Việt Nam thuộc hệ thống pháp luật nào?

Chuyên mụcLý luận nhà nước và pháp luật, Thảo luận pháp luật Hệ thống pháp luật

Việt Nam là quốc gia có lịch sử lập quốc lâu đời, song pháp luật Việt Nam không phải là một hệ thống pháp luật riêng biệt như Common Law và Civil Law.

..

Những nội dung liên quan:

..

Trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ bởi Trung Hoa, sau này là Pháp, rồi trở thành một thành viên trong khối xã hội chủ nghĩa, pháp luật Việt Nam lần lượt bị ảnh hưởng bởi pháp luật của các triều đại Trung Hoa, của Pháp, sau cùng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ Liên Xô.

Ngày nay, hệ thống pháp luật Việt Nam có đặc trưng của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa kết hợp những yếu tố ngoại lai do quá trình hội nhập kinh tế với phương Tây kể từ thời kỳ đổi mới.

Quan niệm về pháp luật ở Việt Nam

Ở Việt Nam và các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, lấy học thuyết Mác – Lênin làm nền tảng phát triển cho toàn xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp lý. Pháp luật là sự thể chế hóa đường lối của chính trị, công cụ của giai cấp thống trị dùng để đảm bảo cho lợi ích kinh tế và giữ vững nền chuyên chính. Trong quan điểm này, luật không thể sinh ra từ khu vực “tư”, đó là một luận điểm của Lênin. Khẳng định theo Lênin rằng: “Mọi pháp luật đều là luật công, đó chỉ là một phương thức khác thể hiện tư tưởng: Mọi quan hệ pháp lý đều tuân theo tư tưởng chính trị và quy phạm pháp luật không thể là sự phản ánh cho những nguyên tắc công lý tiêu biểu cho chúng” . Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hệ tư tưởng trên, pháp luật Việt Nam là sự thể chế hóa các chính sách của Đảng cộng sản cầm quyền.

Các đặc trưng pháp lý ở Việt Nam

Cơ quan ban hành luật

Việc ban hành Hiến pháp và các đạo luật ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của Quốc hội (Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Bên cạnh đó, các cơ quan khác như Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án cũng có quyền ban hành những văn bản có tính chất luật (được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008). Điều này có căn nguyên bởi cơ chế tập quyền Quốc hội, là nơi tập trung quyền lực lớn nhất (về nguyên tắc) sẽ có quyền thiết lập hệ thống pháp luật cho quốc gia và áp dụng các đạo luật do Quốc hội ban hành là yêu cầu bắt buộc đối với thẩm phán trong quá trình xử án.

Thủ tục xét xử

Ở Việt Nam, việc xét – hỏi do thẩm phán thực hiện, cáo buộc người phạm tội (các tội hình sự) là do Viện kiểm sát (đồng thời là cơ quan kiểm sát tư pháp), các luật sư chỉ thực hiện tranh tụng dựa trên cơ sở những chứng cứ tự thu thập được.

Nền pháp chế

Nền pháp chế của Việt Nam được gọi tên “Pháp chế xã hội chủ nghĩa”, coi trọng việc lấp đầy các lỗ hổng pháp lý bằng quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi sự thống nhất cao độ hay tính pháp điển của hệ thống các quy phạm thành văn. Cơ quan thực thi pháp luật và xét xử bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc pháp lý định sẵn, do vậy tính sáng tạo trong các cơ quan này rất hạn chế. Sau cùng, nó đòi hỏi tất cả công dân và các cơ quan nhà nước đều phải tuân thủ nền pháp luật được làm ra bởi cơ quan lập pháp. Nền pháp chế Việt Nam mang đặc trưng lý tưởng của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhưng bị khập khiễng bởi tư duy lập pháp hay thay đổi cộng với nền tư pháp thiếu độc lập.

Nguồn của luật ở Việt Nam

Dựa trên nền tảng của hai yếu tố: “Công hữu hóa tư liệu sản xuất và sự thiết lập chính quyền nhân dân”, pháp luật xã hội chủ nghĩa thiết lập các hình thức pháp luật thông qua kỹ thuật lập pháp. Pháp luật Việt Nam cũng bị chi phối bởi nền tảng trên để xây dựng nguồn pháp luật của mình. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay về nguyên tắc chỉ coi văn bản quy phạm pháp luật là nguồn duy nhất và “là hình thức pháp lý tiến bộ nhất” so với các loại nguồn luật khác. Có thể dẫn ra mấy lý do như sau: Một là, sự coi trọng nguyên tắc tập trung quyền lực vào Quốc hội dẫn đến thiết lập thẩm quyền tối cao về lập pháp cho cơ quan này; Hai là, bị ảnh hưởng bởi truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa không công nhận án lệ là một nguồn chính thức; Ba là, năng lực của các thẩm phán không hội đủ điều kiện để xây dựng nguồn luật từ án lệ.

Như vậy, ngoài những đặc thù của chế độ chính trị, việc Việt Nam không coi luật án lệ là một nguồn luật cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân thực tế của một nền tư pháp ít được tin cậy. Hệ thống văn bản do Quốc hội và các cơ quan khác ban hành vẫn chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam thời gian tới.

Vai trò của tư pháp ở Việt Nam

Hệ thống tư pháp ở Việt Nam được đặc trưng bởi hai cơ quan là Tòa án (cơ quan xét xử) và Viện kiểm sát (cơ quan công tố và giám sát tư pháp). Cả Tòa án và Viện kiểm sát đều được tổ chức dựa trên sự phân cấp lãnh thổ hành chính. Có Tòa án tối cao và Tòa án cấp cao cho toàn quốc gia, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện tương ứng với các cấp hành chính, ở cấp hành chính thấp nhất (cấp xã) không tổ chức Tòa án. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội; chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu cử và nhiệm kỳ của Hội thẩm do Luật Tổ chức tòa án quy định. Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việt Nam cũng ghi nhận về yêu cầu độc lập của tư pháp trong cả Hiến pháp, nhưng thực tế tổ chức bộ máy tư pháp và cách tuyển lựa thẩm phán hiện nay dẫn đến tư pháp là một ngành vừa yếu, lại vừa thiếu, do đó, yêu cầu về sự độc lập của tư pháp chỉ minh chứng trên quy định.

Vấn đề bảo hiến ở Việt Nam

Bảo hiến không đơn thuần là kiểm tra xem một văn bản pháp luật có trái với Hiến pháp không? Thông qua việc kiểm hiến sẽ kiểm soát các hành vi của Chính phủ, thậm chí là hành vi của nhà lập pháp. Việc bảo hiến hiệu quả sẽ bảo vệ được dân chúng trước hành vi lạm dụng quyền lực của chính quyền cũng như tạo được hệ thống các văn bản thống nhất, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ pháp luật. Hướng đến một cơ chế kiểm hiến hiệu quả là hướng đến một hệ thống pháp luật đề cao pháp quyền, đề cao các giá trị con người và một nhà nước hiệu quả.

Ở Việt Nam hiện không có tố tụng hiến pháp, mặc dù có một vài thiết chế kiểm soát pháp luật từ Quốc hội nhưng không phát huy tác dụng. Một hệ thống pháp luật có số lượng văn bản khá đồ sộ, khoảng 13.500 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành và được bổ sung hàng ngày bởi tất cả các cơ quan có thẩm quyền ban hành luật. Việc thiếu một cơ chế kiểm hiến vì bất cứ lý do gì cũng đang làm cho trật tự pháp lý gặp phải những bất cập như truyền thông đưa tin, tạo nên những phản ứng không tốt từ phía xã hội. Việt Nam đã xây dựng quy trình tố tụng trong các lĩnh vực về dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế, lao động, nhưng tố tụng Hiến pháp thì vẫn chỉ là kết quả nghiên cứu của các nhà luật học. Việc ban hành chồng chéo hay lẫn lộn về thẩm quyền vẫn đang hàng ngày diễn ra mà không hứa hẹn sẽ được chấm dứt khi nào là một thiệt hại rất lớn cho xã hội, cả về phương diện tư duy lập pháp.

Nguyễn Quang Đức

Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội


Các tìm kiếm liên quan đến Việt Nam thuộc hệ thống pháp luật nào?, hệ thống pháp luật việt nam, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa việt nam, so sánh hệ thống pháp luật anh và việt nam, hệ thống pháp luật civil law, dòng họ pháp luật common law, cấu trúc hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật anh mỹ, khái niệm hệ thống pháp luật

Ưu điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam?

Ưu điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam:
– Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay được xác định là ngày càng toàn diện và đồng đều hơn ở các ngành luật khác nhau khi chúng được phát triển và hình thành cùng lúc;
– Thể hiện sự phân hóa rõ ràng và cụ thể trong các chế định pháp luật;
– Xác định các nguyên tắc pháp luật và thể hiện nó một cách đầy đủ, rõ ràng hơn;
– Khi pháp luật được ra đời thì đa phần toàn bộ hệ thống pháp luật đều phát triển theo những định hướng phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội – chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con-người, quyền công dân.

Nhược điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam?

Nhược điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam:
– Tính thống nhất của hệ thống pháp luật không cao;
– Tính toàn diện, đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật tuy có cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn về số lượng văn bản và mức độ hoàn thiện của pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau;
– Tính ổn định của hệ thống pháp luật thấp;
– Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật còn bất cập.

4.9/5 - (10352 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền