Tổng quan chung về lịch sử sự ra đời của pháp luật cạnh tranh trên thế giới. Pháp luật cạnh tranh ra đời cùng với sự thừa nhận và đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Theo nghĩa kinh điển, pháp luật cạnh tranh chỉ bao hàm các quy định ngăn cấm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo cách hiểu của ngày nay.
Bài 6: Tổng quan chung
Bài này nằm trong Phần III. Lịch sử sự ra đời của pháp luật cạnh tranh trên thế giới của Chương I – Tổng quan chung về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh và luật cạnh tranh.
Các bài khác tại Phần I
- Bài 1: Khái niệm, đặc trưng và ý nghĩa của cạnh tranh
- Bài 2: Các hình thức tồn tại của cạnh tranh
- Bài 3: Khái niệm chính sách cạnh tranh
Các bài khác tại Phần II
1. Sự cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước đối với môi trường cạnh tranh
Cạnh tranh là hiện tượng tất yếu, là động lực phát triển của thị trường. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của thị trường, đã có một thời kỳ, nguyên tắc tự do trong cạnh tranh được tôn trọng tuyệt đối đến mức, Nhà nước cho dù là chủ thể của quyền lực xã hội đã không được quyền can thiệp vào các quan hệ thị trường. Điều này lý giải tại sao cạnh tranh đã có từ lâu nhưng pháp luật về cạnh tranh lại xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Những lý do cần có sự can thiệp và điều tiết của Nhà nước đối với môi trường cạnh tranh chính là lý do cần phải có pháp luật với tư cách là công cụ chủ yếu và hữu hiệu nhất của Nhà nước để quản lý xã hội và quản lý nền kinh tế.
Khi bàn đến sự cần thiết phải có pháp luật cạnh tranh đối với đời sống kinh tế, cũng cần phải làm rõ vai trò kinh tế của Nhà nước, tạo nên những lý do chính yếu về sự xuất hiện cũng như xác định giới hạn điều tiết của Nhà nước và pháp luật trong môi trường cạnh tranh.
Bất kỳ Nhà nước nào trong lịch sử loài người đều có chức năng kinh tế. Bởi lẽ, những biến chuyển cơ bản trong đời sống kinh tế và những thay đổi trong xã hội là nguyên nhân, là môi trường thai nghén ra Nhà nước. Chính vì thế, Nhà nước là một bộ máy đặc biệt để bảo đảm sự thống trị về kinh tế, để thực hiện quyền lực về chính trị và thực hiện sự tác động về tư tưởng đối với quần chúng. Vai trò quản lý kinh tế (việc thực hiện quyền thống trị kinh tế) thể hiện ở việc bảo đảm quyền lực kinh tế của giai cấp thống trị và ở nội dung duy trì trật tự kinh tế của xã hội. Tùy vào mô hình Nhà nước và tùy vào từng thời kỳ, vai trò kinh tế của Nhà nước có nội dung và được thực hiện khác nhau. Trong thời kỳ kinh tế thị trường cổ điển của giai cấp tư bản, Nhà nước chỉ có chức năng bảo vệ an ninh, xây dựng luật pháp và xét xử tranh chấp; pháp luật chỉ giới hạn ở việc quản lý chung đời sống dân sự và trật tự xã hội. Chức năng đó đủ để pháp luật và Nhà nước tạo lập một môi trường cho cạnh tranh và quan hệ thị trường vận động linh hoạt, năng động, làm cho mọi khuyết tật của thị trường được bộc lộ một cách mạnh mẽ. Sự thất bại của mô hình kinh tế chỉ huy ở các nước xã hội chủ nghĩa và những cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường tự do của Nhà nước tư sản là những nguyên nhân, là động lực để thiết lập mô hình kinh tế thị trường hiện đại.Trong mô hình này, ở tầm vĩ mô về cơ bản do bàn tay vô hình của thị trường điều tiết. Vai trò kinh tế của Nhà nước là vừa hạn chế những khuyết tật của thị trường, vừa tạo môi trường cho ưu thế của thị trường phát huy tác dụng tích cực. Với vai trò đó, Nhà nước không còn là người cầm chèo cho nền kinh tế, mà có vai trò là người cầm lái cho nó.
Trong đời sống cạnh tranh của thị trường cũng vậy, Nhà nước bằng công cụ pháp luật cạnh tranh phải can thiệp để duy trì một trật tự chung đảm bảo sự lành mạnh và phát triển của thị trường.
2. Quá trình phát triển của pháp luật cạnh tranh
Pháp luật cạnh tranh ra đời cùng với sự thừa nhận và đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Theo nghĩa kinh điển, pháp luật cạnh tranh chỉ bao hàm các quy định ngăn cấm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo cách hiểu của ngày nay. Sở dĩ như vậy là vì, trong lịch sử đã có lúc người ta chưa biết đến hiện tượng độc quyền và sự tác hại của nó. Đó là thời kỳ của chủ nghĩa tư bản tự do. Trong Bộ luật Dân sự của Pháp (Code civil – 1804), Điều 1382 và 1383 quy định về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng33. Từ đó, những trách nhiệm phát sinh cho các thương nhân trong cạnh tranh được án lệ của nước Pháp coi là một loại hình mới của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trên cơ sở đó, những hành vi cạnh tranh mà ở đó người thực hiện chúng phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra cho người khác được gọi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, những quy định mang tính nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 1804 cùng với một số văn bản pháp luật đơn hành tạo thành một chế định pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hoà Pháp. Ở Italia cũng tương tự, các điều 1151 và 1152 của Bộ Luật Dân sự năm 1865 quy định các nguyên tắc cơ bản liên quan đến trách nhiệm của người thực hiện hành vi không lành mạnh. Tuy nhiên, cho đến năm 1872 với sự ra đời của Bộ luật Dân sự mới thì những quy định về cạnh tranh không lành mạnh mới được quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng.
Như vậy, nhìn về lịch sử, lúc sơ khai pháp luật cạnh tranh được xây dựng trên cơ sở của các nguyên tắc trong dân luật và được đảm bảo thực hiện bằng trách nhiệm dân sự. Đồng thời, do sự nhận thức chưa đầy đủ và sự hạn chế trong khả năng dự liệu của luật pháp đối với hành vi cạnh tranh đang phát triển trên thị trường mà pháp luật về cạnh tranh trong thời kỳ đó chủ yếu tồn tại dưới dạng các án lệ của toà án. Những nguyên tắc của dân luật là nền tảng cơ sở của các án lệ và là cơ sở pháp luật quan trọng để duy trì trật tự cạnh tranh. Cùng với sự phát triển của thị trường, sự biến đổi đa dạng và phức tạp trong các biểu hiện của cạnh tranh đã giảm thiểu tính hiệu quả của các nguyên tắc trên. Các Nhà nước ngày càng tích cực nhận dạng và ngăn cấm những biểu hiện không lành mạnh bằng các quy định trong các văn bản pháp luật. Hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường đều đã ban hành văn bản pháp luật cạnh tranh.
Đến cuối thế kỷ XIX, pháp luật cạnh tranh đã được mở rộng và có những thay đổi rất cơ bản về nội dung cũng như phương pháp điều chỉnh. Lúc bấy giờ, hiện tượng độc quyền xuất hiện với tư cách là kết quả của sự tích tụ, tập trung tư bản và kéo theo nó là những khủng hoảng tài chính, sự bóc lột người tiêu dùng là tiền đề cho pháp luật chống độc quyền ra đời. Quê hương của pháp luật chống độc quyền là Hoa Kỳ. Cuộc cách mạng công nghiệp vào giữa thế kỷ 19 là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển. Trong bối cảnh đó đã hình thành hàng loạt các công ty và tập đoàn công nghiệp lớn. Hệ quả của quá trình này là hiện tượng hạ giá rất nhiều loại hàng hoá và dịch vụ dẫn đến nguy cơ phá sản và đóng cửa rất nhiều công ty. Để đối phó với tình hình thực tế, các công ty đã thay đổi chiến lược bằng cách thoả thuận với nhau nhằm ổn định và tăng giá hàng hoá, dịch vụ, phân chia thị trường và hình thành các tập đoàn, sáp nhập công ty… Những thoả thuận trên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội mà phân đông là người lao động làm công. Trước sức ép của xã hội đòi hỏi chính quyền phải can thiệp. Các bang của Hợp chủng quốc đã liên tục ban hành các đạo luật chống Tờ-Rớt (Trust), đầu tiên là bang Alahama vào năm 1883. Sau đó, vào năm 1890, Dự Luật chống độc quyền do nghị sĩ Sherman của bang Ohio được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Harrison ký công bố. Đây là đạo luật thứ hai trên thế giới quy định về chống hạn chế cạnh tranh. Mặc dù Luật Sherman được coi là viên gạch đầu tiên của hệ thống pháp luật chống độc quyền của Hoa Kỳ và của loài người. Song trên thực tế, từ khi được công bố cho đền năm 1895, Đạo luật này lại được sử dụng như một công cụ pháp lý để chống lại các cuộc đình công của công nhân. Cho đến năm 1897 nó mới được sử dụng đúng chức năng của mình để ngăn chặn và cấm đoán các thoả thuận ngầm về giá. Vào năm 1904, lần đầu tiên Tổng thống Roosevelt đã sử dụng Luật Sherman để chống lại một số tập đoàn khổng lồ của Mỹ.
3. Quá trình hoàn thiện của pháp luật cạnh tranh
Cho đến nay, ngoài các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh của các nước, chế định về chống hạn chế cạnh tranh và kiểm soát độc quyền luôn là nội dung quan trọng không thể thiếu để Nhà nước bảo vệ và điều tiết cạnh tranh. Sự ra đời của Luật Sherman đánh dấu một bước phát triển mạnh về pháp luật cạnh tranh. Theo đó, nội dung của pháp luật đã được mở rộng cho thấy Nhà nước đã thực sự nhận thức và giành quyền quản lý thị trường, điều tiết cạnh tranh không chỉ bằng cách loại bỏ các biểu hiện tranh đua không lành mạnh, mà còn tạo ra các thiết chế pháp lý ngăn chặn và loại bỏ các rào cản nhân tạo cũng như tự nhiên để bảo vệ cho thị trường cạnh tranh. Mặt khác, từ tư duy Luật Cạnh tranh là lĩnh vực pháp luật dân sự mà ở đó chỉ khi có yêu cầu thì Nhà nước mới giải quyết, Đạo luật Sherman và sau này là sự nở rộ của pháp luật về kiểm soát độc quyền các nước trên thế giới đã cho phép Nhà nước chủ động ngăn chặn và kiểm soát mọi nguy cơ có thể làm hạn chế cạnh tranh bằng các thiết chế quyền lực của mình, kể cả bằng các biện pháp trừng phạt nặng như chế tài hình sự cho các hành vi vi phạm.
Cùng với sự phát triển của thị trường và nhận thức của con người về môi trường tồn tại của mình, trong đó có môi trường của đời sống kinh tế. Pháp luật cạnh tranh ngày càng được hoàn thiện và trở thành chế định pháp luật cơ bản của pháp luật kinh tế, góp phần làm cho thị trường vận hành ổn định và hiệu quả. Theo thống kê của UNCTAD, trên thế giới tính tới năm 2007, đã có tới 113 nước và vùng lãnh thổ có luật điều tiết hoạt động cạnh tranh và kiểm soát độc quyền.
Các tìm kiếm liên quan đến Lịch sử sự ra đời của pháp luật cạnh tranh trên thế giới, đạo luật sherman, sự ra đời luật sherman, quá trình phát triển của pháp luật cạnh tranh, luật cạnh tranh của mỹ, quá trình hình thành và phát triển của pháp luật cạnh tranh việt nam, mục đích của luật cạnh tranh, pháp luật về cạnh tranh, khái quát về pháp luật cạnh tranh
Để lại một phản hồi