Bản luận cứ bào chữa cho bị cáo về “Tội buôn bán hàng giả”

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Mẫu đơn, Thảo luận pháp luật Bài luận cứ bào chữa của luật sư trong vụ án hình sự

Bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Vũ Việt Cường về “Tội buôn bán hàng giả là giống cây trồng” của Luật sư Bùi Thế Vinh tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

 

Những nội dung liên quan:

 

Bản luận cứ bào chữa Tội buôn bán hàng giả

LUẬN CỨ CỦA LUẬT SƯ
Bào chữa cho bị cáo Vũ Việt Cường
Tại phiên tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội
(Ngày 14 tháng 02 năm 2019)

– Kính thưa Hội đồng xét xử;

– Thưa vị đại diện Viện kiểm sát;

– Thưa toàn thể quý vị có mặt tại phiên tòa hôm nay.

Tôi là Luật sư Bùi Thế Vinh, Trưởng VPLS Thái Minh / Đoàn luật sư tp Hà Nội. Tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay, để bào chữa cho bị cáo Vũ Việt Cường, (người đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội Buôn bán hàng giả là giống cây trồng). Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Cường đã kháng cáo kêu oan và hôm nay vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm.

Kính thưa Hội đồng xét xử.

Tôi tham gia vụ án từ giai đoạn sơ thẩm, qua nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án và theo dõi diễn biến trong quá trình giải quyết vụ án. Tôi cho rằng, Bản án hình sự sơ thẩm số 198/2018/HSST ngày 04/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra những nhận định không khách quan về nội dung vụ án, sự thật của vụ án chưa được làm sáng tỏ và có dấu hiệu sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Dẫn đến việc không xác định được đâu là hàng giả và đâu không phải là hàng giả; đâu là hành vi phạm tội và đâu không phải là hành vi phạm tội. Mặc dù vậy, bản án sơ thẩm vẫn tuyên phạt bị cáo Vũ Việt Cường 15 tháng tù giam về tội “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng”; Tuyên án như vậy là không khách quan, không công bằng và có dấu hiệu làm oan người vô tội. Tôi xin trình bày các nội dung như sau:

Nội dung thứ nhất:

Trước hết, cần phải khẳng định rằng: “Lô hàng 24.010 kg ngô hạt trong vụ án này là sản phẩm của Hợp đồng sản xuất gia công hạt giống ngô lai LVN885 số 24/ HĐ- SXHG ngày 09/9/2014 do Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ngô thuộc Viện nghiên cứu Ngô ký với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Trung, Hoằng Hóa, Thanh Hóa” (Bút lục số 98 trong hồ sơ vụ án ).

Bởi vậy, Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ngô là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của lô hàng 24.010 kg ngô hạt này; Việc ký thanh lý hợp đồng này cũng do Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngô trực tiếp ký với đối tác (Bút lục số 215 trong hồ sơ vụ án).

Ông Vũ Việt Cường chỉ là cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm thực hiện một số công việc mà Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngô giao cho, trong đó có việc ông Cường được giao bán lô hàng 24.010 kg ngô hạt để lấy tiền trang trải chi phí sản xuất.

Nội dung thứ hai:

Tại trang 11 Bản án sơ thẩm, mục [2] phần nhận định của tòa án có ghi: “ Vũ Việt Cường ký hợp đồng bán cho Bùi Duy Hòa 24.010 kg ngô với nhãn mác là ngô giống LVN 885…”.

Nhận định như vậy là không khách quan bởi lẽ: Bản kết luận điều tra số 22/KLĐT-PC46-Đ10 ngày 22/12/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra/ Công an thành phố Hà Nội, đã xác định “Bị can Cường bán cho Bùi Duy Hòa ở dạng hạt rời (đóng bao bì 50kg/1bao) chưa có nhãn mác”.

Cũng theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, tại thời điểm giao dịch mua bán giữa Vũ Việt Cường với Bùi Duy Hòa lô hàng 24.010 kg ngô hạt được xuất từ trong kho của Viện nghiên cứu Ngô để giao ngay cho lái xe của Bùi Duy Hòa.

Sau khi mua bán xong, Bùi Duy Hòa cùng một số đối tượng khác tổ chức chế biến, nhuộm màu tại Nhà máy Chế biến giống cây trồng Hà Nội và đóng gói, in ấn nhãn mác giả ngô giống LVN 885 tại Đền Đô/ Bắc Ninh từ cuối tháng 9/ 2015 đến tháng 12/ 2015, đấy là những hành vi sản xuất hàng giả. “Nhưng trong suốt quá trình Bùi Duy Hòa thực hiện hành vi phạm tội thì Vũ Việt Cường không hay biết, không bàn bạc, không tham gia và không hưởng lợi”.

Như vậy, trong vụ án này nhãn mác giả các bao ngô giống LVN 885 với tổng khối lượng 24.010 kg ngô hạt chỉ được hình thành từ thời điểm sau khi Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa. Vì vậy Vũ Việt Cường không phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội mà Bùi Duy Hòa đã thực hiện. Ông Cường càng không thể là đồng phạm của bị cáo Bùi Duy Hòa.

Nội dung thứ ba:

Tại trang 13 Bản án sơ thẩm tại (mục [2] phần nhận định của tòa án) có ghi: “Lô hàng 24.010 kg ngô hạt mà Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa là ngô giả về chất lượng”. Tôi cho rằng, nhận định như vậy là không có căn cứ, bởi lẽ:

a/ Theo các kết quả kiểm nghiệm trong quá trình điều tra (có trong hồ sơ vụ án):

– Lần kiểm nghiệm thứ nhất: Phiếu kiểm nghiệm mẫu hạt giống số QL: 2815257 của Phòng kiểm nghiệm chất lượng hạt giống lập ngày 03/12/2015 (Bút lục số 160) đã kết luận: “Lô hàng 24.010 kg ngô hạt có độ sạch 99,9 %; số hạt nẩy mầm bình thường đạt 95 %; độ ẩm đạt 10,2%. Các chỉ tiêu kiểm nghiệm phù hợp so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-53: 2011/BNNPTNT”;

– Lần kiểm nghiệm thứ hai: Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu hạt giống (Mã số thử nghiệm B380- 2016) của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia lập ngày 04/01/2017 (Bút lục số 484) đã kết luận: “Độ sạch đạt 100 %; số hạt nẩy mầm bình thường đạt 97 %; Các chỉ tiêu, độ sạch, nẩy mầm phù hợp so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-53: 2011/BNNPTNT”.

b/ Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hạt giống ngô lai ký hiệu: “QCVN 01-53: 2011/BNNPTNN” ban hành kèm theo Thông tư 45/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2011 của Bộ NN &PT nông thôn, xác định chất lượng hạt giống ngô lai phải đảm bảo các chỉ tiêu như sau:

– Độ sạch, không nhỏ hơn: 99 %;

– Tỷ lệ hạt nẩy mầm, không nhỏ hơn: 85%;

– Độ ẩm, không lớn hơn: 11,5 %

Như vậy, lô hàng 24.010 kg ngô hạt mà Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa là hoàn toàn đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng hạt giống ngô lai theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

c/ Bản án sơ thẩm có viện dẫn quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của Bộ thương mại, Bộ tài chính, Bộ công an và Bộ khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Tuy vậy, Bản án sơ thẩm không dẫn chiếu điều khoản cụ thể nào của văn bản này để chứng minh cho nhận định của mình.

Tôi cho rằng việc Hội đồng xét xử sở thẩm viện dẫn văn bản pháp luật để áp dụng nhưng không dẫn chiếu được điều khoản cụ thể nào của văn bản, việc áp dụng pháp luật như vậy là không đầy đủ, không chính xác và có dấu hiệu nhầm lẫn giữa khái niệm HÀNG GIẢ và khái niệm HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG.

Bởi lẽ, theo quy định tại phần III Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 thì hàng giả về chất lượng có tỷ lệ tạp chất được quy định như sau: “Hàng hoá đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng”. Như vậy, theo quy định này, nếu như hàng hóa (24.010kg ngô) bị đưa thêm tạp chất không được phép sử dụng dẫn đến làm thay đổi chất lượng thì mới coi là hàng giả. Căn cứ tài liệu có trong vụ án thì lô hàng 24.010kg ngô hạt mà Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa không có thành phần tạp chất không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng hàng hóa.

Mặt khác, Cũng tại trang 13 Bản án sơ thẩm cũng viện dẫn quy định tại điểm a Điều 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ để làm căn cứ xác định lô hàng 24.010 kg ngô hạt tại thời điểm Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa là hàng giả. Tôi cho rằng, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, toàn bộ Điều 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP không quy định về hàng giả mà chỉ quy định về: “Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề”.

Tôi cho rằng, khái niệm HÀNG GIẢ phải được xem xét theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP. Theo đó hàng giả được chia làm 3 loại như sau:

– Hàng giả về nội dung: là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng. Đây là loại hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng bản chất tự nhiên tên gọi và công dụng của loại hàng hóa đó. Điểm b/ Khoản 8/ Điều 3 của Nghị định 185/2013-NĐ-CP quy định: “Hàng giả là loại hàng hóa có đặc tính kỹ thuật cơ bản chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký…”

– Hàng giả về hình thức: Là hàng giả mạo về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác.

– Hàng giả cả về nội dung và hình thức: Là hàng giả có đủ cả 2 nội dung trên.

*Đối chiếu những quy định của pháp luật, có đầy đủ căn cứ để xác định lô hàng 24.010 kg ngô hạt tại thời điểm Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa, không bị coi là hàng giả.

Bởi lẽ:

– Như tôi đã phân tích ở trên: “Tại thời điểm Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa, lô hàng 24.010 kg ngô hạt không bị làm giả về nhãn hàng hóa; không bị làm giả về kiểu dáng công nghiệp; không bị giả mạo về nguồn gốc xuất xứ; không bị giả mạo về mã số đăng ký lưu hành; không bị giả mạo về mã vạch; không bị giả mạo về bao bì hàng hóa”.

Vì vậy, lô hàng ấy không phải là hàng giả về hình thức.

– Căn cứ, Phiếu kiểm nghiệm mẫu hạt giống số QL: 2815257 lập ngày 03/12/2015 của Phòng kiểm nghiệm chất lượng hạt giống/ Viện nghiên cứu Ngô và Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu hạt giống (Mã số thử nghiệm B380- 2016) lập ngày 04/01/2017 của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia (Đây là những tài liệu trong hồ sơ vụ án). Đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-53:2011/BNNPTNT, thấy rằng lô hàng 24.010 kg ngô hạt mà Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa là hoàn toàn đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng hạt giống ngô lai theo quy định của pháp luật.

– Căn cứ, Điểm b/ Khoản 8/ Điều 3 của Nghị định 185/2013-NĐ-CP quy định : “Hàng giả là loại hàng hóa có đặc tính kỹ thuật cơ bản chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký”.

* Từ nhưng căn cứ nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ để kết luận: Lô hàng 24.010 kg ngô hạt mà Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa không phải là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng, (không giả về nội dung của hàng hóa).

Như vậy, Một lô hàng không giả về hình thức và cũng không giả về nội dung thì không thể bị coi là hàng giả.

Nội dung thứ tư: Trang 14 Bản án sơ thẩm tại (mục [2] phần nhận định của tòa án) có ghi: “Bị cáo Vũ Việt Cường dùng thủ đoạn gian dối đưa thông tin không đúng sự thật về tiêu chuẩn chất lượng lô hàng 24.010kg ngô để bán cho Bùi Duy Hòa với giá cao hơn giá bán làm thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích thu lợi bất chính”. Nhận định như vậy là không khách quan. Bởi lẽ:

– Tại mục (3), Công văn số 195 ngày 27/6/2016 của Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô (Bút lục số 589) cũng đã xác nhận: “Ông Hòa với nhiệm vụ được giao, phải biết rõ về chất lượng, chi phí sản xuất và lý do vì sao Viện nghiên cứu Ngô cho bán thanh lý lô hàng 24.010 kg ngô hạt”. Tại trang 4 Bản kết luận điều tra cũng xác định: “Khi thương lượng, giao dịch mua bán 24.010 kg ngô hạt, ông Hòa đã chủ động soạn thảo in ấn từ trước các nội dung trên tờ Giấy nhận tiền đề ngày 07/9/2015 và bản Hợp đồng mua bán ngô giống LVN 885 đề ngày 17/9/2015”.

– Về chất lượng hạt giống đã được kiểm nghiệm 02 lần và cả 02 lần đều xác định lô hàng 24.010 kg ngô hạt Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng hạt giống ngô lai theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (như tôi đã trình bày ở phần trên).

– Về giá bán, Vũ Việt Cường bán cho Bùi Duy Hòa với giá 38.000đ/kg, đây là mức giá dựa trên chất lượng sản phẩm và chi phí giá thành theo nguyên tắc thuận mưa vừa bán trong giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm. Cũng cần lưu ý rằng tại thời điềm tháng 7/2015 mức giá hạt giống ngô lai LVN 885 trên thị trường là 70.000 đồng/kg (Bút lục số 589 trong hồ sơ vụ án). Báo giá đề ngày 18/7/2015 của Công ty CP đầu tư hạt giống Việt Nam.

Như vậy, từ những tài liệu của hồ sơ vụ án tôi cho rằng: “Trong việc giao dịch mua bán 24.010 kg ngô hạt, Vũ Việt Cường không thể và cũng không có cơ hội để lừa dối Bùi Duy Hòa về chất lượng và giá cả của hàng hóa”.

*Mặt khác, ông Cường cũng không thể thu lợi bất chính như nhận định của bản án sơ thẩm. Bởi lẽ, trong vụ này, số tiền thu được từ việc bán 24.010 kg ngô là ít hơn số tiền đã chi phí để sản xuất ra lô hàng 24.010 kg ngô: (Số tiền chi phí sản xuất ra lô hàng là 1.068.910.000 đồng, số tiền bán lô hàng là 912.380.000 đồng).

Nội dung thứ năm: Có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong việc phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Việt Cường.

Tại, Khoản 4, Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quy định: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra”.

Trong vụ án này, ngày 15/9/2015 Cơ quan Điều tra/ Công an tp Hà Nội ban hành Quyết định khởi tố bị can số 456/ PC46-Đ10 đối với ông Vũ Việt Cường; Ngày 08/11/2015 Viện kiểm sát nhân dân tp Hà Nội ban hành Quyết định số 546/QĐ/VKS-P3 về việc phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Việt Cường. (Sau 53 ngày Quyết định khởi tố bị can số 456/ PC46-Đ10 của Cơ quan Điều tra/ Công an tp Hà Nội mới được VKSND tp Hà Nội phê chuẩn).

Như vậy, hoàn toàn có đủ căn cứ để kết luận: “Quyết định số 546/QĐ/VKS-P3 về việc phê chuẩn QĐ khởi tố bị can đối với ông Vũ Việt Cường là vi phạm nghiêm trọng về thời hạn theo quy định tại Khoản 4, Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”.

Tóm lại, từ những nội dung nhận định không đúng sự thật ghi trong Bản án hình sự sơ thẩm và những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án (như tôi vừa trình bày ở trên); Dẫn đến việc, phán quyết của Bản án sơ thẩm số 198/2018/HSST ngày 04/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội là không khách quan, không công bằng và có dấu hiệu làm oan người vô tội.

Kính thưa Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Tôi cho rằng, trong vụ án này hành vi của bị cáo Vũ Việt Cường không cấu thành tội “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

Bởi lẽ: Lô hàng 24.010 kg ngô hạt tại thời điểm bị cáo Cường bán cho bị cáo Hòa không phải là hàng giả. (Như tôi đã phân tích ở phần trên). Khi hàng hóa trong giao dịch không phải là hàng giả thì không thể có hành vi buôn bán hàng giả; Khi không có hành vi buôn bán hàng giả thì không thể thỏa mãn cấu thành tội: “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

Vì những lẽ trên, căn cứ, khoản 2, điều 157; điểm d, khoản 1, điều 355 và khoản1, điều 359/ Bộ luật Tố tụng hình sự, tôi đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: “Tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 198/2018/HSST ngày 04/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và tuyên Bị cáo Vũ Việt Cường không phạm tội buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.

Trên đây là luận cứ bào chữa cho Bị cáo Vũ Việt Cường mà tôi đã trình bày; Kính mong Hội đồng xét xử phúc thẩm lưu tâm xem xét. Để từ đó, tuyên một bản án khách quan, công tâm, đúng pháp luật và minh oan cho người vô tội.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 2019

Người trình bày luận cứ

Luật sư BÙI THẾ VINH

[Download] bản luận cứ bào chữa Tội buôn bán hàng giả

Download tài liệu về máy

[PDF] bản luận cứ bào chữa Tội buôn bán hàng giả

Nếu quá trình download tài liệu bị gián đoạn do đường truyền không ổn định, vui lòng để lại Email nhận tài liệu ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!

Tìm kiếm có liên quan: Bản luận cứ bào chữa vụ án hình sự giết người, Mâu bản luận cứ bào chữa của luật sư trong vụ án hình sự, Bài bào chữa giảm nhẹ hình phạt, Bài bào chữa phúc thẩm, Mẫu bản luận cứ bào chữa, Kỹ năng xây dựng bản luận cứ bào chữa, Bài bào chữa chuyển tội danh, Bài bào chữa trả hồ sơ điều tra bổ sung,…

Luận cứ là gì? Có mấy loại luận cứ?

Luận cứ chính là tiếng nói chính thức của Luật sư tại phiên toà, thể hiện khả năng tranh tụng và văn hoá ứng xử của Luật sư, thể hiện kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội để luật sư tranh tụng tại phiên toà. Đây cũng chính là chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý cho thân chủ, giúp thân chủ tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật, đồng thời cũng thể hiện được chất lượng và khả năng của luật sư khi tham gia bào chữa, bảo vệ cho thân chủ thể hiện ở bản luận cứ đầy súc tích, cô đọng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục người nghe.
Tại phiên tòa, luận cứ là văn bản thể hiện quan điểm của người bào chữa trong việc bào chữa hoặc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Luận cứ cũng chính là sản phẩm trí tuệ của người bào chữa; là kết quả của quá trình nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các văn bản pháp luật, thu thập, tìm kiếm những chứng cứ có giá trị chứng minh để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.
Luận cứ bao gồm:
– Luận cứ bào chữa cho bị cáo;
– Luận cứ bảo vệ cho người bị hại;
– Luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc các chủ thể tham gia tố tụng khác.

Kết cấu cơ bản của bản luận cứ gồm?

Kết cấu cơ bản bản Luận cứ gồm ba phần:
1) Phần mở đầu:
Giới thiệu tư cách của luật sư, về văn phòng luật sư đang hành nghề, về lý do tham gia bảo vệ và nêu tổng quát nội dung vụ việc;
2) Phần quan điểm pháp lý:
Phần này rất quan trọng, là trọng tâm và đúc kết quá trình nghiên cứu hồ sơ, trao đổi, thống nhất với thân chủ, thể hiện quan điểm pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.”
– Nếu VKS truy tố chưa đúng người đúng tội, chưa đúng với phân tích của Luật sư thì Luật sư cũng phải nêu quan điểm của mình, nếu cần thiết thì đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
– Nếu VKS truy tố đúng người đúng tội, đúng với nhận định phân tích của Luật sư thì Luật sư cũng cần phải nêu ý kiến, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận việc truy tố của VKS;
– Đặc biệt khi phân tích trách nhiệm hình sự của bị cáo, người Luật sư phải chứng minh thiệt hại của thân chủ là có thật, do chính hành vi của bị cáo gây ra, hành vi của bị cáo là hành vi trái pháp luật, đồng thời việc yêu cầu bồi thường của người bị hại là có căn cứ.
3) Phần đề xuất, kết luận:
Tóm tắt lại những nội dung chính đã trình bày, không cần thiết phải lập lại toàn bộ nội dung, nội dung lập lại phải không mâu thuẫn với nội dung đã trình bày. Đưa ra những đề xuất cụ thể về cách giải quyết vụ án theo hướng có lợi nhất cho thân chủ của mình với HĐXX, trên cơ sở đó đưa ra phán quyết về vụ án một cách khách quan, công bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng – thân chủ của mình.

5/5 - (1 bình chọn)

Phản hồi

  1. Xin chào Luật sư, em là sinh viên Luật vào em có nhu cầu tìm hồ sơ vụ án đầy đủ (về Dân sự, Hình sự, Hành chính) để phục vụ hôm học. Xin Luật sư giúp đỡ và hỗ trợ cho em ạ

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền