Luật Công đoàn: Người lao động cần biết những thông tin gì?

Chuyên mụcLuật lao động, Thảo luận pháp luật Công đoàn

Luật Công đoàn mới nhất được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Đây là văn bản pháp lý cao nhất quy định về tổ chức công đoàn, bao gồm cả trách nhiệm đối với người lao động. Dưới đây là tổng hợp của LuatVietnam về những nội dung đáng chú ý của Luật Công đoàn 2012.

1. Công đoàn – họ là ai?

Theo định nghĩa tại Điều 1 của Luật Công đoàn 2012, công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động khác, tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đồng thời, tổ chức này cũng có trách nhiệm tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật.

Thành viên của công đoàn là những người lao động Việt Nam làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.  Điều 189 của Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định, người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn?

Hệ thống tổ chức công đoàn hiện nay gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp. Trong đó, công đoàn cơ sở là cấp công đoàn được tổ chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động. Điều 6 của Luật Công đoàn cũng khẳng định, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ quy định nêu trên có thể thấy, việc thành lập công đoàn tại doanh nghiệp hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của người lao động mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thành lập tổ chức công đoàn không được coi là vi phạm quy định của pháp luật lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thành lập công đoàn tại doanh nghiệp là rất cần thiết, bởi đây là tổ chức thay mặt người lao động nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trước người sử dụng lao động.

3. Thủ tục, trình tự thành lập công đoàn tại doanh nghiệp

Như phân tích ở trên, việc thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hoàn toàn là quyền của người lao động. Theo đó, người lao động muốn thành lập công đoàn cần thực hiện theo hướng dẫn sau của Điều lệ Công đoàn 2013 và Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ năm 2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

– Khi có 03 người lao động trở lên đang làm việc tại doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì tự tập hợp, bầu Trưởng ban vận động để tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở;

– Khi có 05 người lao động trở lên tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn thì Ban vận động tổ chức Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở;

– Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở công bố danh sách người lao động xin gia nhập Công đoàn, tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở và bầu Ban Chấp hành công đoàn cơ sở;

– Trong 15 ngày, từ khi kết thúc Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận đoàn viên và công đoàn cơ sở;

– Hoạt động của công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở chỉ hợp pháp sau khi có quyết định công nhận của công đoàn cấp trên.

4. Công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động như thế nào?

Nội dung này được quy định tại Điều 10 của Luật Công đoàn và được hướng dẫn bởi Nghị định 43/2013/NĐ-CP. Theo đó, công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như sau:

– Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của mình khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động với người sử dụng lao động;

– Cùng với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động;

– Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động;

– Kiến nghị với cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động hoặc bị xâm phạm;

– Đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm;

– Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật…

5. Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương

Dù việc thành lập công đoàn cơ sở không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp, dù người lao động tại doanh nghiệp có thành lập công đoàn cơ sở hay không thì doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm nộp kinh phí công đoàn. Đây là yêu cầu tại khoản 2 của Điều 26 Luật Công đoàn 2012.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo hướng dẫn của Nghị định 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Hiện nay, thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đó.

Đáng chú ý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Hướng dẫn 1784/HD-TLĐ về xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2018. Trong đó quy định, năm 2018, kinh phí công đoàn được phân phối cho công đoàn cơ sở sử dụng 68% tổng số thu và công đoàn cấp trên được sử dụng 32% tổng số thu.

6. Người lao động đóng đoàn phí công đoàn bằng 1% tiền lương

Nếu như doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn hàng tháng thì người lao động là đoàn viên cũng có trách nhiệm phải đóng đoàn phí công đoàn hằng tháng. Mức đóng của người lao động được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Điều lệ công đoàn 2013 và hướng dẫn tại Điều 23 của Quyết định 1908/QĐ-TLĐ là 1% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, tối đa không quá 10% mức lương cơ sở.

Theo Hướng dẫn 238/HĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên không đóng đoàn phí liên tục 06 tháng mà không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật.

Về việc sử dụng đoàn phí công đoàn, tại Công văn 906/TLĐ năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định công đoàn cơ sở được sử dụng 60% đoàn phí công đoàn, 40% đoàn phí còn lại do công đoàn cấp trên sử dụng.

7. Những chế độ dành cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp

Điều 24 của Luật Công đoàn 2012 quy định, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.

Cán bộ công đoàn chuyên trách do tổ chức công đoàn trả lương, được đảm bảo mọi quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Cán bộ công đoàn không chuyên trách tại doanh nghiệp, được hưởng quyền lợi như sau:

– Được sử dụng 24 giờ làm việc/tháng nếu là Chủ tịch, phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc/tháng nếu là Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và vẫn được doanh nghiệp trả đủ lương;

– Hợp đồng lao động hết hạn khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách vẫn đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng đến khi hết nhiệm kỳ;

– Doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn.

– Ngoài lương do doanh nghiệp trả, cán bộ công đoàn không chuyên trách còn được phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Nguồn: Luatvietnam.vn

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền