Hệ thống pháp luật – Cấu trúc bên trong và hình thức bên ngoài

Chuyên mụcLý luận nhà nước và pháp luật Văn bản luật

Hệ thống pháp luật là phạm trù thể hiện cấu trúc bên tronghình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật. Cấu trúc bên trong chính là mối liên hệ bên trong giữa các ngành luật gọi là hệ thống các ngành luật. Hình thức biểu hiện bên ngoài đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

..

Các nội dung cùng được quan tâm:

..

Hệ thống pháp luật

Mục lục:

1. Hệ thống các ngành luật (cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật)

  1. Quy phạm pháp luật
  2. Chế định pháp luật
  3. Ngành luật
  4. Hệ thống các ngành luật của nước ta hiện nay

2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (hình thức biểu hiển bên ngoài của hệ thống pháp luật)

  1. Khái niệm
  2. Đặc điểm

Tư pháp

1. Hệ thống các ngành luật (cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật)

Hệ thống các ngành luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất và phối hợp với nhau được phân chia thành các chế định pháp luật và các ngành luật.

a) Quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị để điều chỉnh các quan hệ xã hội

Cấu trúc của quy phạm pháp luật là cơ cấu bên trong, là các bộ phận hợp thành quy phạm pháp luật. Cấu trúc của quy phạm pháp luật đòi hỏi phải được trình bày ngắn gọn, chặt chẽ, có sự khái quát giúp người đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Chính vì vậy, quy phạm pháp luật thường được trình bày theo một cơ cấu nhất định, gồm 3 bộ phận cấu thành là giả định, quy định và chế tài.

– Giả định

Giả định là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên phạm vi tác động của quy phạm pháp luật, tức là trong đó nêu rõ những hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy ra trong cuộc sống và các cá nhân, tổ chức nào ở vào hoàn canher điều kiện đó phải chịu sự chi phối của quy phạm pháp luật đó.

Nội dung bộ phận giả định của quy phạm pháp luật  thường đề cập đến chủ thể, phạm vi thời gian, không gian, những trường hợp, hoàn cảnh, điều kiện nhất định của đời sống xã hội…Phần giả định giúp ta trả lời được câu hỏi: Ai (cá nhân, tổ chức nào)? Khi nào? Trong hoàn cảnh, điều kiện nào?

Ví dụ: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” (Điều 33 Hiến pháp năm 2103). Trong quy phạm pháp luật này, bộ phận giả định là “công dân”.

“Người thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh” (Khoản 1 Điều 15 Luật doanh nghiệp năm 2005). Trong quy phạm pháp luật này bộ phận giả định là “người thành lập doanh nghiệp”.

– Quy định

Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật, trong đó nêu lên cách xử sự mà chủ thể khi ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã xác định trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật được phép, không được phép hoặc buộc phải thực hiện.

Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật thường trả lời cho câu hỏi như: Được làm gì? Không được làm gì? Phải làm gì? Làm nh thế nào?

Ví dụ: Khoản 1 Điều 15 Luật doanh nghiệp năm 2005 thì trong quy phạm này bộ phận quy định là: “nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh”.

Hoặc trong Điều 33 Hiến pháp năm 2013 thì bộ phận quy định là: “có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

– Chế tài

Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật  nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với chủ thể đã không thực hiện đúng bộ phânh quy định của quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

Bộ phận chế tài trả lời cho câu hỏi: Hậu quả như thế nào nếu không thực hiện đúng bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.” Trong quy phạm pháp luật này, bộ phận chế tài là: “thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật  có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra cơ chế đảm bảo để cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với chủ thể không chấp hành đúng yêu cầu của bộ phận quy định, phần lớn các biện pháp tác động này mang tính cưỡng chế và gây ra hậu quả bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào tính chất của các biện pháp tác động và các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp đó mà ta có thể phân chia chế tài quy phạm pháp luật thành các loại: chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài kỷ luật.

>>> Xem thêm: Xác định cấu trúc của quy phạm pháp luật

b) Chế định pháp luật

Chế định pháp luật là một tập hợp gồm hai hay một số quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính chất chung và liên hệ mật thiết với nhau.

c) Ngành luật

Ngành luật là tổng hợp các chế định pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất.

Một số nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất hợp thành đối tượng điều chỉnh của một ngành luật.

>>> Xem thêm: 12 ngành luật cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam

d) Hệ thống các ngành luật của nước ta hiện nay

Hệ thống các ngành luật là tổng hợp các ngành luật có quan hệ thống nhất nội tại và phối hợp với nhau nhằm điều chỉnh các quan hệ trong các lĩnh vực khác nhau.

Ở nước ta hiện nay có các ngành luật cụ thể sau:

Luật Nhà nước là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực Nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,…

Luật hành chính gồm tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là các quan hệ xã hội nảy sinh trong quá trình quản lý nhà nước.

Luật tài chính gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hoạt động thu chi tài chính của Nhà nước.

Luật đất đai gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý và sử dụng đất.

Luật dân sự gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản dưới hình thức hàng hóa – tiền tệ và một số quan hệ nhân thân phi tài sản như quyền sáng chế, phát minh khoa học công nghệ và sáng tác các tác phẩm  văn học nghệ thuật.

Luật lao động gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động (cá nhân hoặc tổ chức) trong các quan hệ trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Luật hôn nhân và gia đình gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hôn nhân và gia đình (quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh do việc kết hôn giữa nam và nữ).

Luật tố tụng dân sự gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ giữa cơ quan xét xử, viện kiểm sát nhân dân các cấp, đương sự và những người tham gia khác trong quá trình điều tra và xét xử những vụ án dân sự.

Luật hình sự gồm những quy phạm pháp luật quy định hành vi nào là tội phạm và phải chịu hình phạt như thế nào.

Luật tố tụng hình sự gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong việc điều tra, truy tố, xét xử những vụ án hình sự.

Luật kinh tế là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình quản lý, lãnh đạo họat động kinh tế của Nhà nước và trong hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, đơn vị kinh tế.

Ngoài ra, bên cạnh hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia còn tồn tại hệ thống pháp luật quốc tế. Những quy phạm của luật quốc tế được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia và thể hiện ý chí chung của quốc gia đó.

Luật quốc tế bao gồm:

Công pháp quốc tế là tổng hợp những nguyên tắc, những chế định, những quy phạm được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế xây dựng nên trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng.

Tư pháp quốc tế bao gồm những nguyên tắc và những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân – gia đình, lao động và tố tụng dân sự nảy sinh giữa các công dân, các tổ chức thuộc các nước khác nhau.

2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (hình thức biểu hiển bên ngoài của hệ thống pháp luật)

Văn bản luật

a) Khái niệm

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật là hình thức biểu hiện mối liên hệ bên ngoài của pháp luật bằng các loại văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao thấp khác nhau do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo một trình tự và thủ tục do pháp luật quy định, nhưng đều tồn tại trong thể thống nhất.

b) Đặc điểm

Các văn bản quy phạm pháp luật tạo nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có các đặc điểm:

– Nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật là các quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

– Các văn bản quy phạm pháp luật có tên gọi khác nhau (luật, pháp lệnh, nghị định,…) do Hiến pháp quy định. Giá trị pháp lý của chúng cao thấp khác nhau do vị trí của cơ quan Nhà nước trong bộ máy nhà nước quy định.

– Các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trong không gian (hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ), hiệu lực theo thời gian (bắt đầu có hiệu lực hay hết hiệu lực) và hiệu lực theo nhóm người (có hiệu lực đối với nhóm người này mà không có hiệu lực đối với nhóm người khác.

Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật gồm các văn bản có giá trị pháp lý như sau:

– Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

– Các Đạo luật (Bộ luật) là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp. Đạo luật và Bộ luật đều là những văn bản có giá trị pháp lý cao, chỉ đứng sau Hiến pháp.

– Nghị quyết của Quốc hội thường được ban hành để giải quyết các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng thường mang tính chất cụ thể.

– Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành.

– Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước: theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước ban hành lệnh để công bố Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh; ban hành quyết định để giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của mình như quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định đại xá,…

– Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của thủ tướng Chính phủ.

Các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có giá trị pháp lý thấp hơn Pháp lệnh và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

– Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

– Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao;

– Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị – xã hội.

– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải phù hợp và không được trái hoặc mâu thuẫn với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước Trung ương, với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp trên và Ủy ban nhân dân cấp trên.

– Quyết định, chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND các cấp.

Quyết định, chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND cấp nào thì có giá trị pháp lý trong địa hạt của cấp đó.

Câu hỏi ôn tập về Hệ thống pháp luật:

  • Phân tích cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật Việt Nam

  • Phân tích hình thức biểu hiện bên ngoài của hệ thống pháp luật Việt Nam

  • Vẽ sơ đồ khái quát hệ thống pháp luật Việt Nam

  • Thành tựu của hệ thống pháp luật Việt Nam

  • Nhận xét về hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay


Các tìm kiếm liên quan đến Hệ thống pháp luật, sơ đồ hệ thống pháp luật việt nam, hệ thống pháp luật là gì, vẽ sơ đồ khái quát hệ thống pháp luật việt nam, các ngành luật trong hệ thống pháp luật việt nam, nhận xét về hệ thống pháp luật việt nam hiện nay, bài giảng hệ thống pháp luật việt nam, thành tựu của hệ thống pháp luật việt nam, chế định pháp luật

Hệ thống các ngành luật là gì?

Hệ thống các ngành luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất và phối hợp với nhau được phân chia thành các chế định pháp luật và các ngành luật gồm:
– Quy phạm pháp luật
– Chế định pháp luật
– Ngành luật
– Hệ thống các ngành luật của nước ta hiện nay

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật là gì?

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật là hình thức biểu hiện mối liên hệ bên ngoài của pháp luật bằng các loại văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao thấp khác nhau do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo một trình tự và thủ tục do pháp luật quy định, nhưng đều tồn tại trong thể thống nhất.

5/5 - (27224 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền