Khái niệm nguồn chứng cứ
Nguồn chứng cứ là cơ sở chứa đựng tất cả dấu vết, tài liệu, hình ảnh… nói chung là những đặc điểm liên quan đến vụ án hình sự để từ đó chứng cứ được hình thành và mang giá trị chứng minh.
Khái niệm nguồn chứng cứ trong khoa học pháp luật tố tụng hình sự vẫn còn nhiều cách định nghĩa khác nhau.
Theo Tiến sỹ Trần Quang Tiệp thì “nguồn chứng cứ là nơi mà từ đó cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng có thể tìm ra chứng cứ trong vụ án hình sự”[1]. Còn theo tác giả Trịnh Tiến Việt thì “nguồn chứng cứ được hiểu là nơi cung cấp những tài liệu quan trọng để rút ra được những chứng cứ có giá trị chứng minh sự thật khách quan của vụ án”[2].
Tác giả Nguyễn Nhật Lệ cho rằng “nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự được hiểu là nơi chứa đựng thông tin tồn tại một cách khách quan, có liên quan đến vụ án hình sự, được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định, có ý nghĩa trong việc xác định tính hợp pháp của chứng cứ đối với mỗi vụ án cụ thể, nhằm giúp giải quyết đúng đắn vụ án hình sự”[3]. Theo từ điển Luật học thì nguồn chứng cứ được hiểu là “nơi thu, nhận được chứng cứ”[4].
Như vậy, có thể thấy dù mỗi quan điểm có cách diễn giải định nghĩa nguồn chứng cứ khác nhau nhưng tất cả đều khẳng định nguồn chứng cứ là nơi chứa đựng thông tin và trongnhững thông tin được rút ra từ nguồn chứng cứ có thể có chứng cứ được dùng để chứng minh sự thật khách quan của vụ án.
BLTTHS năm 2003 chưa có điều luật riêng quy định nguồn chứng cứ mà nguồn chứng cứ được quy định chung trong điều luật về chứng cứ (Điều 64) dẫn đến trong khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa chứng cứ với nguồn chứng cứ. BLTTHS năm 2015 đã quy định nguồn chứng cứ trong một điều luật riêng, giúp phân biệt rõ ràng hơn nguồn chứng cứ với chứng cứ của vụ án hình sự. Khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015 quy định nguồn chứng cứ gồm:
Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a)Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
So với các văn bản pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự trước đây về chế định chứng cứ thì nguồn chứng cứ được quy định trong BLTTHS năm 2015 đa dạng hơn. Trong đó nguồn chứng cứ là lời khai, lời trình bày nói chung và lời khai của người làm chứng nói riêng vẫn là“một trong những nguồn chứng cứ lâu đời và phổ biến nhất”[5]