Kỹ năng lập luận trong nghề luật

Chuyên mụcCafe Dân Luật, Kỹ năng mềm Lập luận

Lập luận của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là hoạt động ngôn từ của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư bằng ngôn ngữ pháp lý đưa ra những lý lẽ, chứng cứ nhằm dẫn dắt người nghe (đọc) đến một (hay một số) kết luận về vấn đề pháp lý, chứng minh, khẳng định hoặc phủ định một (hay một số) vấn đề pháp lý nào đó.

..

Những nội dung liên quan:

..

Khái quát về lập luận trong nghề luật

Theo nghĩa thông thường, lập luận là một hành động ngôn ngữ đồng hành cùng với con người trong mọi tình huống giao tiếp ngôn ngữ để giúp con người thực hiện các mục đích của mình trong cuộc sống. Lập luận là kết quả của sự kết hợp, hòa quyện giữa các năng lực tư duy và ngôn ngữ của con người. Bởi vậy, để có một lập luận đạt được hiệu quả thuyết phục cao đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, đó là sự vận dụng các luận cứ – lý lẽ một cách chặt chẽ, sắc sảo; là kỹ năng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ một cách hiệu quả; là việc phối hợp một cách tối ưu các phương thức tăng cường hiệu quả lập luận trong từng tình huống cụ thể. Đặc biệt, lập luận trong “tranh cãi” pháp lý là một lĩnh vực điển hình, nơi thể hiện tất cả những yêu cầu, đòi hỏi cao nhất của các kỹ năng lập luận. Vì vậy, trên nền tảng của việc trang bị những kỹ năng lập luận chung, chúng ta cần nhận thức được tính đặc thù của lập luận pháp lý so với các dạng thức lập luận khác trên các phương diện: mục đích của lập luận (đúng/sai + thuyết phục); dạng thức lập luận (viết + nói); luận cứ trong lập luận (chứng cứ + lý lẽ); phương pháp lập luận (quy tắc logic + sự linh hoạt); tính chất của lập luận (chặt chẽ + sắc bén). Từ tính đặc thù ấy, lập luận pháp lý cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn nhiều so với các dạng thức lập luận khác trên các phương diện: lý lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người nghe (đọc) đến một hệ thống xác tín nào đó; rút ra một (hay một số) kết luận hoặc phủ định một (hay một số) vấn đề, trên cơ sở đó nêu những ý kiến về luận cứ, về ngôn ngữ, về cách diễn đạt, về thái độ, khẩu khí, giọng điệu… Như vậy, theo nghĩa chung nhất, lập luận là việc đưa ra lý lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người đọc (nghe) đến một kết luận nào đó mà người viết, người nói muốn đạt tới. Do đó, lập luận là hoạt động sử dụng ngôn từ, trong đó chủ thể lập luận bằng công cụ ngôn ngữ nói (viết) đưa ra những lý lẽ của mình về một vấn đề nhất định dựa vào các sự thật và lý lẽ xác đáng.

Lập luận của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là hoạt động ngôn từ của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư bằng ngôn ngữ pháp lý đưa ra những lý lẽ, chứng cứ nhằm dẫn dắt người nghe (đọc) đến một (hay một số) kết luận về vấn đề pháp lý, chứng minh, khẳng định hoặc phủ định một (hay một số) vấn đề pháp lý nào đó. Để xây dựng lập luận, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cần xác định được luận điểm chính xác, minh bạch; tìm các luận cứ (lý lẽ và chứng cứ) thuyết phục và vận dụng các phương pháp lập luận hợp lý (phương pháp quy nạp, diễn dịch, tam đoạn luận…).

Câu chuyện dân gian thầy và trò học nghề thầy cãi Có một anh học trò học nghề thầy cãi. Anh ta thỏa thuận với thầy của mình là sẽ nộp tiền học phí làm 2 lần, lần thứ 2 là khi anh ta thắng kiện trong vụ kiện đầu tiên, ông thầy đã đồng ý với thỏa thuận. Sau khi học xong, ông thầy chờ mãi không thấy học trò trả phần học phí còn lại. Ông thầy đã gặp học trò và nói, nếu anh không trả tiền tôi sẽ thưa kiện, dù kết quả phiên tòa như thế nào thì anh cũng phải trả tiền cho tôi vì: nếu tòa tuyên tôi thắng kiện, theo quyết định của Tòa anh sẽ phải trả, còn nếu tôi thua kiện thì theo thỏa thuận, anh sẽ phải trả cho tôi. Anh học trò đáp lại: Thưa thầy, dù kết quả phiên tòa như thế nào thì trò không phải trả tiền cho thầy vì: nếu trò thua thì theo thỏa thuận, không phải trả tiền cho thầy, còn nếu trò thắng kiện, theo quyết định của tòa, không phải trả tiền cho thầy. Giữa thầy và trò trong tình huống trên đây, lập luận của ai là có căn cứ hơn? Hãy chỉ ra kẽ hở trong lập luận của các bên? 

Kỹ năng lập luận trong nghề luật

Kỹ năng lập luận trong nghề luật được thực hiện theo các bước cơ bản sau:

Bước 1: Xác định luận điểm chính xác, minh bạch

Xác định luận điểm thực chất là một quá trình vận động của tư duy, qua đó làm nảy sinh hoặc tái hiện trong đầu những phán đoán, những tư tưởng, những ý kiến liên quan trực tiếp tới luận đề do chính vấn đề được quyết định gợi ra. Trong quá trình xây dựng lập luận, việc xác định các luận điểm chính là việc xác định các kết luận cho lập luận. Những kết luận này có thể xuất hiện ở nhiều dạng và nhiều vị trí khác nhau trong phần viết (nói). Đó là những ý kiến xác định được bảo vệ và chứng minh trong quan điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Việc xác định các luận điểm một cách chính xác, minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, hệ thống luận điểm chính là nền tảng, là cơ sở của nội dung văn bản, được ví như cái khung cốt lõi của cấu trúc toà nhà, như xương sống của cơ thể con người. Khi xác định luận điểm cho bài nói (viết), Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư… phải lưu ý đến những yêu cầu của một luận điểm, đó là, luận điểm phải đúng đắn, sáng rõ, tập trung, mới mẻ, có tính định hướng và đáp ứng nhu cầu của thực tế thì mới có sức thuyết phục người đọc, người nghe. Cụ thể: đúng đắn nghĩa là luận điểm phải phù hợp với lẽ phải được thừa nhận; sáng rõ nghĩa là luận điểm được diễn đạt chuẩn xác, không mập mờ, mâu thuẫn; tập trung nghĩa là các luận điểm trong bài đều hướng vào làm rõ vấn đề cần lập luận; mới mẻ tức là luận điểm không lặp lại giản đơn những điều đã biết mà phải nêu ra ý mới chưa ai đề xuất. Luận điểm còn cần có tính định hướng nhằm giải đáp những vấn đề nhận thức và tư tưởng đặt ra trong thực tế đời sống.
Để xác định luận điểm, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư… có thể vận dụng một số biện pháp như: xác định luận điểm từ việc khai thác những dữ liệu của vụ việc; xác định luận điểm bằng cách đặt câu hỏi; xác định luận điểm dựa vào cách thức nghị luận; xác định luận điểm từ những ý tưởng bất ngờ…

Ví dụ số 28: Lập luận của Thẩm phán trong vụ án Nguyễn Thị T cố ý gây thương tích.

Ngày 22/3/2019, giữa bị cáo Nguyễn Thị T và bị hại Mai Thị X xảy ra xô xát dẫn đến gây thương tích cho nhau. Theo kết luận giám định pháp y thương tích của Trung tâm pháp y – Sở Y tế tỉnh B, thương tích của bà X do bị cáo gây ra là 11%. Ngày 30/7/2019, Cơ quan điều tra Công an huyện P ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 45/QĐKTVA xảy ra tại xã L, huyện P, tỉnh B vào ngày 22/3/2019.

Trong quá trình điều tra vụ án, do bị cáo không biết chữ nên toàn bộ quá trình lấy lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra đều có sự chứng kiến của bà Phạm Thị N (con gái bị cáo). Việc Cơ quan điều tra cho bà N chứng kiến cán bộ điều tra lấy lời khai của bị cáo là vi phạm Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, vi phạm này không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án vì lời khai của bị cáo còn được Hội đồng xét xử thẩm tra tại phiên tòa cùng với các tài liệu, chứng cứ khác. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung để Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm nêu trên.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại có quan điểm đề nghị giám định bổ sung sức khỏe của bị hại là Mai Thị X do sức khỏe bà X hiện nay kém, các vết thương trên bàn tay hiện đau nhức, tê buốt, giảm khả năng vận động. Tại phiên tòa, bà X thừa nhận hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh B đã mô tả đúng thương tích của bà sau khi xảy ra xô xát với bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của bà Mai Thị X phù hợp với các vết thương mô tả tại hồ sơ bệnh án. Do đó, không có căn cứ để giám định bổ sung sức khỏe đối với bà X. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng của vụ án và các tài liệu, chứng cứ khác được thẩm tra tại phiên tòa.

Việc trình bày luận điểm phải vừa đi thẳng vào vấn đề lại vừa diễn giải hợp tình, hợp lý, chẳng hạn: Từ dẫn dắt mà nêu ra luận điểm (cách nêu luận điểm này vừa tự nhiên, hợp lý, vừa gợi ra được nhiều suy nghĩ); thuật lại tình tiết vụ án, từ đó nêu luận điểm (làm cho luận điểm được nêu ra có lý do, ngọn nguồn, có phương hướng để chứng minh, trong đó, phần trước là sự thực, phần sau là kết luận); từ việc quy nạp hiện tượng mà nêu ra luận điểm (cách nêu luận điểm như vậy tỏ ra chắc chắn, mạnh mẽ, tự nhiên); từ việc trình bày bối cảnh mà xác định luận điểm (vừa làm cho sự xuất hiện của luận điểm có bối cảnh của nó, lại vừa làm cho luận điểm này có được ý nghĩa hiện thực, nhờ đó mà luận điểm nêu ra được nhấn mạnh ở mức độ cao hơn)…

Đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, luận điểm là ý kiến hoặc các ý kiến pháp lý thể hiện quan điểm của họ dưới dạng khẳng định hoặc phủ định về một vấn đề pháp lý nhất định. Do đó, luận điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm trụ cột cho lập luận của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Trong hệ thống các luận điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, có thể có luận điểm lớn, chính thể hiện quan điểm tổng quát và các luận điểm nhỏ, bổ sung về các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, tất cả các luận điểm đó đều là các ý kiến chuyển tải quan điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư dưới hai dạng thức hoặc là khẳng định hoặc là phủ định đối với vấn đề trong đối tượng lập luận.

Ví dụ số 29: Lập luận phủ định của Thẩm phán trong vụ án Đinh Xuân P đánh bạc.

Về việc kết tội: Tại phiên tòa bị cáo không thừa nhận đã thực hiện hành vi góp 2.000.000 đồng cùng với Nguyễn Văn Q chơi cá độ bóng đá ngày 12/7/2018 như cáo trạng đã nêu. Bị cáo cho rằng do bị cán bộ điều tra “định hình lời khai” (mớm cung) nên đã nghe theo khai không đúng sự thật nhằm mục đích giúp Nguyễn Văn Q không bị xử lý hình sự. Bị cáo phủ nhận tất cả các lời khai nhận tội ban đầu của mình tại Cơ quan điều tra.

Hội đồng xét xử xét thấy: Tại các biên bản lấy lời khai của bị cáo do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H lập vào các ngày 12/7/2018; 18/7/2018; 27/7/2018; 22/8/2018; 23/8/2018; 01/9/2018; 04/9/2018 và các bản kiểm điểm ngày 12/7/2018; 18/7/2018; 27/7/2018; 22/8/2018 của Đinh Xuân P thì bị cáo đều khai nhận đã cùng Q chung tiền để cá độ bóng đá trận đấu giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Croatia trong Giải vô địch bóng đá thế giới vào ngày 12/7/2018. Q góp 3.000.000 đồng, bị cáo góp 2.000.000 đồng. Q là người trực tiếp liên hệ đặt cá độ, chờ khi có kết quả của trận đấu mới giao nhận tiền cá độ. Các biên bản lấy lời khai bị cáo đều xác nhận đã đọc lại và công nhận nội dung biên bản là đúng. Tại các biên bản giao nhận quyết định khởi tố bị can và giao nhận quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cùng lập ngày 23/8/2018, bị cáo đã ghi vào biên bản với nội dung “Quan điểm của tôi là không đồng ý với Quyết định trên, tội của tôi chỉ đến mức phạt hành chính thôi”. Mặc dù từ sau khi ra đầu thú ngày 13/11/2018, bị cáo đã thay đổi lời khai, không thừa nhận đã thực hiện hành vi góp tiền cá độ bóng đá cùng Nguyễn Văn Q, bị cáo cho rằng các lời khai ban đầu là do bị cán bộ điều tra hướng dẫn khai để giúp Q không bị xử lý hình sự, nhưng Nguyễn Văn Q trong quá trình điều tra và tại phiên tòa vẫn khẳng định bị cáo và Q đã góp tiền chơi cá độ bóng đá với Trần Văn T, Q không nhờ bị cáo nhận góp thay 2.000.000 đồng và cũng không nhờ cán bộ điều tra nói với bị cáo nhận giúp Q để không bị xử lý hình sự. Tại các bản báo cáo giải trình và tại phiên tòa, các cán bộ điều tra và các Điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện H đều khẳng định đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không mớm cung, không ép cung, dùng nhục hình đối với bị cáo trong quá trình điều tra. Bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh bị mớm cung, ép cung phải khai báo sai sự thật. Mặt khác, các lời khai nhận tội của bị cáo đều được các cán bộ điều tra lập biên bản trong thời gian bị cáo được tại ngoại, các lần làm việc bị cáo đều được chị gái đưa đi đưa về nên không thể nói bị cáo bị ép buộc làm tê liệt ý chí phải khai theo ý kiến chỉ đạo của các cán bộ điều tra. Do đó, việc thay đổi lời khai của bị cáo là không có tính thuyết phục và không có cơ sở xác định đó là sự thật.

Xét các lời khai ban đầu của bị cáo từ ngày 12/7/2018 đến ngày 04/9/2018 là thống nhất với nhau, phù hợp lời khai của những người làm chứng là anh Nguyễn Văn Q, anh Trần Văn T, anh Trần Văn S; biên bản bắt người phạm tội quả tang lập ngày 12/7/2018 và các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa.

Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định: Vào ngày 12/7/2018, Đinh Xuân P và Nguyễn Văn Q đã bàn bạc, thống nhất góp tiền cá độ bóng đá. Trong đó, Q nhận góp 3.000.000 đồng, P nhận góp 2.000.000 đồng, tổng số tiền là 5.000.000 đồng tham gia cá độ trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Croatia trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2018 với Trần Văn T nhưng các bên chưa giao nhận tiền cá độ cho nhau thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Do đó, hành vi của bị cáo Đinh Xuân P đã phạm vào tội “Đánh bạc”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện H truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ví dụ số 30: Lập luận khẳng định của Thẩm phán trong vụ án Đào D lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa thống nhất với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với kết luận giám định. Đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 06/4/2018, tại bãi gửi xe của Trung tâm tiệc cưới MP địa chỉ: 229 T, phường N, quận Đ, thành phố H, Đào D có hành vi gian dối với thủ đoạn dùng vé gửi xe của xe máy Dream BKS: 29R7-66xx để lừa anh Nguyễn Ngọc Q – là bảo vệ bãi gửi xe, nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe máy Dream BKS: 31P5-xxxx của anh Vũ Văn S đang gửi xe tại bãi. Sau khi chiếm đoạt được chiếc xe, D đã để tại vỉa hè khu vực cổng của Tòa nhà MP và hiện không biết ở đâu nên chưa thu hồi được. D đã bồi thường 18.400.000 đồng cho anh Vũ Văn S. Anh Q không yêu cầu bồi thường gì khác. Hành vi của bị cáo Đào D đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, do vậy, Viện kiểm sát nhân dân quận Đ truy tố bị cáo về tội danh và điều luật như trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, gây mất trật tự, ổn định xã hội. Bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ hậu quả của hành vi nhưng do mục đích vụ lợi cá nhân đã cố tình thực hiện hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản, vậy, cần thiết áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo mới có tác dụng đảm bảo công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường, lần đầu phạm tội, có nơi cư trú rõ ràng. Vì vậy, không cần thiết phải xử phạt tù giam mà cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội cũng đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luận điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như sau:

Thứ nhất, luận điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phải chính xác, nêu được bản chất vấn đề pháp lý và phù hợp với vấn đề pháp lý.

Thứ hai, luận điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phù hợp với vai trò, vị trí của mỗi chức danh xét xử, buộc tội hoặc gỡ tội.

Thứ ba, luận điểm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phải đúng pháp luật, phù hợp đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Luận điểm của Luật sư còn phải hướng tới việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ví dụ số 31: Lập luận buộc tội của Kiểm sát viên trong vụ án Ngô Đình H chống người thi hành công vụ.
Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 08/10/2017, Ngô Đình H có hành vi dùng lời nói chửi bới, dùng vu lực đối với anh Trần Hoài P – là cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố H (dùng tay gạt tay anh P, khi bị anh P cầm tay kéo H ra khoi khu vực căng dây phản quang nơi tổ công tác đang làm việc, không cho H chửi bới tổ công tác) và khi bị khống chế, H đã có hành vi dùng tay, chân chống trả lại anh P với mục đích để thoát khoi sự khống chế của anh P tại khu vực ngã ba P – T thuộc phường M, quận C, thành phố H. Hành vi nêu trên của Ngô Đình H đã phạm tội “Chống người thi hành công vụ”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ví dụ số 32: Lập luận gỡ tội của Luật sư trong vụ án Nghiêm Tiến S lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghiêm Tiến S bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 vì đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Lê Thị Minh H, nguyên Giám đốc Ngân hàng M chiếm đoạt số tiền 10.500.000.000 đồng của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận T gửi tại Ngân hàng M.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Nghiêm Tiến S luôn cho rằng mình bị oan, không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, không giúp sức cho Lê Thị Minh H chiếm đoạt số tiền 10.500.000.000 đồng của Ban bồi thường
giải phóng mặt bằng quận T gửi tại Ngân hàng M.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quy định của pháp luật, bản chất, diễn biến của sự việc, Luật sư hoàn toàn đồng tình với quan điểm của khách hàng là bị cáo Nghiêm Tiến S. Luật sư cho rằng:

– Việc định tội danh, truy tố các bị cáo liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng với bản chất vụ án, quy định của pháp luật, dẫn đến xác định không đúng về số tiền bị chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt, chủ thể bị chiếm đoạt, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng liên quan.

– Nghiêm Tiến S đã thực hiện đúng yêu cầu của chủ tài khoản khi thực hiện việc tất toán 04 tài khoản và chuyển số tiền còn lại sang tài khoản của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận T sang Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh C.

– Nghiêm Tiến S không biết, không giúp sức, không phải là đồng phạm giúp sức cho Lê Thị Minh H liên quan đến hành vi chiếm đoạt 10.500.000.000 đồng.

Do đó, việc truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến hành vi chiếm đoạt số tiền 10.500.000.000 đồng là không có cơ sở pháp lý, trái với bản chất, diễn biến của vụ án.

Bước 2: Tìm các luận cứ thuyết phục

Khi xây dựng lập luận, điều quan trọng nhất là phải tìm cho được các luận cứ có sức thuyết phục cao. Luận cứ chính là nền tảng và là chất liệu để làm nên phần nhận định trong bản án, phần luận tội hay phần bào chữa. Muốn có luận cứ để sử dụng thì Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phải tích luỹ, chuẩn bị cho mình một vốn luận cứ đa dạng. Đó là: những lý lẽ khoa học để phân tích về tội danh, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội và các chứng cứ phản ánh về hiện trường, giám định…

Ví dụ số 33: Lập luận của Thẩm phán trong vụ án Nguyễn Thị T cố ý gây thương tích.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Nguyễn Thị X có quan điểm: Hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ và cố tình thực hiện tội phạm đến cùng quy định tại các điểm d, e khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 do bị cáo là người rút dao trước đâm bị hại, khi bị hại đã lùi vào trong sân nhà nhưng bị cáo vẫn cố tình vừa tiến tới vừa đâm vào cơ thể bị hại.

Căn cứ vào các lời khai của những người làm chứng và bị hại thì nguyên nhân dẫn đến xô xát giữa bị cáo và người bị hại là do hai bên có lời qua tiếng lại, xúc phạm lẫn nhau. Sau khi hai bên cãi nhau, bị cáo đã bỏ đi. Tuy nhiên khi bỏ đi được vài mét, vì cho rằng bị hại X có những lời lẽ xúc phạm nên bị cáo quay lại và rút dao để trong túi ra chỉ về phía bà X nói “Mày có tin tao đâm mày không”, bà X thấy bị cáo rút dao ra chỉ về phía mình thì có lời nói thách thức bị cáo “Tao thách mày đâm tao đó” và cầm dao chặt thịt heo đi về phía bị cáo T đang đứng và đứng đối diện với bị cáo, sau đó bị cáo T mới có hành vi đâm vào tay của bị hại. Như vậy, hành vi gây thương tích của bị cáo đối với bị hại là do bức xúc, không có tính chất côn đồ. Hành vi của bị cáo vừa tiến tới vừa đâm bị hại trong khi bị hại lùi dần vào trong sân nhà là tiếp diễn của chuỗi hành vi xô xát giữa hai bên với nhau do mâu thuẫn đã bị đẩy lên cao trào. Hành vi này không thỏa mãn dấu hiệu của tình tiết “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”. Do đó, quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nêu trên là không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp thuận. 

Ví dụ số 34: Lập luận của Luật sư về điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của khách hàng.

“Kính thưa Hội đồng xét xử!

Các bị cáo tại phiên tòa hôm nay bị truy tố vì có hành vi chống người thi hành công vụ khi lực lượng cưỡng chế đang thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Xét về nhân thân, bị cáo Q và X đều là những người nông dân hiền lành, lương thiện, chưa từng có tiền án, tiền sự, hiểu biết pháp luật có nhiều hạn chế. Nếu như không có việc thu hồi đất ruộng thì có lẽ rằng suốt đời họ chỉ lo chăm chỉ làm ăn nuôi vợ nuôi con, chẳng bao giờ phải đi khiếu kiện, rồi có hành vi được coi là cản trở người thi hành công vụ để đến nỗi phải đứng trước vành móng ngựa hôm nay. Vậy thì, nguyên nhân gì đã đẩy những con người hiền lành, chất phác, tôn trọng pháp luật như vậy đến chỗ phải vi phạm pháp luật?

Qua hồ sơ vụ án, chúng ta thấy rằng nguyên nhân dẫn các bị cáo đến chỗ có hành vi cản trở người thi hành công vụ, thứ nhất là do sự thiếu hiểu biết pháp luật, thứ hai là vì quá bức xúc do đất đai bị thu hồi mà việc bồi thường theo họ là chưa thỏa đáng. Theo như các bị cáo trình bày thì lý do các bị cáo chưa chịu nhận tiền đền bù, chưa chịu giao đất là do quyền lợi chưa được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ các quy định pháp luật về đất đai và các văn bản hướng dẫn của địa phương, theo các bị cáo trình bày thì việc giải quyết cho các hộ bị thu hồi đất được chia đất dịch vụ là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm cưỡng chế, các hộ có đất bị thu hồi vẫn không nhận được đất dịch vụ. Chính lý do này đã dẫn đến việc các hộ gia đình cảm thấy quyền lợi chính đáng của mình chưa được đảm bảo, dẫn đến bức xúc và có mặt tại khu vực cưỡng chế để đòi quyền lợi.

Tại phiên tòa hôm nay, chúng ta sẽ không bàn đến việc các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cưỡng chế thu hồi đất là đúng hay sai, bởi vì điều đó cũng không phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng xét xử phiên tòa hình sự hôm nay. Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật thì các công dân phải có nghĩa vụ chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu không đồng ý thì sẽ có quyền khiếu nại theo trình tự do pháp luật quy định. Tuy nhiên, do không hiểu được nguyên tắc này, vì quá bức xúc do đất đai bị thu hồi và theo họ là thu hồi chưa đúng pháp luật, nên đã dẫn đến việc các bị cáo có hành vi không chấp hành lệnh cưỡng chế, có những lời nói xúc phạm đến lực lượng cưỡng chế để rồi bị bắt, bị đưa ra xét xử tại phiên tòa hôm nay.

Kính thưa Hội đồng xét xử, kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát!

Trước khi đi vào phân tích hành vi vi phạm của từng bị cáo cụ thể, tôi đã trình bày nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo để Hội đồng xét xử, vị đại diện Viện kiểm sát hiểu và cảm thông được với tâm trạng của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội. Tôi mong rằng Hội đồng xét xử, vị đại diện Viện kiểm sát hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của các bị cáo, của người nông dân bao năm đổ mồ hôi công sức trên mảnh đất của mình, hôm nay, vì lợi ích chung của xã hội, vì sự phát triển kinh tế đất nước đã chấp nhận giao lại mảnh đất, để rồi từ đó có thể thấu hiểu và giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tình người, vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.”

Muốn lập luận thuyết phục, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư phải biết lựa chọn luận cứ. Thông thường, luận cứ phải được lựa chọn theo các tiêu chí sau đây:

Thứ nhất, phù hợp với yêu cầu khẳng định của luận điểm. Nội dung của luận cứ phải thống nhất với nội dung của luận điểm.

Thứ hai, luận cứ phải xác thực. Khi nêu luận cứ, cần biết chính xác về nguồn gốc, tình tiết, sự kiện, tuyệt đối không được bịa đặt luận cứ.

Thứ ba, luận cứ phải tiêu biểu. Lựa chọn những lý lẽ, chứng cứ tiêu biểu để phục vụ cho việc chứng minh luận điểm. 

Thứ tư, luận cứ phải vừa đủ, đáp ứng yêu cầu chứng minh toàn diện cho luận điểm.

Thứ năm, luận cứ cần phải mới. Những luận cứ mà người đi trước đã sử dụng thì không nên dùng lại, nếu muốn dùng thì cố gắng khai thác khía cạnh nội dung mới của nó.

Khi sử dụng luận cứ, cần lưu ý: Trước hết phải giới thiệu luận cứ, có trường hợp cần chỉ ra nguồn gốc của luận cứ (chẳng hạn số liệu lấy ở đâu, kết quả giám định của cơ quan nào…); cần trích dẫn chính xác, nhớ nguyên văn thì đặt trong ngoặc kép, nhớ đại ý thì chuyển thành lời gián tiếp. Cần sử dụng thao tác lập luận để từ luận cứ mà làm rõ luận điểm.

Bước 3: Lựa chọn phương pháp lập luận hợp lý

– Lập luận diễn dịch: Là một loại suy luận, trong đó lập luận được tiến hành trên cơ sở rút ra những tri thức riêng từ những tri thức chung. Diễn dịch còn chia thành diễn dịch trực tiếp và diễn dịch gián tiếp, căn cứ vào số lượng tiền đề. Diễn dịch trực tiếp là suy luận suy diễn mà kết luận được rút ra trực tiếp từ một tiền đề dựa trên cơ sở biến đổi phán đoán tiền đề và quy tắc tương quan giữa tính chân thật hay giả dối của phán đoán đó. Diễn dịch gián tiếp trái lại được thực hiện trên cơ sở tiền đề có từ hai phán đoán trở lên trong mối liên hệ logic xác định. Trong đó, tam đoạn luận là dạng suy luận diễn dịch gián tiếp. Theo đó, kết luận là phán đoán đơn được rút ra từ mối liên hệ logic tất yếu giữa hai tiền đề là các phán đoán đơn.

Ví dụ số 35: Lập luận diễn dịch của Luật sư trong vụ án “Hoàng Văn K cùng đồng bọn phạm tội giết người, cướp tài sản xảy ra ngày 11/8/2018 tại phường P, thành phố C, tỉnh L”.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án, chúng tôi đã không đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát tỉnh L. Bởi vì, Viện kiểm sát tỉnh L đã truy tố bị cáo K phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản” khi chỉ căn cứ vào các lời khai, mà không xem xét đến các chứng cứ vật chất quan trọng để đối chiếu với các lời khai đó. Việc đánh giá chứng cứ như tại Cáo trạng rất có thể dẫn đến oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Theo chúng tôi, để làm rõ được sự thật khách quan của vụ án, thì cần phải tiếp tục thu thập thêm các chứng cứ của vụ án. Chúng tôi xin kính gửi đến Quý Tòa một số quan điểm của Luật sư bào chữa. Kính mong Quý Tòa lưu tâm xem xét. Cụ thể:

Thứ nhất, Viện kiểm sát chưa xem xét đề nghị thu thập chứng cứ là các dấu vân tay, vân chân của hung thủ để lại hiện trường. Tại hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét, thu thập chứng cứ là các dấu vân tay, vân chân mà bị cáo K cũng như các bị cáo khác đã để lại tại hiện trường nhà ông X, gồm: Các dấu vân tay để lại ở cổng và hàng rào; Các dấu vân tay trên chìa khóa và khóa cổng; Dấu vân tay để lại trên thi thể ông X; Dấu vân tay trên tủ đựng quần áo; Dấu vân tay để lại trên tờ giấy gói tiền; Dấu vân tay trên xà beng. Như vậy, có thể thấy rằng, có rất nhiều chứng cứ là dấu vân tay, vân
chân để lại hiện trường như đã kể trên, tuy nhiên cơ quan tiến hành tố tụng đã không thu thập được trong quá trình điều tra để giám định xem có phải là của bị cáo K hay không? Đây là những chứng cứ khiến hung thủ không thể chối cãi, do vậy, việc không thu thập những chứng cứ này sẽ khó có thể kết luận được chính xác hung thủ trong vụ án.

Thứ hai, Viện kiểm sát chưa xem xét một số dấu vết tổn thương trên cơ thể ông X. Theo hồ sơ vụ án thể hiện, “K giơ xà beng lên cao bằng 02 tay vụt từ trên xuống dưới 02 đến 03 phát nhằm vào đầu ông X, trúng vào vùng đầu phía bên trái làm ông X ngã xuống bất tỉnh”. Hành vi này đã gây ra các tổn thương trên cơ thể ông X. Tại Kết luận giám định pháp y số 56/GĐPY của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh L ngày 15/8/2018 kết luận:
“Tại vùng Đầu – Mặt – Cổ:

– Vùng thái dương đỉnh trái có 02 vết thương tạo hình chữ ʌ đều có bờ mép nham nhở. Vết 1 hướng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, kích thước 6cm x 0,5cm. Vết 2 hướng từ trên xuống dưới dọc theo cơ thể, kích thước 6cm x 0,4cm… Miệng 02 vết thương hở nhìn thấy tổ chức não; xương sọ tương ứng 02 vết thương dập, lún 1 bản xương;

– Vùng đỉnh chẩm trái có vết thương bờ mép nham nhở, hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau; xương sọ tương ứng lún 1 bản xương, qua miệng nhìn thấy tổ chức não”.

Nếu với hành vi của K như mô tả ở trên thì sẽ chỉ để lại những vết thương ở vùng đầu, mặt, cổ của ông X là hợp lý. Tuy nhiên, cũng tại bản Kết luận giám định pháp y số 56/GĐPY còn thể hiện trên cơ thể ông còn những vết thương khác, cụ thể như: Trên thân: “Gãy kín cung trước xương sườn IV trên đường giữa đòn phải; Gãy kín các cung trước xương sườn V, VI trên đường giữa đòn trái, trật khớp ức đòn trái”; Trên cánh tay: “Gãy kín phức tạp 1/3 giữa xương cánh tay trái”.

Theo quan điểm của chúng tôi, để tạo ra những vết thương này thì cần phải có những ngoại lực tác động rất mạnh. Vậy ngoài 03 tổn thương vỡ sọ não trên đầu ông X tương ứng với 2 – 3 lần vụt xà beng của K, thì những tổn thương trên cơ thể ông X sẽ do cơ chế nào gây ra? Hành vi phạm tội có thực sự như lời khai của các đối tượng hay không? Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng đã chưa làm rõ.

Thứ ba, không xem xét đề nghị thu thập chứng cứ là các camera giao thông trên quãng đường tẩu thoát của K và D. Theo như nội dung vụ án, sau khi K và D thực hiện xong hành vi phạm tội, đã cùng nhau đi xe máy lên dốc đài truyền hình, rồi tiếp tục điều khiển xe lên khu thương mại KT và vào một căn nhà đang xây dựng dở không có người trông coi. Các đối tượng đã ngủ ở đây đến khoảng 07 giờ sáng thì tiếp tục điều khiển xe chở nhau về nhà ông bà nội của D, sau đó K về nơi trọ… Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án cung không thể hiện cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm xem xét, thu thập các dữ liệu này.

– Lập luận quy nạp: Là suy luận trong đó lập luận được tiến hành trên cơ sở đi từ tri thức đơn lẻ, đơn nhất đến kết luận là tri thức chung. 

Quy nạp được chia thành hai dạng là quy nạp hoàn toàn và quy nạp không hoàn toàn. Quy nạp hoàn toàn đặc trưng bởi sự nghiên cứu toàn bộ các đối tượng thuộc phạm vi xem xét để rút ra kết luận chung về chúng. Trái lại, quy nạp không hoàn toàn chỉ là phép rút ra kết luận chung cho toàn bộ lớp đối tượng trên cơ sở nghiên cứu một số đối tượng.

Ví dụ số 36: Lập luận quy nạp của Luật sư trong vụ án Phạm Công D tại phiên tòa sơ thẩm.

Luật sư Nguyễn Văn T đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề về nội dung và tố tụng của vụ án liên quan đến bị cáo, trong đó có việc xác định bị cáo có gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP X hay không. Cụ thể như sau1:

“Có phải bị cáo Phạm Công D đã gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP X số tiền 9.000 tỷ đồng không? Về việc này, Luật sư Phan Trung H đã trình bày cụ thể liên quan đến quy kết thiệt hại 7.000 tỷ đồng trong phần tội danh “Cố ý làm trái…”. Về phần mình, tôi sẽ trình bày cụ thể trong phần nội dung vụ án. Ở đây, tôi chỉ nêu một số tình tiết để minh chứng: Tháng 6/2012 khi Phạm Công D mới mò mẫm tìm hiểu Ngân hàng TMCP X thì thực trạng Ngân hàng theo Kết luận thanh tra xác định đến 29/02/2012 vốn chủ sở hữu đã bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ luy kế 6.061 tỷ đồng, gần gấp 2 lần vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trên báo cáo tài chính năm 2011, luôn có nguy cơ đổ vỡ, đang trên bờ vực phá sản. Đến sau ngày Đại hội cổ đông 07/02/2013, Phạm Công D mới chính thức bước chân vào Ngân hàng TMCP X, thì theo Cáo trạng, thực trạng ngân hàng còn tệ hại hơn: theo Báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) thì lỗ luy kế đã tăng lên 8.765,835 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711,1 tỷ đồng. Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tại Điều 5 quy định: giá trị thực của vốn điều lệ được xác định bằng vốn điều lệ thực góp cộng lợi nhuận chưa phân phối hoặc trừ lỗ chưa xử lý. Như vậy, tại thời điểm cuối năm 2012, Ngân hàng TMCP X chẳng gần 20.000 đồng/cổ phần! Trong tình trạng như vậy, đáng lý ra chỉ mua 0 đồng/cổ phần, thế mà Phạm Công D và Tập đoàn T đã cả gan dám mua lại Ngân hàng TMCP X với giá 4.484,61 tỷ đồng (thực tế đã chi trả 3.600 tỷ đồng), đồng thời ra sức huy động toàn bộ vốn liếng, tài sản của cá nhân và của Tập đoàn T, phải “vay nóng, vay lạnh” đổ thêm vào Ngân hàng TMCP X gần 10.000 tỷ đồng để bảo đảm tính thanh khoản và duy trì hoạt động của 22 Chi nhánh khắp cả nước với hơn một nghìn cán bộ, nhân viên của Ngân hàng TMCP X. Đau xót thay, chỉ hơn hai năm sau, ngày 05/3/2015 Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc Ngân hàng X với giá 0 đồng/cổ phần, đồng thời còn kế thừa toàn bộ quyền đòi nợ của Ngân hàng X, quản lý toàn bộ tài sản của Tập đoàn T đang thế chấp hợp pháp tại Ngân hàng X để thu hồi nợ 4.700 tỷ đồng! Chúng tôi được biết đến tháng 7/2016, tức là chỉ hơn một năm sau ngày Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng/cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đã công nhận Ngân hàng X có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai theo Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản! Đúng là phép màu! Phải chi phép màu này được Ngân hàng Nhà nước ra tay thực hiện ngay từ cuối năm 2012, sau khi có Kết luận Thanh tra, thì vụ án Phạm Công D đã không xảy ra và những người đứng trước vành móng ngựa hôm nay, nếu có, cung không phải 36 bị cáo này!

