Vai trò của pháp luật cạnh tranh

Chuyên mụcLuật cạnh tranh canh-tranh

Vai trò của pháp luật cạnh tranh đó là tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, tự do; bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; thúc đẩy tiến trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng và có hiệu quả.

 

Bài 4: Vai trò của pháp luật cạnh tranh

Bài này nằm trong Phần II. Vai trò, mục tiêu của luật cạnh tranh của Chương I – Tổng quan chung về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh và luật cạnh tranh.

 

Các bài khác tại Phần I

Các bài khác tại Phần II

 


1. Tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, tự do

Cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện và bảo đảm cho cạnh tranh tồn tại là các quy định về tự do kinh doanh và quyền được tồn tại bình đẳng của các doanh nghiệp. Chỉ khi nào được tự do gia nhập thị trường, tự do giao kết và bảo đảm quyền sở hữu thì lúc đó các chủ thể tham gia thị trường mới có đủ năng lực để quyết  định phương thức kinh doanh. Lúc đó, cạnh tranh mới có đất để tồn tại và phát  huy tác dụng.

Với tư cách là lĩnh vực pháp luật đặc thù của nền kinh tế thị trường, pháp luật cạnh tranh bảo vệ cạnh tranh bằng cách chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và loại bỏ mọi hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Vai trò bảo vệ thị trường lành mạnh của  pháp luật được  thực hiện theo cơ chế  sau đây:

– Trong thị trường tự do và lành mạnh, các doanh nghiệp tự quyết định việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ mà không chịu bất  cứ sự chi phối  nào  từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp khác. Người tiêu dùng mua những hàng hoá mà họ cần. Thị trường đưa các doanh nghiệp và người tiêu dùng đến  với nhau. Cơ chế  thị trường  trong  đó giá cả thay đổi theo sự vận động của cung cầu  quyết  định hành  vi của  các  doanh nghiệp và nhu cầu  của  người tiêu dùng.

– Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp gia nhập thị trường theo ý muốn, tồn tại bằng việc tạo ra lợi nhuận, và phải  cạnh tranh nhau. Kết quả  là, trong khi khi một vài doanh nghiệp thành công thì sẽ có những doanh nghiệp phải gánh chịu tổn thất, thậm chí là phải rời bỏ thị trường. Đây là quy tắc tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và được tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường. Tuy nhiên, thực tế thị trường luôn nảy sinh những biểu hiện tiêu cực từ cạnh tranh. Do những thôi thúc từ nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận, bằng những toan  tính không phù hợp với truyền  thống  kinh doanh lành mạnh, những biểu  hiện tiêu cực đó đã xâm hại trật tự kinh doanh, đe  dọa  hoặc xâm hại trực tiếp đến lợi ích của  đối thủ cạnh tranh  hoặc của  người tiêu dùng. Các hành  vi hạn  chế cạnh tranh  trực tiếp xâm hại trật tự kinh tế, hủy hoại  cạnh tranh  và xâm phạm quyền tự do kinh doanh lành mạnh của  các doanh nghiệp khác.  Sự hỗn  loạn của  thị trường từ những hành  vi bất chính trong  cạnh tranh buộc pháp luật và Nhà nước vào cuộc để xắp xếp lại trật tự thị trường  cho phù hợp với những nguyên tắc vốn có của  nó. Sự can thiệp của  Nhà nước bằng việc điều tiết cạnh tranh tạo ra chính sách cạnh tranh,  thông qua  việc xây dựng  pháp luật cạnh tranh.

– Pháp luật đảm bảo loại trừ những hành  vi phản cạnh tranh trong việc đua tranh giành lợi nhuận trên thị trường.  Từ đó, bảo  vệ quyền tự do kinh doanh của  các  thành  viên thị trường,  bảo  vệ môi trường cạnh tranh,  bảo  vệ sự lành mạnh của quan hệ thị trường.

2. Bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp

Việc các  doanh nghiệp chịu sự điều  chỉnh  của  pháp luật cạnh tranh  thường gây ra sự hiểu lầm là luật cạnh tranh  chỉ đem  lại lợi ích cho  cộng đồng, cho  người tiêu dùng mà không đem  lại lợi ích cho  các  doanh nghiệp. Tuy nhiên,  việc xoá bỏ mọi kiềm chế không phù  hợp đối với hoạt  động kinh doanh, pháp luật cạnh tranh  có mục  đích đảm bảo  cho  các  doanh nghiệp hoạt  động kinh doanh tự do trên một thị trường  tự do. Với mục  đích bất  chính  và với những thủ pháp không đàng hoàng, tất cả các  hành  vi bất chính trong cạnh tranh đều  là những biến tướng của cạnh tranh,  lợi dụng tự do để xâm hại đến  trật tự cạnh tranh  trên thị trường.  Lúc này,  cần  có sự hiện diện  của  pháp luật cạnh tranh  để  lập lại trật tự thị trường,  giải phóng các  doanh nghiệp khác  ra khỏi sự kiềm tỏa của  những biểu hiện không lành mạnh.

Mặt khác, với tư cách là nội dung quan trọng  trong  chính  sách cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh  ngăn chặn các  doanh nghiệp thu lợi nhuận bằng việc thực hiện hành vi cạnh tranh  không lành mạnh, nâng cao  nhận  thức của  xã hội về truyền  thống  kinh doanh buôn  có bạn, bán có phường, khích lệ sự năng động, tự chủ,  bảo  vệ quyền lợi chính đáng của  các  doanh nghiệp.

3. Bảo vệ quyền  lợi của người tiêu dùng

Trên thị trường,  nhu  cầu  của  người  tiêu dùng và khả  năng của  các  doanh nghiệp cùng nhau  giải quyết  ba vấn đề cơ bản:  sản  xuất cái gì? sản  xuất cho  ai? và sản  xuất như thế nào?. Giống  như việc bỏ phiếu  của  cử tri trong  các  cuộc bầu  cử, hành  vi lựa chọn  hàng hoá và dịch vụ có chất lượng, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng là những hướng dẫn  quan trọng  liên quan đến  hoạt  động kinh doanh cho  các doanh nghiệp. Quyền  bỏ phiếu  và lựa chọn  được  gọi là quyền tối cao, quyết  định vị trí trung  tâm của  người tiêu dùng trên thị trường  mà bất  kỳ doanh nghiệp nào  muốn  tồn tại đều  phải cung  phụng.

Để có thể tồn tại, các  doanh nghiệp luôn tìm mọi phương cách và mọi thủ đoạn để lôi kéo khách hàng mua  sản  phẩm của  mình. Trên thực tế, có nhiều  trường  hợp,  hành vi của doanh nghiệp còn là sự xâm phạm, bóc  lột khách hàng, thể hiện qua  những nội dung sau  đây:

– Trong quan hệ giữa nhà  sản  xuất hoặc cung ứng sản  phẩm và người tiêu dùng, thì người tiêu dùng luôn ở vị trí bất lợi. Tuy là mục tiêu hướng đến  của  quan hệ thị trường, là định hướng cơ bản  cho hoạt động sản  xuất và cung ứng của doanh nghiệp, nhu cầu của  người tiêu dùng bị khống chế  bởi khả năng đáp  ứng và chịu sự kiểm soát  từ các doanh nghiệp. Các  nhà  sản  xuất và phân phối  thường hiểu biết về hàng hoá  và dịch vụ của  họ hơn người tiêu dùng. Cùng  với sự tiến bộ của  khoa  học  kỹ thuật,  hàng hoá và dịch vụ ngày  càng đa dạng, phong phú đáp  ứng nhu cầu  tiêu dùng cho xã hội hiện đại. Có những trường  hợp,  lợi dụng sự thiếu hiểu biết của  người tiêu dùng mà các  do- anh nghiệp đã cung cấp  các  hàng hoá  kém chất  lượng. Khi phát  hiện, người tiêu dùng không thể khiếu nại hay kiện tụng  vì giao dịch đã hình thành  hoàn toàn  tự nguyện.

– Dưới góc  độ pháp luật, các  giao dịch giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp là kết qủa  của  những thỏa  thuận  tự nguyện. Người tiêu dùng được  quyền tự do  lựa chọn hàng hoá,  lựa chọn, thiết lập giao dịch với người cung cấp.  Những  thoả  thuận  đã hình thành  và có hiệu lực thi hành  làm cho người mua phải tự hài lòng với những gì mình đã lựa chọn. Có nhiều  trường  hợp việc thiếu những thông  tin về hàng hoá,  sự thuyết  phục từ những nhà cung cấp  và những thủ đoạn gian dối, che lấp những khiếm khuyết trong việc cung ứng và trong  tính năng, kết cấu  của  sản  phẩm đã  dẫn  đến  việc hình thành thỏa  thuận. Việc giao  dịch  của  người  tiêu dùng với doanh nghiệp về hình thức  được hình thành  theo sự lựa chọn  và tự nguyện của người tiêu dùng. Vì thế, nguyên tắc trung thực trong khế ước của dân  luật dường như chỉ còn mang tính hình thức mà không thể dùng làm căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi của người đã bị lường gạt. Lúc này, sự trung thực  trong  cạnh tranh  với những thiết chế cấm  đoán của  pháp luật cạnh tranh  nhằm bảo  vệ sự trung  thực của  thị trường  và lợi ích của người tiêu dùng.

– Cạnh tranh vốn là sự ganh đua để lấy lòng khách hàng. Những hạn chế từ khả năng nhận  biết tính trung thực của hành  vi kinh doanh, sự phát triển không ngừng của tư duy sáng tạo trong  thủ pháp kinh doanh làm cho người tiêu dùng từ vị trí trung  tâm của  thị trường  thường được  đi tàu bay giấy bằng các  khẩu  hiệu hoặc thủ đoạn tinh vi suy tôn họ lên vai trò của  thượng đế. Đến khi thượng  đế trở về với đời sống thực mới hiểu là bị mắc lừa. Các hành  vi đó ngày  càng đa dạng từ những trưng bày, quảng cáo sai sự thật cho đến  những lời hứa thưởng gian dối… Những  hành  vi bất chính này ảnh hưởng đến sự lựa chọn  của  người tiêu dùng và xâm hại đến  lợi ích của  những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

– Khi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bị triệt tiêu bằng những thủ đoạn không lành mạnh hoặc bằng sự tích tụ, tập trung tất yếu của thị trường,  dường như quyền lựa chọn của người tiêu dùng – quyền tối cao trên thị trường đã bị xâm phạm. Họ không còn khả năng lựa chọn  vì chỉ có một loại sản  phẩm do một hoặc một nhóm  doanh nghiệp cung cấp.  Lúc này, quyền được  đáp  ứng nhu cầu  của  người tiêu dùng, lợi ích chung của  xã hội sẽ bị hạn  chế,  bị xâm phạm nghiêm trọng  và những lợi ích xã hội sẽ trở thành  siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp độc  quyền.

Từ đó, một trong  những vai trò của  pháp luật cạnh tranh  là bảo  vệ người tiêu dùng. Vai trò này được  thể hiện qua  các  nội dung như bảo  vệ người tiêu dùng trước những hợp đồng không trung  thực và không công bằng theo  hướng phải sửa đổi lại các  điều khỏan không công bằng; đặt  ra các  quy  định  trong  việc đảm  bảo  thông  tin về sản phẩm, kiểm soát  hoạt  động quảng cáo,  khuyến mãi và ngăn cấm  các  biểu  hiện  bất chính  trong  các  lĩnh vực này;  quy định  trách  nhiệm  đối với những vi phạm có thể  đe dọa  đến  quyền lợi của  người tiêu dùng.

4. Thúc đẩy tiến trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng và có hiệu quả

Quá  trình toàn  cầu  hóa  kinh tế với sự ra đời của  nhiều  tổ chức  kinh tế quốc tế thúc đẩy  sự hình thành  nên  nhiều  vùng  thị trường  khu vực và thế  giới rộng  lớn thông  qua việc xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Quan  hệ thương mại quốc tế được biểu hiện thông  qua  sự dịch chuyển các  nguồn đầu  tư tư bản  và các  giá trị thương mại dưới hình thức hàng hoá  hoặc dịch vụ giữa thị trường  của  các  nước  với nhau  dựa trên quy chế  tối huệ  quốc (MFN) và quy chế  đãi ngộ  quốc gia (NT). Hai quy chế  này đảm bảo  cho  nguyên tắc tự do và bình đẳng thực sự phát  huy được  hiệu quả  trong  thương mại quốc tế cũng như bảo  đảm  cho hàng hoá  được  lưu thông  một cách tự do trên tinh thần  không phân biệt đối xử. Một khi sự tự do được  đề  cao  như là nguyên lý bất  khả xâm phạm với sự giục giã của  quy luật giá trị và bản  tính của  con  người sẽ  xuất hiện những hành  vi cạnh tranh tự phát  có thiên hướng thái quá,  cực đoan trong  thương mại quốc tế – đây chính là mặt trái của tự do hóa thương mại. Nguyên tắc cạnh tranh lúc này không chỉ thể hiện ở sự ganh đua  giữa các nhà sản  xuất hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ, mà còn  thể hiện ở sự đối đầu giữa hai thị trường,  hai khu vực kinh tế. Trong  quan hệ thương mại quốc tế, những thế lực kinh tế quốc tế hay dùng thủ đoạn lạm dụng thế mạnh tài chính để chiếm  đoạt  và thao túng thị trường của những nước đang phát  triển, những nước có trình độ phát  triển thấp  hơn, bằng hai thủ đoạn phổ  biến sau  đây:

– Các tập đoàn kinh tế đa quốc gia với tiềm lực tài chính khổng lồ, đã và đang dùng sức mạnh tài chính đó chiếm  đoạt  dần  thị trường  ở các  nước mà họ đầu  tư.

– Hiện tượng  cướp  đoạt vốn liên doanh  đang diễn  ra phổ  biến  ở thị trường  của  các nước đang phát triển. Trong bối cảnh của toàn cầu hoá kinh tế, sự dịch chuyển vốn đầu tư qua  lại giữa các  thị trường  là một trong  những nội dung cơ bản  của  chính  sách hội nhập mà  các  nước,  không phân biệt trình độ  phát  triển, đang theo  đuổi.  Trong  quan hệ về đầu  tư vốn, sự liên kết giữa vốn đầu  tư từ nước  ngoài  và các  nguồn vốn nội địa là tất yếu, là hình thức quan trọng  của  hoạt  động đầu  tư quốc tế. Bên cạnh những tác động tích cực của  xu thế đầu  tư quốc tế đối với quá  trình xây dựng  những khu vực thị trường chung, xuất hiện những biểu hiện tiêu cực: liên kết vốn rồi sau  đó dùng vốn liên doanh để  đầu  tư tìm kiếm, mở rộng  thị trường.  Trong  thời gian  mở rộng  thị trường  có hiện tượng  báo  lỗ đến  khi bên  liên doanh nội địa không thể kham  nổi lỗ vì khả năng tài chính  có hạn,  dẫn  đến  việc bên  nước  ngoài  thâu  tóm toàn  bộ vốn liên doanh bằng cách mua lại phần giá trị vốn của bên liên doanh nội địa. Các vụ việc liên quan đến các liên doanh ở Việt Nam chuyển thành  doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài  là những thí dụ về biểu hiện tiêu cực trong  đầu  tư quốc tế.

Trong bối cảnh đó, với tư cách là công cụ pháp lý được  sử dụng để loại bỏ các  biểu hiện không lành mạnh trên thị trường  quốc gia, pháp luật cạnh tranh  có ý nghĩa  quan trọng trong việc bảo vệ sự lành mạnh và khả năng phát triển tự thân của nền kinh tế nội địa, thúc đẩy tiến trình toàn  cầu  hoá  diễn ra nhanh chóng, hiệu quả  trên tinh thần phát triển lợi thế so sánh của  từng thị trường  thành  viên.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền