Nguồn gốc của tên gọi Hiến pháp

Chữ hiến và diễn giải bằng hình ảnh
(Ảnh minh họa: Chữ hiến và diễn giải bằng hình ảnh).

Nguồn gốc Phương Tây của thuật ngữ Hiến pháp

Hiến pháp là thuật ngữ được dịch từ chữ “Constitution”, dùng để chỉ luật cơ bản, có giá trị tối cao của một nhà nước pháp quyền.

 

Xem thêm:

 

Constitution là từ gốc tiếng Pháp, có gốc latin là “constituo “. Từ này lại được cấu thành từ tiền tố “cum” nghĩa là cùng nhau, và “statuere” có nghĩa là thiết lập. Như vậy, về mặt con chữ, constitution là “cùng nhau thiết lập”.
Ban đầu “constituo” dùng để chỉ các quy định, mệnh lệnh tối cao do Hoàng để (thời kỳ La Mã) ban hành có tính hiến định như pháp lệnh, sắc lệnh, mệnh lệnh,… Sau này đến thời kỳ Trung cổ, khi Giáo luật (canon law – luật của nhà thờ) trở thành một trong những nguồn luật chính ở châu Âu lúc bấy giờ, thì từ Constitution còn được dùng để chỉ một quyết định quan trọng, đặc biệt là một sắc lệnh do Giáo hoàng ban hành, mà ngày nay được biết đến với tên gọi Tông Hiến (apostolic constitution).

Phải đến khoảng thế kỷ XVIII-XIX với trào lưu triết học Ánh sáng cùng những lý thuyết mới có tính cách mạng về Chính quyền, Quốc gia của các tác gia Sieyès, Rousseau, Montesquieu,…thì theo đó, nội hàm của thuật ngữ Constitution mới dần được hoàn thiện và có ý nghĩa hiện đại như ngày nay vẫn được sử dụng.
Một cách khái quát, khái niệm Constitution dùng để chỉ tổng hợp các quy định pháp luật cấu thành nên Nhà nước và các thiết chế, được áp dụng cho mọi công dân, đối tượng của nhà nước đó.

Thuật ngữ Hiến pháp diễn dịch theo quan điểm Á đông

Khi đến Việt Nam, từ constitution được dịch thành Hiến pháp. Hiến pháp (憲法)là một từ Hán Việt. Chữ pháp (法) mang nghĩa là pháp luật, còn chữ hiến (憲)mang nghĩa là mệnh lệnh hoặc tiêu chuẩn, mẫu mực. Có thể chiết tự để hiểu hơn về chữ hiến như sau:

Chữ hiến được hình thành bởi bộ miên (宀) tức mái nhà, bộ chủ (主) tức người nắm quyền, bộ mục (目) tức con mắt và bộ tâm (心) tức trái tim. Bộ mục và bộ tâm được đặt ở dưới, tượng trưng cho cái tâm và tầm nhìn xa trông rộng của người nắm quyền lực trong tay, lấy cái tâm và tầm làm nền tảng để từ đó xây dựng nên một thiết chế vững chắc (miên).

Như vậy, chúng ta có thể hiểu, Hiến Pháp chính là văn bản chứa đựng Tâm và Tầm của tầng lớp lãnh đạo nhằm xây dựng một xã hội hạnh phúc và văn minh trên cơ sở vững chắc của pháp luật. Tư duy này mang đậm màu sắc Á đông, coi trọng vai trò của người lãnh đạo và đức trị trong quản trị nhà nước. Tuy nhiên Hiến pháp – bản thân từ này cũng đã phản ánh đúng hoàn cảnh ra đời và vai trò của nó trong nhà nước pháp quyền Á đông hiện nay.

Nguồn tham khảo:

  • Constitution, Wikipedia tiếng anh, https://en.wikipedia.org/wiki/Constitution
  • Constitution, Wikipedia tiếng pháp, https://fr.wikipedia.org/wiki/Constitution

Nguồn: Hoàng Thảo Anh, Lê Thị Khánh Linh, Nguồn gốc của tên gọi “Hiến pháp”, Luật văn diễn dịch.
URL: 
https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/06/10/nguon-goc-cua-ten-goi-hien-phap/

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.