Khái niệm, các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước

Nhà nước tư sản

Hình thức nhà nước là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận chung về nhà nước. Hình thức nhà nước là yếu tố quan trọng quyết định kết quả thống trị chính trị của giai cấp thống trị.

Những nội dung liên quan:

Các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước

Mục lục:

  1. Khái niệm hình thức nhà nước
  2. Các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước
    1. Hình thức chính thể
    2. Hình thức cấu trúc nhà nước
    3. Chế độ chính trị

Nhà nước tư sản

1. Hình thức nhà nước là gì?

Hình thức nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và những biện pháp để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước.

2. Các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước

Hình thức nhà nước là một khái niệm chung được hình thành từ 3 yếu tố: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.

a) Hình thức chính thể

Hình thức chính thể là cách thức tổ chức các cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước, cơ cấu, trình tự thành lập và mối liên hệ giữa chúng và mức độ tham gia của nhân dân vào việc thiết lập các cơ quan này.

Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hoà.

Thứ nhất, chính thể quân chủ là hình thức nhà nước trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) vào trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế.

Với việc tập trung quyền lực tối cao của nhà nước một phần hay toàn bộ vào trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc truyền ngôi mà chính thể quân chủ có hai biến dạng: quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.

  • Ở các quốc gia có hình thức nhà nước chính thể quân chủ tuyệt đối, vua (hoàng đế) có quyền lực vô hạn, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đều nằm trong tay người đứng đầu nhà nước. Hình thức này chủ yếu tồn tại trong hai kiểu nhà nước đầu tiên là nhà nước chủ nô và nhà nước phong kiến.
  • Ở nhà nước có chính thể quân chủ hạn chế, người đứng đầu nhà nước hình thành bằng con đường truyền ngôi chỉ nắm một phần quyền lực nhà nước tối cao, bên cạnh họ có các cơ quan nhà nước hình thành bằng bầu cử chia sẻ quyền lực nhà nước với họ; ví dụ Nghị viện trong các nhà nước tư sản có chính thể quân chủ nắm quyền lập pháp, Chính phủ tư sản nắm quyền hành pháp và quyền tư pháp thuộc về Tòa án tư sản, còn nữ hoàng hay quốc vương thông thường chỉ đại diện cho truyền thống và tình đoàn kết dân tộc (như Anh, Nhật bản).
Xem:  Các điều kiện bảo đảm thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Thứ hai, đối với chính thể cộng hoà là hình thức chính thể trong đó quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về những cơ quan đại diện được bầu ra trong một thời hạn nhất định (như Quốc hội, Nghị viện). Chính thể cộng hoà cũng có hai biến dạng là cộng hoà dân chủ và cộng hoà quý tộc.

  • Trong những quốc gia có chính thể cộng hoà dân chủ, quyền tham gia bầu cử để thành lập các cơ quan đại diện được quy định dành cho mọi công dân. Tuy nhiên, để có thể hiểu đúng bản chất của vấn đề cần phải xem xét điều kiện cụ thể để tham gia bầu cử trong từng nhà nước, chẳng hạn như trong nhà nước dân chủ chủ nô, chỉ có giai cấp chủ nô với có quyền công dân, các tầng lớp nhân dân khác, đặc biệt là nô lệ không được công nhận có quyền công dân trong xã hội (nhà nước A-ten). Trong thực tế, giai cấp thống trị của các nhà nước bóc lột thường đặt ra nhiều quy định để hạn chế quyền bầu cử của nhân dân lao động.
  • Trong các quốc gia có hình thức chính thể cộng hoà quý tộc, quyền bầu cử hình thành các cơ quan đại diện chỉ dành cho giai cấp quý tộc (nhà nước S-pác, nhà nước La Mã ).

Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tương quan giai cấp, truyền thống dân tộc, quan điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế – xã hội,… Với sự tác động của các yếu tố này đã làm cho hình thức chính thể của mỗi nhà nước có những điểm khác biệt nhau. Vì thế khi xem xét hình thức chính thể trong một quốc gia cụ thể cần phải xem xét nó một cách toàn diện tất cả những yếu tố có ảnh hưởng đến nó.

Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều là nhà nước cộng hoà dân chủ được đặc trưng bằng sự tham gia rộng rãi của nhân dân lao động vào việc thành lập các cơ quan đại diện của mình.

b) Hình thức cấu trúc nhà nước

Hình thức cấu trúc nhà nước là sự tổ chức nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ, đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận cấu thành của nó, giữa cơ quan nhà nước trung ương với cơ quan nhà nước địa phương.

Có hai hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản là cấu trúc nhà nước đơn nhất và cấu trúc nhà nước liên bang.

Cấu trúc nhà nước đơn nhất là hình thức trong đó lãnh thổ của nhà nước là toàn vẹn, thống nhất, nhà nước được chia thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia, có hệ thống các cơ quan nhà nước thống nhất từ trung ương xuống đến địa phương.Ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Pháp,… là những nhà nước đơn nhất.

Xem:  Phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN

Cấu trúc nhà nước liên bang là những nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Trong nhà nước liên bang không chỉ có liên bang có dấu hiệu chủ quyền quốc gia mà trong từng bang thành viên đều có dấu hiệu chủ quyền, ví dụ: Ấn Độ, Mỹ và Liên Xô trước đây,… Ở nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và hai hệ thống cơ quan quản lý: một hệ thống chung cho toàn liên bang và một cho từng nhà nước thành viên.

Lưu ý: Cần phân biệt nhà nước liên bang với nhà nước liên minh. Nhà nước liên minh là sự liên kết tạm thời của các nhà nước với nhau nhằm thực hiện một số mục đích nhất định. Sau khi đã đạt được các mục đích đó, nhà nước liên minh có thể tự giải tán hoặc có thể phát triển thành nhà nước liên bang. Ví dụ: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ 1776 đến 1787 là nhà nước liên minh, sau đó trở thành nhà nước liên bang.

c) Chế độ chính trị

Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, biện pháp mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước.

Chế độ chính trị có quan hệ chặt chẽ với bản chất của nhà nước, với nội dung hoạt động của nó và đời sống chính trị xã hội nói chung.

Trong lịch sử xã hội có giai cấp và nhà nước, giai cấp thống trị sử dụng nhiều biện pháp, phương pháp để thực hiện quyền lực nhà nước, nhìn chung có thể phân các phương pháp, biện pháp này thành hai loại chính: phương pháp dân chủ và phương pháp phản dân chủ, tương ứng với hai phương pháp này có chế độ chính trị dân chủ và chế độ chính trị phản dân chủ.

  • Trong chế độ chính trị dân chủ, giai cấp thống trị thường sử dụng chủ yếu phương pháp giáo dục – thuyết phục. Tuy nhiên, phương pháp dân chủ có nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào bản chất của từng nhà nước cụ thể, như: dân chủ hình thức, dân chủ thực sự, dân chủ giả hiệu, dân chủ rộng rãi,… Ví dụ như chế độ dân chủ trong nhà nước tư sản là biểu hiện cao độ của chế độ dân chủ hình thức, còn chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ thực sự và rộng rãi.
  • Trong chế độ chính trị phản dân chủ, giai cấp thống trị thường sử dụng các hình thức, phương pháp mang nặng tính cưỡng chế, đỉnh cao của chế độ này là chế độ độc tài, phát xít.

Lưu ý: Cần phân biệt chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bằng việc sử dụng các hình thức dân chủ thật sự, rộng rãi với chế độ dân chủ tư sản đặc trưng bằng các phương pháp dân chủ hạn chế và hình thức. Các phương pháp phản dân chủ thể hiện tính chất độc tài cũng có nhiều loại, đáng chú ý nhất là khi những phương pháp này khi phát triển đến mức độ cao sẽ trở thành những phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.

Như vậy, hình thức nhà nước là sự hợp nhất của ba yếu tố: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị. Ba yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại chặt chẽ với nhau, thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp thống trị, phản ánh bản chất của nhà nước.

Xem:  So sánh nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhà nước tư sản

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ba yếu tố này có thể không phù hợp với nhau. Ví dụ: chế độ chính trị phát xít, quân phiệt có thể có hình thức chính thể cộng hòa dân chủ. Đây cũng là điều thường gặp trong các nhà nước bóc lột.


Các tìm kiếm liên quan đến các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước: hình thức cấu trúc của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam, hình thức chính thể của nhà nước, hình thức cấu trúc nhà nước, các hình thức nhà nước trên thế giới, các kiểu hình thức nhà nước, kiểu nhà nước việt nam, hình thức nhà nước của mỹ, các hình thức nhà nước trên thế giới hiện nay, có mấy hình thức cấu trúc nhà nước

Các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước CHXHCN Việt Nam?

Hình thức nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được cấu thành bởi 3 yếu tố:
1) Hình thức chính thể Nhà nước CHXHCN Việt Nam;
2) Hình thức cấu trúc Nhà nước CHXHCN Việt Nam;
3) Chế độ chính trị của nước CHXHCN Việt Nam.
>>> Xem chi tiết bài viết: Hình thức nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Có mấy hình thức cấu trúc nhà nước? Cho ví dụ?

Có hai hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản là cấu trúc nhà nước đơn nhất và cấu trúc nhà nước liên bang.
Cấu trúc nhà nước đơn nhất là hình thức trong đó lãnh thổ của nhà nước là toàn vẹn, thống nhất, nhà nước được chia thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia, có hệ thống các cơ quan nhà nước thống nhất từ trung ương xuống đến địa phương.
>>> Ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Pháp,… là những nhà nước đơn nhất.
Cấu trúc nhà nước liên bang là những nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Trong nhà nước liên bang không chỉ có liên bang có dấu hiệu chủ quyền quốc gia mà trong từng bang thành viên đều có dấu hiệu chủ quyền.
>>> Ví dụ: Ấn Độ, Mỹ và Liên Xô trước đây,… Ở nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và hai hệ thống cơ quan quản lý: một hệ thống chung cho toàn liên bang và một cho từng nhà nước thành viên.

5/5 - (11051 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.