04 tài nguyên cần tích lũy khi trở thành sinh viên luật

Chuyên mụcCafe Dân Luật Tân sinh viên luật
Ảnh minh họa - Nguồn: CLB Luật Gia Trẻ - Khoa luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

04 tài nguyên cần tích lũy khi trở thành sinh viên luật” là tựa đề bài viết mà bạn Lily Trương (fb.com/linhhkhanhtruong) đã chia sẻ trong Group K46 – Trường Đại học Luật Hà Nội vào ngày 10 tháng 10 năm 2021. Một bài viết rất hữu ích, mình xin chia sẻ lại để các bạn tham khảo!

>>> Xem thêm: Tổng hợp những cuốn sách hay mà dân luật nên đọc

Tại sao các em lại có mặt ở đây?

Tại sao? Tại sao lại là ngôi trường này mà không phải ngôi trường khác?

Các em chờ đợi điều gì ở ngôi trường này?

>>> Xem thêm: Nói thẳng với sinh viên năm nhất

04 tài nguyên cần tích lũy khi trở thành sinh viên luật

01. Có nhiều em học sinh nhắn tin hỏi tôi: “Chị ơi, em sắp vào đại học rồi, em muốn xin một chút kinh nghiệm khi bước vào môi trường mới, chị có bí kíp gì có thể chia sẻ với em được không?”. Con người ta thật kì lạ, thứ gọi là “bí kíp” có vẻ là một danh từ mĩ miều khiến chúng ta lầm tưởng rằng có một lối tắt để đi đến thành công. Bí kíp làm giàu, bí kíp ôn thi thần tốc, bí kíp đạt điểm 10 chỉ trong 01 tuần,…những cuốn sách tham khảo ôn thi đã đánh trúng tâm lí của học sinh khiến ai cũng mơ tưởng rằng mình chỉ cần nắm được “bí kíp” là có thể đạt được ước mơ của mình. Dục tốc bất đạt. Khi lượng đủ, chất sẽ sinh. Quy luật này có thể ai cũng biết nhưng có mấy ai thực hiện được những điều đơn giản này. Bạn muốn có hình thể cân đối nhưng bạn không muốn luyện tập, không muốn ăn kiêng, bạn chỉ muốn giảm cân thần tốc nhờ những chế độ ăn uống thiếu khoa học. Bạn muốn đạt điểm cao nhưng lại không muốn đọc sách, nghiên cứu, giải đề, bạn chỉ muốn học những mẹo làm bài, cốt làm sao để ra kết quả nhanh nhất. Nếu bạn trồng giá đỗ, bạn chỉ cần một ngày để thu hoạch, giá đỗ có giá thành rẻ và rất dễ hỏng nếu chúng ta không chế biến ngay. Nếu bạn trồng cây lâu năm như gỗ xoan, hương trầm, bạn sẽ mất hằng năm thậm chí hằng chục năm nhưng thành quả lại tương xứng với công sức bạn gieo trồng và chăm sóc.

02. Bạn tôi từng nói: “Đại học là quãng thời gian đẹp nhất thời tuổi trẻ”. Câu trả lời của tôi là còn tùy. Tùy vào cách bạn sử dụng thời gian như thế nào? Câu hỏi nào khiến bạn trăn trở khi đến lớp? Mục tiêu 05, 10 năm nữa của bạn ra sao?. Tôi vẫn nhớ thầy giáo dạy Luật của tôi trong buổi học đầu tiên, thầy không dạy bài gì cả mà chỉ hỏi cả lớp tôi một câu trong suốt 90 phút:

Tại sao các em lại có mặt ở đây?

Tại sao? Tại sao lại là ngôi trường này mà không phải ngôi trường khác?

Các em chờ đợi điều gì ở ngôi trường này?

Chúng ta có đang lựa chọn theo cảm tính mà không hiểu được lí do thực sự khi đưa ra lựa chọn cho cuộc đời mình.

Nếu bạn đến trường đại học chỉ để thoát khỏi chiếc lồng kìm kẹp của bố mẹ và cho rằng “Từ này tôi đã trở thành một con người tự do, cuối cùng tôi cũng đã được làm chủ cuộc đời tôi và làm những gì tôi muốn”. thì xin lỗi, có thể bạn đang rơi vào một chiếc lồng lớn hơn của sự lười biếng và không thể kiểm soát bản thân mình. Hai chữ “tự do” mà bạn ảo tưởng rằng mình sẽ ở nhà một mình, thích làm gì thì làm, có thể về khuya mà không ai mắng, có thể thoái mái theo đuổi những đam mê…Hiểu trên một góc độ tích cực, điều đó đúng. Khi không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ sự kiểm soát của bố mẹ, chúng ta có thể sống thật với cá tính của bản thân và nuôi dưỡng sự khác biệt trong mình. Nhưng có một cái bẫy luôn chờ đợi chúng ta phía trước, làm chủ đồng nghĩa với sự buông thả, nếu bạn không có một tinh thần kỉ luật bản thân.

>>> Xem thêm: Đừng thi vào trường luật nếu…

03. Đã bao lần bạn đến lớp trong tình trạng này: vật vờ cả ngày vì thiếu ngủ, chữ thầy giả thầy vì mắt bạn cứ díu lại không thể mở ra, bạn trách bản thân mình biết thế hôm qua không chat với bạn hay lướt insta nữa, chưa kể những đêm sát giờ deadline, bạn thức đến 04, 05 giờ sáng để 07 giờ vội vào lớp thuyết trình. Bạn chán ngán những bài giảng khô khan nhưng vẫn phải cố gắng có mặt điểm danh để không bị cấm thi và trừ điểm chuyên cần cuối khóa. Bạn mở lap ra định gõ một vài dòng trên bảng nhưng rồi lại lỡ tay nhấn chuột vào facebook… Bạn ngồi đó, mái tóc rối bù chưa kịp chải, tâm hồn đang lơ lửng trên face, chưa kịp hiểu thầy đang nói gì thì tiếng trống hết giờ vang lên. Một ngày học kết thúc. Mỗi ngày tạo nên một đời, thanh xuân của bạn sẽ dần trôi qua bởi những ngày làm việc không có mục tiêu và sinh khí.

04. Để tránh khỏi tình trạng đó, tôi đã đề ra chiến lược để tích lũy 04 tài nguyên. Tôi để cụm từ “trên giảng đường đại học” trong ngoặc vì tôi tin rằng ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống, chúng ta cũng cần tích lũy đủ bốn tài nguyên này:

Một, kiến thức

Kiến thức ở đây tôi phân loại thành kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội. Kiến thức là phần cứng của chiếc máy tính. Kiến thức sẽ luôn lỗi thời nếu chúng ta không thường xuyên cập nhật, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau. Ở trường Luật, những gì tôi học ở năm nhất, đến năm ba có thể được sửa đổi bổ sung hoặc loại bỏ. Nếu không để ý thì rất có thể tôi sẽ sử dụng những văn bản đã hết hiệu lực pháp luật để giải quyết những vụ việc trước mắt.

>>> Xem thêm: 05 thói quen cần có của một sinh viên luật

Tôi đọc sách nhiều thể loại và đa lĩnh vực để có sự hiểu biết trên nhiều phương diện khác nhau. Bạn học Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản mà lại không biết một doanh nghiệp vận hành như thế nào? Họ gặp khó khăn ra sao? Làm sao để giải quyết rủi ro giữa các cổ đông? … Kiến thức xã hội cũng là một cánh tay đắc lực để giúp tôi có thể mở rộng góc nhìn của mình thay vì bó hẹp trong chiếc giếng làng của sự hiểu biết. Tôi thường hay nhớ đến hình ảnh : Khi ra trận, chúng ta cầm trong tay khiên chắn và thanh kiếm. Thanh kiếm sắc nhọn thể hiện cho chiều sâu (nghĩa là kiến thức chuyên môn), còn khiên chắn vững chãi là bề rộng (tượng trưng cho kiến thức xã hội hiểu biết).

Hai, kĩ năng

Trong cuốn sách “Mở cửa tương lai” của tác giả Nguyễn Phi Vân, khi chia sẻ về bộ kĩ năng sinh tồn trong thời đại mới, cô có đề cập đến nhóm kĩ năng xã hội và cảm xúc (Social and emotional skills), mà theo quan điểm cá nhân tôi, Trí tuệ cảm xúc trong công việc (emotional intelligence at work) là kĩ năng quan trọng nhất. AI và sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 đã khiến máy móc và robot dần dần thay thế vị trí của con người trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, trong thời đại tự động hóa, Trí tuệ cảm xúc EI (Emotional Intelligence) ngày càng được đề cao và chú trọng.

EI bao gồm 04 bộ cơ bản như sau:

01. Nhận thức bản thân: self-awareness

02. Quản trị bản thân: self-management

03. Nhận thức xã hội: social-awareness

04. Quản trị các mối quan hệ: relationship management.

Nếu quan tâm, bạn có thể tìm đọc review mà mình đã viết về cuốn sách này nhé!

Hãy nhớ, kĩ năng chỉ có thể là của bạn khi được ứng dụng vào thực tiễn trong từng lời ăn tiếng nói và thái độ của bạn trong đời sống hằng ngày. Đừng đọc thật nhiều và vứt xó cũng thật nhiều. Kĩ năng chỉ có ý nghĩa khi nó giúp bạn tạo ra thành quả thực sự, đó là những sản phẩm tốt, những bài viết hay, bất cứ thứ gì được kết tinh bằng tâm huyết và sự khiêm nhường học hỏi của bạn.

Ba, kinh nghiệm

Đây là lúc bạn lục tìm trong trí nhớ những khoảnh khắc thất bại, khổ đau, thậm chí là bế tắc trong cuộc đời mình. Mình hay nói vui rằng: “Kinh nghiệm là gì?”, “ Đó là nghiệm lại mà thấy kinh”. Nhưng bạn có hối hận không khi mình đã dám sai và dám thử? Bạn có thể lùi một bước vì thất bại, tiến một bước để thành công, nhưng thà lùi bước còn hơn là đứng yên một chỗ. Bởi khi bạn đứng yên, đồng nghĩa với việc: bạn chẳng làm gì cả.

Tôi đã từng kiểm tra hợp đồng không kĩ, bị sếp mắng, tủi thân rồi khóc mất mấy ngày, tôi đã từng không thể hoàn thành KPI, tôi đã từng sơ suất nên không thể chuẩn bị tốt cho buổi thuyết trình,…Tôi lớn lên từ những sai lầm. Kinh nghiệm chính là món quà quý giá để tôi bán đi những giọt nước mắt. Và hơn ai hết, tôi hiểu rằng, để biến nước mắt đau khổ hôm nay trở thành giọt nước mắt hạnh phúc của ngày mai, không có cách nào khác ngoài việc tôi phải tiến bộ hơn mỗi ngày.

Bốn, các mối quan hệ trong cuộc sống.

Doanh nhân người Mỹ Harvay Mackay đã từng nói: “Cuộc đời chúng ta thay đổi theo hai cách, qua những người ta gặp và những quyển sách ta đọc”. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác,…có những mối quan hệ không phải lúc nào chúng ta cũng cần đến nhưng trong một số giai đoạn quan trọng, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của họ. Không ít thì nhiều.

Ngay từ năm nhất, tôi đã chủ động tham gia các dự án kinh doanh bên ngoài trường, trải qua gần 04 năm, làm việc với 03 công ty đối tác, trong đó có hai công ty là tập đoàn đa quốc gia, một là công ty nội địa. Tôi đảm nhận các vị trí khác nhau, từ sale đến marketing, từ đào tạo đến viết content, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc thấu hiểu đồng đội của mình, tôn trọng sự khác biệt và ra quyết định cuối cùng để dẫn dắt team mình đạt được mục tiêu định sẵn.

Và sau đây là một số cách để tôi đã áp dụng để mở rộng mối quan hệ của mình khi ngồi trên ghế nhà trường:

+ Tham gia các workshop, tọa đàm về những chủ đề khác nhau, nơi đây bạn sẽ được gặp gỡ và lắng nghe từ các thầy cô, các chuyên gia và học hỏi từ những bậc tiền bối đi trước.

+ Tham gia cộng đồng online chất lượng. Bản thân tôi không học hỏi được nhiều khi tham gia các câu lạc bộ ở trường nên tôi chủ động tìm kiếm các môi trường online với những anh chị có chung hệ tiêu chí và sở thích với mình. Ví dụ như cộng đồng viết và chia sẻ Spiderum, trang web khoa học như Monster Box với những bài viết chất lượng, Ted Talks cũng là một kênh để tôi học hỏi và mở mang kiến thức. Khi bạn đã xây dựng được mối quan hệ online, bạn hoàn toàn có thể hẹn gặp những người bạn ảo ngoài đời thực. Tôi đã từng hẹn gặp café và có những giây phút thú vị cùng những người bạn tham gia cộng đồng viết lách. Chúng tôi kể cho nhau những câu chuyện, những chia sẻ và khó khăn lúc ban đầu…tôi cảm thấy mình không hề cô đơn vì có rất nhiều những người trẻ như tôi, họ sống có lí tưởng và trăn trở nhiều điều về cuộc sống. Với chuyên ngành luật học, tôi cũng tham gia nhiều hội nhóm trên facebook về luật đặc biệt là cộng đồng luật sở hữu trí tuệ, cafe dân luật, hỏi đáp pháp luật…

>>> Xem thêm: [Chia sẻ kinh nghiệm học luật] Sinh viên luật cần gì?

+ Chủ động tìm kiếm mentor: Có một người thầy dẫn dắt trong khoảng thời gian bước chân vào quãng đời đi làm, đi học, chính là một điểm cộng lớn giúp bạn rút ngắn thời gian, công sức để tự học hỏi từ những sai lầm. Hãy chủ động làm quen và bày tỏ thiện chí rồi bạn sẽ gặp được người thầy đúng nghĩa của mình. Tôi sẽ chia sẻ về điều này chi tiết hơn trong một bài viết khác “Làm sao để tìm kiếm mentor?”

Trên đây là những chia sẻ và gợi ý từ những trải nghiệm của cá nhân tôi. Đừng gượng ép bản thân theo những lời khuyên nếu bạn cảm thấy những điều mà tôi chia sẻ là không hợp lý. Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà, mỗi cảnh. Biết đâu góc nhìn của tôi có thể giúp cho một ai đó tìm ra lối thoát trong mê cung tuổi trẻ lạc lối của mình.

04 tài nguyên cần tích lũy khi trở thành sinh viên luật

Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/k46hlu/posts/920366098899744/

Các bạn hãy kết nối, ủng hộ cũng như theo dõi nhiều bài viết thú vị, hữu ích hơn nữa về chủ đề “kinh nghiệm học đại học” từ bạn Lily Trương bằng cách thường xuyên ghé thăm những nền tảng sau:

– Facebook: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/
– Page: https://www.facebook.com/lilytruongnguoigochu/
– Blog: https://lilytruongg.com/

 
5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền