Bảo hiến là gì? Các mô hình bảo hiến phổ biến trên thế giới?

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Thảo luận pháp luật hien-phap

Lý thuyết về bảo hiến thường chia các mô hình bảo hiến bằng cơ quan tư pháp thành hai mô hình cơ bản là: mô hình bảo hiến phi tập trung hoá với đại diện tiêu biểu là Mỹ; và mô hình bảo hiến tập trung hoá với đại diện tiêu biểu là Đức.

 

Những nội dung liên quan:

 

1. Bảo hiến là gì?

Bảo hiến (hay còn được gọi là bảo vệ hiến pháp, kiểm hiến, giám sát tư pháp hoặc tài phán hiến pháp – constitutional review/judicial review), theo định nghĩa của một số từ điển pháp luật phổ biến, là thẩm quyền của các tòa án của một quốc gia được xem xét và đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật hoặc quyết định của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

>>> Xem thêm: Vì sao phải bảo vệ Hiến pháp? Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam hiện nay?

Sở dĩ bảo hiến thường được gọi là tài phán hiến pháp (giám sát tư pháp/judicial review) vì từ trước đến nay nó gắn liền với chức năng của tòa án trong việc xem xét tính pháp lý trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, có cách hiểu bảo hiến rộng hơn, trong đó chủ thể đóng vai trò này không chỉ là toà án mà còn bao gồm nghị viện và hội đồng hiến pháp.

2. Các mô hình bảo hiến phổ biến trên thế giới?

Lý thuyết về bảo hiến thường chia các mô hình bảo hiến trên thế giới bằng cơ quan tư pháp thành hai mô hình cơ bản là: mô hình bảo hiến phi tập trung hoá với đại diện tiêu biểu là Mỹ (Hoa Kỳ); và mô hình bảo hiến tập trung hoá với đại diện tiêu biểu là Đức.

a) Mô hình phi tập trung hoá

Mô hình bảo hiến của Mỹ là điển hình cho mô hình này. Kiểm tra tư pháp ở Mỹ đặc biệt được xem như chức năng tự nhiên của cơ quan tư pháp. Ở Mỹ, mặc dù sự kiểm tra tư pháp là một công cụ quyền lực mạnh nhất của toà án liên bang, nhưng điều này không được quy định trong Hiến pháp. Toà án tối cao liên bang Mỹ đã tự nhận cho mình  vai trò kiểm tra tư pháp với một lối suy luận pháp lý xuất hiện lần đầu tiên trong vụ Marbury v. Madison.

Trong bản án của vụ án này, Toà án tối cao liên bang đã đưa ra một nguyên tắc rõ ràng về kiểm tra tư pháp: “Trong một vụ tranh chấp mà Toà án phải xem xét, nếu một bên đương sự đưa ra sự bất hợp hiến của đạo luật mà người ta muốn đem thi hành đối với y, thì Toà án phải kiểm tra xem sự bất hợp hiến đó thật hay không, và nếu có thật, Toà án phải từ chối áp dụng đạo luật bất hợp hiến.

Hệ thống kiểm tra tư pháp của Mỹ được thiết lập ở tất cả các toà án. Không có một toà án đặc biệt hay loại toà án nào có độc quyền tư pháp để kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật – cả toà án liên bang lẫn toà án tiểu bang đều có quyền kiểm tra tính hợp hiến của luật. Do đó, người ta gọi đây là mô hình bảo hiến phi tập trung hoá.

Bởi vì kiểm tra tư pháp là một hoạt động bình thường của toà án nên một sự nghi ngờ  về tính hợp hiến chỉ được đặt ra khi có khiếu kiện. Vì vậy, toà án Mỹ chỉ kiểm tra tính hợp hiến của một đạo luật khi có một vụ án hay một vụ tranh chấp cụ thể. Không có sự  kiểm tra trừu tượng trong hệ thống pháp luật Mỹ bởi vì kiểm tra tư pháp chỉ có thể diễn ra một cách hợp thức trong một vụ án trước một toà án thường. Như là một hệ quả thực chất của cách thức kiểm tra cụ thể này, hiệu lực của những phán quyết tác động đến những đạo luật được giới hạn trong những vụ án cụ thể. Vì vậy, kết luận về tính hợp hiến của một đạo luật hạn chế hiệu lực và được giới hạn từ các bên tham gia vụ án.

Trong lĩnh vực bảo hiến của mô hình phi tập trung hoá, mặc dù quyền tài phán hiến pháp thuộc về tất cả các toà án nhưng người ta thường hay nhắc đến vai trò của toà án tối cao vì lẽ : trong một vụ án, hai bên bao giờ cũng đem vụ tranh tụng ra trước cơ quan tư pháp cao nhất, sử dụng tất cả mọi thủ tục chống án hay phá án, thành ra hậu quả
cuối cùng chỉ có thể thu nhận được sau khi vị thẩm phán cao nhất trong hệ thống tư pháp ra phán quyết.

Toà án chỉ có quyền tuyên bố đạo luật bất hợp hiến sẽ không được áp dụng trong vụ án đó chứ không có quyền huỷ bỏ đạo luật đó. Hiến pháp không trao cho toà án quyền huỷ bỏ một đạo luật của ngành lập pháp. Về điều này Haminton viết: “Chúng ta không có quyền nói như một số người rằng nếu các vị chánh án có quyền tuyên bố một đạo luật trái với tinh thần Hiến pháp là một đạo luật vô hiệu lực, các vị chánh án sẽ có quyền quyết định theo ý nghĩ riêng của mình thay thế quyết định do viện lập pháp ban hành bằng một quyế định dựa trên ý kiến riêng của họ. Dù có hai đạo luật trái ngược nhau, các vị chánh án vẫn chỉ có quyền chọn một trong hai đạo luật, như vậy tức là họ chỉ có quyền sử dụng trí phán đoán của họ chứ không phải ý chí riêng của họ.

Như vậy, về nguyên tắc, hiệu lực phán quyết của Toà án trong các vấn đề hiến pháp chỉ giới hạn trong các vụ án cụ thể và cũng chỉ dừng ở việc tuyên bố không áp dụng một đạo luật bất hợp hiến trong trường hợp cụ thể đó. Tuy nhiên, có một nguyên tắc bổ  sung cho sự thiếu hụt hiện lực toàn vẹn của các phán quyết hiến pháp là nguyên tắc xác định rằng giải thích hiến pháp của Toà án tối cao liên quan đến tất cả các toà án cấp dưới.

Các toà án cấp dưới chịu sự ràng buộc bởi phán quyết của toà án tối cao trong các vụ việc hiến pháp. Sau khi phán quyết của toà án tối cáo về sự bất hợp hiến của một đạo luật được ban hành trong một vụ việc cụ thể, bất cứ một vụ kiện nào khác có liên quan đến đạo luật tương tự sẽ có một phán quyết tương tự.

Mặc dù về nguyên tắc, Toà án không có quyên huỷ bỏ một đạo luật bất hợp hiến, đạo luật đó vẫn tồn tại, nhưng sự toà án từ chối áp dụng một đạo luật bất hờp hiến trong một trường hợp cụ thể trên thực tế đã làm vô hiệu hoá đạo luật đó. Với một truyền thống tôn trọng án lệ, trong những trường hợp tương tự, nếu đương sự nại ra đạo luật đã bị toà án tuyên bố bất hợp hiến thì toà án thụ lí sẽ từ chối áp dụng.

b) Mô hình tập trung hoá

Mô hình bảo hiến của Đức là điển hình cho mô hình này. Ngược lại, kiểm tra tư  pháp ở các nước Châu Âu được thực thi bởi một toà án đặc biệt độc lập với hệ thống tư  pháp thường và giữ độc quyền tái phán về các vấn đề hiến pháp. Khác với hệ thống Mỹ, ở Châu Âu, có phổ biến những loại hình khiếu kiện khác nhau như hành chính, dân sự, thương mại, xã hội, hoặc hình sự được giải quyết bởi những toà án thường khác nhau. Khiếu kiện hiến pháp được phân biệt với các loại khiếu kiện khác và được giải quyết theo cách riêng. Kết quả là kiểm tra tư pháp ở Châu Âu được thực hiện bởi một toà án đặc biệt theo những quy trình đặc biệt không theo những yêu cầu của sự khiến kiện thông thường.

Ngược lại với mô hình Marbury v. Madison khi Toà án tối cao được tuyên bố cơ quan tư pháp có trách nhiệm và nghĩa vụ phải nói luật là gì, và có tính hợp hiến hay không, toà án thường ở Châu Âu lục không có quyền xét xử tính chất vi hiến của một đạo luật. Do sự kiểm tra tư pháp ở Châu Âu là nằm trong phạm vi liên quan đến quan điểm về
chủ quyền nghị viện và sự nghi ngờ việc cho phép thẩm phán có quyền vô hiệu hoá những đạo luật được thông qua một cách hợp pháp, các thẩm phán chuyên nghiệp ở những nước theo hệ thống dân luật không thể huỷ bỏ một đạo luật trong một vụ án cụ thể: chỉ có Toà án Hiến pháp mới có quyền đó.

Ví dụ, ở Italia, các toà án dân sự, hành chính, và thương mại thường không xem xét những vấn đề hiến pháp mà là toà án hiến pháp. ở Đức, toà án thường cũng không kiểm tra lập pháp. Toà án hiến pháp liên bang Đức có quyền tư pháp xem xét lại những hành vi của lập pháp và chỉ có quyền huỷ bỏ những đạo luật của chính phủ liên bang hoặc tiểu bang hoặc 1/3 Hạ nghị viện thông qua. Hơn nữa, một người cho rằng quyển cơ bản của mình bị xâm phạm có thể nại ra khiến kiện hiến pháp trước một đoàn gồm ba thẩm phán để quyết định xem vấn đề hiến pháp có thể được giải quyết bởi toà án hiến pháp hay không. ở Pháp không có sự kiểm tra lại những đạo luật đã được thông qua. Hội đồng bảo hiến pháp có thể kiểm tra tính hợp hiến của một dự luật trước khi chúng trở thành luật. Như vậy, toà án thường ở Châu Âu không có quyền tư pháp để xem xét lại những đạo luật. Mô hình này được gọi là mô hình tập trung hoá, nơi mà toà án hiến pháp có độc quyền kiểm tra tư pháp.

Hơn nữa, những toà án có uy quyền lớn này có thể đưa ra những chỉ dẫn đặc biệt và trực tiếp về việc một đạo luật bất hợp hiến phải được soạn thảo lại như thế nào để theo trình tự hợp hiến. Đôi khi quan điểm đó thực sự cung cấp những tiếng nói về những đạo luật mà các thẩm phán đã chỉ ra tính hợp hiến của nó. Phán quyết nổi tiếng của Toà án hiến pháp Đức về vụ án phá thai vào những năm 1970, bên cạnh việc tuyên bố chống lại một đạo luật cho phép tự do phá thai ở Tây Đức, đã yêu cầu nghị viện thông qua một đạo luật quy định phá thai là tội phạm.

Một điểu quan trọng khác của cách thức kiểm tra của Châu Âu là sự phù hợp của các đạo luật với hiến pháp được xác định một cách trừu tượng. Khác với cách thức kiểm tra của Mỹ nơi mà tính hợp hiến của đạo luật được xem xét trong phạm vi có khiến kiện, sự kiểm tra tư pháp ở nhiều nước theo hệ thống luật dân sự của Châu Âu được thực hiện không nhất thiết phải có sự tồn tại của những tranh chấp pháp lý. Tính hợp hiến của một đạo luật được xác định bằng cách đối chiếu những hành vi lập pháp đáng nghi ngờ với những điều khoản của hiến pháp. Trong sự nghị ngờ này, sự tranh luận không phải là về những sự kiện đang diễn ra. Hơn nữa, vấn đề hiến pháp không phải chỉ là một bộ phận của vụ án mà chính là bản thân vụ án. Thông thường, tính chấp bất hợp pháp của hành vi lập pháp được xem xét một cách chung chứ không phải nói về những hoàn cảnh cụ thể của một vụ án cụ thể.

Hơn nữa, phán quyết của Toà án hiến pháp có hiệu lực toàn bộ. Sự kiểm tra trừu tượng đối với lập pháp là quyền huỷ bỏ đạo luật- hoặc những điều khoản có sự nghị ngờ và nó liên quan đến tất cả các ngành của chính quyền. Khác với sự kiểm tra tư pháp ở Mỹ, nơi mà phán quyết cuả toà án tối cao bị hạn chế hiệu lực, theo cách thức của Châu Âu, một phán quyết hiến pháp sẽ loại bỏ một đạo luật ra khỏi hệ thống pháp luật. Đó chính là lý do tại sao Hans Kelsen gọi toà án hiến pháp là người phủ quyết lập pháp.

Như vậy, trong hệ thống bảo hiến tập trung hoá, khi hành xử quyền tài phán hiến pháp, nguyên tắc chung là Toà án hiến pháp có quyền tuyên bố huỷ bỏ điều khoản bất hợp hiến của một đạo luật, hoặc văn bản quy phạm pháp luật bất hợp hiến. Qua đây có thể thấy một tính chất đặc biệt của phán quyết của Toà án hiến pháp là nó có giá trị như một đạo luật.

Wolfgang Horn nhận xét rằng: “Các phán quyết của Toà án hiến pháp có ý nghĩa ràng buộc đối với tất cả các ngành của quyền lực nhà nước, tức là các cơ quan hiến định của liên bang và của bang, các toà án và các cơ quan chính phủ. Trong một số trường hợp nhất định các phán quyết này còn có vị thế như các luật phải thi hành.” Phán quyết của toà án có vị thế như các luật vì nó có thể huỷ bỏ các luật. Do đó, phán quyết của Toà án hiến pháp không giống như các phán quyết của toà án thường. Nó không đơn thuần chỉ mang tính tố tụng mà còn mang tính chính trị. Phán quyết của Toà án hiến pháp là một yếu tố ảnh hưởng đến sự điều hành quyền lực tối cao của một quốc gia. Cũng khác với phán quyết của toà án thường, phán quyết của toà án hiến pháp là không thể bị khánh cáo, khánh nghị. Không có cơ chế phúc thẩm trong quy trình tố tụng hiến pháp tập trung hoá.


Các tìm kiếm liên quan đến các mô hình bảo hiến trên thế giới, mô hình bảo hiến ở pháp, mô hình bảo hiến ở việt nam, cơ chế bảo hiến ở pháp, so sánh các mô hình bảo hiến trên thế giới, các mô hình bảo hiến tiêu biểu trên thế giới, trình bày các mô hình bảo hiến tiêu biểu trên thế giới, so sánh cơ chế bảo hiến của pháp và mỹ, Mô hình cơ quan bảo hiến của Đức, Mô hình bảo hiến ở Việt Nam hiện nay là, So sánh mô hình cơ quan bảo hiến của Đức và của Mỹ, Tiểu luận về cơ chế bảo hiến, Cơ chế bảo hiến ở Hoa Kỳ, Ưu điểm của mô hình bảo hiến ở Việt Nam

Bảo hiến là gì?

Bảo hiến (hay còn được gọi là bảo vệ hiến pháp, kiểm hiến, giám sát tư pháp hoặc tài phán hiến pháp – constitutional review/judicial review), theo định nghĩa của một số từ điển pháp luật phổ biến, là thẩm quyền của các tòa án của một quốc gia được xem xét và đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật hoặc quyết định của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Các mô hình bảo hiến phổ biến trên thế giới?

Lý thuyết về bảo hiến thường chia các mô hình bảo hiến bằng cơ quan tư pháp thành hai mô hình cơ bản là: mô hình bảo hiến phi tập trung hoá với đại diện tiêu biểu là Mỹ; và mô hình bảo hiến tập trung hoá với đại diện tiêu biểu là Đức.

2.7/5 - (3 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền