Phúc thẩm – tái thẩm và hoạt động xét lại bản án

Chuyên mụcThảo luận pháp luật hoat-dong-xet-lai-ban-an

Trong tiến trình tố tụng, phúc thẩm, tái thẩm và giám đốc thẩm đều là những hoạt động XÉT LẠI BẢN ÁN của Tòa án nhưng mỗi hoạt động lại mang một bản chất khác nhau.

 

Xem thêm:

 

Hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu về khái niệm của các hoạt động này ở nhiều tài liệu, giáo trình hoặc internet. Tuy nhiên, tiếp cận dưới góc độ chữ nghĩa, thì tại sao mỗi hoạt động lại có tên gọi như vậy? Tên gọi đó có phản ánh tính chất của việc xét lại bản án? Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích “cặp đôi” tái thẩm và phúc thẩm để bạn đọc có thể hiểu hơn về ý nghĩa, bản chất của hai hoạt động này.

PHÚC THẨM và TÁI THẨM đều là một giai đoạn của quy trình tố tụng, có chung thành tố THẨM (審), từ này có nghĩa là (1) xét hỏi kỹ (thẩm vấn), (2) xem xét kỹ lưỡng, (3) tường tận, chu đáo, kỹ lưỡng (thận trọng). Với hàm nghĩa này, “Thẩm” gắn liền với công tác điều tra, xét xử vốn cần sự cẩn trọng, kỹ lưỡng khi phân tích vụ án và trong từng quyết định.

Còn chữ PHÚC (覆) và chữ TÁI (再) đều có nghĩa là lặp lại, lần nữa. Như vậy nếu chỉ dịch đơn giản thì cả 2 từ “phúc thẩm” và “tái thẩm” đều có nghĩa là “xét xử lại”, tuy nhiên so sánh bản chất của hai từ “phúc” và “tái” trong ngữ cảnh sử dụng thì lại có nhiều điểm khác nhau.

Chúng ta thường bắt gặp chữ tái trong các từ ghép như “tái sinh, tái hiện, tái phạm, tái giá…” và chữ phúc trong các từ như “phúc khảo, phúc tra, phúc đáp…”. Có thể thấy, chữ TÁI là sự lặp lại hoàn toàn một quá trình đã diễn ra trước đó nhưng là do tự thân chủ thể hành động thực hiện mà không cần phải có sự tác động từ bên ngoài. Việc lặp lại này có tính tần suất và đồng nhất về bản chất. Chính vì thế, trong tiếng Anh, “tái thẩm” là RETRIAL, với tiền tố RE chỉ sự lặp lại đơn thuần, ghép với từ Trial là xét xử, tức “lặp lại quy trình xét xử”. Phiên tòa tái thẩm là “court of review”, nghĩa là phiên tòa xem xét lại bản án.

Chữ PHÚC cũng là sự lặp lại, nhưng sự lặp lại này là do có tác động từ bên ngoài đến chủ thể thực hiện hành động nhằm hoàn thiện, khắc phục những sai sót có thể xảy ra trong lần đầu thực hiện. Các ngữ cảnh sử dụng từ “phúc” cho thấy một sự quy hồi có tính phản ngược, vì thế ta có thể bắt gặp từ “phản phúc” với nghĩa gốc chỉ sự khuynh đảo, động loạn hoặc tuần hoàn, liên hoàn. Trong ngữ cảnh tố tụng, phúc thẩm diễn ra khi có sự phản hồi từ phía đương sự hoặc Viện kiểm sát, với mong muốn LẬT LẠI bản án, hoặc THAY ĐỔI kết quả, yếu tố PHẢN ĐỐI thể hiện rõ ở quy trình này. Vì vậy, hoạt động “Phúc thẩm” tiếng anh là “Appeal”, cũng có nghĩa là kháng cáo, chống án.

Phiên tòa phúc thẩm là “court of appeal”, tức phiên tòa có sự chống án.

Như vậy chúng ta có thể thấy được một vài sự tương quan khi liên hệ nghĩa của 2 chữ này với khái niệm phúc thẩm và tái thẩm:

Phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đó chưa có hiệu lực pháp luật và bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Như vậy căn cứ để tiến hành phúc thẩm là do nguyện vọng của bên kháng cáo và kháng nghị, tác động đến bản án, quyết định được đưa ra và tòa án cấp trên phải “xét xử lại” để đảm bảo tính công bằng, khách quan.

Tái thẩm là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Như vậy mấu chốt của hoạt động tái thẩm là những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định. Tình tiết này phát sinh nằm ngoài dự liệu của Hội đồng xét xử, có thể xem như một dang “tự chuyển biến” của bản án, quyết định và dẫn đến việc phải lặp lại hoàn toàn quy trình xét xử .

Tác giả: Linh – Anh
Minh họa: Anh

Tài liệu tham khảo:

  • Từ điển Hán-Nôm (Về nghĩa của từ phản phúc): http://hvdic.thivien.net/hv/ph%E1%BA%A3n%20ph%C3%BAc
  • Từ điển Oxford
  • Khái niệm Phúc thẩm: Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
  • Khái niệm Tái thẩm: Điều 351 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
  • Điều 27 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

 

Nguồn: Hoàng Thảo Anh, Lê Thị Khánh Linh, Phúc thẩm – Tái thẩm và hoạt động xét lại bản án, Luật văn diễn dịch.
URL: https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/07/18/phuc-tham-tai-tham-va-hoat-dong-xet-lai-ban-an/

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền