệ pháp luật hình sự phát sinh không (có tội phạm xảy ra không). Nếu có, công việc tiếp theo là xác định khách thể loại của tội phạm. Tức là xác định quan hệ xã hội nào được Luật hình sự bảo vệ bị hành vi đó của bị can xâm hại. Cơ sở cho việc xác định khách thể loại là các chương của phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Những tội phạm được xếp trong cùng một chương đều có cùng khách thể loại. Sau đó, nhiệm vụ tiếp theo là lựa chọn các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra. Quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra là những quy định nằm ở phần các tội phạm Bộ luật hình sự (thuộc chương đã được xác định sau khi đã xác định được khách thể loại).

Bước 3: Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự (CTTP cụ thể) trong mối liên hệ với từng hành vi của bị can trong vụ án

Đây là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình làm việc của người tiến hành tố tụng. Thực chất của bước này là định tội và định khung hình phạt cho hành vi phạm tội đó.

a. Những vấn đề có tính nguyên tắc khi tiến hành kiểm tra:

– Quá trình kiểm tra, so sánh, đối chiếu được tiến hành với từng hành vi mà chủ thể đã thực hiện. Hành vi nào nguy hiểm nhất được kiểm tra trước. Lưu ý, cần xem xét hành vi trong thực tế có chứa đựng đầy đủ các yếu tố của CTTP tương ứng không. Chỉ khi có sự đồng nhất giữa chúng thì trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi đó mới được đặt ra. Sự đồng nhất này là khách quan, dứt khoát chứ không phải là sự suy đoán, biểu lộ ý chí chủ quan của cá nhân (theo quan điểm tôi, giả định rằng…).

– Nếu vụ án có nhiều người tham gia (đồng phạm), kiểm tra hành vi của người thực hành. Sau đó, kiểm tra hành vi những người còn lại.

– Kiểm tra, đối chiếu từng CTTP. Kiểm tra CTTP cơ bản trước, sau đó mới đến CTTP tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

– Đối với mỗi CTTP cần lần lượt kiểm tra từng dấu hiệu mô tả trong CTTP đó. Nếu có nhiều dạng hành vi thì kiểm tra dạng hành vi được mô tả trong CTTP gần với hành vi
được thực hiện trong vụ án. Nếu các dạng hành vi khác nhau trong CTTP không có mối liên hệ với hành vi xảy ra trong vụ án thì không cần kiểm tra.

 

cac-yeu-to-cau-thanh-toi-pham
Các yếu tố cấu thành tội phạm

b. Việc kiểm ra quy phạm pháp luật hình sự dựa vào các yếu tố CTTP được tiến hành lần lượt từ khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm.

b1. Kiểm tra khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Mỗi tội phạm có thể xâm hại tới nhiều quan hệ xã hội nhưng chỉ có các quan hệ được Luật hình sự bảo vệ mới là khách thể của tội phạm. Ở giai đoạn trước ta đã xác định khách thể loại, giai đoạn này cần xác định khách thể trực tiếp của tội phạm, một yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể. Những tội phạm có cùng khách thể trực tiếp được xếp liền kề trong cùng một chương (tội phạm trong cùng một chương có cùng khách thể loại). Vì thế, khách thể trực tiếp luôn nằm trong khách thể loại. Việc xác định khách thể trực tiếp không phải lúc nào cũng dễ bởi vì rất có thể một tội phạm xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội khác nhau (khác nhau về khách thể trực tiếp). Trường hợp đó, chúng ta cần xác định khách thể trực tiếp cơ bản có ý nghĩa quyết định để định tội. Để xác định khách thể trực tiếp cơ bản cần trả lời các câu hỏi: (1) trong nhóm các quan hệ xã hội bị xâm hại, quan hệ xã hội nào là quan trọng hơn cả; (2) thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội nào nghiêm trọng hơn; (3) quan hệ xã hội nào luôn phải chịu thiệt hại do hành vi nguy hiểm đó gây ra; (4) quan hệ xã hội nào phản ánh đầy đủ bản chất chính trị xã hội và pháp lý của hành vi nguy hiểm cho xã hội trong vụ án…v.v…

Nhìn chung, việc định tội là căn cứ vào khách thể. Đối tượng tác động có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đối tượng tác động được quy định là yếu tố định tội. Khi đó, chúng ta cần kiểm tra cả đối tượng tác động với tư cách là một bộ phận của khách thể để định tội.

b2. Kiểm tra mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm. Trong quy phạm pháp luật hình sự, mặt khách quan được mô tả một cách rõ ràng hơn so với các yếu tố khác. Mặt khách quan có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định CTTP để định tội. Thông qua nó, chúng ta có thể phân biệt CTTP này với CTTP khác. Và cũng thông qua đó, chúng ta có thể xác định được mặt chủ quan của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm có 3 yếu tố bắt buộc cấu thành là: hành vi khách quan, hậu quả của hành vi khách quan và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Việc xác định hành vi khách quan có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc định tội.

Việc mô tả hành vi khách quan trong quy phạm pháp luật hình sự không giống nhau trong những trường hợp khác nhau. Có khi mô tả tỉ mỉ hành vi (như cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự 2015), hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật hình sự)…), có khi hành vi được ẩn trong tên tội danh (như trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự)…), cũng có khi hành vi được mô tả thông qua sự viện dẫn bởi một hành vi khác (như hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 Bộ luật hình sự) được viện dẫn thông qua hành vi hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật hình sự). Hành vi cũng có thể được biểu hiện qua không hành động (như che giấu tội phạm (Điều 389 Bộ luật hình sự), không tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật hình sự)…)…v.v…. Người định tội cần xác định hành vi và các biểu hiện của nó, xác định được mô hình hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, trong quá trình định tội đối với các tội phạm có CTTP vật chất, người định tội cũng cần phải làm sáng tỏ hậu quả của hành vi khách quan và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của hành vi đó. Cuối cùng, trong quá trình kiểm tra để định tội, chúng ta phải lưu ý đến các dấu hiệu khác trong mặt khách quan như công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm… phạm tội nếu CTTP có nêu.

Tóm lại, trong bước kiểm tra mặt khách quan của tội phạm, người định tội phải làm sáng tỏ các dấu hiệu khách quan trong CTTP và so sánh, đối chiếu với các dấu hiệu khách quan tương ứng với những dấu hiệu đã xảy ra trong vụ án cụ thể. Nếu vụ án thiếu một trong những dấu hiệu khách quan được quy định trong CTTP thì không được kết luận tuỳ tiện.

b3. Kiểm tra chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là cá nhân, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự (NLTNHS) (xem xét theo Điều 13 Bộ luật hình sự và đạt độ tuổi chịu TNHS theo Điều 12 Bộ luật hình sự). Kiểm tra chủ thể cần kiểm tra ba vấn đề:

  • (1) có phải chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự hay không;
  • (2) chủ thể đó có năng lực TNHS không;
  • (3) chủ thể đó đã đạt tuổi chịu TNHS chưa. Đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt, chúng ta phải xem xét những đặc điểm đặc thù của chủ thể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thiết xem xét các dấu hiệu thuộc về nhân thân nhằm góp phần có hiệu quả trong việc thực hiện cá thể hoá TNHS và hình phạt.
b4. Kiểm tra mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm là một thể thống nhất giữa các mặt khách quan và chủ quan. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Nếu kiểm tra mà không thấy có sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan thì không thể định tội theo quy phạm pháp luật hình sự đang kiểm tra.

Trong CTTP, lỗi được quy định rất khác nhau. Nếu điều luật quy định rõ hình thức lỗi trong CTTP thì khi định tội chỉ cần xác định thái độ tâm lý của chủ thể đối với hành vi và hậu quả, sau đó so sánh, đối chiếu với hình thức lỗi trong CTTP. Ví dụ, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự), vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình)… Tuy nhiên, đa số các trường hợp, điều luật không nêu rõ hình thức lỗi trong CTTP cụ thể. Khi đó, người định tội phải phân tích nội dung chủ quan của CTTP để xác định tội phạm được thực hiện bằng hình thức lỗi gì. Sau đó, so sánh, đối chiếu với thái độ tâm lý của chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong vụ án cụ thể để kết luận có hay không sự đồng nhất giữa hình thức lỗi được quy định trong CTTP và lỗi của chủ thể thực hiện hành vi trong vụ án.

Động cơ và mục đích phạm tội thường không được xem là dấu hiệu bắt buộc trong một CTTP cụ thể. Trong một số trường hợp, chúng được quy định trong CTTP thì trở thành dấu hiệu bắt buộc. Chẳng hạn, hành vi báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu “mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”.

>>> Xem thêm: Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm – Lấy ví dụ minh họa

Việc kiểm tra các yếu tố CTTP cần được tiến hành lần lượt theo các yếu tố CTTP. Nếu có một dấu hiệu không thỏa mãn thì CTTP đó được dừng lại và CTTP khác được tiếp tục kiểm tra. Chỉ khi cả bốn yếu tố CTTP được thỏa mãn đồng thời thì việc định tội mới được xem như là thành công.

Bước 4. Kết luận cuối cùng

Kết quả của quá trình kiểm tra bốn yếu tố CTTP trên được tóm tắt thành kết luận cuối cùng đối với từng bị can trong vụ án. Nội dung kết luận có thể là:

  • (1) Hành vi của bị can có chứa đựng đủ yếu tố của CTTP không;
  • (2) Tội gì;
  • (3) Thuộc khoản nào;
  • (4) Các điều luật viện dẫn là điều luật nào trong Bộ luật hình sự …v.v…

[Download] Tài liệu hướng dẫn cách định tội danh

Download tài liệu về máy

[PDF] Tài liệu hướng dẫn cách định tội danh

Nếu quá trình download tài liệu bị gián đoạn do đường truyền không ổn định, vui lòng để lại Email nhận tài liệu Các bước định tội danh ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!

Các tìm kiếm liên quan đến Phương pháp định tội trong một vụ án cụ thể, cách làm bài tập xác định tội danh, định tội danh trong luật hình sự, định tội danh là gì, bài tập lý luận định tội danh, định tội danh và quyết định hình phạt, phương pháp định tội danh trong đồng phạm, sách định tội danh, bai tap ve dinh toi danh

Định tội danh chính là gì?

Định tội danh chính là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự nhằm xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được pháp luật hình sự quy định.

Tóm tắt các bước định tội danh?

[Hocluat.vn] Tóm tắt các bước định tội danh:
– Bước 1: Tóm tắt và phân tích hành vi của người phạm tội trong vụ án
– Bước 2: Xác định khách thể loại của hành vi xâm hại mà bị can đã thực hiện và các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra
– Bước 3: Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự (CTTP cụ thể) trong mối liên hệ với từng hành vi của bị can trong vụ án
+ Những vấn đề có tính nguyên tắc khi tiến hành kiểm tra:
+ Việc kiểm ra quy phạm pháp luật hình sự dựa vào các yếu tố CTTP được tiến hành lần lượt từ khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm.
* Kiểm tra khách thể của tội phạm:
* Kiểm tra mặt khách quan của tội phạm:
* Kiểm tra chủ thể của tội phạm:
* Kiểm tra mặt chủ quan của tội phạm:
– Bước 4. Kết luận cuối cùng

4.8/5 - (28057 bình chọn)

Phản hồi

  1. Tôi thấy bài viết này rất hữu ích, rất mong ban quản trị cho tôi xin tập “Tài liệu hướng dẫn cách định tội danh” này. Cám ơn ban quản trị luathoc.vn rất nhiều.

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền