Những cách để sinh viên luật có một việc làm sau khi ra trường?

Chuyên mụcCafe Dân Luật Sinh viên luật đi thực tập

Vào được đại học đã quá nỗi gian truân, ra được trường cũng vô cùng vất vả, ra trường xong rồi … khổ mới kinh hoàng, vì không xin được việc làm!

 

Các nội dung được tìm kiếm:

 

Theo đề nghị của một số bạn sinh viên trên Diễn đàn, hay là ta thử đi tìm những cách để xin được một việc làm cho người học luật xem sao.

Bạn đã học cái gì?

Tất nhiên là học luật. Mỗi người học một trường, rồi thì trong mỗi trường lại học một ngành, trong mỗi ngành lại học một lớp, trong mỗi lớp lại học một kiểu khác nhau. Anh thì điểm cao anh điểm thấp nhưng không phải khi nào cũng tương xứng điểm thấp học được ít, điểm cao học được nhiều, rồi thì anh học được ở thầy cô nhiều nhưng có anh vừa học thầy cô vừa học bạn bè vừa học bác thủ thư vừa học chị bán chè vừa học anh cò đất vừa học anh thẩm phán vừa học chú công an vừa học cụ luật sư

Đã bao giờ bạn vừa vùi đầu vào đống sách buổi sáng, buổi chiều đạp xe đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vờ hỏi chị ơi cho em hỏi muốn đăng ký sang tên sổ đỏ cho nhà em thì làm thế nào chưa? Rồi thì có khi nào bạn nhờ cô chú bác dì đang hành nghề liên quan đến luật pháp cho xin một hai giờ để hỏi những vấn đề thực tiễn về nghề nghiệp, xin tài liệu, hồ sơ thực tế nghiên cứu không? Hay là chỉ gọi điện cho những người thân này khi đã ra trường và cần việc làm? Bạn đã bao giờ vừa học vừa xin đi học việc không công ở các tổ chức hành nghề luật, doanh nghiệp chưa? (Lưu ý là phải đứng lên, đến tận nơi, xin được học việc một cách thành khẩn, không phải lên mạng rao ở đâu có cho em xin là người ta nhận đâu). …

Học gì thì học, cái bằng và đủ thứ thông tin trên nó chưa bao giờ chắc chắn chứng minh độ tư duy, niềm đam mê, sự phù hợp của một người sẽ hành nghề luật. Yêu cầu tối thiểu nhất chúng ta phải có là một nền tảng về khoa học pháp lý, một phông văn hóa đủ, một niềm đam mê nghề luật và các kỹ năng tối thiểu để hành nghề …

Bạn đã sẵn sàng làm được điều gì trong nghề luật?

Sinh viên ra trường thì muốn được xử thiên hạ như bác Thẩm phán, truy tố tội phạm như bác Kiểm sát viên, bảo vệ thân chủ như Luật sư, tư vấn pháp chế cho doanh nghiệp làm ăn, hay đi làm cán bộ

Nhưng đó chỉ là giấc mơ …

Mới ra trường có thánh đến mấy cũng chẳng ngay lập tức làm ông nọ bà kia được, để làm được Thẩm phán phải mất tầm năm năm trở lên làm bác thư ký (có trường hợp phải chín mười năm, cũng có khi không thành Thẩm phán bao giờ), muốn làm luật sư thì phải mất tệ nhất ba bốn năm đầu học hành thêm rồi tập sự học việc, chưa kể phải rèn luyện thực tế nhừ người ra mới mơ làm được một tay luật sư cho người ta tin tưởng.

Vậy bạn đã sẵn sàng viết cho chị muốn bỏ chồng cái đơn lý hôn, đã sẵn sàng chế một cái điều lệ công ty, điền được đúng vào thông tin một tờ khai hải quan hay tờ khai thuế, soạn được một tờ giấy đặt cọc cho cha mẹ mua nhà, đánh một cái công văn …

Hãy sẵn sàng làm những việc có vẻ như bình thường nhưng thực sự cần, trước khi nghĩ đến chuyện tuyên xử một bị cáo, bào chữa cho một tử tù, đàm phán một dự án đầu tư, mua một ốc đảo hay … thay đổi cả một nền tư pháp …

Bớt tự sướng lại, kiểu suốt ngày nhẩm các câu thần chú như: dân luật thì đã sao, tự hào chứ sao; dân luật không phải dạng vừa đâu … Trước mắt chúng ta có thể mà mênh mông muôn trùng khung cảnh cuộc đời không mấy khi dễ dàng bằng phẳng …

Các cụ vẫn thường bảo: muốn nhanh thì phải từ từ!

Đã biết đánh máy chưa?

Hỏi thế mà cũng hỏi, mấy đứa bốn năm tuổi đã xài đủ loại iphone, ipad tùm lum, gõ phím ầm ầm, bảo sinh viên ra trường rồi, cầm đủ loại chứng chỉ tin học mà chưa biết đánh máy, có mà bị điên!

Nhưng, đánh máy thế nào, soạn một cái công văn đã biết căn bên trái, chỉnh bên phải, lùi xuống, nâng lên cho thành một văn bản ngon lành? Rồi thì đã biết phân biệt đánh công văn thì giọng điệu, trật tự câu cú làm sao; làm quyết định thì ngôn ngữ thế nào, lập biên bản thì bắt đầu từ đâu …

Rồi nhấn lệnh in ra sao, in một mặt thế nào hai mặt phải làm sao, phô tô một tờ để lưu thì nhấn nút nào trên máy.

Toàn những chuyện dễ đến không thể nào dễ hơn mà rất nhiều người đi xin việc chưa bao giờ làm được, đúng không?

Nói được tiếng Anh không?

Chẳng phải “tiếng Anh” kiểu “Anh yêu em thương em ghét em, hay trả lại quà cho Anh!” đâu, mình vốn ngu tiếng Anh nên nhắn các bạn trẻ cứ phải học tiếng Anh cho nó đàng hoàng, có tư duy luật tốt, đam mê nghề luật say sưa, thiện nghệ các kỹ năng thực tiễn mà có thêm tiếng Anh hoành tráng thì thiếu việc thế quái nào được. Không làm thuê cho Nhà nước thì làm thuê cho tư nhân ta, không thèm làm thuê cho tư nhân ta thì làm thuê cho tây. Tất nhiên, đã mang tiếng học luật nên phải giỏi luật, am hiểu nghề, đam mê tinh thần pháp luật đã, chứ đừng chỉ giỏi tiếng Anh không, luật chẳng biết gì thì ma nó nhận vào làm, bởi có khối cậu học ngoại ngữ cũng thất nghiệp đầy ra đấy các bác ạ!

Và cũng tất nhiên, Anh thì phổ biến nhất nhưng nếu giỏi các tiếng em khác như tiếng Lào, tiếng Trung cộng, tiếng Thái, tiếng Nhật, Hàn, Pháp … gì cũng đều tốt cả.

Cần gì nữa?

Nào là làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp thuyết trình … hàng trăm thứ mà các bác nhân sự hay nói tới, cái này trong trường Việt mình hiện có dạy, chủ yếu là dạy kỹ năng nhưng bằng lý thuyết, các bác cứ ra trường, lao vào đời, hẳng đời dạy cho thêm …

Công việc ở đâu?

Mới ra trường thì người học luật đứng trước nhiều lựa chon: làm ở văn phòng luật sư làm công chứng làm ngân hàng làm doanh nghiệp đủ cả, nhưng cũng đủ cả hàng đống người … thất nghiệp!

Là bởi chúng ta đôi khi mới ra trường nhưng muốn được ký hợp đồng chính thức ngay, muốn trả lương cao ngồi máy lạnh liền, rồi thì xin việc theo kiểu tài tử ngồi máy tính lên facebook tung thông tin “ai có việc không cho em xin với”!

Có khối việc ra đấy cho các bác làm!

Hàng ngày hãy truy vào tận từng website của các doanh nghiệp, công ty, văn phòng luật, công chứng (đừng tin lắm mấy trăng web tuyển dụng, có khi tin tuyển đã đăng từ năm ngoái, phải kiểm tra) … để xem họ làm những gì, để biết mình cần chuẩn bị như thế nào, xem họ có tuyển người không, nơi làm việc họ ở đâu, văn hóa thói quen sở thích đặc điểm của họ ra sao … Biết người được thì điều chỉnh được chính mình sao cho phù hợp trước khi ứng tuyển.

Chuẩn bị hồ sơ và nộp như thế nào?

Xác định xong mục tiêu thì phải lên kế hoạch đánh chiếm nó, mỗi một nơi tuyển dụng phải có một hồ sơ ửng tuyển phù hợp khác nhau, đừng kiểu phô tô một mớ giấy tờ như nhau, đơn xin việt viết giọng điệu như nhau rồi đi rải khắp nơi, dễ toàn bị vứt vào sọt rác.

CV (curriculum vitae) cần được xem là một hồ sơ giới thiệu bản thân sao cho ấn tượng, mẫu các loại CV đủ các kiểu đầy trên mạng có thể tải về nhưng đừng bắt chước hoàn toàn người khác, nếu không thể sáng tạo để người ta đọc vào, nhìn thấy linh hồn mình trong mẫu khô cứng thì chẳng mấy khi làm ai ấn tượng.

Trước khi phỏng vấn thì phải chuẩn bị ôn luyện các vấn đề về kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc mình ứng tuyển, “chém gió” một cách tự tin vào, nhưng phải chuẩn bị cho mình một nền tảng vững vàng, nếu không bị người hỏi “chém” lại cho lại ú a ú ớ, cái nào mạnh thì đôn lên, thậm chí xin được làm thử luôn cho nhà tuyển dụng thưởng lãm, cái nào còn lơ ngơ thì cũng phải thật thà thành thật em chưa biết mong nhà tuyển dụng chỉ bảo. Đi xin việc thì phong thái tự tin, hành động hoạt bát, thái độ say mê quyết tâm.

Hành trang lên đường

Sắm lấy con xe máy, vay mượn (ra trường rồi bắt đầu tự vay tự trả) thêm chục triệu đi Bắc Trung Nam tìm cơ hội, gõ cửa từng công ty, gặp từng trưởng văn phòng, thể hiện tố chất với từng chủ doanh nghiệp, nếu họ chưa cần thì lì mặt xin học việc, nếu họ không có chỗ ngồi thì tự bê ghế đến, xông đến tận nơi mới ăn thua chứ cứ ngồi rao trên mạng thì việc đâu mà làm, thầy đâu mà học, nghề đâu mà giỏi.

Vừa đi tìm việc, vừa chờ đợi phỏng vấn thì vừa kiếm việc gì đó để sinh nhai, chứ cứ cứng nhắc phải là phải làm luật này lệ nọ ngay thì “việc đi xa em lắm” … Nhiều khi phải lấy ngắn nuôi mơ dài, lấy hiện tại gieo mầm cho tương lai.

Ngồi miết ở quê mụn sẽ mọc nhiều ra, suốt ngày bạn bè mời đi ăn cưới, đến toàn hỏi dạo này làm ở đâu mặc dù nó biết thừa mình chưa có việc bao giờ, rồi thì việc chưa có, chồng chưa lấy, vợ chưa ưng.

Lên đường để kiếm một việc làm, để lăn xả vào học nghề nhằm có kinh nghiệm, chuẩn bị cơ hội có được một việc làm tốt trong tương lai, hay ngồi nhà ôm smartphone đợi việc, dó là quyền và là sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

Lưu ý: Những chia sẻ mạo muội trên đây không dành cho các bạn đang xin cha mẹ vài trăm triệu ngồi chờ ngày về hưu của một số người và cầu mong cho cơ quan nọ cơ quan kia xin được thêm biên chế …

 

P/s: Viết xong định post lên thì chợt nhớ chuyện này: Hôm rồi ngồi với ông anh, bảo: Tao học ra cái bằng khá, chẳng kinh nghiệm gì sất nên đi tìm việc chẳng ma nào nhận làm, vào mấy cơ quan thì được “cò” bảo mất hai trăm chai việc “ấy” mới xong.

Điên tiết tao về vay mượn anh em bạn bè cô bác chú được đúng hai trăm chai bảo để xin việc làm.

Ai cũng tin tưởng cho vay, cầm được tiền tao lập luôn công ty buôn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc giệt chuột, giệt gián vừa làm giám đốc, vừa tạo việc làm cho ba bốn đứa. Cả họ tao khi đó chửi tao không ra gì vì học hành đàng hoàng ra đi bán phân.

Nay công ty tao nở nang phốp pháp ra, kinh doanh đa chủng loại, con cái mấy cụ trong họ học hành bằng cấp như bươm bướm, lại kéo đến công ty tao xin việc làm. Các cụ toàn mời tao về kị giỗ liên miên. Đời chẳng biết thế đếch đâu mà lần, mày ạ!

 

Bài viết của Luật sư Lê Cao được chia sẻ trên Diễn đàn những người hành nghề luật ngày 13 tháng 8 năm 2015

 


Các tìm kiếm liên quan đến sinh viên luật mới ra trường nên làm gì, sinh viên mới ra trường đi làm, sinh viên mới ra trường nên làm gì, có nên học luật hình sự, những khó khăn khi học ngành luật, sinh viên luật cần làm gì, cử nhân luật ra trường làm gì, học luật ra làm gì, sau khi ra trường bạn sẽ làm gì

5/5 - (534 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền