Chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tự học hiệu quả dành cho sinh viên

Chuyên mụcCafe Dân Luật phuong-phap-tu-hoc-hieu-qua

[Hocluat.vn] Từ kinh nghiệm của một người 5 kì học vừa qua đều đạt kết quả học tập trên 3.6 từ phương pháp tự học, sau đây, tôi xin trình bày bài tham luận về nội dung “Chia sẻ kinh nghiệm tự học của bản thân”.

 

Các nội dung liên quan được tìm kiếm:

 

Mark Twain- nhà văn, tiểu thuyết gia và là nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ đã từng viết: “Một số người có được nền giáo dục mà không cần đi học. Những người khác thì có được nó sau khi đã ra khỏi trường”. Tại sao tôi lại trích câu nói này? Tôi không hề có ý nghĩ phủ nhận hoàn toàn vai trò của trường học hay giáo dục, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, chính là vai trò của một phương pháp học đề cao phát triển năng lực cá nhân đó là tự học. Bản thân tôi đã và đang là một người áp dụng phương pháp này trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu của mình. Từ những kinh nghiệm của mình, tôi xin chia sẻ những vấn đề xung quanh việc tự học như sau:

Trước tiên, bắt đầu tự học bằng cách loại bỏ sự thụ động.

Đa số người dân Việt Nam và đặc biệt là thế hệ sinh viên ngày nay luôn giữ tâm thế thụ động đối với việc học. Sự thụ động ấy thể hiện qua việc xác định mục đích học, ví dụ như xác định mục đích học là để có một tấm bằng loại khá, dễ xin việc- đó là mục đích học của phần lớn sinh viên, từ mục đích đó sẽ dẫn tới việc chỉ tập trung vào việc thi đua thành tích, học một cách lý thuyết, không phát triển tư duy cá nhân. Nếu như xác định mục đích học là để thu nạp kiến thức, hỗ trợ công việc mà mình mong muốn trong tương lai, hay bạn yêu một ngành nghề nên mục đích học bạn đặt ra là để hiểu được những vấn đề liên quan đến ngành nghề đó thì sẽ tạo cho bạn có tâm lý học thoải mái, luôn sẵn sàng để nhận thêm kiến thức. Như bản thân tôi, tôi cảm thấy yêu ngành luật, vậy nên tôi luôn cảm thấy thích thú khi có thêm những kiến thức mới, từ đó việc học khô khan trở thành những trải nghiệm thú vị.

Sự thụ động ấy cũng thể hiện qua việc sinh viên phụ thuộc vào nhà trường. Sự giảng dạy từ nhà trường đóng vai trò lớn trong việc truyền đạt kiến thức, tuy nhiên kết quả lại phụ thuộc chủ yếu ở việc sinh viên tiếp nhận như thế nào. Đã bao giờ trước khi đến lớp, bạn thử tìm hiểu trước ở nhà xem nội dung mà mình sẽ học là gì chưa? Sau mỗi buổi học, bạn có từng xem lại bài giảng để ghi nhớ lại hôm nay mình đã học gì chưa? Có khi nào bạn cảm thấy không hiểu, thấy không đúng với gì mà mình tìm hiểu, thấy mình có những quan điểm trái ngược với những thứ giảng viên đang dạy mà bạn sẵn sàng giơ tay phản bác hay ở lại vào cuối giờ để nhờ giảng viên giải đáp chưa? Hay bạn đã từng cố gắng một mình hoàn thành bài tập về nhà, đề cương ôn tập thay vì đợi một người bạn nào đó làm xong thì chép theo, hoặc chờ đến lúc sát ngày thi rồi mới cuống cuồng ôn tập? Sự thụ động giống như một cái dây thừng buộc lấy chân của một người, nó chỉ khiến người đó dậm chân tại chỗ hay thậm chí là thụt lùi, nó cản trở sự thành công của một người không chỉ trong việc học mà cả trong cuộc sống.  Nếu như việc thành công của một sinh viên, vai trò của nhà trưởng chiếm 30% thì sự cố gắng, nỗ lực của sinh viên chiếm 65%, sự may mắn là điều không thể thiếu nhưng chỉ chiếm 5% mà thôi. Dù chất lượng giảng dạy có tốt nhưng khi luôn đặt mình ở vị trí thụ động, thì sinh viên cũng sẽ chẳng thể có một kết quả tốt được.

 

Xem thêm: 10 điều sinh viên luật nên đọc dù chỉ một lần

 

Hai là, xây dựng phương pháp tự học.

Phương pháp tự học của mỗi người là khác nhau, nó phụ thuộc vào điều kiện sống, lượng thời gian dành cho việc học, khả năng vốn có và nhiều điều khác nữa. Một khi bạn đã gạt bỏ đi sự thụ động thì lúc này bạn sẽ tự động xây dựng được một phương pháp tự học hiệu quả, phù hợp với bản thân.

Một ngày 24h, bao nhiêu phần trăm thời gian bạn dành cho việc học? Bao nhiêu phần trăm bạn dành cho giải trí? Tôi có thể khẳng định rằng thời gian giải trí sẽ chiếm tỉ lệ cao hơn so với thời gian học, thậm chí là cao hơn rất nhiều. Với sự phát triển của xã hội, con người tự cho phép bản thân có khoảng thời gian giải trí, điều này không có gì là sai, ấy thế nhưng nó phải nằm trong một khoảng thời gian hợp lý. Một sự thật đáng buồn rằng, tôi cũng giống như hầu hết mọi người ở đây, ở thời đại 4.0 này, đang dành quá niều thời gian cho Internet. Tôi phải thú nhận rằng Internet đã chiếm thời gian của tôi rất nhiều, bất kì khi nào rảnh rỗi. Vậy nhưng không thể phủ nhận những điều tuyệt vời mà Internet mang lại. Trang facebook của tôi có nhấn follow rất nhiều trang học tiếng anh, mỗi khi tôi lướt facebook, tôi có thể liên tục thấy các bài đăng về bài tập tiếng anh, và tôi dành một phần thời gian sử dụng MXH của mình để làm bài tập, nó nâng cao trình độ tiếng anh của tôi rất nhiều. Cũng nhờ có Internet mà mỗi khi giáo viên nhắc đến một văn bản pháp luật nào đó, tôi cũng có thể nhanh chóng tìm thấy trên web để đọc. Hay để tìm kiếm những thông tin, tài liệu để học tập nghiên cứu, thay vì mỏi mắt tìm trong thư viện thì chỉ cần vài thao tác, một kho tài liệu khổng lồ đã hiện ra cho bạn. Và cả lượng video trên trang web Youtube nữa, trong đó có hàng tá trang dạy học trực tuyến mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy. Vậy nên cách thức sử dụng sẽ quyết định giá trị mà Internet mang lại.

Tùy thuộc vào thời gian cho các công việc khác, nhưng ít nhất tôi dành 2 giờ mỗi ngày cho việc tự học. Hiện nay tôi đang phải học nhiều thứ như ôn tiếng anh B1, ôn thi chứng chỉ TOEIC, ôn thi kết thúc học phần, việc sắp xếp thời gian lại càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên tôi có một kinh nghiệm có thể chia sẻ đó là lập thời gian biểu, với các thứ tự ưu tiên như về thời gian (cái nào thi trước, thi sau), ưu tiên về mức độ quan trọng (cái nào cần thiết nhất phải làm lúc này). Tương ứng với mỗi việc sẽ phân chia cụ thể thời gian (ví dụ như từ 7h-8h ôn thi môn Thi hành án dân sự, từ 20h-22h ôn tiếng anh B1). Điều quan trọng là phải bám sát vào thời gian biểu đã đề ra, không thể vì lười nhác hay chán học môn nào đó mà thay đổi thời gian biểu. Tuy nhiên cũng không quá cứng nhắc, bất kì lúc nào có thời gian rảnh hay hoàn thành bài ôn trước kế hoạch, tôi đều có thể bổ sung vào thời gian của mình một việc mới. Hay vì việc nào đó ngoài dự định mà không thể đảm bảo đúng thời gian, tôi sẽ phải tăng năng suất học lên (giả sử như một việc được xếp thời gian trong 2 giờ, nhưng bị chậm trễ mất 1 giờ, tôi sẽ phải cố gắng hoàn thành trong 1 giờ còn lại).

Với đặc thù riêng của ngành luật là rất nhiều kiến thức lý thuyết, để đảm bảo vừa hiểu vừa nhớ được thì buộc phải có một phương pháp học tốt. Nhờ quyển sách “Tôi giỏi bạn cũng thế” nổi tiếng của Adam Khoo mà tôi đã tìm được cách học rất hiệu quả mà tôi đã áp dụng trong rất nhiều năm nay là sơ đồ tư duy. Khi học một khái niệm mới, một bài học với nhiều kiến thức trồng chéo, nếu bạn vẽ sơ đồ ra thì sẽ giúp bạn hình dung một cách rõ ràng và bao quát được toàn bộ nội dung thông qua việc chia tách các ý. Từ điều này dẫn tới ý kia, ý này nằm trong ý khác – sau khi vẽ được sơ đồ, bạn vừa dễ dàng hiểu bài, vừa dễ thuộc lòng kiến thức. Và những người có thành tích học tốt mà tôi biết hầu hết đều chia sẻ với tôi hiệu quả tuyệt vời của việc áp dụng cách học này.

Ngoài ra, quá trình học tập ở giảng đường cũng cần áp dụng các phương pháp tự học rất nhiều. Khi ghi bài, tôi thường không chép y nguyên những gì được chiếu trên slide hay những gì đã có trong sách. Tôi thường tập trung vào lời giảng của giáo viên, sau đó ghi chú lại những điểm quan trọng vào vở, những lý thuyết buộc phải ghi thì tôi sẽ lập sơ đồ tư duy một cách đơn giản nhất để chia tách ý, từ đó tôi có thể hiểu bài ngay khi đang ngồi trên lớp. Đại học cũng dạy cho tôi kĩ năng tốc kí, vì không ai kiểm tra vở sạch chữ đẹp của bạn nữa nên bạn có thể viết bằng bất kì cách nào, sử dụng ngôn từ như thế nào hay thậm chí hình ảnh minh họa để chép bài. Ngoài ra, những điều không hiểu, còn thắc mắc, tôi ghi lại vào mặt sau vở để cuối giờ hỏi giáo viên, vậy là toàn bộ những lý thuyết khô khan, khó hiểu bỗng được giải quyết nhanh chóng.

Hơn nữa, tôi cũng có những người bạn chăm học, họ có thể cùng tôi tranh luận suốt cả buổi về một câu hỏi phức tạp, chúng tôi hỗ trợ nhau để cùng phát triển, cùng nhìn ra cái đúng cái sai của vấn đề. Vậy nên tự học có thể là tự mình nhưng cũng có thể kết hợp với người khác để tăng hiệu quả.

Cuối cùng, hiệu quả của tự học nằm ở sự nỗ lực và kiên trì.

Tự học tức là học với chính mình, tự tìm ra cách học của mình mà không có sự quản lý, kiểm tra của ai cả. Người duy nhất biết được bạn học như thế nào là chính bạn. Vậy nên sự nỗ lực và triên trì là yếu tố quyết định rất lớn, bởi nếu khi nào chán nản, lười nhác người quyết định học tiếp hay không là chính bạn. Kiên trì sẽ giúp bạn bám sát được các kế hoạch đề ra, đảm bảo được tiến độ, chất lượng học. Nếu không có nó, mọi phương pháp học sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Quyển sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của Rosie Nguyễn đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng đối với việc tự học, cô khẳng định “Những người xuất sắc đều là những người tự học”. Vậy nên tôi mong rằng với bài tham luận này của mình, tôi có thể giúp cho những bạn sinh viên ở đây nhận ra được vai trò quan trọng của tự học và tìm thấy phương pháp tự học phù hợp cho mình.

 

Bài tham luận trong Diễn đàn sinh viên với việc tự học của Khoa luật – Đại học Vinh

 


Các tìm kiếm liên quan đến phương pháp tự học hiệu quả, phương pháp tự học hiệu quả cho sinh viên, phương pháp tự học của học sinh, phương pháp tự học ở nhà, phương pháp tự học là gì, phương pháp giúp học sinh tự học, phương pháp tự học của sinh viên, cách học hiệu quả ở thcs, chuyên đề hướng dẫn học sinh tự học

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền