Tội phá hoại chính sách đoàn kết tại Bộ luật hình sự 2015

Chuyên mụcLuật hình sự pha-hoai-chinh-sach-doan-ket

Tội phá hoại chính sách đoàn kết được quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

 

Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

Bình luận Tội phá hoại chính sách đoàn kết theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

1. Phá hoại chính sách đoàn kết là gì?

Phá hoại chính sách đoàn kết được hiểu là hành vi chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giao; chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội; phá hoại việc thực hiện các chính sách đoàn kết Quốc tế.

2. Các yếu tố cấu thành tội phá hoại chính sách đoàn kết

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này có một trong các dấu hiệu sau:

a) Có hành vi gây chia rẻ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, vơi chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội. Được thể hiện qua lời nói hoặc việc làm gây hiềm khích, nghi ngờ, bất hợp tác giữa các tầng lớp nhân dân với nhau, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với các cơ quan chính quyền, với tổ chức xã hội (như Hội người cao tuổi, Hội người mù, Hội chữ thập đỏ,…)

b) Có hành vi gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Được thể hiện thông qua hành vi kích động, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử để gây hằn thù, nói xấu, bôi nhọ tập quán của các dân tộc, gây kỳ thị coi thường dân tộc, làm cho các dân tộc không thực hiện được quyền bình đẳng mà pháp luật đã quy định…

c) Có hành vi gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân với tổ chức xã hội. Được thể hiện qua việc lôi kéo, kích động hoặc bằng các thủ đoạn khác làm cho những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo nghi ngờ, xa lánh nhau, gây ra sự bất hợp tác, tình trạng căng thẳng giữa các tín đồ với cơ quan nhà nước các cấp hoặc với các tổ chức chính trị – xã hội

d) Có hành vi phá hoại việc thực hiện các chính sách đoàn kết Quốc tế. Nghĩa là làm cho ác chính sách đó không được thực hiện được hoặc cản trở gây khó khăn, trở ngại cho quá trình thực hiện các chính sách đó.

Lưu ý: Người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xam phạm đến chính sách đoàn kết của Nhà nước.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm suy yếu Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và làm cho các chính sách về đoàn kết dân tộc, các chính sách tôn giáo và các chính sách đoàn kết khác bị vô hiệu hóa. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự

3. Về hình phạt tội phá hoại chính sách đoàn kết

Mức phạt cao nhất của tội này được chia làm 03 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1).

Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

b) Khung hai (khoản 2).

Có mức phạt tù từ 02 đến 07 năm.

c) Khung ba (khoản 3).

Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội).

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cứ trú 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền