Tổng quan về quy trình điều tra, xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Chuyên mụcLuật cạnh tranh Luật Cạnh tranh

Quy trình điều tra, xử lý một vụ việc hạn chế cạnh tranh được bắt đầu bằng việc Cục QLCT tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc khi: (1) Hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã được Cục QLCT thụ lý; hoặc (2) Cục QLCT phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

Quá trình điều tra, xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh tiếp sau đó được thực hiện theo theo sơ đồ giản lược dưới đây:

 

THỦ TỤC KHIẾU NẠI VỤ VIỆC HẠN CHẾ CẠNH TRANH

Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh.

Thời hiệu khiếu nại là 02 năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

Nơi tiếp nhận Hồ sơ khiếu nại:

Hồ sơ khiếu nại có thể được nộp trực tiếp hoặc qua mạng điện tử tới Cục QLCT theo địa chỉ:

Văn phòng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương

Địa chỉ: Tầng 6, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tel: 04.22205002 / Fax: 04.22205003

Hồ sơ khiếu nại gồm các tài liệu chủ yếu sau:

1. Đơn khiếu nại theo mẫu của Cơ quan quản lý cạnh tranh

Trường hợp bên khiếu nại là doanh nghiệp, đơn khiếu nại thực hiện theo mẫu MĐ-1

Trường hợp bên khiếu nại là cá nhân, đơn khiếu nại thực hiện theo mẫu MĐ-2

2. Chứng cứ về hành vi vi phạm: chứng cứ gửi kèm theo Đơn khiếu nại cho thấy khiếu nại là có căn cứ. Bên khiếu nại phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các chứng cứ đã cung cấp cho cơ quan quản lý cạnh tranh.

Quy trình thụ lý Hồ sơ khiếu nại:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Hồ sơ khiếu nại, Cục QLCT tiến hành kiểm tra tính đầy đủ và hợp pháp của Hồ sơ khiếu nại. Trên cơ sở kết quả đánh giá hồ sơ khiếu nại, Cục QLCT có thể thực hiện một trong các thủ tục sau:

  • Thông báo yêu cầu bên khiếu nại bổ sung hồ sơ khiếu nại trong trường hợp hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh không có đủ các thông tin, chứng cứ theo quy định.
  • Trả lại hồ sơ khiếu nại trong các trường hợp:
    • Hết thời hiệu khiếu nại;
    • Vụ việc không thuộc thẩm quyền điều tra của Cục QLCT;
    • Bên khiếu nại không sửa đổi, bổ sung Hồ sơ theo yêu cầu của Cục QLCT trong thời hạn quy định.
  • Thụ lý hồ sơ khiếu nại nếu hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đáp ứng yêu cầu về tính đầy đủ, hợp lệ.

Theo quy định hiện hành, để hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh được thụ lý, trừ trường hợp được miễn, bên khiếu nại phải nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh và gửi biên lai nộp tiền tạm ứng đến Cục QLCT. Mức tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh là 30 triệu/vụ việc.

Thông tin về quy trình tiếp nhận và thụ lý Hồ sơ khiếu nại vụ việc hạn chế cạnh tranh chi tiết xin xem thêm Mục 1, Chương III, Nghị định số 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/9/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền