Những chủ thể nào tham gia xây dựng, sửa đổi hiến pháp?

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Thảo luận pháp luật Hội nghị lập hiến
Tranh: Hội nghị lập hiến (còn được gọi là Hội nghị Philadelphia), diễn ra từ ngày 25/5 đến 17/9/1787 tại Philadelphia, Pennsylvania, đã dẫn đến sự ra đời của Hiến pháp Hoa Kỳ. Bức tranh này, của Howard Chandler Christy, mô tả cảnh các đại biểu dự Hội nghị ký thông qua hiến pháp.

Những chủ thể nào tham gia xây dựng, sửa đổi hiến pháp?

 

Các nội dung liên quan:

 

Chủ thể ban hành hiến pháp và sửa đổi hiến pháp là nhân dân, nhưng nhân dân có tính chất đa dạng nên rất khó trực tiếp soạn thảo, sửa đổi và thông qua hiến pháp. Do đó, việc xây dựng, sửa đổi hiến pháp thường được tiến hành thông qua những hình thức như Quốc hội lập hiến, Ủy ban Hiến pháp, Hội nghị quốc gia, các cuộc tranh luận bàn tròn, tham vấn nhân dân, trưng cầu ý dân…, trong đó có sự tham gia của nhiều chủ thể, bao gồm các cơ quan nhà nước, các đảng phái, tổ chức xã hội và người dân. Tuy nhiên, mọi hình thức đã nêu đều phải có sự ủy quyền của nhân dân.

Quốc hội lập hiến là cơ quan đại diện cho nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra (hoặc được đề cử) chỉ có chức năng lập hiến. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Quốc hội lập hiến sẽ tự giải tản. Một số quốc gia lựa chọn phương thức này để đảm bảo quyền lập hiến thuộc về nhân dân và phân biệt giữa quyền lập hiến và quyền lập pháp.

Khác với việc thành lập Quốc hội lập hiến, nhiều nước trao cho Quốc hội lập pháp quyền quyết định việc sửa đổi hiến pháp. Để phân biệt với quyền lập pháp, hiến pháp thường quy định các quy tắc đặc thù trong quá trình xây dựng, sửa đổi hiến pháp.

Uỷ ban Hiến pháp là các cơ quan trực tiếp tiến hành công việc đánh giá các vấn đề hiến pháp hiện hành (hoặc trước đó) và soạn thảo một hiến pháp mới. Việc lập một Uỷ ban sửa đổi hiến pháp thuộc Quốc hội cũng được nhiều nước lựa chọn. Để đảm bảo tính dân chủ của hiến pháp, nhiều nước mở rộng tính đa dạng trong thành phần của Uỷ ban Hiến pháp. Ví dụ như ở Thái Lan năm 1995, Uỷ ban sửa đổi hiến pháp được thành lập để soạn thảo một bản hiến pháp mới. Uỷ ban gồm 89 thành viên, trong đó 66 thành viên được chọn từ các tỉnh, mỗi tỉnh một đại diện. Số còn lại là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính trị và hành chính công, được đề cử bởi các trường đại học và được thông qua bởi Nghị viện17.

Hội nghị quốc gia được thành lập để sửa đổi hiến pháp khi muốn bảo đảm sự tham gia nhiều hơn của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Các hội nghị này thường có số lượng thành viên rất lớn, đại diện cho các đảng phái, cơ quan nhà nước, các nhóm lợi ích, các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ. Số lượng có thể từ vài trăm đến vài nghìn người. Các hội nghị này có thể thành lập các uỷ ban, hội đồng để trực tiếp đánh giá các vấn đề chuyên môn để trình và tư vấn cho hội nghị.

Nhiều nước coi trọng việc tổ chức các cuộc tranh luận bàn tròn giữa các chủ thể chủ chốt như các đảng phái, các cơ quan nhà nước trung ương, các nhà hoạt động xã hội và các nhà cải cách. Các cuộc thảo luận và đóng góp ý kiến ở các địa phương, với sự điều hành của các uỷ ban tham gia sửa đổi hiến pháp và sự tham gia của nhân dân cũng là nhân tố quan trọng cho việc đánh giá hiến pháp. Ở Thái Lan, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1997, rất nhiều cuộc tranh luận về cải cách hiến pháp đã được thực hiện bởi nhiều các nhóm xã hội khác nhau, trong đó có các nhà nghiên cứu, các nhà luật học và các chính trị gia. Nhờ vào những tranh luận này, rất nhiều vấn đề về văn hoá chính trị Thái Lan đã được tổng kết, ví dụ như: “ thiếu vắng sự minh bạch”, “tham nhũng”, “sự bất ổn của các chính phủ dân sự” và “sự thiếu hiệu quả của các thể chế chính trị”18.

Ngoài ra, tham vấn nhân dân và trưng cầu ý dân là những hình thức đặc thù đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, sửa đổi hiến pháp.


17 Borwornsak Uwanno,Wayne D. Burns, “The Thai Constitution of 1997 sources and process”, Thanland Law Forum, h￿ p:// www.thailawforum.com/articles/constburns1.html.

18 Peter Leyland, “Constitution Design and the Quest for Good Gouvernance in Thailand”, in Tania Groppi, Valeria Piergigli, Angelo Rinella, Asia constitutionnalism in transition. A comparative perspective, Giuff rè, Milano, 2008, tr. 71. | 53

5/5 - (1945 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền