Hình thức tổ chức hành nghề luật sư

Chuyên mụcLuật Luật sư Nghề luật sư
Nghề luật sư - Ảnh: hocluat.vn

Theo thông lệ Quốc tế, luật sư có thể hành nghề cá nhân hoặc hành nghề trong các Tổ chức hành nghề luật sư như văn phòng luật sư, công ty luật hoặc hiệp hội… hoặc trong các cơ quan, tổ chức khác. Tùy thuộc quy định pháp luật của mỗi quốc gia mà hình thức tổ chức hành nghề luật sư sẽ khác nhau.

..

Những nội dung liên quan:

..

Ví dụ, Tổ chức hành nghề luật sư ở Hoa Kỳ gồm văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh thông thường và công ty luật hợp danh hữu hạn. Trong đó, công ty luật hợp danh hữu hạn do ít nhất hai luật sư trở lên thành lập và có ít nhất một luật sư chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty. Tổ chức hành nghề luật sư ở Pháp lại được quy định dưới hình thức hiệp hội, công ty dân sự nghề nghiệp hoặc công ty luật hợp danh. Riêng ở Nhật Bản và Trung Quốc, Tổ chức hành nghề luật sư chỉ là các văn phòng luật sư mà không có hình thức công ty luật.

Ở Việt Nam, hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định ngày càng mở rộng và đa dạng. Pháp lệnh luật sư năm 2001 quy định Tổ chức hành nghề luật sư chỉ là văn phòng luật sư và công ty luật hợp danh. Tuy nhiên, khi Luật Luật sư được ban hành năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012, Tổ chức hành nghề luật sư còn được bổ sung hình thức công ty luật TNHH. Các quy định của Luật Luật sư năm 2006 nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân cũng như nhằm bảo đảm sự phù hợp của Luật Luật sư với Luật Doanh nghiệp. Việc quy định hình thức công ty luật TNHH cũng là một điểm khác biệt của Luật Luật sư năm 2006.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Luật sư năm 2006, hình thức tổ chức hành nghề luật sư gồm văn phòng luật sư và công ty luật. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, luật dân sự, các luật về thuế… Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, văn phòng luật sư và công ty luật có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của mình để bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng.

Luật Luật sư cũng quy định một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một Tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi được cấp giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập Tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có Tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có Tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của Tổ chức hành nghề luật sư. Quy định trên không hạn chế hay mâu thuẫn với phương thức hành nghề tự do và tự do lựa chọn nơi hành nghề của nghề luật sư vì tổ chức hành nghề có quyền thành lập chi nhánh để cung cấp dịch vụ pháp lý trong phạm vi cả nước.

Nội dung chính:

Văn phòng luật sư

Văn phòng luật sư là tổ chức hành nghề luật sư do một luật sư thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng. Tên của văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”.

Việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của văn phòng luật sư được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định thay đổi và phải gửi văn bản đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật và hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ gửi đến Sở Tư pháp gồm:

– Giấy đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật;

– Giấy đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật TNHH một thành viên;

– Văn bản thỏa thuận giữa người đại diện theo pháp luật cũ và người dự kiến là đại diện theo pháp luật đối với việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của văn phòng luật sư, công ty luật;

– Họ, tên, số và ngày cấp Thẻ luật sư của người dự kiến là đại diện theo pháp luật. Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật được thực hiện theo quy định về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư.

Công ty luật

Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH một thành viên và công ty luật TNHH hai thành viên trở lên. Thành viên của công ty luật phải là luật sư bao gồm cả thành viên thành lập và thành viên tham gia góp vốn. Công ty luật hợp danh và công ty luật TNHH hai thành viên trở lên phải do ít nhất hai luật sư thành lập. Tuy nhiên, công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn và các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của công ty. Thành viên của công ty luật TNHH cho dù là loại hình một thành viên hay hai thành viên trở lên chỉ chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của công ty trong phạm vi góp vốn của mình.

Người đại diện theo pháp luật của công ty luật là Giám đốc công ty. Giám đốc công ty luật có hai thành viên trở lên phải là thành viên của công ty và do các thành viên thỏa thuận. luật sư làm chủ sở hữu công ty luật TNHH một thành viên là Giám đốc công ty. Việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty luật hợp danh được thực hiện giống như đối với Văn phòng luật sư. Đối với công ty luật TNHH, thay đổi người đại diện theo pháp luật chỉ cần gửi văn bản đề nghị và Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp.

Tên của công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật TNHH”.

5/5 - (1793 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền