Những thách thức của nghề luật sư

Chuyên mụcCafe Dân Luật, Luật Luật sư, Thảo luận pháp luật Nghề luật sư
Nghề luật sư - Ảnh: hocluat.vn

Thách thức/mặt trái của bất cứ nghề nghiệp nhất định nào trong xã hội cũng luôn là mối quan tâm/quan ngại cần được biết tới đối với cá nhân khi lựa chọn một nghề nghiệp để theo đuổi và thành công.

..

Những nội dung liên quan:

..

Với nghề luật sư, thách thức truyền thống từ nghề nghiệp không khó để nhận diện. Có thể tham khảo một số rào cản/thách thức của nghề luật sư cần vượt qua trong bản mô tả dưới đây:

Những khó khăn thách thức của nghề luật sư

Tình huống nghề nghiệp phải đối diện 1. Buộc phải điều chỉnh cuộc sống cá nhân vì nhu cầu công việc.
2. Phải làm một số việc theo yêu cầu của khách hàng mà cá nhân người hành nghề không muốn.
3. Đã rất nỗ lực để giải quyết công việc nhưng không được khách hàng và tổ chức hành nghề ghi nhận, đánh giá đúng.
4. Các rủi ro nghề nghiệp từ các mối quan hệ nghề nghiệp mang đến không lường trước được, hoặc tuy đã lường trước nhưng vẫn khó tránh khỏi.
5. Luôn chịu sự quan sát của các mối quan hệ nghề nghiệp, dễ gây cảm giác mệt mỏi vì luôn phải xuất hiện trước xã hội với diện mạo “LS chuyên nghiệp”.
6. Khó khăn về nguồn khách hàng và nguồn công việc để duy trì hoạt động của tổ chức hành nghề.
7. Hài hòa giữa doanh thu của hoạt động nghề nghiệp và thực hiện chức năng xã hội của LS.
8. Bảo vệ sự độc lập, an toàn cá nhân của LS và đáp ứng yêu cầu thương mại của khách hàng/yêu cầu nghiệp vụ của tổ chức hành nghề.

Nghề luật sư vốn không có phương án chung áp dụng cho nhiều trường hợp/tình huống cụ thể. Phương pháp luận khi hành nghề luật sư là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “tình huống đi liền với giải pháp”, “từ yêu cầu – tìm giải pháp cho kết quả”, “biết kết quả – tìm luận chứng”… Một nguyên lý chung nhất về phương pháp luận của nghề luật sư là “không gì có thể đánh bại được sự thật”. Việc hóa giải/xử lý/giải quyết những tình huống để đối diện với mặt trái/thách thức nghề nghiệp luật sư cơ bản liên quan đến những tố chất nghề nghiệp phải có của người hành nghề, như khả năng ứng biến linh hoạt, quan sát, nhận diện, tư duy và giải quyết công việc/mối quan hệ/tình huống phát sinh trong từng vụ việc… Rèn luyện tư duy đỉnh cao/ tư duy pháp lý/óc quan sát/sự tỉ mỉ/sự bình tĩnh/bản lĩnh… là những yếu tố không thể thiếu của nghề và người hành nghề luật sư. Trên thực tiễn, mỗi luật sư là một “kho tàng” kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn. Những vốn quý này là tài sản và giá trị nghề nghiệp quý báu của nghề nghiệp luật sư để thông qua hoạt động đào tạo/bồi dưỡng/nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng cùng các kênh truyền thông khác, giới luật sư có thể truyền lại cho các thế hệ luật sư, dùng đó để duy trì, phát triển nghề luật sư tại Việt Nam, khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Trí tuệ nhân tạo có “thay thế” được Luật sư?

Trong những thập kỷ tiếp theo, nghề luật sư phải đối diện với thách thức phi truyền thống, mang tính toàn cầu, đó là sự thay đổi môi trường nghề nghiệp dưới tác động của sự phát triển khoa học công nghệ. Chẳng hạn, sự xuất hiện và phát triển của loại hình công ty Legaltech, được biết tới là các doanh nghiệp đưa công nghệ số vào lĩnh vực pháp luật. So với các dịch vụ pháp lý truyền thống trên thị trường thì những giải pháp của loại hình công ty này giúp cho khách hàng giảm bớt các chi phí tư vấn pháp lý và dịch vụ luật sư. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, Legaltech cung cấp ngày càng đa dạng các dịch vụ pháp lý, với chi phí thấp, thời gian cung cấp ý kiến tư vấn nhanh và thù lao luật sư sẽ hợp lý hơn cách sử dụng dịch vụ pháp lý luật sư truyền thống.

Tại thời điểm hiện nay, tuy chưa có đầy đủ số liệu, căn cứ để chứng minh cho tính hiện thực của việc trí tuệ nhân tạo thay thế được hoàn toàn vai trò của luật sư, nhưng sự tác động của “Trí tuệ nhân tạo” (AI – Artificial Intelligence) đến nghề luật sư là một hiện thực khách quan. Tác động này được thấy rõ ở một số góc độ, như do có sự tự động hoá, tin học hóa một số công việc buộc người hành nghề luật sư phải có kỹ năng tương tác với máy móc và công nghệ cao, phải tập trung vào làm giàu giá trị gia tăng và đặc thù của nghề nghiệp luật sư để máy móc không thể thay thế; phải có sự thay đổi cấu trúc của tổ chức hành nghề sao cho đáp ứng được yêu cầu xã hội và tận dụng tối đa ưu thế của khoa học công nghệ, tin học…; điều chỉnh lại chi phí của một số dịch vụ thông thường, vì các công ty Legaltech công khai chi phí trên internet. Tin học hoá, tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ hiện thực hóa xu hướng chuyên môn hóa nghề luật sư. Cụ thể, những vấn đề pháp lý thông thường mà khách hàng muốn cung cấp thì dịch vụ của tổ chức hành nghề có thể cho phép khách hàng có được câu trả lời cho các vấn đề pháp lý gần như ngay lập tức với một chi phí thấp hơn. Tương tự, việc tự động hoá, robot hóa các công việc lặp đi lặp lại sẽ giúp giảm nhân sự đảm nhiệm công việc hành chính ở các văn phòng tổ chức hành nghề để dành thời gian và nhân lực cho việc thu thập và phân tích tài liệu; tập trung thời gian, trí tuệ và công sức cho những công việc có giá trị gia tăng cao. Ứng dụng số hóa cũng giúp ích cho việc quản trị hồ sơ, tài liệu và nhiều công việc thuộc văn phòng của tổ chức hành nghề. Như vậy, tác động của AI tới nghề luật sư là hiện thực. Chỉ những lĩnh vực chuyên môn sâu mà máy móc, công nghệ không thể thay thế luật sư thì đó là lĩnh vực mà luật sư cần phải đầu tư để bảo toàn và nâng cao giá trị gia tăng của nghề nghiệp. Đây là xu hướng phát triển của nghề luật sư cần được nhận thức đầy đủ ở góc độ thách thức nghề nghiệp để có sự định hướng cần thiết cho thị trường dịch vụ pháp lý luật sư tại Việt Nam trong thời gian tới.

4.9/5 - (21469 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền