Các hình thức tồn tại của cạnh tranh

Chuyên mụcLuật cạnh tranh canh-tranh

Trong kinh tế học và trong khoa học pháp lý, các nhà khoa học có nhiều cách phân loại cạnh tranh khác nhau để phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu hoặc cho công tác xây dựng chính sách cạnh tranh.

Bài 2: Các hình thức tồn tại của cạnh tranh

Bài này nằm trong Phần I. Tổng quan về cạnh tranh và chính sách cạnh tranh của Chương I – Tổng quan chung về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh và luật cạnh tranh.

Các bài khác tại Phần I


Các hình thức tồn tại của cạnh tranh

Mục lục:

  1. Cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước
  2. Cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo và độc quyền
  3. Cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh

Luật cạnh tranh

1. Cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước

Dựa vào vai trò điều tiết của Nhà nước, cạnh tranh được chia thành hai loại: cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước.

a. Cạnh tranh tự do

Lý thuyết về cạnh tranh tự do ra đời vào thời kỳ giá cả tự do vận động lên xuống theo sự chi phối của quan hệ cung cầu, của các thế lực thị trường. Cùng với chủ nghĩa tự do trong thương mại, lý thuyết tự do cạnh tranh là ngọn cờ đấu tranh trước những nguy cơ can thiệp thô bạo từ phía công quyền vào đời sống kinh doanh, từ đó tạo môi trường cho chủ nghĩa tư bản phát triển trong những thời kỳ đầu của chúng. Ở một chừng mực nhất định, các quan điểm về tự do cạnh tranh đã tôn sùng và tạo điều kiện cho sự sáng tạo của con người vượt ra những quan niệm cổ hủ của tư tưởng phong kiến trọng nông.

Khái niệm cạnh tranh tự do được hiểu từ sự phân tích các chính sách xây dựng và duy trì thị trường tự do, theo đó “thị trường tự do tồn tại khi không có sự can thiệp của Chính phủ và tại đó các tác nhân cung cầu được phép hoạt động tự do”6. Do đó, lý thuyết về cạnh tranh tự do đưa ra mô hình cạnh tranh mà ở đó các chủ thể tham gia cuộc tranh đua hoàn toàn chủ động và tự do ý chí trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, các kế hoạch kinh doanh của mình.

Mô hình cạnh tranh tự do ra đời cùng với quan điểm về bàn tay vô hình do nhà kinh tế học người Anh Adam Smith (1723-1790) đề xuất. Theo Adam Smith, sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào quy luật của tự nhiên vì cho rằng trong các hiện tượng tự nhiên luôn tồn tại một trật tự có thể thấy được qua quan sát hoặc bẳng cảm giác đạo đức. Do đó, cơ chế kinh tế và pháp luật nên tuân theo thay vì đi ngược lại các trật tự tự nhiên này. Trong tác phẩm Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc của cải của các dân tộc (1776), Ông tôn vinh vai trò điều tiết thị trường của bàn tay vô hình và cho rằng, sự tự do tự nhiên đã sản sinh ra một hệ thống điều tiết các quan hệ và các lợi ích thị trường đơn giản và rõ ràng. Theo đó, khi chạy theo lợi ích cá nhân, mỗi người đã vô tình đồng thời đáp ứng lợi ích của xã hội, cho dù trước đó họ không có ý định này (cơ chế này được gọi là sự điều hoà tự nhiên về lợi ích). Vì vậy, hệ thống cạnh tranh tự do tự nó đã sản sinh những quyền lực cần thiết để điều tiết và phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu. Vì vậy, công quyền không cần phải can thiệp sâu vào đời sống thị trường7.

Bàn về cạnh tranh tự do, Adam Smith không loại bỏ vai trò của Nhà nước ra khỏi các quan hệ trên thương trường. Mặc dù cổ súy cho tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh, nhưng ông vẫn đề cao vai trò của công quyền trong việc đảm bảo trật tự thị trường. Theo đó, thị trường cần phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua hai nội dung: Thứ nhất, Nhà nước cần phải bảo vệ các ngành công nghiệp còn non trẻ bằng các hàng rào thuế quan;

Thứ hai, Nhà nước phải thực hiện ba chức năng là đảm bảo an ninh, duy trì sự công bằng, xây dựng và bảo vệ các công trình công cộng.

Ngày nay, lý thuyết về mô hình cạnh tranh tự do sơ khai kiểu của Adam Smith đã được một số người tự xưng là môn đệ của ông phát triển thành nhiều trường phái khác nhau. Sự phát triển đa dạng và phức tạp của các quan hệ trên thương trường với sự đan xen ngày càng chặt chẽ của nhiều dạng lợi ích đã làm nổi bật sự bất lực của bàn tay vô hình trong việc điều tiết cạnh tranh trên thương trường. Mô hình cạnh tranh tự do đã không còn là hình thức cạnh tranh lý tưởng được xưng tụng và áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, giá trị lịch sử của mô hình đó vẫn còn sáng mãi trong quan niệm và trong ý thức của loài người khi thiết kế các mô hình thị trường hoặc mô hình cạnh tranh trong thực tế của đời sống kinh tế – xã hội hiện đại.

b. Cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước

Khác với cạnh tranh tự do, cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước là hình thức cạnh tranh mà ở đó Nhà nước bằng các chính sách và công cụ pháp luật can thiệp vào đời sống thị trường để điều tiết, hướng các quan hệ cạnh tranh vận động và phát triển trong một trật tự, đảm bảo sự phát triển công bằng và lành mạnh.

Yêu cầu về sự điều tiết của Nhà nước đối với cạnh tranh xuất phát từ nhận thức của con người về mặt trái của cạnh tranh tự do và sự bất lực của bàn tay vô hình trong việc điều tiết đời sống kinh tế. Với sự giục giã của lợi nhuận và khả năng sáng tạo những thủ pháp cạnh tranh trong kinh doanh, các doanh nghiệp khi tham gia thương trường đã không ngừng tiến hành cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý lao động, quản lý sản xuất kinh doanh để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh những tính toán để nâng cao khả năng kinh doanh một cách chính đáng, còn phát sinh nhiều toan tính không lành mạnh nhằm tiêu diệt đối thủ để chiếm lĩnh vị trí thống trị thị trường, giảm bớt sức ép của cạnh tranh, nhiều thủ đoạn chiếm đoạt thị phần của người khác một cách bất chính, lừa dối khách hàng để trục lợi…. Những biểu hiện không lành mạnh ấy ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn độ phức tạp trong biểu hiện, làm ô nhiễm môi trường kinh doanh của thị trường.

Trong khi đó, lý thuyết về cạnh tranh tự do tôn vinh khả năng tự điều tiết của thị trường và của cạnh tranh thông qua phương thức thưởng phạt theo quy luật tự nhiên. Thực tế lại cho thấy, khả năng điều tiết các quan hệ thị trường của bàn tay vô hình dường như chỉ thích hợp và phát huy tác dụng khi quan hệ cạnh tranh và hợp tác giữa các chủ thể là lành mạnh và công bằng. Một khi những toan tính đi ngược lại với các tiêu chuẩn đạo đức len lỏi vào các quan hệ đó thì bàn tay vô hình cũng bị mất đi tác dụng. Bởi lẽ với những người mong muốn có được lợi nhuận bất chấp đạo đức thì các biện pháp trừng phạt tự nhiên của thị trường và của truyền thống, tập quán kinh doanh sẽ không thể phát huy hiệu quả. Trong trường hợp này, xã hội và thị trường cần phải có thêm bàn tay hữu hình của một thế lực đủ mạnh, đứng trên các chủ thể kinh doanh (là những chủ thể có tư cách pháp lý bình đẳng nhau), bằng những công cụ cần thiết để ngăn chặn, trừng phạt những hành vi xâm hại trật tự công bằng của thị trường, khôi phục những lợi ích chính đáng bị xâm hại.

Lịch sử phát triển của kinh tế thị trường đã chứng minh cho những lý lẽ trên và cũng đặt ra yêu cầu cho con người phải thay đổi nhận thức từ cạnh tranh tự do sang cạnh tranh có điều tiết. Trong thời kỳ đầu xây dựng và phát triển thị trường, Nhà nước tư bản cho dù đóng vai trò như người gác đêm (theo cách miêu tả của Macxit) hoặc con chó canh cửa (watch dog) – theo cách mô tả của những người chủ thuyết của kinh tế học cổ điển, cũng đã nhận ra được các tác hại của những toan tính lợi dụng tự do để cạnh tranh không lành mạnh, hòng trục lợi. Vì vậy, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XIX, các Nhà nước tư bản đã vận dụng một vài nguyên tắc của dân luật để xử lý các hành vi không lành mạnh trong cạnh tranh và xác định trách nhiệm vật chất cho người vi phạm để khôi phục lại các lợi ích chính đáng bị xâm hại. Lý thuyết về cạnh tranh có điều tiết đã được các nhà kinh tế học và luật học phát triển thêm một bước khi nền kinh tế tư bản chuyển sang giai đoạn phát triển tư bản độc quyền. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp độc quyền và hành vi lạm dụng quyền lực thị trường của các nhà tư bản dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội đòi hỏi Nhà nước và pháp luật phải xuất hiện như một đối trọng với quyền lực kinh tế của các nhà độc quyền nhằm duy trì trật tự và hạn chế những khuyết tật mà tự do cạnh tranh gây ra, ngăn chặn khả năng lạm dụng vị trí độc quyền của những doanh nghiệp đang có vai trò thống trị.

Cho đến nay, học thuyết về mô hình tự do cạnh tranh dường như đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó, bởi hầu hết các nước đều đã làm quen và hài lòng với mô hình cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Lý luận cũng như thực tiễn của thị trường phải làm rõ vấn đề xác định chính xác mức độ và phương pháp, công cụ can thiệp của Nhà nước để điều tiết môi trường cạnh tranh nhằm vừa bảo vệ trật tự cạnh tranh vừa tôn trọng quyền tự do và tự chủ của các doanh nghiệp trên thương trường. Mọi sự can thiệp một cách thô bạo vào thị trường vừa làm méo mó diện mạo của cạnh tranh vừa xâm hại đến quyền tự do của các chủ thể kinh doanh.

Có thể nói, việc phân chia và nghiên cứu cạnh tranh dưới các mô hình cạnh tranh tự do và cạnh tranh có điều tiết đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận để lý giải cho sự xuất hiện của Nhà nước vào đời sống cạnh tranh, làm cơ sở cho việc tìm kiếm những phương tiện để điều tiết thị trường.

2. Cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo và độc quyền

Căn cứ vào tính chất mức độ biểu hiện, cạnh tranh được chia thành cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo và độc quyền.

a. Cạnh tranh hoàn hảo

Cạnh tranh hoàn hảo là hình thức cạnh tranh mà ở đó người mua và người bán đều không có khả năng tác động đến giá cả của sản phẩm trên thị trường. Trong hình thái thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá cả của sản phẩm hoàn toàn do quan hệ cung cầu, quy luật giá trị quyết định; không có sự tồn tại của bất cứ khả năng hay quyền lực nào có thể chi phối các quan hệ trên thị trường.

Phân tích các yếu tố của thị trường, các nhà kinh tế học cho rằng, cạnh tranh hoàn hảo sẽ chỉ tồn tại khi có đủ 5 điều kiện sau đây:

Một, số lượng doanh doanh nghiệp tham gia thị trường và số lượng khách hàng rất lớn, đủ để không một ai trong số họ có khả năng tác động đến thị trường. Do đó, thị phần của các doanh nghiệp và khả năng tiêu dùng của khách hàng là không lớn;

Hai, sản phẩm tham gia thị trường phải đồng nhất, vì sự dị biệt trong sản phẩm là đối tượng của thị trường nên mức độ khác biệt giữa các sản phẩm tương tự có thể tạo ra quyền lực cho từng doanh nghiệp ở mức độ nhất định;

Ba, thông tin trên thị trường là hoàn hảo. “Thông tin hoàn hảo là việc những người tham gia thị trường trong một nền kinh tế cạnh tranh nhận biết được đầy đủ và thấy trước được giá cả hiện nay và tương lai cũng như vị trí của hàng hoá và dịch vụ”. Một khi thông tin thị trường được coi là hoàn hảo thì cả người mua và người bán đều không có cơ hội để lừa dối nhau nhằm nâng giá hay ép giá sản phẩm;

Bốn, không có sự tồn tại của các rào cản gia nhập thị trường, điều này có nghĩa là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo luôn tồn tại sự tự do gia nhập của các doanh nghiệp tiềm năng. Dưới những phân tích của kinh tế học, tự do gia nhập được hiểu là các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư “có thể và sẽ gia nhập vào thị trường nếu như họ quan sát thấy các doanh nghiệp khác đang kiếm được lợi nhuận nhiều hơn lợi nhuận bình thường. Tác động của sự gia nhập tự do này sẽ làm cho đường cầu của mỗi doanh nghiệp có chiều hướng đi xuống cho đến khi mỗi doanh nghiệp chỉ kiếm được lợi nhuận bình thường, tại thời điểm mà không còn sự kích thích nào cho doanh nghiệp muốn gia nhập”;

Năm, các yếu tố đầu vào của quy trình sản xuất được lưu thông tự do và các doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận với những yếu tố trên. Các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, lao động… đều có khả năng ảnh hưởng đến năng lực kinh doanh và quyết định một phần vị trí của nhà kinh doanh trên thị trường, bởi lẽ nếu như một người có khả năng chi phối nguồn nguyên liệu đầu vào trong một ngành sản xuất, chắc chắn họ cũng sẽ khống chế sự vận động của các quan hệ sản xuất trên thị trường đó. Vì vậy, điều kiện về sự cân bằng của các yêu tố đầu vào đảm bảo cho doanh nghiệp có vị thế ngang nhau và cơ hội ngang nhau trong việc triển khai các chiến lược kinh doanh.

Nhìn chung, những điều kiện để có cạnh tranh hoàn hảo là những tiêu chí nhằm gọt bỏ mọi nguy cơ hình thành các thế mạnh trên thị trường, đảm bảo không một ai (cả người bán lẫn người mua) có thể chi phối thị trường. Với mô hình thị trường cạnh tranh hoàn hảo, các nhà kinh tế học xem khả năng của cạnh tranh tác động đến sự vận hành các quan hệ thị trường trong trạng thái tĩnh. Nói cách khác, cạnh tranh hoàn hảo là hình thức cạnh tranh mang tính lý thuyết dựa trên những điều kiện giả định của các nhà khoa học, mà không tồn tại trên thực tế. Sự vận động của các yếu tố trên thị trường như vốn, nguyên liệu, lao động và thị phần, kết hợp với bản tính hay thay đổi của người tiêu dùng đã làm cho thị trường không thể đồng thời tồn tại đủ các điều kiện nói trên. Các sản phẩm sẽ không thể đồng nhất trước sự phong phú và đa dạng của nhu cầu tiêu dùng trong xã hội, ngay cả với những mặt hàng đồng nhất do tự nhiên mà có như đường ăn, muối… cũng đang có xu hướng đa dạng hóa. Mặt khác, sự mở rộng không ngừng của khái niệm thị trường sản phẩm lẫn thị trường địa lý làm cho khả năng hoàn hảo về thông tin là không thể xảy ra. Sự vận động không ngừng của thị trường đã phủ nhận khả năng tồn tại của một loại thị trường tĩnh theo kiểu lý thuyết về cạnh tranh hoàn hảo.

b. Cạnh tranh không hoàn hảo

Cạnh tranh không hoàn hảo là hình thức cạnh tranh chiếm ưu thế trong các ngành sản xuất mà ở đó, các doanh nghiệp phân phối hoặc sản xuất có đủ sức mạnh và thế lực để có thể chi phối giá cả các sản phẩm của mình trên thị trường10. Theo Từ điển kinh tế học hiện đại, cạnh tranh không hoàn hảo ra đời do sự khuyết đi một trong những yếu tố để tạo nên sự hoàn hảo của thị trường (đã đề cập đến ở phần cạnh tranh hoàn hảo). Trong thực tế, hình thức cạnh tranh không hoàn hảo là hình thức cạnh tranh phổ biến trên thị trường, ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành của nền kinh tế. Nếu như trong cạnh tranh hoàn hảo, không có ai có đủ khả năng chi phối thị trường, thì trong cạnh tranh không hoàn hảo, do các điều kiện để sự hoàn hảo tồn tại không đầy đủ nên mỗi thành viên của thị trường đều có một mức độ quyền lực nhất định đủ để tác động đến giá cả của sản phẩm. Tùy từng biểu hiện của hình thức cạnh tranh này mà cách thức tác động đến giá cả sẽ là khác nhau.

Kinh tế học chia cạnh tranh không hoàn hảo thành cạnh tranh mang tính độc quyền và độc quyền nhóm:

– Cạnh tranh mang tính độc quyền

Lý thuyết về hình thức cạnh tranh mang tính độc quyền gắn liền với các công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học người Mỹ Edward Chamberlin11 (1899-1967) và nhà kinh tế học người Anh Joan V. Robinson12 (1903-1983). Mặc dù là những nhà nghiên cứu độc lập nhưng trong các tác phẩm đã công bố, hai nhà khoa học này có nhiều quan điểm tương đồng trong việc mô tả về hiện tượng cạnh tranh mang tính độc quyền. Cạnh tranh mang tính độc quyền là hình thức cạnh tranh sản phẩm, mà mỗi doanh nghiệp đều có mức độ độc quyền nhất định vì họ có sản phẩm của riêng mình. Mặc dù các sản phẩm trên thị trường có thể thay thế cho nhau, song các doanh nghiệp luôn nỗ lực thực hiện cá biệt hoá sản phẩm của mình13. Sự thành công trong việc dị biệt hoá sản phẩm phù hợp với sự đa dạng và tính hay thay đổi của nhu cầu thị trường quyết định mức độ độc quyền và thành công của doanh nghiệp. Các tiêu chí được sử dụng để cá biệt hoá sản phẩm thường là mẫu mã, chất lượng, nhãn mác, dịch vụ bán hàng,…. Chúng ta có thể tìm thấy sự hiện diện của cạnh tranh mang tính độc quyền trong thị trường của các ngành như hoá mỹ phẩm, may mặc, ôtô…

– Độc quyền nhóm

Trong độc quyền nhóm, hình thức cạnh tranh được tồn tại trong một số ngành chỉ có một số ít nhà sản xuất và mỗi nhà sản xuất đều nhận thức được rằng giá cả của mình không chỉ phụ thuộc vào năng suất của chính mình mà còn phụ thuộc vào hoạt động của các đối thủ cạnh tranh quan trong trong ngành đó14. Ở mô hình độc quyền nhóm, người ta không cần quan tâm đến tính thuần nhất của sản phẩm mà nhấn mạnh đến số lượng thành viên của thị trường, đặc thù công nghệ của một số ngành sản xuất đòi hỏi quy mô tối thiểu có hiệu qủa lớn đến mức không phải ai cũng có thể đáp ứng. Chỉ một số lượng nhỏ doanh nghiệp với tiềm lực tài chính và khả năng về công nghệ có thể tham gia đầu tư, ví dụ như sản xuất ôtô, cao su, thép, xi măng.v.v. Khi đó, sự thay đổi về giá của mỗi doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp khác và ngược lại. Mặt khác, việc thay đổi sản lượng của doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến quan hệ cung cầu của sản phẩm và tác động đến sự thay đổi của giá cả sản phẩm.

c. Độc quyền

Độc quyền tồn tại khi chỉ có một doanh nghiệp duy nhất sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường mà không có sự thay thế từ các sản phẩm hoặc các chủ thể kinh doanh khác. Khi có vị trí độc quyền, thị trường sẽ trao cho doanh nghiệp quyền lực của mình, “khả năng tác động đến giá cả thị trường của một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định”15. Như vậy, độc quyền là một thuật ngữ để chỉ việc một doanh nghiệp nào đó duy nhất tồn tại trên thị trường mà không có đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp độc quyền có thể độc quyền nguồn cung (độc quyền bán) hoặc độc quyền cầu (độc quyền mua) trên thị trường. Cả hai trường hợp độc quyền này đều đem lại cho doanh nghiệp độc quyền khả năng khống chế ý chí của đối tác hoặc của khách hàng, tước bỏ khả năng lựa chọn của khách hàng, buộc họ chỉ còn một cơ may duy nhất là được giao dịch với doanh nghiệp độc quyền. Khi ấy, sự chi phối của doanh nghiệp độc quyền đến giá cả và những điều kiện thương mại khác dễ xảy ra.

Những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành độc quyền bao gồm các loại sau đây:

– Độc quyền hình thành từ quá trình cạnh tranh. Với tư cách là kết quả của quá trình cạnh tranh, độc quyền được tạo ra bởi sự tích tụ dần theo cơ chế lợi nhuận và các nguồn lực thị trường cứ tích tụ dần vào doanh nghiệp đã chiến thắng. Cứ như thế, sự bồi đắp về nguồn lực qua thời gian cho doanh nghiệp chiến thắng và sự ra đi của những doanh nghiệp thất bại đã hình thành nên thế lực độc quyền;

– Độc quyền hình thành từ yêu cầu của công nghệ sản xuất hoặc yêu cầu về quy mô tối thiểu của ngành kinh tế kỹ thuật. Theo đó, trong những ngành kinh tế nhất định chỉ có những nhà đầu tư nhất định đáp ứng được yêu cầu về công nghệ hoặc về số vốn đầu tư tối thiểu mới có thể đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Những điều kiện về công nghệ, về vốn tối thiểu đã loại bỏ dần những người không đủ khả năng, dẫn đến việc chỉ có một nhà đầu tư nào đó có thể đáp ứng được những điều kiện đó và thị trường đã trao cho người đủ điều kiện vị trí độc quyền. Trong đời sống kinh tế hiện đại, có thể tìm thấy những ngành có các yêu cầu công nghệ cao và vốn lớn như chế tạo máy bay, du lịch không gian.

– Độc quyền hình thành từ sự tồn tại của các rào cản trên thị trường (barrier). Các rào cản đó bao gồm sự bảo hộ của Nhà nước (bao gồm bảo hộ bằng các quyết định hành chính cho các doanh nghiệp Nhà nước và bảo hộ các đối tượng thuộc sở hữu công nghiệp); sự trung thành của khách hàng; rào cản do lợi thế chi phí tuyệt đối của doanh nghiệp đang tồn tại, đã làm cản trở sự gia nhập thị trường của các nhà kinh doanh mới, từ đó củng cố và bảo vệ vị trí độc quyền của doanh nghiệp hiện đang tồn tại;

– Độc quyền do sự tích tụ tập trung kinh tế. Tập trung kinh tế diễn ra thông qua việc sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại, liên doanh và những hình thức khác (ví dụ như việc kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo trong nhiều doanh nghiệp), việc mua lại doanh nghiệp có thể hiểu là mua lại toàn bộ một doanh nghiệp hoặc mua một lượng đáng kể cổ phiếu của doanh nghiệp khác để có thể kiểm soát nó.

Sự tồn tại của doanh nghiệp độc quyền có khả năng tập trung mọi nguồn lực thị trường để đầu tư hoặc phát triển nghiên cứu công nghệ, triển khai thực hiện những dự áp đầu tư đòi hỏi vốn lớn. Rất nhiều thành tựu kinh tế và khoa học kỹ thuật của nhân loại trong thế kỷ XXI đã được thực hiện dưới sự tài trợ của các doanh nghiệp hoặc các tập đoàn độc quyền.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của độc quyền trong đời sống kinh tế sẽ triệt tiêu cạnh tranh, có thể gây ra những thiệt hại khó lường trước như:

– Người tiêu dùng rất dễ bị bóc lột bởi việc doanh nghiệp độc quyền đặt ra các mức giá phi cạnh tranh (còn gọi là mức giá bóc lột);

– Độc quyền có thể là nguyên nhân gây ra lãng phí cho xã hội bằng các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để củng cố hoặc duy trì độc quyền bằng mọi giá;

– Độc quyền có thể bóp méo chi phí sản xuất. Doanh nghiệp độc quyền ít chịu sức ép cạnh tranh so với các doanh nghiệp cạnh tranh. Do đó nên sức ép giảm chi phí đối với doanh nghiệp độc quyền cũng thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Với cùng một loại hàng hoá sản xuất và cùng một lượng hàng hoá cung cấp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp độc quyền thường có chi phí cao hơn so với doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh;

– Độc quyền tạo ra sức ỳ cho bản thân doanh nghiệp độc quyền. Vì không phải chịu các sức ép từ cạnh tranh, nên các doanh nghiệp độc quyền không có động lực cải tiến kỹ thuật, cắt giảm chi phí và đầu tư phát triển công nghệ… được bao bọc bởi hiệu quả kinh tế không từ khả năng kinh doanh mà từ vị trí độc quyền có thể khiến cho doanh nghiệp tự bằng lòng với những gì họ đang có. Những điều nói trên tạo ra sức ỳ nhất định cho doanh nghiệp. Những diễn biến xảy ra đối với các doanh nghiệp độc quyền của Việt Nam trong nhiều ngành là ví dụ điển hình.

3. Cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh

Dựa vào tính lành mạnh và sự tác động của  hành vi đối với thị trường, các hành vi cạnh tranh được chia làm 3 loại là cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh.

a. Hành vi cạnh tranh lành mạnh

Theo cuốn Black’s Law Dictionary, cạnh tranh lành mạnh được định nghĩa “là hình thức cạnh tranh công khai, công bằng và ngay thẳng giữa các đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh”16. Luôn là ước muốn của các doanh nghiệp có thái độ kinh doanh tử tế, của những nhà quản lý kinh tế, cạnh tranh lành mạnh đem lại hiệu quả tối ưu cho người tiêu dùng. Nuôi nấng và tô vẽ các nét đẹp truyền thống văn hiến vài nghìn năm, nền kinh tế lúa nước của người Việt Nam cũng phản ánh những quan niệm về cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động giao lưu thương mại. Những câu thành ngữ “buôn có bạn, bán có phường”, sự hình thành các trung tâm thương mại lớn như “nhất kinh kỳ, nhì phố hiến” đã cho thấy các thương nhân Việt Nam đã có thói quen yêu mến sự lành mạnh của cạnh tranh.

Hiện nay, là khái niệm chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, cạnh tranh lành mạnh không phải là khái niệm luật định cho dù bất cứ đạo luật cạnh tranh nào cũng đều hướng đến xây dựng và hoàn thiện một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khoa học pháp lý, người ta cũng chưa có được bất cứ khái niệm nào về cạnh tranh lành mạnh làm vừa lòng tất cả những nhà khoa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã có một sự thống nhất khi đưa ra những đặc trưng của cạnh tranh lành mạnh như sau:

– Cạnh tranh bằng tiềm năng vốn có của doanh nghiệp;

– Có mục đích thu hút khách hàng;

– Không trái pháp luật và tập quán kinh doanh lành mạnh17.

Cạnh tranh lành mạnh đem lại cho người tiêu dùng chất lượng sản phẩm ngày càng cao, sự đa dạng sản phẩm theo nhu cầu, giá cả hợp lý; đem lại cho đời sống kinh tế – xã hội những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật, sự hợp lý trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế như: vốn, lao động, nguyên liệu. Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh sẽ là trọng tài công bằng để lựa chọn những nhà kinh doanh có đủ năng lực, đủ bản lĩnh để tồn tại và kinh doanh hiệu quả.

b. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Điều 10 Bis Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định: “bất cứ hành vi cạnh tranh nào trái với các hoạt động thực tiễn, không trung thực trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.

Do ra đời từ bản tính hám lợi và ganh đua của con người trong kinh doanh, cạnh tranh luôn có tính hai mặt. Dưới góc độ tích cực, cạnh tranh đem lại các lợi ích cho xã hội, cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp. Song, ở chừng mực nào đó, khi nhu cầu lợi nhuận thúc giục và cám dỗ con người đến với những thủ đoạn thái quá trong cạnh tranh, thì các hành vi cạnh tranh ấy trở thành nỗi ám ảnh và có thể gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho sự phát triển, xâm hại lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp khác, của người tiêu dùng. Lý thuyết cạnh tranh gọi đó là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song pháp luật các nước đều không thể đưa ra được khái niệm cạnh tranh không lành mạnh có thể bao quát được mọi biểu hiện trên thực tế. Vì vậy, nếu có đưa ra khái niệm cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật của các nước cũng phải kèm theo các quy định liệt kê từng hành vi cụ thể. Lý giải về điều này, Phó Giáo sư Nguyễn Như Phát cho rằng sức sáng tạo bất tận của các nhà kinh doanh đã làm cho phạm vi của hành vi không lành mạnh luôn thay đổi bằng sự xuất hiện của những thủ đoạn bất chính mới. Do đó, pháp luật với tính ổn định tương đối sẽ mau trở thành lỗi thời trước thực tế sinh động của thị trường.

Với những lý do đó, lý thuyết về cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh cho dù có những cách thức tiếp cận có khác nhau, nhưng họ đều có sự thống nhất về những căn cứ để nhận dạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi:

– Nhằm mục đích cạnh tranh phát sinh trong kinh doanh;

– Trái với pháp luật cạnh tranh hoặc tập quán kinh doanh thông thường;

– Gây thiệt hại cho đối thủ hoặc cho khách hàng.

c. Hành vi hạn chế cạnh tranh

Nếu như sự bất thành trong việc xây dựng mô hình cạnh tranh tự do đã chỉ ra cho con người nhận biết được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì những thủ đoạn lũng đoạn thị trường của các tập đoàn kinh tế tư bản độc quyền ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đã cảnh báo cho con người về nguy cơ đe dọa cạnh tranh của quyền lực thị trường. Ban đầu, các hành vi lũng đoạn thị trường gây hậu quả xấu đến tình hình kinh tế – xã hội được coi là một dạng của cạnh tranh không lành mạnh. Cho đến nay, các nhà khoa học đã tách nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh ra khỏi khái niệm cạnh tranh không lành mạnh do những thiệt hại mà hành vi này xâm hại và những biểu hiện khách quan của chúng.

Mặc dù được thực hiện từ các doanh nghiệp đều mang bản chất bất chính và có khả năng gây thiệt hại cho thị trường hoặc cho chủ thể khác, giữa hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh có những khác biệt cơ bản, theo đó, hành vi hạn chế cạnh tranh luôn hướng đến việc hình thành một sức mạnh thị trường hoặc tận dụng sức mạnh thị trường để làm cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường bị biến dạng. Có hai nội dung cần phải xác định đối với hành vi hạn chế cạnh tranh là:

Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi có thể là một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp, các doanh nghiệp này hoặc là đã có sức mạnh thị trường, hoặc hướng đến việc hình thành nên sức mạnh thị trường bằng cách thỏa thuận hoặc tập trung kinh tế;

Thứ hai, các hành vi được thực hiện nhằm mục tiêu làm biến dạng cạnh tranh, sự biến dạng của cạnh tranh có thể là làm thay đổi cấu trúc thị trường, thay đổi tương quan cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, loại bỏ đối thủ, ngăn cản đối thủ tiềm năng để làm giảm đi sức ép cạnh tranh hiện có hoặc sẽ có, bóc lột khách hàng… Thông thường, hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm ba dạng hành vi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền để hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế.

Như vậy, so với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì các hành vi hạn chế cạnh tranh có khả năng gây thiệt hại cao hơn. Đồng thời do sự xuất hiện của quyền lực thị trường nên các biện pháp trừng phạt mang tính dân sự như bồi thường thiệt hai hay cải chính công khai sẽ không thể phát huy hiệu quả một cách tối ưu. Vì lẽ đó, công quyền thường không thể sử dụng cùng một loại biện pháp trừng phạt giống nhau để áp dụng cho cả hai loại hành vi trên.


Các tìm kiếm liên quan đến Các hình thức tồn tại của cạnh tranh, các loại cạnh tranh trên thị trường, ý nghĩa của cạnh tranh, nguồn gốc của cạnh tranh, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, vai trò của cạnh tranh, khái niệm quy luật cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, ví dụ về quy luật cạnh tranh

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền