Hôm nay, vô tình có một người quen lâu ngày không gặp hỏi tôi: Đang làm luật sư à? Nghe câu hỏi tự nhiên tôi bỗng nhớ lại hồi trước, lúc đang học trường luật hay lúc sắp tốt nghiệp, tôi thỉnh thoảng nhận được những câu hỏi của mọi người, đại loại như: Thế là sắp thành luật sư rồi đấy hả? Bao giờ thì lên tòa cãi? Học xong là làm luật sư luôn đấy à? ..v..v..
Các nội dung liên quan:
- Tìm hiểu về nghề Luật sư ở Việt Nam
- Trở thành Luật sư – dễ hay khó?
- Số tiền để một sinh viên luật có thể trở thành luật sư?
- 05 phẩm chất quan trọng mà luật sư cần có
Lúc đó tôi thường trả lời là: Không, chưa làm luật sư ngay được đâu. Thì ngay lập tức sẽ tiếp tục nhận được câu hỏi: Học luật ra mà không làm luật sư thì làm gì?
Thực ra tốt nghiệp đại học luật hoặc khoa luật của một trường đại học bất kỳ nào đó ở Việt Nam, bạn mới chỉ thành cử nhân luật thôi. Khi tốt nghiệp ra trường, bạn cũng như tất cả những cử nhân đại học khác, có thể làm bất cứ công việc gì mà bạn thấy phù hợp, chẳng hạn như pháp chế, hành chính, nhân sự… Nếu rèn luyện thêm theo một quy trình được quy định, bạn có thể trở thành luật sư, thư ký tòa án, kiểm sát viên, thẩm phán, công chứng viên, thừa phát lại, cán bộ tư pháp UBND…
Chẳng hạn, bây giờ đế trở thành luật sư, sau khi có bằng cử nhân luật, bạn sẽ phải học 1 năm lớp đào tạo luật sư ở Học viện tư pháp, sau khi tốt nghiệp và lấy chứng chỉ ở Học viện tư pháp, bạn sẽ phải đăng ký tập sự 1 năm tại Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật, 1 năm tập sự đó bạn sẽ có 1 luật sư chính thức để hướng dẫn và làm các công việc của 1 luật sư tập sự, cũng không khác biệt quá nhiều so với công việc của luật sư chính thức. Sau khi hết thời gian tập sự, bạn sẽ phải thi một kỳ thi do bộ tư pháp tổ chức, qua được kỳ thi đó bạn sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư. Có chứng chỉ rổi, bạn vẫn chưa thành luật sư được, còn bước cuối cùng nữa là bạn sẽ đăng ký gia nhập một đoàn luật sư ở tỉnh, thành phố nào đó. Gia nhập rồi, bạn sẽ được cấp một Thẻ luật sư. Lúc đó thì chúc mừng bạn, bạn đã chính thức là một luật sư được hành nghề hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Còn nếu bạn muốn làm công chứng viên, thẩm phán, kiểm sát viên… cũng sẽ có những quy trình riêng theo quy định. Trong quá trình để trở thành những “vị” mà tôi nêu trên, nếu suôn sẻ thuận lời thì vài năm, còn nếu không thì… cũng hơi lâu đấy. Mà thường là trong cuộc sống sẽ có rất nhiều điều bất ngờ xảy ra mà bạn không biết trước được, trên 1 con đường cũng có rất nhiều ngã rẽ. Vậy nên bạn đừng ngạc nhiên khi một ai đó bạn quen biết, tốt nghiệp trường luật cũng khá lâu nhưng khi bạn gặp và hỏi thì vẫn nhận được câu trả lời là: đang học luật sư (chẳng hạn)
Xem thêm:
- Các bước để trở thành Kiểm sát viên
- Các bước để trở thành Thư ký Tòa án
- Quy trình để trở thành một Thẩm phán ở Việt Nam
- Tìm hiểu về nghề Thừa phát lại
- Điều kiện để trở thành công chứng viên
- Các kỹ năng cần thiết để trở thành Công chứng viên
Ban đầu tôi nghĩ là ai cũng biết việc này, chuyện đương nhiên nên không cần giải thích. Thế nhưng hóa ra cũng nhiều người không để ý thật, mà giải thích thì dài dòng quá. Thế nên hôm nay tự nhiên muốn viết ra vài dòng như vậy, không biết có nhiều bạn gặp phải tình huống giống như tôi hồi đó không?.
Nguồn: Luật NB (https://luatnb.com/hoc-luat-chua-chac-da-lam-luat-su/)
Để lại một phản hồi