Ngân hàng TMCP X là do Tập đoàn T (Phạm Công D đại diện) làm chủ sở hữu. Hoạt động của Ngân hàng TMCP X đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước, tài sản của Tập đoàn T đưa vào Ngân hàng và các tài sản thế chấp khác vẫn còn nguyên vẹn đó. Vậy thì căn cứ vào đâu để nói Phạm Công D gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP X 9.000 tỷ đồng? Mà nếu Ngân hàng TMCP X bị thiệt hại thì Tập đoàn T và Phạm Công D mới chính là người bị thiệt hại đầu tiên!

Từ những phân tích trên, cho thấy rằng, việc truy tố của Viện kiểm sát là không có căn cứ”.

Dù thực hiện theo dạng quy nạp nào thì lập luận quy nạp của Kiểm sát viên, Luật sư vẫn cần tuân theo một số điều kiện sau đây:

+ Đảm bảo khái quát được dấu hiệu bản chất của các sự vật, hiện tượng.

+ Chỉ có thể áp dụng cho một nhóm đối tượng cùng loại nào đó.

+ Quy nạp về nguyên tắc có tính xác suất, do đó cần khái quát từ số lượng đủ lớn và sau đó nhất thiết phải được kiểm nghiệm trên thực tế.

Như vậy, lập luận quy nạp của Kiểm sát viên, Luật sư là dạng suy luận, trong đó, Kiểm sát viên, Luật sư rút ra kết luận chung về vấn đề pháp lý trên cơ sở các vấn đề pháp lý cụ thể.

– Lập luận bác bỏ:

+ Bác bỏ luận điểm: Đây là cách bác bỏ trực diện, loại bỏ luận điểm, cách bác bỏ đúng đắn nhất và hiệu quả nhất. Bác bỏ luận điểm có thể thực hiện bằng các cách sau:

(i) Bác bỏ luận điểm thông qua sự kiện, chứng cứ: cách bác bỏ này đòi hỏi chỉ ra được cái sai hiển nhiên (trái với tình tiết khách quan của vụ án, vụ việc, quy định của pháp luật…) của chủ thể nói (phát ngôn) hoặc viết. Sau đó dùng lý lẽ và dẫn chứng khách quan, trung thực để bác bỏ các ý kiến, nhận định… sai trái đó.

(ii) Bác bỏ luận điểm thông qua chứng minh tính giả dối của hệ quả rút ra từ luận đề: đây là cách bác bỏ tiến hành suy luận đúng từ luận điểm, rút ra những hệ quả tất yếu logic của nó. Sau đó, chứng minh hệ quả đó không chân thực.

(iii) Bác bỏ luận điểm thông qua chứng minh phản luận đề: đây là phương pháp bác bỏ thông qua chứng minh phản luận đề (là phán đoán trong quan hệ mâu thuẫn với luận đề) qua đó vạch ra tính giả dối của luận đề (các phán đoán mâu thuẫn không cùng chân thực hoặc không cùng giả dối).

(iv) Bác bỏ luận điểm thông qua vạch ra tính không chính xác của luận điểm: là cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, chỉ ra trong luận điểm sự không rõ nghĩa, không xác định tư tưởng, có mâu thuẫn dẫn đến không có cách hiểu thống nhất yêu cầu chứng minh hay bác bỏ, do đó bác bỏ luận điểm.

Ví dụ số 37: Trong một vụ án Giết người, Luật sư đã lập luận để khẳng định chứng cứ ngoại phạm của bị cáo như sau:

“Tại thời điểm xảy ra sự việc cháu H bị đánh chết, Nguyễn Mạnh K đang ngủ tại nhà anh C, chị M, có nhiều nhân chứng biết rõ và khai rõ việc này (đặc biệt là chị Phan Thị M là chủ nhà hôm đó không ngủ trưa).
Chị Phan Thị M và nhiều người khác công nhận rằng: lúc đó Nguyễn Mạnh K đang ngủ tại nhà anh C, chị M. Bộ quần áo của K vẫn mặc từ ngày hôm đó cho đến 02, 03 ngày sau (khi ăn giỗ tại nhà chị M, K vẫn mặc bộ đồ này); trên người Nguyễn Mạnh K trước khi ngủ và sau khi ngủ dậy vẫn không hề có gì lạ. Sau đó, K vẫn đi công việc bình thường và chở cháu Tr đến báo cho chị của cháu H về việc cháu H bị nạn. Đêm 18/01/2018, K vẫn tham gia sinh hoạt bình thường tại gia đình. Dễ thấy những điểm mâu thuẫn trong lời khai buộc tội và có căn cứ cho rằng K không liên quan đến việc cháu H bị giết. Cụ thể, theo dấu vết để lại tại hiện trường, nạn nhân có chống cự mãnh liệt, máu vương vãi khắp nơi, thi thể đầu tóc nạn nhân bê bết máu, đất (ví dụ: tại bản ảnh khám nghiệm tử thi số 15 thể hiện đầu tóc của nạn nhân dính đầy rác và đất). Trong khi đó, Nguyễn Mạnh K đi “giết người” xong về ngủ lại bình thường và đầu tóc, thân thể, quần áo vẫn sạch sẽ bình thường. Đây là điều hoàn toàn vô lý”.

+ Bác bỏ luận cứ: là phủ định một cách có cơ sở phép chứng minh luận điểm nào đó trên cơ sở vạch ra tính không chính xác, tính chưa được chứng minh, tính mâu thuẫn hay không đầy đủ của luận cứ. Bác bỏ luận cứ có thể thực hiện theo một số cách như sau:

(i) Vạch rõ tính giả dối của luận cứ dẫn đến không thừa nhận luận cứ và không thừa nhận phép chứng minh trên là đúng;

(ii) Vạch ra sự mâu thuẫn nội tại giữa các luận cứ dẫn đến không thừa nhận phép chứng minh;

(iii) Vạch ra sự thiếu căn cứ của luận cứ hay tính chưa được chứng minh của luận cứ, từ đó cho phép hoài nghi và không công nhận đây là phép chứng minh đúng;

(iv) Vạch ra sự thiếu hụt không đầy đủ của luận cứ dẫn đến tính thiếu chặt chẽ của phép chứng minh;

(v) Vạch ra tính không rõ ràng, không chính xác của luận cứ dẫn đến không chấp nhận phép chứng minh.

+ Bác bỏ lập luận: là phương pháp vạch ra tính thiếu logic của lập luận khi sử dụng chứng minh một luận đề nào đó.

Bác bỏ lập luận có giá trị chỉ ra sự thiếu thuyết phục, chưa đủ độ tin cậy. Suy luận trên cơ sở vạch ra lỗi của lập luận. Một suy luận đúng có tiền đề chân thực, luận đề chân thực nhưng lập luận không logic thì không được coi là phép chứng minh đúng. Để bác bỏ lập luận, người hành nghề luật cần nhanh chóng xác định đối phương chứng minh luận đề bằng lập luận dạng nào, trên cơ sở đó phát hiện ra lỗi lập luận, để kịp thời đưa ra lập luận bác bỏ. Cụ thể là:

Lập luận bằng câu hỏi: Lập luận bằng câu hỏi là việc chủ thể lập luận dùng các câu hỏi để lập luận, có thể trả lời hoặc không cần phải trả lời mà mục đích lập luận vẫn đạt được. Lập luận bằng câu hỏi tạo ấn tượng sâu sắc với người nghe, các câu hỏi trong lập luận tác động mạnh và nhanh lên tư duy, tạo hiệu quả thuyết phục tốt. Tuy nhiên, không phải trong mọi tình huống đều có thể sử dụng được thao tác lập luận bằng câu hỏi. Lập luận bằng câu hỏi chỉ có thể sử dụng trong tình huống chọn lọc. Về cách thức lập luận, có thể sử dụng logic ngược với quan niệm thông thường hoặc dùng logic tương tự.

Ví dụ số 38:

“Trời đang tối sầm lại rất nhanh, khả năng sẽ có mưa”.
“Anh ta học rất chăm chỉ và có phương pháp học đúng, anh ta có thể thi đỗ được đại học”.
“Khóa cửa đã bị bẻ gẫy, rất có thể tên trộm đã vào theo con đường này”.
“Xe hỏng vì vậy chắc chắn tôi sẽ đến muộn”.

Tất cả những ví dụ trên được gọi là lập luận hay suy luận. Lập luận là việc chúng ta dựa vào những thứ “ta biết” để suy luận, dự đoán ra những sự kiện mà ta “không biết”.

Thứ “ta biết” gọi là tiền đề. “Ta biết” trong ngoặc kép vì những thứ ta biết chỉ là chủ quan của một thực tại khách quan nên những thứ đó chưa chắc đã đúng với bản chất thực sự.

Ví dụ số 39: “Tôi thấy anh ta rất hay đi làm muộn vì vậy anh ta là người vô tổ chức”.

Rất có thể là anh ta đi làm muộn vì anh ta làm một số công việc của công ty ở ngoài trước khi tới cơ quan. Rất có thể đặc thù công việc khiến anh ta phải đi làm về muộn vì vậy được bù đắp bởi đặc cách đi làm muộn…

Cái “ta biết” đó cũng có thể do ta nghe của một trung gian truyền tin như báo đài, bạn bè, người thân, nhân viên, sếp,…

Tất nhiên cái “ta biết” cũng có thể là cái hiển nhiên, là chân lý đúng vì được nhiều người thừa nhận và đã được chứng minh, ví dụ như trái đất quay quanh mặt trời.

Cái dự đoán mà ta “không biết” đó gọi là kết luận. Tính đúng đắn của kết luận phụ thuộc vào hai yếu tố: Tiền đề đúng; mối quan hệ giữa tiền đề và kết luận là có và đúng đắn.

Ví dụ số 40: Theo một cán bộ điều tra, căn cứ vào hình ảnh một số camera trong siêu thị ghi được và kết quả khám nghiệm hiện trường có thể xác định nhóm trộm có khoảng 07 người đã nghiên cứu địa hình rất kỹ. Khoảng 1 giờ 50 phút, camera ghi nhận nhiều ánh đèn pin loang loáng trong siêu thị, có thể do chúng sử dụng đi lại bên trong. Tuy nhiên, một số camera khu vực nhóm này di chuyển trong siêu thị đến chi nhánh ngân hàng và các quầy kinh doanh vàng bạc đã bị vô hiệu hóa.

Trong ví dụ nêu trên, “hình ảnh một số camera trong siêu thị ghi được và kết quả khám nghiệm hiện trường” gọi là dẫn chứng; “có khoảng 07 người đã nghiên cứu địa hình” là luận điểm suy ra từ dẫn chứng.

“Khoảng 1 giờ 50 phút, camera ghi nhận nhiều ánh đèn pin loang loáng trong siêu thị” là dẫn chứng. “Có thể chúng sử dụng đi lại bên trong” là luận điểm. Người ta không nhìn thấy hình ảnh người đi bên trong nhưng suy luận ra từ việc có nhiều ánh đèn pin.

Như vậy, tiền đề có thể là lý lẽ hay dẫn chứng. Lập luận là cách trình bày, dẫn dắt lý lẽ và dẫn chứng để đạt mục tiêu truyền tải, chứng minh một quan điểm của người viết, người nói. 

5/5 - (8 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền