Khái niệm, các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật hành chính. Ví dụ?

Luật hành chính Việt Nam

Quan hệ pháp luật hành chính là những quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh giữa các bên mang quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với nhau.

 

Các nội dung liên quan:

 

Quan hệ pháp luật hành chính

Mục lục:

  1. Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính
    1. Khái niệm
    2. Đặc điểm
  2. Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật hành chính
    1. Chủ thể
    2. Khách thể
    3. Nội dung
  3. Sự kiện pháp lý của quan hệ pháp luật hành chính
  4. Phân loại quan hệ pháp luật hành chính

Quan hệ pháp luật hành chính

1. Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính

a) Quan hệ pháp luật hành chính là gì?

Quan hệ pháp luật hành chính là những quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh giữa các bên mang quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với nhau.

b) Đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính

Đặc điểm chung:

  • Là yếu tố của kiến trúc thượng tầng và phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính được nhà nước đảm bảo thực hiện.

Đặc điểm riêng (xuất phát từ hoạt động quản lý hành chính nhà nước):

  • Một bên trong quan hệ pháp luật hành chính bắt buộc phải là chủ thể mang quyền lực nhà nước, do quản lý hành chính nhà nước có chủ thể là cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức xã hội đựoc trao quyền, các cơ quan nhà nước khác.
  • Quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh do yêu cầu của bất kỳ bên nàp mà sự đồng ý của bên kia không phải là điều kiện bắt buộc.
  • Phần lớn tranh chấp trong quan hệ pháp luật hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính.

2. Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật hành chính

a) Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính

Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính. Như vậy, điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó phải có năng lực chủ thể phù hợp với quan hệ pháp luật hành chính mà họ tham gia.

Năng lực chủ thể là khả năng pháp lý của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể của quan hệ đó. Tùy thuộc vào tư cách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà năng lực chủ thể của họ có những điểm khác nhau về nội dung, thời điểm phát sinh và các yếu tố chi phí phối. Nhìn chung, năng lực chủ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xem xét ở những khía cạnh chủ yếu sau:

  • Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước phát sinh khi cơ quan đó thành lập và chấm dứt khi cơ quan đó bị giải thể. Năng lực này được pháp luật hành chính quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó trong quản lý hành chính nhà nước.
  • Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức phát sinh khi cá nhân được Nhà nước giao đảm nhiệm một công vụ, chức vụ nhất định trong bộ máy nhà nước và chấm dứt khi không còn đảm nhiệm công vụ, chức vụ đó. Năng lực này được pháp luật hành chính quy định phù hợp với năng lực chủ thể của cơ quan và vị trí công tác của cán bộ, công chức đó.
  • Năng lực chủ thể của tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang, đơn vị hành chính – sự nghiệp… (gọi chung là tổ chức) phát sinh khi nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó trong quản lý hành chính nhà nước và chấm dứt khi không còn những quy định đó hoặc tổ chức bị giải thể.
  • Năng lực chủ thể của cá nhân được biểu hiện trong tổng thể năng lực pháp luật hành chính và năng lực hanh vi hành chính.

b) Khách thể quan hệ pháp luật hành chính

Trong quản lý hành chính nhà nước, các lợi ích trực tiếp thúc đầy các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính rất đa dạng. Chúng có thể là lơi ích của nhà nước hay quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, các lợi ích đó chỉ được bảo đảm nếu chúng phù hợp với trật tự quản lý hành chính nhà nước.

Pháp luật hành chính xác lập và bảo vệ các  trật tự quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và định hướng quản lý hành chính nhà nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức.

Từ những nhận định trên, có thể thấy cho dù những lợi ích trực tiếp thúc đẩy các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính có đa dạng đến đâu thì khách thể chung của quan hệ pháp luật hành chính là các trật tự quản lý hành chính nhà nước.

Tùy thuộc vào từng lĩnh vực phát sinh, các quan hệ pháp luật hành chính sẽ có những khách thể là trật tự quản lý hành chính nhà nước tương ứng với lĩnh vực đó

Ví dụ về khách thể của quan hệ pháp luật hành chính

Ví du: Các quan hệ pháp luật hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo đều có chung khách thể là trật tự quản lý hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

c) Nội dung của quan hệ pháp luật hành chính

Nội dung của quan hệ pháp luật hành chính là các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ đó.

Các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính có thể là cơ quan nhà nước, tổ chức hay cá nhân; có thể nhân danh nhà nước, vì lợi ích của nhà nước hoặc nhân danh chính mình nhưng họ đều thực hiện quyền và nghĩa vụ do quy phạm pháp luật hành chính quy định. Việc quy định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ này là cần thiết đối với xác lập và duy trì trật tự quản lý hành chính nhà nước.

3. Sự kiện pháp lý của quan hệ pháp luật hành chính

Cơ sở làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính là: Quy phạm pháp luật, sự kiện pháp lý và năng lực chủ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, quy phạm pháp luật và năng lực chủ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan là điều kiện chung cho việc phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính.

Sự kiện pháp lý hành chính là những sự kiện xảy ra trên thực tế, mà việc xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt chúng dẫn đến việc làm phát sinh, thay đổi hoặc làm chấm dứt một quan hệ pháp luật hành chính.

Cũng như các sự kiện pháp lý khác, sự kiện pháp lý hành chính chủ yếu được phân thành hai loại:

  • Sự biến (sự kiện phi ý chí): là những sự kiện xảy ra theo quy luật khách quan không chịu sự chi phối của con người, mà việc xuất hiện, thay đổi hay chấm dứt chúng được pháp luật hành chính gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hoặc làm chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.

Ví dụ: Sự kiện thiên tai, dịch bệnh, sự cố kỹ thuật,…

  • Hành vi (sự kiện ý chí): là sự kiện pháp lý chịu sự chi phối bởi ý chí của con người, mà việc thực hiện hay không thực hiện chúng được pháp luật hành chính gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hoặc làm chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.

Ví dụ: Hành vi khiếu nại là sự kiện pháp lý hành chính làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính giữa người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó với người khiếu nại và người bị khiếu nại.

Thực tiễn pháp lý cho thấy việc phân biệt sự kiện pháp lý hành chính với các sự kiện pháp lý khác chỉ có tính chất tương đối. Vì sự kiện pháp lý hành chính chỉ là một bộ phận của sự kiện pháp lý nói chung và có nhiều sự kiện pháp lý hành chính đồng thời là sự kiện pháp lý của một số quan hệ pháp luật khác.

Ví dụ: Sự kiện cấp giấy đăng ký kết hôn không chỉ là sự kiện pháp lý chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính về việc đăng ký kết hôn, mà còn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ vợ chồng giữa hai người được cấp đăng ký theo quy định của Luật hôn nhân gia đình.

Như vậy, nếu quy phạm pháp luật và năng lực chủ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan là điều kiện chung cho việc phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính, thì sự kiện pháp lý hành chính là điều kiện thực tế cụ thể và trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ đó..

4. Phân loại quan hệ pháp luật hành chính

Căn cứ vào tính chất mối quan hệ giữa các chủ thể, các quan hệ pháp luật hành chính, có thể được phân loại như sau:

  • Quan hệ pháp luật hành chính nội bộ là loại quan hệ pháp luật hành chính phát sinh giữa các chủ thể có quan hệ lệ thuộc về mặt tổ chức. Nội dung của các quan hệ pháp luật hành chính nội bộ thường đề cập các vấn đề như phân cấp quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức trực thuộc hoặc kiện toàn về tổ chức và bảo đảm kỷ luật trong bộ máy nhà nước.
  • Quan hệ pháp luật hành chính liên hệ là loại quan hệ pháp luật hành chính phát sinh giữa các chủ thể không có quan hệ lệ thuộc về mặt tổ chức.

Căn cứ vào tính chất quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, các quan hệ pháp luật hành chính, có thể được phân loại như sau:

  • Quan hệ nội dung là loại quan hệ pháp luật hành chính được thiết lập để trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đó. Các quan hệ này là do quy phạm nội dung điều chỉnh.
  • Quan hệ thủ tục là loại quan hệ pháp luật hành chính hình thành trong quá trình các chủ thể thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết giúp cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ trong các quan hệ nội dung được nhanh chóng và đúng đắn. Các quan hệ này do quy phạm thủ tục điều chỉnh.

Căn cứ vào lĩnh vực phát sinh quan hệ, các quan hệ pháp luật hành chính có thể được phân thành các nhóm quan hệ pháp luật hành chính về quản lý kinh tế, văn hóa, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội,…; về xử lý vi phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

5. Một số câu hỏi về quan hệ pháp luật hành chính

  1. Tình huống quan hệ pháp luật hành chính

  2. Cách nhận diện quan hệ pháp luật hành chính

  3. Ví dụ về quan hệ pháp luật hành chính

  4. Cơ sở làm phát sinh thay đổi chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính

  5. Năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính

  6. Ví dụ chủ thể khách thể nội dung của quan hệ pháp luật hành chính


Các tìm kiếm liên quan đến phân tích các bộ phận của quan hệ pháp luật hành chính, tình huống quan hệ pháp luật hành chính, các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật hành chính phát sinh khi nào, năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật dân sự, lấy ví dụ quan hệ pháp luật, cách nhận diện quan hệ pháp luật hành chính, câu hỏi về quan hệ pháp luật

5/5 - (17061 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền