Những thử thách khi làm việc tại các công ty luật lớn

Chuyên mụcCafe Dân Luật Hành nghề luật
Công việc tại các văn phòng luật hàng đầu có thể đồng nghĩa với một mức lương cao, những vụ việc thú vị. Tuy nhiên, làm việc cho những công ty luật như vậy cũng đầy những thách thức. Hãy cùng chúng tôi điểm qua những vấn đề thường gặp phải khi làm việc trong một hãng luật lớn nhé.

1. THỜI GIAN LÀM VIỆC 

Do số lượng khách hàng cũng như tính chất phức tạp của công việc, các luật sư và nhân viên làm việc tại đây có xu hướng làm việc nhiều giờ hơn so với các đồng nghiệp ở các văn phòng ít tên tuổi. Làm việc vào cuối tuần hay ở lại công ty vào buổi tối có lẽ không quá xa lạ với những người làm việc trong các công ty luật.  Thay vì “làm đến hết giờ thì nghỉ”, các công ty luật lớn thường áp dụng chính sách “làm đến khi nào xong việc”. Những thương vụ phức tạp như M&A, chuyển nhượng bất động sản hay các vụ tranh tụng phức tạp thường đẩy các nhân viên của các công ty luật đến tình trạng làm thêm giờ hoặc làm ngoài giờ một cách thường xuyên.

2. MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC CẠNH TRANH

Các công ty luật hàng đầu thường là nơi quy tụ của nhiều nhân tài ngành luật. Bạn sẽ gặp rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, luật sư nhiều năm kinh nghiệm tại đây. Tất cả đều nỗ lực, cạnh tranh để thể hiện năng lực của mình hay giành giật các cơ hội thăng tiến. Do vậy các công ty luật lớn luôn được đánh giá là có môi trường làm việc phức tạp và cạnh tranh nhất trên thị trường.

3. SỐ GIỜ BILL (GIỜ TÍNH TIỀN) CAO

Các văn phòng Luật chuyên nghiệp thường có xu hướng áp đặt số giờ bill đối với nhân viên rất cao như một phương thức đánh giá năng lực và hiệu quả công việc. Mức trung bình được áp dụng trên thế giới vào khoảng 1500-2000 giờ làm việc/năm, tương đương với 30-42 giờ/tuần. Trong khi những công việc hành chính, quản trị và thậm chí là marketing vẫn cần phải thực hiện thì 42 giờ bill/ngày đồng nghĩa với việc một nhân viên cần phải làm việc ít nhất 60 giờ bill/tuần để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

4. THĂNG TIẾN

Khi lựa chọn làm việc cho một công ty luật là sự nghiệp cả đời của bạn thì mục đích sau cùng mà bất kỳ một luật sư hay trợ lý hướng đến là trở thành một người quản lý, ví dụ như Partner trong công ty. Là một Partner bạn có thể tự đi tìm kiếm khách hàng cũng như tự phụ trách và chịu trách nhiệm một vụ việc. Tuy nhiên con đường đến với các chức danh quản lý trong một công ty luật lớn đòi hỏi bạn phải thật sự bản lĩnh và có chuyên môn vững cùng nhiều yếu tố khác nữa.

5. YÊU CẦU CAO TRONG CÔNG VIỆC

Do quá trình chọn lọc, tuyển dụng khắt khe và mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung trên thị trường, các vị trí công việc trong các công ty luật lớn luôn đòi hỏi rất cao về mặt chuyên môn. Điều này luôn là một áp lực không nhỏ đối với những người làm việc ở đây. Họ luôn phải cập nhập kiến thức mới và luôn trong trạng thái sẵn sàng học hỏi để nâng tầm bản thân.

6. CÁC CÔNG VIỆC NHÀM CHÁN

Các nhân viên mới trong các công ty luật lớn thông thường chỉ được giao những mảng công việc nhất định như kiểm tra chính tả, nghiên cứu quy định pháp luật, soạn newsletter. Những công việc này thường là đơn điệu và lặp đi lặp lại, để lại những công việc “có chất” và được tính tiền cao hơn cho những người đã có kinh nghiệm. Vẫn biết là nhân viên cấp dưới và đặc biệt là người mới thường phải chịu những thiệt thòi như vậy nhưng không phải ai cũng vượt qua được giai đoạn này.

7. ĐI CÔNG TÁC

Do các công ty luật lớn thường tham gia vào các giao dịch lớn với nhiều đối tác thuộc nhiều vùng miền thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau. Nếu bạn làm việc cho một công ty luật lớn có lẽ hãy chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những chuyến đi công tác xa nhà nhé.

8. TÍNH PHỨC TẠP CỦA CÔNG VIỆC

So với các công ty luật nhỏ thì các công việc đảm nhận bởi các công ty luật lớn thường là phức tạp và yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều. Bạn phải luôn trong trạng thái tỉnh táo để nắm bắt các loại thông tin và sẵn sàng học hỏi từ những người nhiều kinh nghiệm hơn.

9. CHUYÊN MÔN HOÁ

Các công ty luật hàng đầu đều có xu hướng chuyên môn hoá. Các luật sư và nhân viên của các công ty luật đó cũng đều được phân công và tập trung vào những công việc nhất định. Nếu bạn là một dạng “cái gì cũng biết” thì hãy xem xét lại bản thân nhé. Ngoài ra việc việc chuyên môn hoá có thể đẩy bạn vào những lĩnh vực mà bạn không hứng thú.

10. TÍNH CHẶT CHẼ – TÁC PHONG CHUYÊN NGHIỆP

Một công ty luật chuyên nghiệp thường có nhiều cấp quản lý khác nhau. Họ cũng đã thiết lập hệ thống các quy trình, nguyên tắc và mẫu biểu cho mỗi đầu mục công việc. Là một người mới bạn sẽ rất khó can thiệp để thay đổi các quy trình hay nguyên tắc đó. Ngoài ra bạn cần luôn phải giữ được một tác phong chuyên nghiệp khi đi làm. Đi làm trễ giờ hay ăn mặc xuềnh xoàng, bụi bặm là không thể chấp nhận được ở những nơi như vậy.

 

Nguồn: thegioiluat.vn

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền