Phân tích dấu hiệu Năng lực trách nhiệm hình sự?

Chuyên mụcLuật hình sự Trách nhiêm hình sự

Năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình, khả năng điều khiển hành vi đó và khả năng gánh lấy hậu quả pháp lý là trách nhiệm hình sự từ hành vi nguy hiểm gây ra. Như vậy, năng lực trách nhiệm hình sự được hợp thành từ hai yếu tố: (1) khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, và (2) tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

 

Xem thêm: 

 

1. Khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi

Một người có thể là chủ thể của tội phạm phải có khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi đó (khả năng kiềm chế hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và lựa chọn một hành vi khác trong khi có đủ điều kiện lựa chọn) theo những yêu cầu chung của xã hội. Chỉ “trong tự ý thức, con người tách mình và độc lập mình với thế giới xung quanh, xác định vị trí của mình trong những quan hệ tự nhiên và xã hội. Từ đó hình thành nên những cá nhân, những chủ thể có ý thức đầy đủ về hoạt động của mình, chịu trách nhiệm về hành vi của mình.” Năng lực nhận thức có ở mỗi con người từ khi mới sinh ra. Nó phát triển và hoàn thiện theo sự phát triển của cấu tạo sinh học cơ thể con người qua quá trình lao động và giáo dục trong xã hội. Đến một thời điểm nhất định trong đời sống của con người thì năng lực này mới được xem là tương đối đầy đủ. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định dựa trên cơ sở này. Như vậy, năng lực trách nhiệm hình sự hình thành trên hai cơ sở: sự phát triển sinh học của cơ thể và đời sống xã hội. Con người sống trong xã hội trong một thời gian xác định sẽ nhận thức được những yêu cầu tất yếu của xã hội. Những yêu cầu đó là những đối tượng mà luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, sự phát triển sinh học của con người cũng rất quan trọng vì đôi khi nó loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn năng lực nhận thức (do các bệnh gây rối loạn hoạt động của bộ não). Vì vậy, Bộ luật hình sự đã quy định các trường hợp mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi tại Điều 13 Bộ luật hình sự.

Bộ luật hình sự không quy định một người như thế nào là thoả mãn điều kiện về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi mà chỉ đề cập đến trường hợp người mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi. Như vậy, luật hình sự Việt nam đã chính thức thừa nhận một người khi đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi là chủ thể của tội phạm.

Một người phát triển bình thường về sinh lý khi đã đạt một độ tuổi nhất định sẽ có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu sinh lý phát triển không bình thường (mắc các loại bệnh gây mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì sẽ không có năng lực trách nhiệm hình sự. Khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành quy định:
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”.

Như vậy, có hai dấu hiệu để nhận biết một người không có năng lực trách nhiệm hình sự ở góc độ này là: dấu hiệu y học (bệnh lý) và dấu hiệu tâm lý.

– Dấu hiệu y học (điều kiện cần):

Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc hoạt động tinh thần bị rối loạn. Các loại bệnh này có thể là mãn tính hoặc đột ngột nhất thời. Có thể kể đến một số loại bệnh như tâm thần ở các thể trầm trọng, bệnh si ngốc (ngu, đần, thộn), hoặc hoạt động tinh thần bị rối loạn do các bệnh khác như sốt rét ở nhiệt độ quá cao gây mê sảng.

– Dấu hiệu tâm lý (điều kiện đủ):

Dấu hiệu này đòi hỏi một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Năng lực nhận thức thể hiện ở sự hiểu biết các yêu cầu tất yếu của xã hội liên quan đến hành vi mà mình thực hiện, năng lực suy xét hành vi đó có nên làm hay không. Từ đó, người đó sẽ biết tự điều khiển hành vi của mình, kiềm chế những hành vi không phù hợp với yêu cầu của xã hội. Từ “hoặc” nói ở Điều 13 cho phép ta khẳng định, tiêu chuẩn tâm lý chỉ yêu cầu một người hoặc là mất khả năng nhận thức hay mất khả năng điều khiển hành vi, một trong hai dấu hiệu đó đã thoả mãn thì dấu hiệu này coi như thoả mãn. Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận, một người tuy bình thường vẫn nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình nhưng trong những điều kiện cụ thể do những xung động bệnh lý mà không còn khả năng điều khiển hành vi của mình thì cũng được xem là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Một người được xem là không thoả mãn dấu hiệu về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi phải đảm bảo đồng thời hai dấu hiệu y học và tâm lý. Hai dấu hiệu này có mối quan hệ chặt chẽ nhau, dấu hiệu y học với vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý giữ vai trò là kết quả. Tiêu chuẩn y học là điều kiện cần để xem xét người đó có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Tiêu chuẩn tâm lý là điều kiện đủ để xác định người đó không có năng lực trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, chúng ta không thể kết luận một người mắc bệnh tâm thần là tất yếu phải dẫn đến mất năng lực trách nhiệm hình sự. Điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phụ thuộc vào loại bệnh đó. Trong trường hợp bệnh chưa dẫn đến người đó mất hoàn toàn khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ.

Tiêu chuẩn y học là điều kiện cần. Vì thế, trong thực tế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định sẽ cho biết người đó có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình hay không khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đây là việc làm bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người theo quy định của luật tố tụng hình sự. Và như thế, tất cả những trường hợp không thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự. Và nên nhớ rằng, tình trạng trên phải hiện hữu khi người đó đang thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Có thể tóm tắt những trường hợp mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự do thiếu dấu hiệu khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi như sau:

– Bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức;

– Bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức;

– Bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng điều khiển hành vi;

– Bệnh khác dẫn đến mất khả năng điều khiển hành vi.

Một vấn đề đặt ra là có một số người khi đã quá say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác cũng có thể dẫn đến một trong hai khả năng là mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, người thực hiện hành vi phạm tội không được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Chúng ta đã biết, dùng rượu hoặc dùng chất kích thích mạnh ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người đã sử dụng, trong những trường hợp cụ thể có thể dẫn đến mất hẳn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Dù vậy, người bị lâm vào tình trạng hạn chế hoặc mất hẳn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trong trường hợp này không được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Sở dĩ luật quy định như vậy là vì trong trường hợp này người phạm tội đã lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi nhưng tình trạng đó là kết quả của sự lựa chọn chủ quan người đó. Bản thân họ đã tự tước bỏ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Hay nói đúng hơn là họ có lỗi trong việc gây ra tình trạng mất năng lực của mình và do đó cũng bị xem là có lỗi trong khi thực hiện hành vi phạm tội. Đứng ở góc độ xã hội, say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Việc buộc người phạm tội trong tình trạng say biểu hiện thái độ nghiêm khắc, sự lên án đối với một hiện tượng tiêu cực này.

 

Một câu hỏi đặt ra ở đây là đối với những người đã lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi mà phạm tội thì vấn đề lỗi được xác định như thế nào? Trong Luật hình sự Việt Nam hiện hành ghi nhận bốn lọai lỗi là cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp, vô ý vì quá tự tin, và vô ý do cẩu thả. Đối với một người say trong trường hợp này, lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội không thể có loại lỗi cố ý trực tiếp vì khi phạm tội, họ không nhận thức được mình đang làm gì, muốn gì. Đối với lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi, người đó phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, hậu quả sẽ xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Hiện nay, trong pháp luật hình sự, lý luận Luật hình sự Việt Nam cũng như thực tiễn vẫn chưa thừa nhận một người say bệnh lý dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi mà thực hiện hành vi phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Trong thực tiễn xét xử của chúng ta đã từng có kết luận một người phạm tội do say bệnh lý nhưng vẫn bị tuyên án tù chung thân. Đó là trường hợp của Phạm Đình Tứ.

Say bệnh lý là trường hợp một người không có lỗi trong tình trạng say của mình, nghĩa là họ không có lỗi trong việc đặt mình vào trạng thái mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Theo chúng tôi, về mặt lập pháp cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cần cân nhắc đến vấn đề miễn trách nhiệm hình sự đối với người say bệnh lý mà phạm tội. Ở một số nước thuộc Cộng hoà Liên Xô (cũ) đã coi trường hợp say bệnh lý mà phạm tội được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Từ lý luận trên, ta có thể đề xuất hai trường hợp bị lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi khi phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự là không có lỗi trong tình trạng say (do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh) và say bệnh lý. Không có lỗi trong tình trạng say của mình là không phải chủ quan đặt mình vào tình trạng say đó mà kết quả của tình trạng say là do một tác động khách quan. Say bệnh lý là trường hợp cơ thể bị phản ứng mạnh với một chất nào đó (có thể là rượu). Khi tác động với cơ thể, chất đó sẽ gây ra tình trạng rối loạn hoạt động bình thường của thần kinh, gây mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Với việc phản ứng này của cơ thể, người sử dụng không biết trước được nên đã vô tình để mình lâm vào tình trạng mất năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu biết trước được thì không được xem là trường hợp miễn trách.

 

2. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Con người từ khi sinh ra đã có ý thức nhưng không phải có ý thức là có năng lực trách nhiệm hình sự mà phải qua một quá trình phát triển về tâm, sinh lý trong điều kiện xã hội nhất định thì năng lực đó mới hình thành. Chúng ta đã biết, năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực tự nhận thức về tính nguy hiểm của hành vi và khả năng điều khiển hành vi của con người. Mỗi người có sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý đến một giai đoạn nhất định trong đời sống sẽ hoàn thiện năng lực này và khi đó họ được coi là chủ thể của tội phạm. Giai đoạn hoàn chỉnh này trong đời sống của mỗi cá nhân được luật hình sự mỗi nước trên thế giới quy định không giống nhau. Việc làm này phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý (thể chất, trí tuệ) của con người ở mỗi quốc gia vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Chẳng hạn, tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Anh là từ 8 tuổi, ở Mỹ và các nước đạo Hồi (Ai-cập, Irắc, Li-băng…) là từ 7 tuổi, ở Nga từ 14 tuổi, ở Thuỵ Điển từ 15 tuổi, ở Canada từ 12 tuổi, Pháp từ 13 tuổi…v.v…

Điều 12 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định:

 

1. Người từ đủ 16 tui trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

 

Quy định trên đây của luật hình sự Việt nam dựa trên những khảo sát về tâm, sinh lý của người Việt nam. Đồng thời, nó cũng xuất phát từ yêu cầu của chính sách hình sự nước ta và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở tuổi vị thành niên, chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định này, người từ chưa đủ 14 tuổi trở xuống sẽ được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được xem là năng lực trách nhiệm hình sự còn hạn chế và chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định (phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này). Người từ đủ 16 tuổi trở lên được xem là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ và phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Thông thường, một người không mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (quy định tại Điều 13) và đạt độ tuổi nhất định (quy định tại Điều 12) được xem là có năng lực trách nhiệm hình sự và có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Những người đạt các điều kiện chung đó được xem là chủ thể thường của tội phạm. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự, có một số tội phạm mà nếu chỉ thoả mãn các điều kiện của chủ thể thường của tội phạm thì không thể trở thành chủ thể của các tội phạm đó mà đòi hỏi phải có thêm một số dấu hiệu đặc biệt tuỳ theo tội phạm đó là tội phạm gì. Những chủ thể như thế lý luận Luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt của tội phạm.

 

 

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền