Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân BLHS 1999.
Các nội dung liên quan:
- Tội phản bội Tổ quốc theo quy định của Bộ luật hình sự 2015
- Tội phá hoại chính sách đoàn kết tại Bộ luật hình sự 2015
- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ tại Bộ luật hình sự 2015
- Tội chống phá cơ sở giam giữ tại Bộ luật hình sự 2015
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo quy định của BLHS 2015
1. Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là gì?
Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được hiểu là hành vi hoạt động nhằm thành lập tổ chức hoặc tham gia các tổ chức với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân.
2. Các yếu tố cấu thành tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
2.1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:
a) Có hành vi tiến hành các hoạt động nhằm thành lập tổ chức phản động, hành vi này thể hiện qua việc vạch kế hoạt thành lập tổ chức phản động, đề ra chủ trương, đường lối hoạt động, tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp người vào tổ chức… với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (như: Soạn thảo cương lĩnh, điều lệ, kế hoạch, chương trình hoạt động, lời kêu gọi, tài liệu huấn luyện…)
Hoạt động thành lập các tổ chức bao gồm các hoạt động chuẩn bị thành lập tổ chức, đã hoặc đang tiến hành thành lập tổ chức phản động.
b) Có hành vi tham gia tổ chức phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Được hiểu là trường hợp có người phạm tội tuy không tham gia thành lập tổ chức phản động nhưng biết rõ mục đích của tổ chức là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và đã tán thành cương lĩnh, điều lệ, tự nguyện đứng vào trong hàng ngũ của tổ chức phản động đó.
Chính quyền nhân dân là bộ máy Nhà nước được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Bộ máy nhà nước Việt Nam gồm có bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã.
Lưu ý: Người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
2.2. Khách thể
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, uy hiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của chính quyền nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương.
2.3. Mặt khách quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Nghĩa là mục đích thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập một nhà phản động. Mục đích nêu trên là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
2.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Về hình phạt
Hình phạt của tội phạm này được chia thành 03 khung, cụ thể như sau:
a) Khung một (khoản 1).
Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc từ hình (áp dụng đối với trường hợp người tổ chức, xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng).
b) Khung hai (khoản 2).
Có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm (áp dụng đối với người đồng phạm khác)
c) Khung ba (khoản 3).
Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội).
4. Hình phạt bổ sung
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để lại một phản hồi