Phương pháp bình luận án, bản án trong nghề luật

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Cách bình luận án, bản án trong nghề luật
Các bước bình luận án, bản án trong nghề luật (Ảnh: hocluat.vn)

Phương pháp bình luận án, bản án trong nghề luật là nội dung được trích từ bài viết “Tổng quan về kỹ năng bình luận án” của PGS.TS.Nguyễn Minh Hằng đăng tải trên Tạp chí Nghề luật ngày 17/8/2020.

1. Phương pháp bình luận án

Phương pháp bình luận án có nội hàm rộng hơn so với phương pháp bình luận bản án. Để đưa ra được những quan điểm phù hợp, người bình luận đều cần nghiên cứu hồ sơ vụ án cụ thể với những yêu cầu phù hợp với việc sử dụng bản án để đạt được mục tiêu khi sử dụng kỹ năng bình luận án. Do đó, sau khi đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ các vụ án (đã có bản án) được lựa chọn, người bình luận cần thực hiện các yêu cầu sau:

Nhan đề: TỔNG QUAN VỀ KỸ NĂNG BÌNH LUẬN ÁN

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp

Bước 1: Tóm tắt nội dung vụ án theo hồ sơ đã lựa chọn.

Trên cơ sở hồ sơ của vụ án đã lựa chọn, sau khi nghiên cứu kỹ, người bình luận án phải viết tóm tắt lại toàn bộ nội dung vụ án. Khi tóm tắt, không chép lại các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ, mà chỉ trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu này tóm tắt những diễn biến quan trọng nhất để có thể xác định nội dung cơ bản của vụ án. Ví dụ, trong vụ án dân sự, từ việc nghiên cứu đơn khởi kiện, những giấy tờ, tài liệu do đương sự cung cấp, những tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập thêm, cũng như toàn bộ diễn biến tại phiên toà, người bình luận sẽ viết tóm tắt nội dung vụ án. Việc tóm tắt vụ án phải xác định rõ yêu cầu của các đương sự (dân sự, hành chính), quan điểm truy tố của Viện kiểm sát và kết luận của cơ quan điều tra…; đảm bảo tính khái quát, khách quan, trung thực để có thể bình luận về cách giải quyết vụ án của Toà án là đúng hay sai, chỉ có thể căn cứ vào diễn biến, nội dung của vụ án để đánh giá.

Bước 2: Nghiên cứu kỹ toàn bộ hồ sơ vụ án, nhất là bản án về việc giải quyết vụ án.

Ngoài việc tóm tắt nội dung vụ án, để có thể có đủ căn cứ đánh giá sự đúng sai trong cách giải quyết của Toà án, cần phải biết vụ án đó đã được Toà án giải quyết thế nào. Căn cứ vào bản án, trên cơ sở nội dung của vụ án đã được tóm tắt, người bình luận đưa ra những đánh giá, kết luận việc giải quyết vụ án cả về phương diện nội dung và trên phương diện tố tụng. Khi nghiên cứu bản án cần chú ý đến tính hợp pháp và tính có căn cứ. Tính hợp pháp của bản án thể hiện ở chỗ không những bản án đó phải phù hợp với pháp luật nội dung mà còn phải phù hợp với những quy định luật hình thức. Tính có căn cứ của bản án thể hiện ở các chứng cứ dùng để chứng minh vụ án phải phù hợp với những sự kiện (tình tiết) thực tế của vụ án đã xảy ra.

Việc nghiên cứu hồ sơ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(i) Việc nghiên cứu phải tiến hành toàn diện và nhanh chóng. Nghiên cứu toàn diện tức là phải nghiên cứu tất cả các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không bỏ sót một tài liệu, chứng cứ nào. Đồng thời, phải xem xét cả về hình thức, nội dung của các tài liệu, chứng cứ và phải đặt các tài liệu, chứng cứ trong mối liên hệ với các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án.

(ii) Việc nghiên cứu phải độc lập, khách quan. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án giúp người bình luận hình thành quan điểm về việc giải quyết vụ án. Do đó, người bình luận án phải thực sự độc lập, khách quan trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án.

(iii) Việc nghiên cứu hồ sơ phải được tiến hành theo một trình tự logic. Mỗi tình tiết của vụ án đều có mối liên quan đối với các tình tiết khác của vụ án vì chúng phát sinh trong một trật tự nhất định. Để nắm được nội dung vụ án một cách có hệ thống, người bình luận án phải tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án theo một trình tự logic. Thông thường, phải nghiên cứu từng vấn đề của vụ án, nghiên cứu xong vấn đề này mới chuyển sang nghiên cứu vấn đề khác. Đối với mỗi vấn đề của vụ án, cần nghiên cứu theo trình tự thời gian.

Tùy từng vụ án mà trong hồ sơ vụ án có thể có nhiều tài liệu, chứng cứ khác nhau. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng tùy thuộc vào kỹ năng, phương pháp và nhận thức của từng người. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án đòi hỏi người bình luận phải nghiên cứu toàn diện các vấn đề về nội dung và thủ tục giải quyết vụ án. Việc nghiên cứu nội dung của vụ án để người bình luận có nhận thức đầy đủ và đúng về bản chất của vụ án, trên cơ sở đó có quan điểm và luận cứ khoa học cho các vấn đề được Tòa án giải quyết trong vụ án. Trong một vụ án có thể có rất nhiều tài liệu, rất nhiều nguồn chứng cứ đã được Tòa án thu thập và có thể nội dung trong những tài liệu, chứng cứ này là đối lập, mâu thuẫn nhau. Do đó, khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, người bình luận cần phải xác định được các yêu cầu, các nội dung, các vấn đề, các tài liệu, chứng cứ nào đã thống nhất, các vấn đề nào không thống nhất. Trong số các tài liệu, các nguồn chứng cứ được thu thập, có trong hồ sơ vụ án thì nội dung của tài liệu, của nguồn chứng cứ nào chứa đựng chứng cứ của vụ án, có giá trị chứng minh. Sau khi nghiên cứu xong hồ sơ, trên cơ sở tổng hợp, đánh giá các tài liệu, chứng cứ trong vụ án, người bình luận cần phải nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan, cần áp dụng để đưa ra định hướng giải quyết từng vấn đề pháp lý trong vụ án.

Bước 3: Nhận xét về điểm đúng, điểm sai trong việc giải quyết vụ án thể hiện trong bản án.

Trên cơ sở tóm tắt nội dung vụ án và kết luận giải quyết của Toà án thông qua bản án, người bình luận phải nêu được những nhận xét của mình một cách trực tiếp về sự đúng hoặc sai trong giải quyết vụ án của Toà án. Việc cho rằng cách giải quyết của Toà án là đúng hay sai đều phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Do vậy, nhận xét việc giải quyết đúng sai không chỉ đơn thuần là đúng hay sai do áp dụng pháp luật nội dung mà còn phải nhận xét cả sự đúng sai về thủ tục tố tụng, về quy trình giải quyết vụ án của Toà án.

Bước 4: Kết luận rút ra sau khi nhận xét, bình luận.

Đối với vụ án có những sai sót, người bình luận cũng phải chỉ rõ từng điểm sai về thủ tục hay áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra kết luận cần phải giải quyết như thế nào để khi gặp vụ án tương tự, tránh được những sai sót như vậy và phải giải quyết như cách làm đúng. Đối với hồ sơ những vụ án mà cách giải quyết còn gây nhiều tranh cãi, người bình luận cũng phải đưa ra kết luận về phương hướng, cách xử lý tình huống này nên thừa nhận thực tiễn mà nhiều người công nhận hay cần phải chờ hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao hoặc cơ quan có thẩm quyền.

2. Phương pháp bình luận bản án

2.1. Lựa chọn bản án bình luận

Thực tế là không phải mọi bản án đều mang tính chuẩn mực, không phải mọi bản án đều mang tính công bằng trong xét xử, không phải tất cả các bản án đều có thể trở thành án lệ; không phải mọi bản án đều tuân thủ đúng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung. Do vậy, khi lựa chọn bản án để bình luận, các nguyên tắc cơ bản cần được vận dụng triệt để bao gồm:

– Lựa chọn bản án phải điển hình có ý nghĩa trọng điểm và phức tạp; có ý nghĩa lý luận và thực tiễn; có tình huống pháp lý, chưa từng có trong thực tiễn xét xử và nên là bản án có hiệu lực cao nhất. Nếu một vụ, việc đã được xét xử nhiều lần thì nên lựa chọn bản án có có hiệu lực sau cùng;

– Chọn bản án Hội đồng xét xử có những lập luận, quan điểm thuyết phục về vấn đề pháp lý mới, những bản án làm sáng tỏ những điều luật còn gây tranh cãi. Những bản án có giá trị tạo lập án lệ cho những vấn đề chưa được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa rõ ràng, còn có sự xung đột.

– Bản án có thể là những bản án chuẩn mực, cũng có thể là những bản án có vấn đề được lựa chọn tùy theo ý đồ sử dụng. Trong một số trường hợp, khi lựa chọn bản án cần gắn với hồ sơ vụ án. Thông thường việc khai thác toàn bộ vụ án để tìm hiểu nội dung vụ án thể hiện trong quyết định bản án sẽ giúp người bình luận nhìn được các giác độ một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn.

2.2. Các bước bình luận bản án

Việc sử dụng bản án thông qua các cách thức trình bày, tổng hợp các bản án được thực hiện theo các bước sau:

Cách tóm tắt và bình luận bản án hình sự
Tóm tắt bản án (Ảnh: hocluat.vn)

Bước 1: Tóm tắt bản án, hiểu bản án.

Ở bước này, người bình luận cần phải hiểu quan điểm của Tòa án về vấn đề pháp lý. Để hiểu rõ nội dung bản án, người bình luận cần tiến hành các công việc sau:

– Xác định bản án của cơ quan tài phán, xét xử cụ thể ngày, tháng, năm nào; bản án số, loại bản án;

– Xác định hoàn cảnh pháp lý, yêu cầu của các bên, nhận biết vấn đề pháp lý cần chuẩn bị. Một bản án có thể có nhiều vấn đề pháp lý, xác định các yếu tố và yêu cầu liên quan đến vấn đề pháp lý cần bình luận;

– Xác định trình tự tố tụng và quan điểm của Tòa án liên quan đến vấn đề pháp lý cần bình luận;

– Xác định quan điểm của cơ quan tài phán, xét xử đã ra bản án.

Khi khai thác bản án, người bình luận án nên thiết kế bảng hỏi để thảo luận, gợi mở hướng tư duy. Các dạng câu hỏi gợi ý có thể là:

(i) Các câu hỏi khai thác thông tin cơ bản nhất của vụ án: xác định tư cách chủ thể; đối tượng tranh chấp; quan hệ pháp luật tranh chấp; định tội danh; các vấn đề tố tụng của hồ sơ vụ án…;

(ii) Các câu hỏi xác định điều kiện khách quan của vụ án như nguyên nhân điều kiện phạm tội, các điều kiện tác động đến việc vi phạm hợp đồng,… gợi mở để phát triển hướng tư duy;

(iii) Các câu hỏi định hướng tìm vấn đề mấu chốt;

(iv) Quan điểm của người bình luận về đánh giá các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án.

>>> Xem thêm: Cách tóm tắt và bình luận bản án hình sự

Bước 2: Phân tích các tình tiết; vấn đề pháp lý; lập luận; phán quyết cụ thể.

Nội dung bình luận cần xem giải pháp trong bản án có gì mới với văn bản quy phạm pháp luật không; phân tích đánh giá giải pháp trong bản án, có gì mới so với thực tiễn pháp lý tồn tại trước và sau. Nêu đánh giá, quan điểm của người bình luận, giải pháp có trong bản án, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của bản án để vận dụng trong các vụ việc tương tự.

Nghiên cứu các tình tiết pháp lý trong bản án ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động bình luận bản án, quyết định của Tòa án. Người bình luận phải tiến hành đọc, xem xét, tìm hiểu, phân tích, đánh giá các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trong một số trường hợp thông qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, người bình luận sẽ nắm vững được nội dung vụ án, yêu cầu của đương sự và các vấn đề liên quan, từ đó xác định được phương hướng giải quyết vụ án đúng đắn.

Bước 3: Tổng hợp kết quả bình luận án.

Kết quả nghiên cứu, bình luận cần phải được thể hiện cho quan điểm chuyên môn của tác giả về sự đồng thuận hay tranh luận hoặc đặt ra những giả thiết nghiên cứu. Quan điểm riêng của người bình luận có thể là: Giải pháp được đưa ra trong bản án có thuyết phục, hợp lý không? Có phải là giải pháp tối ưu không? Giải pháp được đưa ra trong bản án có thể được áp dụng trong các điều kiện, hoàn cảnh nào? Người đọc có thể rút ra những bài học gì? Trường hợp, người bình luận sử dụng nhiều bản án soi chiếu cho một vấn đề pháp lý, một nghiên cứu pháp lý, tác giả cần áp dụng phương pháp so sánh, hệ thống hóa để đi tìm luận điểm chung, luận điểm riêng nhất là những trường hợp giải pháp trong các bản án có khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn với nhau. Ở những trường hợp này, người bình luận cần có những nhận định thuyết phục để minh chứng, giải thích, đề xuất cho quy tắc pháp lý. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu khi sử dụng cách thức tổng hợp các bản án khi bình luận.

>>> Xem thêm: [Mẫu] Bình luận bản án hình sự sơ thẩm

Có thể nói, kỹ năng là năng lực, khả năng, sự thành thạo của một người trong một công việc cụ thể. Kỹ năng bình luận bản án của người hành nghề luật được hình thành do học tập, rèn luyện, trải nghiệm và tích luỹ. Trong đó, bản án là nguồn chất liệu, bổ trợ hữu hiệu khi thực hiện kỹ năng bình luận án, bình luận bản án. Việc thực hiện kỹ năng bình luận bản án là “chìa khóa” giúp người bình luận phát triển được tư duy pháp lý, tư duy phản biện, phân tích các điểm mạnh, yếu trong lập luận và soi rọi được các nguyên tắc pháp lý cơ bản từ đa dạng của thực tiễn xét xử./.

Tìm kiếm có liên quan: Tiểu luận Bình luận bản An, Bình luận bản án là gì, Tiểu luận bình luận bản an dân sự, Các bước bình luận bản án, Bình luận bản An kinh doanh thương mại, Tiểu luận bình luận bản an tranh chấp hợp đồng, Bài tập bình luận bản án, Bình luận bản án dân sự sơ thẩm

5/5 - (14 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền