Quyền bào chữa của bị can, bị cáo dưới 18 tuổi theo quy định trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi

Bị can là người dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam được hiểu là người đang ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi tại thời điểm họ bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về trách nhiệm hình sự vì có đủ căn cứ xác định người đó đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm theo qui định của pháp luật Tố tụng hình sự. Bị cáo dưới 18 tuổi là người đang ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi đã bị Viện kiểm sát truy tố bằng bản cáo trạng ra trước Tòa án và Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Như vậy, quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi có thể sử dụng nhằm bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho họ.

Trên cơ sở cụ thể hóa nguyên tắc quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013, Điều 16 BLTTHS năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi như sau: “Người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người dưới 18 tuổi, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Trong những trường hợp luật định, nếu người buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan nói trên phải yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ. Mặt khác, để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ, không để lọt kẻ phạm tội, không làm oan người vô tội thì việc bào chữa là cần thiết, giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự không chỉ có buộc tội mà nó chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi tồn tại song song hai chức năng buộc tội và gỡ tội. Đó cũng là một trong những cơ sở giúp Toà án giải quyết vụ án được chính xác.

Trên cơ sở khái niệm nêu trên, nghiên cứu so sánh BLTTHS năm 2015 và BLTTHS năm 2003, chúng tôi thấy, BLTTHS năm 2015 có nhiều thay đổi cơ bản về quyền bào chữa, nhằm cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, thể hiện qua những quy định cụ thể sau:

Một là: Quy định “Suy đoán vô tội” là nguyên tắc cơ bản của BLTTHS.

Nguyên tắc suy đoán vô tội nâng cao năng lực và trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự, loại trừ trường hợp chỉ chứng minh một chiều theo hướng suy đoán có tội và định kiến người dưới 18 tuổi. Nguyên tắc suy đoán vô tội còn bảo vệ được quyền của người dưới 18 tuổi, đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là các cơ quan tiến hành tố tụng với chức năng buộc tội và một bên là người dưới 18 tuổi với chức năng bào chữa. Đây là nguyên tắc tiến bộ, bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.

Hiến pháp và các văn bản pháp lý trước đây cũng đã có quy định một hoặc một số nội dung thuộc nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2001 nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 72 Chương V của Hiến pháp với tên gọi của chương là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”. BLTTHS năm 2003 cũng quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Đến Hiến pháp năm 2013, tinh thần của nguyên tắc quy đoán vô tội đã được thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 31 “người dưới 18 tuổi được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, Điều 13 của BLTTHS năm 2015 lần đầu tiên quy định nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người dưới 18 tuổi được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người dưới 18 tuổi không có tội”.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 là văn bản pháp lý đầu tiên ghi nhận chính thức nguyên tắc suy đoán vô tội. Quy định như trên nhằm bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Nguyên tắc này có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, cũng như bảo đảm quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Quy định này có ưu điểm là quyền của người dưới 18 tuổi cơ bản được bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng được nâng lên.

Hai là: Ngoài ba chủ thể có quyền bào chữa là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (điểm g khoản 1 Điều 58 BLTTHS). Như vậy, cùng với sự mở rộng diện người được bào chữa thì thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng cũng sớm hơn, nếu như trước đây, nguời bào chữa được tham gia bảo vệ quyền lợi cho người dưới 18 tuổi từ khi bị tam giữ thì theo BLTTHS mới, người bào chữa được tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho người dưới 18 tuổi ngay từ khi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt. Quy định như vậy không chỉ nhằm thực hiện tốt hơn việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi mà còn là một trong những giải pháp để hạn chế oan, sai ngay từ đầu.

Ba là: Mở rộng diện người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho những đối tượng thuộc diện chính sách

Theo quy định tại Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự. Tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 11 ngày 4/7/2013 của Liên bộ Tư pháp – Tài chính – Công an – Quốc phòng – TANDTC – VKSNDTC cũng quy định người tham gia trợ giúp pháp lý được cấp giấy chứng nhận để tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 56 Bộ LTTHS năm 2003 chỉ quy định người bào chữa gồm: Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.

Như vậy, theo các quy định trên thì trợ giúp viên pháp lý chỉ được tham gia tố tụng để bào chữa với tư cách là người đại diện hợp pháp của người tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Dẫn đến việc tổ chức triển khai trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Khoản 2, Điều 72 Bộ LTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa: “Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người dưới 18 tuổi thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.” Quy định mở rộng diện người bào chữa không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay, khi đa phần trợ giúp viên pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi của người dưới 18 tuổi.

Bốn là: Mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng chỉ định bào chữa

Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong tố tụng hình sự là quy định mang tính nhân đạo của luật tố tụng hình sự nước ta. Theo đó, trong một số trường hợp đặc thù, do tính chất và hậu quả của tội phạm, hoặc do hạn chế về năng lực nhận thức, năng lực hành vi, dù bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải chỉ định người bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho họ. Ngoài các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa là bị can, bị cáo phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình; bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần thì BLTTHS năm 2015 còn mở rộng thêm người có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân cũng thuộc diện bắt buộc phải có người bào chữa. Vì đây là những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả pháp lý rất lớn. Do đó, mở rộng diện người thuộc trường hợp chỉ định bào chữa như trên không chỉ có ý nghĩa nhân đạo mà còn có ý nghĩa to lớn trong nỗ lực bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Năm là: Quy định bị can, có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa

Điểm i, Khoản 2, Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định, bị can có quyền “i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”.

Đây là điểm mới quan trọng trong nỗ lực bảm đảm quyền cơ bản của bị can, bị cáo, tuy nhiên, khi thực hiện quyền này, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Phạm vi tài liệu bị can được đọc là các tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, ví dụ như lời khai, bản cung, biên bản định giá để xác định giá trị tài sản trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản; lời khai, bản cung, kết luận giám định thương tích trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích…

Thời điểm được đọc tài liệu là kể từ sau khi kết thúc điều tra. Để được đọc tài liệu, bị can phải thể hiện yêu cầu của mình.

Phương pháp, cách thức để đọc tài liệu là đọc trên bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa. Quy định như vậy nhằm vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, vừa bảo đảm an toàn, tránh trường hợp bị can cố ý hủy hoại tài liệu gốc.

Sáu là: Bổ sung một số quyền của người dưới 18 tuổi.

Nhằm bảo đảm cho người dưới 18 tuổi thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo: (1) Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; (2) Đưa ra chứng cứ; (3) Có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (4) Được nhận bản bào chữa của người bào chữa; (5) Đề nghị thay đổi người dịch thuật; (6) Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý. [2]

Bảy là: Thay thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa.

Để việc bào chữa được kịp thời, tránh sự hiểu lầm không cần thiết, BLTTHS năm 2015 đã thay tên gọi “cấp Giấy chứng nhận bào chữa” thành cấp “Giấy đăng ký bào chữa”; đồng thời đơn giản thủ tục, rút ngắn thời hạn cấp xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa theo hướng: Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi có đề nghị của người bào chữa và họ xuất trình đủ giấy tờ và đủ điều kiện để tham gia bào chữa thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công thụ lý chính đối với vụ án phải cấp Giấy đăng ký người bào chữa cho họ. Văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa (trường hợp chấp nhận đăng ký) có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng thay vì chỉ có giá trị trong từng giai đoạn tố tụng.

Đồng thời, BLTTHS 2015 còn có quy định về việc thu hồi “Giấy đăng ký bào chữa” trong trường hợp người bào chữa vi phạm pháp luật.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi căn bản, quy định đầy đủ, toàn điện hơn các nội dung liên quan đến chế định bào chữa nói chung, quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi nói riêng. Đây là nỗ lực lớn trong tiến trình cải cách tư pháp, nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, hạn chế oan, sai trong tố tụng hình sự và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng./.

Đại úy Phạm Thanh Tuấn

Học viên CH25 –  Học viện CSND

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền