[Mẫu] Bình luận bản án hình sự sơ thẩm

Chuyên mụcLuật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật Bình luận bản án hình sự sơ thẩm
Bình luận bản án hình sự sơ thẩm (Ảnh: hocluat.vn)

Bình luận về một bản án hình sự đã được xét xử sơ thẩm về hành vi phạm tội xảy ra khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành và điều chỉnh, với bản án tuyên có quá nhiều sai sót.

Bình luận bản án hình sự sơ thẩm” là bài viết của TS.Nguyễn Thanh Mai – Giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đăng tải trên Tạp chí Nghề luật ngày 17/8/2020.

Bình luận bản án hình sự sơ thẩm

Tóm tắt: Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018, trên cơ sở kế thừa các quy định của BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, BLHS năm 2015 đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, phát huy hiệu quả vai trò của BLHS với tính cách là công cụ pháp lý sắc bén phòng, chống tội phạm hiệu quả. Sau hơn 02 năm BLHS năm 2015 có hiệu lực và được thi hành trên thực tiễn, đã có nhiều vụ án hình sự được xử lý, cơ quan Tòa án cũng ban hành nhiều bản án lệ, nhằm góp phần giúp các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết chính xác các vụ án hình sự xảy ra trên thực tiễn công tác. Tuy nhiên, bên cạnh những vụ án được giải quyết triệt để, chính xác, vẫn còn tồn tại khá nhiều vụ án mà việc giải quyết chưa đúng, chưa chính xác (định tội danh không đúng; bỏ lọt tội phạm hoặc nhận định thiếu chính xác về hành vi phạm tội…) dẫn tới hiệu lực, hiệu quả của bản án này chưa cao.

Với mong muốn đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại Học viện Tư pháp, cũng như góp phần phản ánh, làm sáng tỏ từng hoạt động kỹ năng của các cơ quan và người tiến hành tố tụng khi họ tiến hành giải quyết vụ án hình sự trên thực tiễn, trong bài viết này, chúng tôi sẽ bình luận về một bản án hình sự đã được xét xử sơ thẩm về hành vi phạm tội xảy ra khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành và điều chỉnh, với bản án tuyên có quá nhiều sai sót.

Abstract: The 2015 Penal Code, amended and supplemented in 2017 takes effect on January 1, 2018, on the basis of inheriting the provisions of the 1999 Penal Code, amended in 2009, the Code Criminal Law in 2015 has institutionalized guidelines and policies of the Party and the State in the new development period of the country, effectively promoting the role of the Criminal Code as a sharp legal instrument. , effective anti-crime. After more than 02 years of the 2015 Penal Code which took effect and been implemented in practice, there have been many criminal cases being handled, and the Court’s agency has also issued many criminal cases, in order to help the institutions. competent authorities and persons conducting legal proceedings to correctly handle criminal cases occurring in actual work. However, among the cases that are thoroughly and accurately resolved, there are still many cases where the resolution is not correct and incorrect (wrong criminal counts; omission of crimes or lack of judgment). accuracy of criminal acts …) leads to the validity and the effectiveness of this judgment is not high.

With the desire to meet the requirements of research, teaching and learning at the Judicial Academy, as well as to contribute to reflecting and clarifying each skill activity of agencies and persons conducting legal proceedings as they conduct. solve criminal cases in practice. In this article, we will comment on a first-instance criminal sentence for a crime that occurred when the 2015 Penal Code came into effect and amended, with the verdict being too many errors. Keywords: Judgment judgment; crime; criminal case.

Ngày 25 tháng 4 năm 2019, Tòa án nhân dân huyện TH đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức H, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1993 tại xã C, huyện T, tỉnh Q. Nơi cư trú: Thôn H, xã C, huyện T, tỉnh Q về tội “trộm cắp tài sản” theo điểm c Khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a Khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong vụ án này, Tòa án nhân dân huyện TH đã xác định bị hại là ông Nguyễn Văn C và ông Đậu Thanh T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 25 tháng 9 năm 2018, Nguyễn Đức H một mình đi bộ từ nhà ở thôn H, xã C theo đường Tỉnh lộ Q59 ra thôn Q, xã C. Khi đến ngã ba giao nhau giữa đường liên thôn Q với đường Tỉnh lộ Q59, H nhìn thấy xe ô tô tải nhãn hiệu THACO, biển kiểm soát Q3C-024.XX của anh Nguyễn Văn C trú tại: thôn S, xã C đang dừng đỗ ở đó, trên thùng xe đang chở gỗ keo không có ai trông giữ. Đức H liền nảy sinh ý định trộm xe để sử dụng. Đức H đi tới mở cửa trèo lên buồng lái, thấy có chìa khóa đang nằm trong ổ khóa, quan sát xung quanh thấy không có ai và cũng không có người quản lý xe, Đức H liền nổ máy rồi điều khiển xe ô tô đi theo Tỉnh lộ Q59 về thị xã BĐ để cất giấu xe. Khi về đến địa phận thôn NH, lái xe gây tai nạn.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 21 ngày 27/9/2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện TH kết luận: Xe ô tô tải nhãn hiệu THACO, biển kiểm soát Q3C-024.XX có giá trị tại thời điểm mất là 296.592.500 đồng (Hai trăm chín mươi sáu triệu, năm trăm chín mươi hai ngàn năm trăm đồng).

Số gỗ keo chở trên thùng xe có khối lượng 4,3 Ster, có giá trị tại thời điểm mất là 2.107.000 đồng (Hai triệu một trăm linh bảy nghìn đồng). Ngoài ra, trước đó vào khoảng 11 giờ ngày 21 tháng 7 năm 2018, Nguyễn Đức H cầm dao đi chặt lá cây, trên đường đi Đức H ghé vào nhà ông Đinh Hữu L ở thôn Q xã C hỏi mua con chim cú nhưng ông L không bán. Đức H dùng dao chém làm hư hỏng một chiếc ghế nhựa của ông L, rồi đến mở dây buộc và mang con chim đi, ông L ngăn cản, Đức H liền trở phần sống dao lại đánh vào lưng ông L nên ông L bỏ chạy. Khi Đức H ôm con chim đi ra đường, ông L đòi lại thì Đức H cầm dao đuổi theo để chém ông L khiến ông L bỏ chạy. Ông L gọi điện thoại báo cho lực lượng Công an xã C đến làm việc, Đức H tiếp tục đuổi theo ông L chạy về khu vực sân bóng của thôn Q, xã C. Nhận được thông tin, lực lượng Công an và Quân sự xã C gồm ông Hà Bình T, Trưởng Công an xã, các ông Đậu Thanh T, Đậu Xuân H, Phó Trưởng Công an xã, Ông Nguyễn Minh T, Phó chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã C đến để giải quyết. Khi lực lượng Công an và Quân sự xã C vừa đến, Đức H nhìn thấy ông Minh T chuẩn bị xuống xe, Đức H thả con chim cú cho bay đi rồi cầm dao chạy tới chém vào lưng ông Minh T một nhát, ông Minh T né tránh nên chỉ bị xây xước nhẹ. Đức H quay lại chém ông Thanh T và ông Xuân H, thì cả ba người cùng bỏ chạy về phía sân bóng của thôn Q. Khi đang chạy thì ông Xuân H và ông Thanh T bị vấp ngã, Đức H lao đến chém liên tiếp nhưng ông Thanh T, ông Xuân H né tránh nên không trúng. Trong khi ông Thanh T vừa đứng dậy, thấy Đức H cầm dao chém về phía ông Xuân H, thì ông Thanh T đưa tay lên đỡ, bị Đức H chém trúng vào ngón tay thứ 3 và ngón thứ 5 của bàn tay trái. Ông Thanh T tiếp tục xông vào khống chế Đức H, sau đó ông Hường, ông Minh T và ông Bình T cùng đến hỗ trợ bắt giữ Đức H, tước con dao từ tay Đức H và dẫn Đức H về trụ sở Uỷ ban nhân dân xã CQ làm việc. Ông Đậu Thanh T bị thương được đưa đi sơ cứu tại Trạm y tế xã C, sau đó đi điều trị tại Bệnh viên Đa khoa khu vực Bắc Q từ ngày 21 tháng 7 năm 2018 đến ngày 30 tháng 7 năm 2018 thì ra viện. Do vết thương bị nhiễm trùng nên ngày 23 tháng 8 năm 2018, tiếp tục điều trị đến ngày 31 tháng 8 năm 2018 thì ra viện. Ngày 19 tháng 9 năm 2018, ông Đậu Thanh T viết đơn yêu cầu khởi tố vụ án và làm đơn đề nghị giám định sức khỏe do vết thương gây ra.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 87/TgT, ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Trung tâm Giám định y khoa – Pháp y Sở Y tế tỉnh Q kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của ông Đậu Thanh T là 7 % (bảy phần trăm). Ông Đinh Hữu L, ông Nguyễn Minh T và ông Hà Bình T bị Nguyễn Đức H dùng sống dao đánh chỉ bị thương nhẹ nên tự điều trị tại nhà và đã tự nguyện viết đơn từ chối giám định sức khỏe.

Cáo trạng số: 10/CT-VKSTH-HS ngày 21 tháng 01 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện TH truy tố Nguyễn Đức H về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 173 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngày 22 tháng 01 năm 2019, ông Nguyễn Văn C bị hại trong vụ án “Trộm cắp tài sản” có đơn đề nghị định giá lại tài sản là chiếc xe ô tô biển kiểm soát Q3C-024.XX để xác định lại giá trị tài sản bị Nguyễn Đức H lấy trộm. Tòa án nhân dân huyện TH đã chấp nhận đơn đề nghị định giá lại tài sản của ông Nguyễn Văn C đối với chiếc xe ô tô mà Nguyễn Đức H đã lấy trộm. Tại bản kết luận định giá tài sản trong Tố tụng hình sự số 855a/KL – HĐĐG ngày 26 tháng 3 năm 2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Q kết luận: Chiếc xe ô tô biển kiểm soát Q3C-024.XX, nhãn hiệu THACO, số loại FLDXXXA4WD, loại xe: tải tự đổ, màu sơn: xanh, có giá trị tại thời điểm cần định giá (tháng 9 năm 2018) là 109.900.000 đồng (Một trăm linh chín triệu chín trăm ngàn đồng).

Ngày 04 tháng 4 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện TH bổ sung, đính chính nội dung Bản cáo trạng số 10/CT-VKSTH-HS ngày 21 tháng 01 năm 2019, truy tố Nguyễn Đức H về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bản án hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Nguyễn Đức H vào ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện TH quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức H phạm các tội “Cố ý gây thương tích” và “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng điểm a Khoản 1 Điều 134, điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức H 09 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm c Khoản 2 Điều 173, các điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Điều 38 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức H 30 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng điểm a Khoản 1 Điều 55 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội là 39 tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam (28/9/2018).

Cách bình luận án, bản án trong nghề luật
Các bước bình luận án, bản án trong nghề luật (Ảnh: hocluat.vn)

Bình luận về việc giải quyết vụ án hình sự nêu trên của Tòa án nhân dân huyện TH như sau:

Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TH vào ngày 25 tháng 4 năm 2019 trên, có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về việc Đức H bị khởi tố bị can, truy tố và xét xử tại bản án sơ thẩm này, cụ thể:

* Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Đức H đã có hành vi dùng hung khí là con dao tấn công ông L để chiếm đoạt con chim cú của ông L. Khi ông L đuổi theo Đức H để đòi lại con chim cú, thì Đức H đã dùng dao đuổi theo đánh ông L để chiếm đoạt cho bằng được con chim cú của ông L. Hành vi đó của Đức H đã thỏa mãn cấu thành tội “Cướp tài sản” theo Khoản 2 Điều 168 BLHS với tình tiết định khung tại điểm d “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”. Tiếp theo đó, lực lượng vũ trang của xã bao gồm công an và quân sự nhận được điện thoại của ông Đinh Hữu L báo về việc đã bị Nguyễn Đức H đánh và chiếm đoạt con chim cú của ông L, lực lượng này đã đến hiện trường xem xét và giải quyết sự việc. Khi lực lượng vũ trang xã đến nơi, lập tức Đức H đã dùng dao rượt đuổi và tiếp tục chém ông L và các thành viên khác của lực lượng vũ trang xã, hậu quả đã gây thương tích cho ông Đậu Thanh T – Phó trưởng Công an xã với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 7% (Theo kết luận giám định số 87/TgT ngày 27/9/2018). Do sự việc diễn ra liên tục, không có sự ngắt quãng từ việc Đức H tấn công ông L chiếm đoạt con chim cú cho đến khi lực lượng vũ trang đến hiện trường để giải quyết sự việc, thì Đức H vẫn tiếp tục tấn công ông L và những người trong lực lượng vũ trang xã. Theo đó, việc tấn công này cũng chỉ nhằm chiếm đoạt bằng được con chim cú của ông L. Vì vậy, hành vi phạm tội của Đức H chỉ cấu thành tội Cướp tài sản, không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” do tỷ lệ % tổn thương cơ thể đã bị hút vào tình tiết định khung của tội Cướp tài sản.

Theo quan điểm này, cho rằng không có tội “Cố ý gây thương tích” mà phải xử lý về tội “Cướp tài sản” và tội “Trộm cắp tài sản” đối với Đức H mới phù hợp.

* Quan điểm thứ hai về vụ án nêu trên có một số nội dung khác với quan điểm thứ nhất như sau:

Thứ nhất, quan điểm này đồng tình với quan điểm thứ nhất về việc nhận định bị cáo Nguyễn Đức H đã phạm tội “Cướp tài sản” khi Đức H có lời lẽ đe dọa và dùng dao tấn công ông L (Đức H dùng cán dao đánh vào lưng ông L khi ông L đòi lại con chim cú, đồng thời khi nghe ông L gọi điện báo chính quyền địa phương, Đức H lại dùng dao đuổi đánh ông L khiến ông L bỏ chạy và Đức H bỏ đi). Theo đó, hành vi phạm tội của Đức H đã thỏa mãn tội Cướp tài sản, việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện TH không xử lý Đức H về tội Cướp tài sản là bỏ lọt tội phạm. Tội phạm Cướp tài sản đã hoàn thành và kết thúc khi Đức H chiếm đoạt được con chim của ông L và bỏ đi.

Thứ hai, về hành vi Đức H tiếp tục tấn công lại lực lượng vũ trang xã TH và ông L khi lực lượng này nhận được tin báo của ông L về việc bị Đức H đã đánh và chiếm đoạt con chim cú của ông L.

Nguyễn Đức H biết rõ những người được ông L gọi đến là lực lượng Công an, Quân sự xã CQ, là người đang thi hành công vụ nhưng Nguyễn Đức H vẫn tấn công, uy hiếp, dùng dao rượt đuổi, tấn công lực lượng Công an, Quân sự xã CQ đang thi hành công vụ và dùng dao chém gây thương tích cho ông Đậu Thanh T, Phó Trưởng Công an xã CQ nên hành vi phạm tội của Nguyễn Đức H không chỉ cấu thành đối với tội “Cố ý gây thương tích” với bị hại là ông Đậu Thanh T với tình tiết “người đang thi hành công vụ” và “dùng hung khí”, mà còn có đủ yếu tố cấu thành của tội “Chống người thi hành công vụ” vì Đức H đã dùng dao đuổi và tấn công các thành viên khác của lực lượng công an xã và quân đội xã, tất cả đều bị thương tích nhẹ và đều có đơn từ chối giám định và tự chữa trị vết thương tại nhà.

Tòa án nhân dân huyện TH tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án đã không nhận định sự việc toàn diện, đánh giá sự việc không chính xác, dẫn đến việc đã bỏ lọt tội phạm đối với Đức H về các tội “Cướp tài sản” và tội “Chống người thi hành công vụ”.

Theo quan điểm thứ hai này, hành vi của Đức H cần phải bị xử lý về các tội danh: “Trộm cắp tài sản” theo điểm c Khoản 2 Điều 173 BLHS; tội “Cướp tài sản” theo điểm d Khoản 2 Điều 168 BLHS; tội “Cố ý gây thương tích”theo điểm a, điểm o Khoản 1 Điều 134 BLHS (vì ông Đậu Thanh T có đơn yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định và xử lý đối với Đức H) và Tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 330 BLHS mới chính xác.

* Nghiên cứu diễn biến sự việc xảy ra, cũng như quan điểm của hai ý kiến nêu trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật, chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, vì lẽ:

– Sự việc Đức H dùng dao tấn công ông L khi bị ông L đòi lại con chim cú của ông L mà trước đó Đức H đã ngang nhiên lấy và mang đi, nó thể hiện thái độ muốn chiếm đoạt bằng được con chim cú của ông L. Thậm chí, khi Đức H nghe thấy ông L gọi điện báo chính quyền địa phương liền dùng dao đuổi theo để chém và đánh ông L, khiến ông L bỏ chạy về khu vực sân bóng của thôn Q, xã C. Hành vi này của Đức H đã thỏa mãn cấu thành tội “Cướp tài sản”, tội phạm này đã hoàn thành và kết thúc khi Đức H mang theo con chim cú của ông L và bỏ đi. Như vậy, về tội danh này quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai đều có nhận định chính xác, chúng tôi đồng tình với hai quan điểm này.

– Tiếp theo, việc lực lượng vũ trang đến giải quyết sự việc theo tố giác, tin báo của ông L sau khi Đức H đã chiếm đoạt con chim cú và bỏ đi. Khi nhìn thấy lực lượng vũ trang đến và ông Minh T chuẩn bị xuống xe, Đức H tiếp tục có hành vi đuổi đánh ông L và những người trong lực lượng vũ trang của xã. Hành vi Đức H tấn công những người thi hành công vụ trong vụ án nêu trên, đã cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. Do đó, hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”. Ngoài ra, trong quá trình tấn công này, Đức H đã dùng dao chém và làm đồng chí Đậu Thanh T (Phó trưởng công an xã) bị thương, theo kết luận giám định thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của đồng chí Đậu Thành T là 7%, với tỷ lệ thương tích này đủ cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung: Dùng hung khí và chống người đang thi hành công vụ theo các điểm a và điểm o Khoản 1 Điều 134 BLHS. Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai về nhận định hành vi phạm tội của Đức H về tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích này”.

– Bản án sơ thẩm trên đã xét xử bị cáo Đức H về tội “trộm cắp tài sản” và tội “Cố ý gây thương tích” mà không xử Đức H về tội “Cướp tài sản” và “Chống người thi hành công vụ” là đã bỏ lọt tội phạm.

* Ở khía cạnh khác, giả sử trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án nêu trên, nếu thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như Hội đồng xét xử sơ thẩm khi tiến hành xét xử tại phiên tòa mà nhận định và xác định được Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát đã khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và truy tố đối với bị can đối với Nguyễn Đức H đã bỏ lọt hành vi phạm tội khác mà BLHS quy định là tội phạm. Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp này thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm đến đâu và Hội đồng xét xử sẽ phải làm gì khi tiến hành nghiên cứu hồ sơ, xét xử sơ thẩm vụ án? Về vấn đề này chúng ta sẽ cùng nhau phân tích các trường hợp sau:

Thứ nhất, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đức H bị Viện kiểm sát (VKS) nhân dân huyện TH truy tố về hai tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Cố ý gây thương tích”, thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) nghiên cứu hồ sơ (nếu) nhận thấy việc CQĐT và VKS khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và làm cáo trạng truy tố sang Tòa án để xét xử đã “bỏ lọt” hành vi phạm tội khác mà BLHS quy định là tội phạm, cụ thể đã không khởi tố bị can và truy tố đối với Đức H về tội “Cướp tài sản” và tội “Chống người thi hành công vụ”. Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) cần ra quyết định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” làm rõ về hai tội danh đã bỏ lọt như phân tích ở trên.

Tuy nhiên, trong vụ án này, Tòa án nhân dân huyện TH đã đồng tình với quyết định khởi tố bị can của CQĐT và cáo trạng truy tố đối với bị can Nguyễn Đức H của VKS. Chính vì thế trong bản án sơ thẩm đã không có nhận định và xác định về việc bỏ lọt hai tội danh nêu trên trong bản. Theo đó đã xét xử và tuyên án như cáo trạng VKS huyện TH truy tố, dẫn đến bản án sơ thẩm trên đã có nhiều sai phạm trong việc nhận định và quyết định về tội danh đối với Đức H.

Thứ hai, trường hợp tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trên, dưới sự điều hành của thẩm phán – chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử đối với vụ án. Qua điều tra xét hỏi công khai tại phiên tòa trong phần thủ tục xét hỏi, cũng như phần đối đáp, tranh luận tại phiên tòa (nếu) Hội đồng xét xử sơ thẩm phát hiện ra CQĐT, VKS đã bỏ lọt tội phạm đối với bị cáo Đức H, thì thẩm quyền của Hội đồng xét xử sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, trong khi cáo trạng truy tố của VKS chỉ truy tố Đức H với hai tội danh là “Trộm cắp tài sản” và “Cố ý gây thương tích”(.) Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyền nhận định và xét xử bổ sung đối với Đức H về hành vi theo tội danh mà VKS không truy tố trong bản cáo trạng là tội cướp tài sản và tội chống người thi hành công vụ không?

Căn cứ Điều 298 BLTTHS năm 2015 “Giới hạn của việc xét xử” thấy: trong trường hợp cáo trạng của VKS không truy tố đối với bị can Đức H về những hành vi mà BLHS quy định là tội phạm (tức là bỏ lọt tội phạm), thì Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng không có quyền được tuyên bị cáo Đức H tại phiên tòa về những tội danh mà không được VKS truy tố trong bản cáo trạng. Theo quy định tại điểm c Khoản 6 Điều 326 BLTTHS năm 2015, sau khi nghị án Hội đồng xét xử sơ thẩm phải ra quyết định “Trả hồ sơ vụ án để VKS điều tra bổ sung” làm rõ những hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm.

Song bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TH nêu trên đã không có quan điểm khác với quan điểm mà VKS truy tố. Theo đó, bản án sơ thẩm tuyên về tội danh đối với Đức H chưa chính xác, còn bỏ lọt những hành vi khác mà BLHS xác định là tội phạm, cụ thể đã bỏ lọt tội cướp tài sản và tội chống người thi hành công vụ.

Thứ ba, bản án sơ thẩm nêu trên đã xác định tội “trộm cắp tài sản” là đúng, tội phạm này được thực hiện vào ngày 25/9/2018. Theo đó, quá trình điều tra tội phạm trộm cắp tài sản này đã nhập vụ án với tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra trước đó nhưng mãi tới ngày 19/9/2018 ông Đậu Thanh T mới có đơn yêu cầu giám định và khởi tố đối với Nguyễn Đức H. Do đó CQĐT đã nhập hai vụ án vào để điều tra xử lý là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, do CQĐT và VKS chỉ nhận định hành vi sau đó chỉ cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, nên đã không khởi tố vụ án ngay mà chờ đến khi ông Thanh T có yêu cầu mới ra quyết định khởi tố. Mặt khác, do các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án đã không đánh giá và nhận định đúng tội danh, nên đã bỏ lọt hành vi phạm tội đối với Đức H về tội cướp tài sản và tội chống người thi hành công vụ. Theo đó, với hai tội danh này, không cần ông Thanh T yêu cầu khởi tố vụ án, thì CQĐT cũng phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đức H mới chính xác.

Qua phân tích trên, cho thấy bản án sơ thẩm hình sự xét xử đối với Nguyễn Đức H có quá nhiều sai sót, cần phải được cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS năm 2015 ra quyết định kháng nghị để xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm cần phải hủy bản án sơ thẩm hình sự nêu trên để điều tra xét xử lại về hành vi “cướp tài sản” và “chống người thi hành công vụ” bị bỏ lọt. Do hai tội danh bị bỏ lọt này có liên quan chặt chẽ với hành vi bị truy tố và xét xử về tội “cố ý gây thương tích” trong bản án sơ thẩm hình sự trên, đối với hành vi trộm cắp tài sản là hành vi độc lập, xảy ra sau đó và Hội đồng xét xử đã xét xử đúng về tội danh cũng như đã tuyên một mức án phù hợp.

Do đó, việc kháng nghị cũng chỉ cần đề cập đến những sai sót trong bản án sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng chỉ cần tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm hình sự liên quan đến hành vi “cố ý gây thương tích” để tiến hành điều tra, xét xử lại là phù hợp. Đối với phần bản án tuyên Đức H về hành vi trộm cắp tài sản độc lập và chính xác nên không cần kháng nghị, phần bản án này sẽ có hiệu lực thi hành.

>>> Xem thêm: Phương pháp bình luận án, bản án trong nghề luật

Trên đây là một vài bình luận của chúng tôi về bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TH, với mong muốn phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập, cũng như góp phần nêu lên những quan điểm, chính kiến của chúng tôi về bản án, nhằm tránh những sai sót trên thực tiễn hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự nói chung./.

5/5 - (14 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền