Bài phát biểu tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Mẫu đơn, Thảo luận pháp luật Bài phát biểu tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết, PGĐ Công ty Luật TNHH Trung Cường đã tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án Đường Cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng do Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử từ ngày 23/11/2021, dự kiến ngày 6/12/2021 sẽ tuyên án. Luật sư Tuyết đại diện cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là CIENCO1 đã có bài phát biểu tranh luận tại Tòa (nội dung vụ án tham khảo trên báo đài).

Bài phát biểu tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Công ty Luật TNHH Trung Cường trân trọng giới thiệu để sinh viên đại học luật tham khảo.

PHÁT BIỂU TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM

VỤ ÁN VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH CAO TỐC

QUẢNG NGÃI – ĐÀ NẴNG

Kính thưa Hội đồng xét xử, Kính thưa đại diện Viện kiểm sát!

Xin phép Hội đồng xét xử cho tôi được phát biểu với hai tư cách: Tư cách đại diện cho nhà thầu CIENCO1 – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tư cách đơn vị chủ quản của hai bị cáo Nguyễn C và Nguyễn T. A.

Từ kết quả xét hỏi tại phiên tòa và quan điểm luận tội cũng như ý kiến đề nghị giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại của đại diện Viện kiểm sát TP.Hà Nội, tôi xin phát biểu tranh luận về bốn vấn đề sau đây:

Vấn đề thứ nhất, về phương pháp tính toán giá trị thiệt hại do tội phạm gây ra mà Cáo trạng và lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát xác định.

Trước hết, cần xác định thiệt hại do việc thi công công trình không bảo đảm chất lượng là thiệt hại phát sinh trong hợp đồng chứ không phải thiệt hại ngoài hợp đồng. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội lấy giá trị mà VEC thanh toán cho CIENCO1 tại hai gói thầu số 1 và số 7, lần lượt là 58,9 tỷ đồng (làm tròn) và 73,2 tỷ đồng (làm tròn) để xác định đây chính là giá trị tài sản mà các bị cáo C và A đã gây thiệt hại cho chủ đầu tư là không phản ánh đúng bản chất của thiệt hại và tội phạm. Bởi vì, số tiền mà VEC thanh toán là dựa trên giá trị nguyên vật liệu, giá trị lao động kết tinh trong quá trình thi công các hạng mục công trình của CIENCO1. Bao gồm việc lập hồ sơ thiết kế, là tiền thuê tư vấn thiết kế, là tiền mua nguyên vật liệu, là tiền trả cho người lao động tiến hành thi công…để tạo ra sản phẩm là một phần con đường cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng.

Một sự thật không thể phủ nhận là CIENCO1 đã phải chi phí để tạo ra sản phẩm con đường là có thật. Chỉ có điều là một số hạng mục của con đường cao tốc đó chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà các bên ký hợp đồng đã cam kết. Nó khác hoàn toàn với việc anh nhận tiền của chủ đầu tư mà anh không làm gì, không tạo ra sản phẩm gì. Vậy nên, không thể nói rằng toàn bộ số tiền mà VEC đã chi trả cho CIENCO1 ở các hạng mục không đảm bảo chấy lượng ấy là thiệt hại do tội phạm gây ra. Đó là điều bất cập thứ nhất.

Điều bất cập thứ hai sẽ lộ ra khi chúng ta phân tích đến số tiền 1.400 tỷ đồng mà chủ đầu tư – nguyên đơn dân sự đã thu về kể từ ngày đưa con đường cao tốc vào sử dụng. Theo xác nhận của VEC, tính đến nay, VEC đã thu được 1400 tỷ đồng tiền phí đường cao tốc QN-ĐN. Đây là lợi ích mà chủ đầu tư khai thác được từ con đường cao tốc mà các nhà thầu sử dụng tiền được chủ đầu tư thanh toán tạo ra sản phẩm này. Vậy sẽ giải thích như thế nào khi Viện kiểm sát cho rằng thiệt hại của tội phạm toàn bộ giá trị mà VEC đã thanh toán công trình (không đảm bảo chất lượng) cho các nhà thầu, nhưng chính VEC đã và đang khai thác sản phẩm được tạo ra từ số tiền đó. Nếu buộc các nhà thầu bồi thường toàn bộ số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu là 811 tỷ đồng, thì số tiền 1.400 tỷ kia phải được xử lý công bằng với nhà thầu. Bởi đó là lợi ích khai thác được từ sản phẩm nhà thầu tạo ra, nay sản phẩm đó bị phủ nhận sạch trơn thì lợi ích đó phải trả lại cho các nhà thầu. Phủ nhận sản phẩm trong khi vẫn đang thu lợi từ sản phẩm, VEC vừa được hưởng lợi ích từ sản phẩm mà các nhà thầu tạo ra, vừa buộc các nhà thầu bồi thường toàn bộ khoản tiền đã thanh toán cho các nhà thầu, như vậy có bất hợp lý hay không? Câu hỏi này xin dành cho đại diện Viện kiểm sát. Phân tích như vậy để thấy sự mâu thuẫn trong phương án xác định mà Viện kiểm sát đưa ra là không khách quan.

Tôi cho rằng, hậu quả thiệt hại do TP gây ra chính là tổng số tiền chi phí cho việc khắc phục, sửa chữa các hạng mục công trình chưa đạt chất lượng. Khoản chi phí này chắc chắn nhỏ hơn nhiều so với tổng giá trị mà CĐT thanh toán cho nhà thầu. Có như vậy mới bảo đảm công bằng và chính xác khi xác định trách nhiệm hình sự của các BC và trách nhiệm dân sự cho bên phải bồi thường. Cho nên, quan điểm của VEC yêu cầu các nhà thầu phải sửa chữa, khắc phục các hạng mục công trình để đạt chất lượng là rất khách quan, chính đáng.

Vấn đề thứ hai, hiện nay chưa có cơ sở để xác định cụ thể thiệt hại thực tế mà tội phạm đã gây ra cho nguyên đơn dân sự.

Chúng ta thấy rằng, Kết luận giám định của Hội đồng giám định tư pháp chỉ là kết luận về chất lượng công trình chứ chưa kết luận về mức độ hậu quả thiệt hại vật chất do tội phạm gây ra. Điều này được chính Giám định viên thừa nhận tại phiên tòa. Trong khi, hậu quả của tội phạm quy định tại Điều 224 BLHS là tình tiết định tội, là một yếu tố trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Khi cấu thành cơ bản của tội phạm chưa được làm rõ thì sao có thể xác định việc định khung tội phạm?

Chính vì điều này mà trong quá trình xét hỏi, VEC hết sức lúng túng trong việc đưa ra yêu cầu bồi thường với một con số cụ thể. Họ chỉ có thể đưa ra yêu cầu hết sức định tính, đó là yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, khắc phục để bảo đảm công trình đạt chất lượng như hợp đồng xây dựng đã ký với các nhà thầu. Đây là một lựa chọn hợp lý về phương thức giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án này. CIENCO1 hoàn toàn đồng ý với với yêu cầu đó của nguyên đơn dân sự, CIENCO1 cam kết sử dụng toàn bộ số tiền đang bị phong tỏa để sửa chữa, khắc phục hậu quả, nếu số tiền đó không đủ thì CIENCO1 cam kết tiếp tục sử dụng các khoản tiền khác của mình để sửa chữa và khắc phục để các gói thầu của mình đạt chất lượng.

Vấn đề thứ ba, về đề nghị giải quyết bồi thường thiệt hại do Tội phạm gây ra.

Chúng ta biết rằng, quan hệ giữa Chủ đầu tư VEC và nhà thầu CIENCO1 hình thành và phát sinh từ việc các bên đã ký hợp đồng xây dựng thi công các hạng mục công trình tại HĐ số 03/HĐXD -VEC/2014. Hợp đồng này cho đến nay vẫn đang có hiệu lực pháp luật, đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ chủ thể. Khi nhà thầu thi công công trình không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn đã cam kết trong hợp đồng thì nhà thầu có nghĩa vụ sửa chữa, khắc phục, thậm chí nhà thầu có thể làm mới hạng mục nào đó nếu không sửa được. Cho đến thời điểm khởi tố vụ án thì công trình vẫn còn đang trong thời hạn bảo hành.

Tại phiên tòa, trong phần xét hỏi, những ngày đầu, VEC chưa có quan điểm rõ ràng và cụ thể về yêu cầu của mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì nguyên đơn dân sự cũng đã chính thức đưa ra yêu cầu buộc các nhà thầu phải sửa chữa, khắc phục hậu quả, để cho các hạng mục công trình đạt chất lượng, kể cả khi đã hết thời gian bảo hành.

Tại sao VEC rất khó đưa ra yêu cầu trách nhiệm dân sự, bởi ngay cả Viện kiểm sát cũng chưa phát biểu quan điểm rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của bị đơn dân sự đối với nguyên đơn cũng như trách nhiệm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các nhà thầu chúng tôi. Việc Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc các nhà thầu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là một đề nghị hết sức chung chung, là vượt quá phạm vi yêu cầu của nguyên đơn dân sự. Bởi vì phạm vi yêu cầu của VEC là buộc các nhà thầu khắc phục hậu quả bằng việc sửa chữa thi công lại các hạng mục công trình để bảo đảm chất lượng kể cả khi đã hết thời gian bảo hành, chứ VEC không yêu cầu bồi thường số tiền như Viện kiểm sát luận tội.

Vậy nên, để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự – một nguyên tắc cơ bản của luật dân sự, cũng là bảo đảm hài hòa quyền lợi của VEC và nhà thầu, CIENCO1 đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn dân sự và CIENCO1 về việc giải quyết hậu quả của tội phạm. Theo đó, CIENCO1 được sử dụng số tiền đang bị phong tỏa 21,7 tỷ để tiến hành sửa chữa công trình, khắc phục hậu quả gói thầu 1 và gói thầu số 7, phần do CIENCO1 thi công để đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn đã ký kết.

Vấn đề thứ tư, về việc quyết định hình phạt đối với hai bị cáo Nguyễn Mạnh C và Nguyễn T.A

Đây là hai cán bộ có nhiều năm gắn bó với CIENCO1 lâu năm, có nhiều công sức, thành tích đóng góp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của CIENCO1. Hai BC có nhân thân tốt, có trách nhiệm cao và tâm huyết với công việc được giao. 2 BC không có lợi ích cá nhân, không vụ lợi khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Chỉ là họ đã không thận trọng trong quá trình thực hiện các thủ tục khi phê duyệt, kiểm soát nguyên vật liệu và giám sát kỹ thuật xử lý vật liệu khi thi công, dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm. Ngoài ra, áp lực công việc quá lớn cũng là một nguyên nhân để xảy ra các vi phạm.

Quá trình điều tra, CIENCO1 đã bị phong tỏa 21,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Cienco1 tự nguyện sử dụng số tiền này để khắc phục hậu quả do TP gây ra. Vì vậy, ngoài các tình tiết giảm nhẹ TNHS mà Viện kiểm sát đã đề nghị đề, nay đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết tự nguyện khắc phục hậu quả theo điểm b khoản 1 điều 51 BLHS để giảm nhẹ cho hai BC khi lượng hình.

Với việc hai bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS, các bị cáo có nhân thân tốt, là kỹ sư cầu đường có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm trong thi công các công trình. Đề nghị Hội đồng xét xử cho hai bị cáo được áp dụng Điều 54 BLHS để được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Xét thấy không cần thiết phải cách ly họ ra khỏi xã hội, đề nghị Hội đồng xét xử cho họ cơ hội tự cải tạo ngoài xã hội, để CIENCO1 được sử dụng và họ có cơ hội công hiến sức mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Hội đồng xét xử, KSV và mọi người tham dự phiên tòa đã lắng nghe!

ĐẠI DIỆN CIENCO1

NGUYỄN THỊ TUYẾT

Bài viết được chia sẻ bởi Luật sư Nguyễn Thị Tuyết trên tài khoản facebook cá nhân ngày 03 tháng 12 năm 2021.

Xem bài viết gốc tại địa chỉ: https://www.facebook.com/nguyen.thituyet.397/posts/2481747291957995

[Download] bài phát biểu tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Download tài liệu về máy

[PDF] Nhận định đúng sai môn Luật hình sự

Nếu có thắc mắc về tài liệu vui lòng phản hồi ở dưới bài viết hoặc gửi về hòm thư điện tử tailieu@hocluat.vn. Cảm ơn các bạn đã luôn theo dõi, ủng hộ Hocluat.vn.

Những tài liệu khác về chủ đề tranh luận tại phiên tòa

>>> Xem thêm những tài liệu khác về: Kỹ năng hành nghề luật sư.

Việc tranh luận tại phiên tòa được tiến hành như thế nào?

Tranh luận tại phiên tòa làm một thủ tục không thể thiếu tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Việc tranh luận tại phiên tòa được quy định nhằm đảm bảo cho vị đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia phiên tòa được phân tích, đánh giá chứng cứ của vụ án góp phần đề ra những biện pháp xử lý phù hợp nhất với pháp luật.
Trình tự tranh luận tại phiên tòa:
– Trước hết, KSV trình bày lời buộc tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn. Lời luận tội của VKS phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp không có căn cứ để kết tội thì KSV phải rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không có tội.
– Sau khi KSV trình bày lời luận tội thì người bào chưa sẽ bào chữa cho bị cáo, bị có có quyền bổ sung ý kiến bào chưa; nếu không có người bào chữa thì bị cáo tự bào chữa cho mình.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho mình bảo vệ. Nếu không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tự trình bày ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho mình.
– Tiếp theo, KSV phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến có liên quan đến vụ án.
– Trong trường hợp giữa những người tham gia tranh luận có ý kiến khác nhau thì họ có quyền phản bác lại ý kiến mà mình không đồng ý. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận và phải tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan tới vụ án. Đối với ý kiến có liên quan đến vụ án chưa được KSV tranh luận, chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị KSV phải tranh luận và đáp lại.
– Trong quá trình tranh luận, nếu xét thấy cần xem xét thêm chứng cứ mới thì HĐXX có quyền trở lại việc xét hỏi, xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
– Sau khi những người tham gia tranh luận không còn trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc việc tranh luận và bị cáo được nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì HĐXX phải quyết định trở lại việc xét hỏi.

Tôi muốn tìm tài liệu về Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm?

Bạn có thể tham khảo cuốn sách chuyên khảo “Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm” của TS.Nguyễn Ngọc Kiện.
– Cuốn sách chia sẻ những nghiên cứu lý luận và phân tích, đánh giá thực tiễn của tác giả với mong muốn đưa đến cho bạn đọc một cách nhìn đa chiều về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm của một số nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác trong khoa học pháp lý được bình luận chuyên sâu, có tính mới, sáng tạo và có tính gợi mở cho việc nghiên cứu tiếp theo.
– Kết quả nghiên cứu được gắn với khảo sát, kiểm chứng trên thực tiễn sẽ rất hữu ích và có giá trị tham khảo đối với bạn đọc, đặc biệt là học viên chương trình sau đại học của chuyên ngành tư pháp hình sự. Bên cạnh đó còn nhắm đáp ứng yêu cầu tăng cường về mặt lý luận, nhận thức và bảo đảm thực tiễn tranh tụng ở Việt Nam trong giai đoạn cải cách tư pháp đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Cuốn sách gồm có 05 chương:
– Chương 1. Nhận thức chung về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm;
– Chương 2. Thực trạng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm;
– Chương 3. Pháp luật tố tụng hình sự một số nước trên thế giới về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và kinh nghiệm đối với Việt Nam;
– Chương 4. Thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ở Việt Nam;
– Chương 5. Giải pháp bảm đảm tranh tụng tại phiên toàn hình sự sơ thẩm.

Tìm kiếm có liên quan: Tranh luận tại phiên tòa dân sự, Tranh luận tại phiên tòa hình sự, Bài tranh luận của luật sư, Ai có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên tòa, Tranh tụng tại phiên tòa dân sự, Bài bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền