Khái quát về Sáng kiến đối tác Chính phủ mở và ý nghĩa của việc tham gia OGP

Chỉnh phủ Việt Nam
(Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Tổ chức nhà nước)

Tóm tắt: Quản trị nhà nước (hay quản trị công) trên thế giới đang chuyển đổi do nhiều yếu tố khách quan và Chính phủ mở là mô hình có tính hợp lý, hiện thực trong tương lai đối với các quốc gia. Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) là một thiết chế quốc tế mở, dân chủ, có lợi ích nhiều mặt cho các nước tham gia. Nếu có quyết tâm chính trị mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một thành viên mới của OGP.

 

Abstract:State governance (or public governance) in the world is under transformation due to several objective factors and Open Government Partnership is a rational and realistic model in the future for all countries. The Open Government Partnership is an international network which is open, democratic andbeneficial for the participating countries. With strong political willlingness, Vietnam is surely able to be a new member of the Open Government Partnership.

 

Sáng kiến đối tác Chính phủ mở và ý nghĩa với Việt Nam

Mục lục:

1. Khái quát về Sáng kiến đối tác Chính phủ mở

2. Ý nghĩa của việc tham gia Sáng kiến đối tác Chính phủ mở

CPmo---VCGiao.so-3.2019_1.jpg

1. Khái quát về Sáng kiến đối tác Chính phủ mở

1.1 Lịch sử và những đặc điểm cơ bản của Chính phủ mở

Trong một vài thập kỷ gần đây, “Chính phủ mở” (Open Government) đã trở thành một khái niệm được nhắc đến ngày càng nhiều trên các diễn đàn quốc tế. Có những định nghĩa ít nhiều khác nhau về “Chính phủ mở”, song tựu trung đều đề cập đến một mô hình chính phủ (và rộng hơn là một nhà nước) được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, có sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, nhận được sự tin cậy và có khả năng đáp ứng hiệu quả các nhu cầu của người dân.

Trong thực tế, Chính phủ mở không phải là khái niệm mới, mà đã được đề cập từ thời kỳ Khai sáng ở châu Âu[1]. Tuy nhiên, nếu như trước đây khái niệm Chính phủ mở đơn thuần chỉ sự công khai trong hoạt động của bộ máy nhà nước, thì ngày nay, thuật ngữ này còn hàm nghĩa một bộ máy chính quyền biết lắng nghe, tôn trọng tâm tư, nguyện vọng, luôn trăn trở làm những gì tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của người dân và thúc đẩy sự phát triển của xã hội[2].

Gắn với mô hình ‘Chính phủ mở’, từ năm 2011, một mạng lưới có tên gọi là Open Government Partnership (Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở – OGP) đã được thành lập bởi 8 nhà lãnh đạo quốc gia và 9 nhà lãnh đạo của các tổ chức xã hội lớn của các quốc gia đó, bao gồm Brazil, Indonesia, Mexico, Na Uy, Phillippines, Nam Phi, Anh và Mỹ[3]. Việc đa số thành viên sáng lập OGP là các nước đang phát triển (Brazil, Indonesia, Mexico, Phillippines, Nam Phi) và có sự tham gia của đại diện của cả chính quyền và các tổ chức xã hội cho thấy những đặc trưng nổi bật của Mạng lưới này, đó là: (i) đây không phải là sáng kiến của các nước giàu, phát triển ở phương Tây áp đặt cho các nước nghèo; (ii) có sự đồng thuận cao giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển; (3) có sự chia sẻ tầm nhìn giữa chính quyền và các tổ chức xã hội, hay rộng hơn, là giữa chính quyền với người dân[4].

Về tính chất, OGP không phải là một điều ước hay tổ chức quốc tế, mà là một mạng lưới cho phép các quốc gia thành viên có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cải cách bộ máy nhà nước theo mô hình ‘Chính phủ mở’. OGP hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản đó là: (i) tăng cường cung cấp thông tin cho công chúng về các hoạt động của nhà nước; (ii) hỗ trợ sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước; (iii) áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về tính liêm chính và chuyên nghiệp cho toàn bộ hệ thống quản trị nhà nước (QTNN); (iv) tăng cường khả năng tiếp cận với các công cụ công nghệ hiện đại nhằm nâng cao tính công khai và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước[5].

Năm 2011, khởi đầu chỉ có 8 nước thành viên nhưng tính đến tháng 6/2018, đã có 76 nước (chính quyền trung ương -national governments), 20 chính quyền địa phương (local governments) tham gia và hơn 3.000 tổ chức xã hội là đối tác (civil society partners) của OGP[6]. Trong số các quốc gia thành viên OGP hiện nay, có 2/3 là các nước đang phát triển. Nhiều quốc gia ở châu Á đã tham gia OGP, trong đó có Indonesia, Philippines, Papua New Guinea và Hàn Quốc… Sự phát triển rất nhanh của OGP, theo lý giải của Bộ trưởng Indonesia Kuntoro Mangkusubroto, là do “OGP tăng cường sự cởi mở nhằm hướng tới mục tiêu chung là một nhà nước quản trị tốt” – điều mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới[7].

1.2 Điều kiện tham gia, cơ chế tổ chức, hoạt động của Chính phủ mở[8]

OGP là một cơ chế quốc tế mở theo đúng nghĩa của nó. Tất cả các nước nếu quan tâm đều có thể tham gia OGP, chỉ với điều kiện bày tỏ cam kết thực hiện Tuyên bố về Chính phủ mở (Open Government Declaration)[9] và đạt được tối thiểu 75% của tổng số 16 điểm (tức 12/16) gắn với 4 tiêu chuẩn hợp lệ tối thiểu(minimum eligibility criteria), bao gồm:

(1) Minh bạch ngân sách (Fiscal Transparency): Tiêu chuẩn này đòi hỏi quốc gia phải công khai hai tài liệu là Dự toán ngân sách của Chính phủ (Executive’s Budget Proposal) và Báo cáo kiểm toán của Nhà nước (Audit Report) (mỗi tài liệu được công bố sẽ được tính 2 điểm). Mục đích để tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước trong việc quản lý ngân sách.

(2) Tiếp cận thông tin (Access to Information): Tiêu chuẩn này đòi hỏi quốc gia phải ghi nhận quyền tự do/tiếp cận thông tin trong pháp luật. Mục đích để bảo đảm quyền của công chúng được thông tin và được tiếp cận với những tài liệu do nhà nước nắm giữ. Theo cách tính của OGP, nếu quốc gia có một đạo luật riêng về vấn đề này sẽ được tính cả 4 điểm; trong trường hợp chưa có luật này nhưng có một điều khoản trong Hiến pháp quy định quyền tiếp cận thông tin sẽ được tính 3 điểm.

(3) Công khai tài sản, thu nhập của quan chức nhà nước (Public Officials Asset Disclosure)Tiêu chuẩn này đòi hỏi quốc gia phải có quy định pháp luật về công khai tài sản và thu nhập của quan chức nhà nước, đặc biệt là các quan chức dân cử và quan chức nhà nước cao cấp. Mục đích để giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng của các quan chức nhà nước. Nếu quốc gia có văn bản pháp luật yêu cầu công khai tài sản và thu nhập của quan chức nhà nước sẽ nhận được cả 4 điểm; nếu pháp  luật chỉ yêu cầu kê khai nhưng chưa công khai rộng rãi thì chỉ được 2 điểm.

(4) Sự tham gia của người dân (Citizen Engagement): Tiêu chuẩn này đòi hỏi quốc gia phải có cơ chế pháp lý bảo đảm người dân được tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách và quản lý nhà nước. Mục đích để tăng cường tính dân chủ trong quản lý nhà nước nói riêng, trong xã hội nói chung. Việc đánh giá tiêu chuẩn này dựa trên Bộ chỉ số về dân chủ của EIU năm 2014 (the 2014 EIU Democracy Index[10]), theo đó quốc gia nào đạt mức từ 7,5/10 điểm về tự do dân sự được 4 điểm; quốc gia nào đạt mức từ 5,2/10 được 3 điểm; quốc gia nào đạt mức từ 2,5/10 được 2 điểm, còn quốc gia nào đạt mức dưới 2,5/10 được 0 điểm.

Một quốc gia được coi là thành viên của OGP (thể hiện ở việc được nêu tên trên trang web của OGP) khi đã thoả mãn các tiêu chuẩn hợp lệ, gửi Thư xin gia nhập và tiến hành xây dựng Kế hoạch Hành động (National Action Plan) về Chính phủ mở của nước mình.

OGP được điều hành bởi một Uỷ ban Thường trực quốc tế gồm đại diện của 11 chính phủ và 11 tổ chức xã hội lớn, được bầu ra trong các kỳ hội nghị OGP. Một Bộ phận Hỗ trợ OGP (OGP Support Unit) được thành lập, đóng vai trò như Văn phòng thường trực của OGP. Ngoài việc cung cấp dịch vụ hành chính, Bộ phận này còn có chức năng liên lạc, phối hợp và tổ chức các bên liên quan để thực hiện các quyết sách của OGP.

OGP yêu cầu các quốc gia thành viên tham gia hai hình thức báo cáo (reporting) và đánh giá (assessment) để bảo đảm thực thi các cam kết về Chính phủ mở: thứ nhất, Báo cáo tự đánh giá hàng năm (Annual Self-assessment Report) trong đó chỉ ra thực trạng và những tiến bộ trong việc thực thi các cam kết về Chính phủ mở theo từng năm; thứ hai, quy trình đánh giá hai năm một lần (bi-annual assessment) theo Cơ chế báo cáo độc lập (Independent Reporting Mechanism – IRM), để đánh giá tình trạng xây dựng và thực thi các kế hoạch hành động, những tiến bộ trong việc thực hiện nguyên tắc Chính phủ mở ở mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên OGP cũng có nghĩa vụ đóng góp vào sự tiến triển của Chính phủ mở ở các quốc gia thành viên khác, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, trợ giúp kỹ thuật, công nghệ, các nguồn lực cần thiết khác.

1.3 Vai trò, ý nghĩa của Chính phủ mở với các quốc gia

Trong thực tế, tất cả các nước thành viên đều sử dụng OGP như một công cụ để tăng cường hiệu quả QTNN, củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước và nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của đất nước trên trường quốc tế. Thông qua việc tham gia OGP, một quốc gia đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ cam kết tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng, với mục đích đem lại sự ổn định và phát triển phồn vinh cho đất nước[11].

Việc tham gia OGP cũng đồng nghĩa với việc một quốc gia nhấn mạnh cam kết thực thi Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) – điều ước quốc tế có tính toàn cầu về vấn đề này hiện nay[12]. Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, việc tham gia OGP còn mở ra một triển vọng mới cho việc cải cách QTNN theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung trên thế giới cũng như đáp ứng các yêu cầu của toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, các mô hình nhà nước phúc lợi, nhà nước kế hoạch hoá tập trung, và cả nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển (theo mô hình Nhật Bản, Hàn Quốc[13]) đều đã không còn phù hợp với thế kỷ 21, bởi các mô hình này đều lấy nhà nước làm trung tâm, xem nhẹ vai trò và sự tham gia của người dân, vì vậy khó có thể tạo ra sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Thế kỷ 21, với những yếu tố đặc trưng như toàn cầu hoá, dân chủ hoá, kinh tế thị trường và cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi cách thức QTNN cũng phải thay đổi so với trước đây. OGP là biểu hiện cho mô hình QTNN mới (new public governance) được khởi xướng kể từ thập kỷ 1980, trong đó lấy người dân làm trung tâm (citizen-centered governance)[14]. Trong mô hình này, các nhà nước vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng cách thức quản lý, sử dụng quyền lực không còn mang tính chất chuyên chế, mệnh lệnh hành chính một chiều như trước đây. Thay vào đó, nhà nước tích cực hợp tác, phối hợp với các chủ thể khác như người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách công. Trong QTNN kiểu mới, người dân giữ vị trí trung tâm, chủ động, tích cực tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào mọi hoạt động của nhà nước. Trong khi đó, các tổ chức xã hội là những chủ thể không thể thiếu trong QTNN, đóng vai trò cầu nối giữa người dân và nhà nước. Bằng cách đó, QTNN có tính dân chủ cao, tạo ra sự đồng thuận xã hội lớn (xem bảng dưới đây).

Quản trị nhà nước kiểu cũ

Quản trị nhà nước kiểu mới

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, điều hành, thậm chí độc tôn (Nhà nước “mạnh”) Nhà nước giữ vai trò điều tiết, trọng tài, có sự tham gia của nhiều chủ thể (Nhà nước “yếu”)
Hành chính, mệnh lệnh, tính “chuyên chế” cao Hợp tác, phối hợp, tính dân chủ cao (các tiêu chí quản trị dân chủ/quản trị tốt)
Dịch vụ công do nhà nước cung cấp Dịch vụ công do nhà nước và nhiều chủ thể khác cùng cung cấp
Quản lý kinh tế tập trung, nhà nước là chủ thể chính Kinh tế thị trường, nhà nước giữ vai trò kiến tạo

2. Ý nghĩa của việc tham gia Sáng kiến đối tác Chính phủ mở

Là một sáng kiến quốc tế nổi bật nhất trong mấy thập kỷ gần đây, OGP có ý nghĩa tích cực với tất cả các nước tham gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, ý nghĩa của việc tham gia OGP thể hiện như sau[15]:

Thứ nhất, OGP giúp gia tăng niềm tin của người dân với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước

Ở mọi quốc gia, từ trước tới nay, niềm tin của người dân với nhà nước được xây dựng dựa trên tính hiệu quả trong hai lĩnh vực chính: (i) hiệu quả bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia trước sự xâm phạm của các thế lực bên ngoài; (ii) hiệu quả quản trị đất nước, phòng chống tham nhũng. Về khía cạnh thứ hai, ngay từ thế kỷ thứ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn đã khẳng định, một trong 5 nguy cơ dẫn đến mất nước (mà trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, cũng có thể hiểu là nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ), là tham nhũng tràn lan – hệ quả của quản trị đất nước yếu kém[16].

Kể từ Đổi mới (1986), Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã từng bước thực hiện cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả QTNN và phòng chống tham nhũng (PCTN) song hiệu quả QTNN của Việt Nam hiện vẫn còn thấp, tình trạng tham nhũng vẫn còn phổ biến và có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Thực trạng đó làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước[17]. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nếu chống tham nhũng không được thì Đảng sẽ “… mất lòng tin của dân”[18].

Trong bối cảnh kể trên, việc tham gia OGP cung cấp một cơ chế mới để thúc đẩy quản trị tốt và PCTN, do vậy sẽ giúp gia tăng niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo và năng lực quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, OGP giúp đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế quản lý nhà nước ở Việt Nam

Thể chế quản lý là tập hợp các quy tắc chi phối sự thành lập và vận hành của bộ máy nhà nước. Cải cách thể chế là việc sửa đổi, bổ sung các quy tắc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xã hội của nhà nước, trong đó bao gồm việc cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cải cách thể chế QTNN hiện là vấn đề cấp thiết, trọng tâm và được xem là một khâu đột phá cho sự phát triển của Việt Nam[19]. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm thực tế là “thể chế hiện hành đang có những điểm dung dưỡng tham nhũng… Nguyên tắc “công khai”, “minh bạch” trong QTNN không được tuân thủ. Quan hệ “xin – cho” vẫn còn dai dẳng, các vụ chạy chức, chạy tội… còn tiếp diễn. Tham nhũng đã trở nên tinh vi, khó phanh phui”[20].

Ở góc độ rộng hơn, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ (Báo cáo Việt Nam 2035) khẳng định: “Cấu trúc quản trị của Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi. Các thể chế tuy phù hợp trong việc đưa đất nước trở thành một nước thu nhập trung bình thấp nhưng nay đã bộc lộ những nhược điểm, nếu không được xử lý quyết đoán, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình trở thành một nước thu nhập trung bình cao”[21].

Thực trạng kể trên cũng đã được nhận diện trong Văn kiện Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, “Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cải cách hành chính và năng lực tạo dựng thể chế để bảo đảm cho doanh nghiệp, người dân tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế”[22]. Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng lần thứ 12 đặt ra nhiệm vụ: “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng”[23] và tiếp tục xác định đây là một trong ba đột phá chiến lược để đưa đất nước tiến lên.

Việc tham gia OGP sẽ tạo ra bước ngoặt trong cải cách thể chế QTNN ở Việt Nam. Với việc thực thi bốn nguyên tắc cơ bản, OGP sẽ góp phần trực tiếp giải quyết những điểm yếu nhất trong thể chế QTNN ở Việt Nam hiện nay, trong đó bao gồm: “…thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu trong bộ máy chính quyền;… và sự tham gia rất hạn chế của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách”[24].

Thứ ba, OGP giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và với khối doanh nghiệp

QTNN còn yếu với biểu hiện cụ thể là tình trạng tham nhũng còn phổ biến đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, cũng như với giới doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một vài ví dụ, tham nhũng trong sử dụng ODA đã từng khiến Nhật Bản tuyên bố tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam vào các năm 2008 và 2012[25]; Đan Mạch cũng dừng 3 dự án ODA về chống biến đổi khí hậu cho Việt Nam cũng vì nghi ngờ tham nhũng vào giữa năm 2012[26].

Đối với giới doanh nghiệp, tham nhũng làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài và tạo ra bất công giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các dự án đầu tư công. Một ví dụ cụ thể, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, 15 năm ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, tính đến 20/6/2015, Mỹ mới có 748 dự án với tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ USD, chỉ đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) cho rằng: “Nhà đầu tư Mỹ không muốn phải lòng vòng xin – cho, mà muốn các chính sách pháp luật rõ ràng, minh bạch và có tính tiên liệu cao”[27].

Theo Báo cáo hàng năm về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), mức độ hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ hành chính công ở cấp tỉnh trong bốn lĩnh vực PAPI đo lường còn thấp và hầu như không thay đổi qua các năm gần đây[28], trong khi lẽ ra vấn đề quản trị công cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Trong bối cảnh nêu trên, việc cải thiện niềm tin của các doanh nghiệp và đối tác nước ngoài với Nhà nước đang là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tham gia OGP sẽ giúp giải quyết các yêu cầu cấp thiết về nâng cao hiệu quả quản trị công và PCTN, từ đó nâng cao uy tín của Nhà nước với người dân và khối doanh nghiệp. Không chỉ vậy, do bản chất của OGP là chia sẻ tầm nhìn và đẩy mạnh chiều sâu của dân chủ cũng như cơ chế quản trị tốt hơn cho người dân – đây là những yếu tố nâng cao “quyền lực mềm”, hay ảnh hưởng của một quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Theo nghĩa đó, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế sẽ được cải thiện rất nhiều nếu tham gia OGP.

Thứ tư, OGP giúp Nhà nước Việt Nam tận dụng sự ủng hộ và trợ giúp của cộng đồng quốc tế và người dân để nâng cao hiệu quả QTNN

Một trong những nghĩa vụ của các quốc gia thành viên OGP là đóng góp vào sự tiến triển của Chính phủ mở ở các quốc gia thành viên khác, qua việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cũng như các nguồn lực cần thiết.

Như vậy, tham gia OGP sẽ trao cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cơ hội trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong một mạng lưới toàn cầu và tiếp nhận những nguồn trợ giúp vật chất và kỹ thuật để nâng cao hiệu quả QTNN của nước mình. Trong thực tế, OGP đã và đang được ngày càng nhiều tổ chức quốc tế, ví dụ như Minh bạch Quốc tế (TI), vận dụng như là một công cụ hỗ trợ thúc đẩy các nỗ lực quản trị tốt. OGP cũng nhận được các cam kết ngày càng gia tăng của các đối tác đa phương và các NGOs (Tổ chức phi chính phủ) quốc tế như UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc), WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), Đối tác Minh bạch ngân sách[29]… Các nhà tài trợ đa phương đã vận dụng OGP để thiết kế các hỗ trợ kỹ thuật của họ ở nhiều quốc gia, ví dụ như OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) hỗ trợ Tunisia…[30].

Đối với người dân, một trong những nguyên tắc của OGP là tăng cường sự tham gia của người dân vào QTNN. Trong khuôn khổ của OGP, sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân với Nhà nước thể hiện rõ nhất trong việc giúp kiểm soát sự lạm quyền của các cơ quan và công chức nhà nước, thông qua việc phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng. Không chỉ vậy, OGP còn thúc đẩy tiến trình mà trong đó người dân cũng được tham gia một cách thực chất và hiệu quả vào quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước, cũng như vào việc giám sát thực hiện các quyết định, chính sách đó. Về vấn đề này, một nghiên cứu uy tín gần đây đã cho thấy: “Việt Nam rất có triển vọng phát triển nền QTNN hiện đại thông qua việc thực hiện quy trình tham gia của mọi công dân. Một khi người dân thấy được quyền lợi thích đáng của mình trong việc tham gia xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách, họ sẽ sẵn sàng và chủ động tham gia vào toàn bộ quy trình chính sách và cùng hướng tới những mục tiêu chung của đất nước. Người dân sẽ chủ động học hỏi, tìm kiếm tri thức để đóng góp thông tin đầu vào có ý nghĩa nhằm cải thiện và đổi mới chính sách. Từ góc độ của người dân, một khi người dân tham gia tích cực hơn vào các quy trình chính sách, tính chính danh và phù hợp của chính sách sẽ được đảm bảo, và việc tuân thủ pháp luật sẽ được cải thiện”[31]. Bên cạnh đó, việc tham gia OGP sẽ góp phần tạo nên niềm tin, sinh khí mới cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động PCTN, khắc phục tình trạng hình thức trong vấn đề này mà theo như nhận định của nguyên Chủ tịch Quốc hội Khoá 13 Nguyễn Sinh Hùng và nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Khoá 13 Ksor Phước (2015): “Người dân mất lòng tin….” và “Người dân… chán..” đấu tranh chống tham nhũng, vì “.. đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì…” [32].

Thứ năm, OGP giúp Nhà nước Việt Nam thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế và văn bản pháp luật quốc gia về PCTN

Việc tham gia OGP sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thực thi pháp luật về PCTN ở Việt Nam. Với bốn nguyên tắc đã nêu ở các phần trên, có thể xem OGP là một cơ chế bổ sung có tác dụng trực tiếp thúc đẩy việc thực thi Công ước Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2009, cũng như Luật PCTN năm 2005 (sửa đổi các năm 2007, 2012, 2018). Tác động tích cực của OGP mang tính chất tổng thể, song đặc biệt gắn kết với một số quy định cốt lõi của UNCAC và Luật PCTN, như các quy định về thực hiện công khai minh bạch và cải cách hành chính (Điều 10 UNCAC, Chương I Luật PCTN) và các quy định về sự tham gia của người dân và xã hội trong PCTN (Điều 13 UNCAC, Chương VI Luật PCTN)…

Ngoài ra, OGP còn góp phần thực hiện các hiệp định thương mại tự do (free trade agreements – FTA) của Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA), trong số đó có những FTA đa phương lớn như Hiệp định hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu; FTA Việt Nam – Hàn Quốc; tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), [33] và đặc biệt gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP). Những FTA này đã và đang mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển, tuy nhiên, việc tham gia các FTA cũng tạo ra áp lực cho quá trình đổi mới thể chế, cải cách nền QTNN của Việt Nam. Nhiều FTA, trong đó có WTO và CTTPP, đã đặt ra những yêu cầu rất cụ thể về cải cách thể chế QTNN của các quốc gia thành viên theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn.

Thứ sáu, việc tham gia OGP sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác mang tính xây dựng giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc cải thiện chất lượng QTNN

Sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức xã hội trong QTNN là một xu thế rõ ràng ở Việt Nam. Nếu như trước hay trong thời kỳ đầu của Đổi mới, sự tham gia mới chỉ gói gọn trong các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, thì nay các tổ chức khoa học kỹ thuật, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức phi chính phủ đều có những đóng góp trong việc tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và chất lượng dịch vụ công. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PAPI hay Dự án thí điểm Dân chấm điểm M-Score (Thẻ đánh giá chất lượng dịch vụ công trên điện thoại) của tổ chức Oxfam[34] là ví dụ về những đóng góp đó[35]. Tuy nhiên, những đóng góp này mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin hữu ích cho chính quyền. OGP, với phương châm Nhà nước cùng các tổ chức xã hội xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, sẽ nâng tầm vai trò và sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội và các các cơ quan nhà nước trong quản lý nhà nước và xã hội ở Việt Nam – điều đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ lần thứ IX – XII, và đặc biệt là trong Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội[36]. Theo hướng đó, OPG sẽ góp phần giải quyết một hạn chế là tính hình thức trong việc bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội và người dân vào QTNN ở Việt Nam hiện nay, như đã được chỉ ra cả trong Báo cáo PAPI năm 2015[37] và Báo cáo Việt Nam 2035[38].

Thứ bảy, tham gia OGP sẽ giúp Việt Nam định vị tốt hơn trong cuộc cạnh tranh trong ASEAN và toàn cầu để thu hút FDI chất lượng cao

Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cơ bản vẫn vì lợi thế giá nhân công rẻ và chi phí bảo vệ môi trường thấp. Những sức hút đầu tư như vậy sẽ giảm sút và kết thúc cùng với sự gia tăng thu nhập của người dân Việt Nam và việc thắt chặt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của Nhà nước. Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể sẽ xảy ra trong một thời điểm không xa này.

Phương án thay thế là thu hút đầu tư chất lượng cao (đầu tư vào nghiên cứu phát triển) với hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi một môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiên lượng và những thiết chế mạnh để thực thi những quy định của luật pháp. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, môi trường đầu tư, chất lượng thể chế và luật pháp bao gồm các yếu tố cấu thành như tiếng nói và trách nhiệm giải trình, ổn định chính trị, tính hiệu quả của chính phủ, chất lượng pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh, pháp quyền và kiểm soát tham nhũng, là yếu tố quan trọng thứ hai sau độ lớn và tiềm năng của thị trường trong việc quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư đối với những dự án đầu tư có giá trị gia tăng lớn[39]. Như vậy, tham gia OGP sẽ giúp đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế QTNN, tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của công dân. Điều này góp phần cải thiện môi trường đầu tư và tăng tính hấp dẫn của Việt Nam đối với những nhà đầu tư chất lượng cao.

Tóm lại, các nhà nước trên thế giới đang chuyển đổi. Nhận thức và những biểu hiện thực tế về vị trí, vai trò, chức năng, cách thức quản trị của các nhà nước đã và đang thay đổi rất nhiều so với trước đây. Sự chuyển đổi đó do nhiều yếu tố khách quan chi phối, dựa trên cơ sở lý luận về QTNN mới được thể hiện rõ rệt nhất qua mô hình Chính phủ mở. Mặc dù vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể, song các lý thuyết về QTNN mới và Chính phủ mở đang được hoàn thiện và đã chứng minh tính chất hợp lý, hiện thực của nó trong thực tế thông qua OGP. QTNN mới và biểu hiện của nó là Chính phủ mở là xu thế mang tính quy luật trên thế giới trong thế kỷ 21. Xét tổng quát, không quốc gia nào có thể đứng ngoài hay đi ngược quy luật đó. Việt Nam trong thực tế đang vận động phù hợp với quy luật chung, song vẫn còn nhiều điều phải làm để bắt kịp tốc độ của các quốc gia trên thế giới, mà một trong những việc nên làm trong thời gian tới là nghiên cứu tham gia OGP.

Là sáng kiến quốc tế nổi bật nhất hiện nay nhằm thúc đẩy quản trị tốt, thông qua việc gia tăng sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các nhà nước, OGP đem lại cơ hội mới cho các nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và người dân ở các quốc gia củng cố mối liên hệ, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đây là một thiết chế mở, dân chủ, dễ tham gia, mang lại lợi ích nhiều mặt trong khi bản thân thiết chế này không đặt ra thách thức về bất kỳ phương diện nào cho các nước thành viên. Với Việt Nam, OGP không phải là một thiết chế hoàn toàn mới về quản trị tốt, mà chỉ là sự bổ sung cho các thiết chế tương tự mà Việt Nam đã và sắp tham gia, tiêu biểu là UNCAC, WTO, và CTTPP. Với tư cách là thành viên của rất nhiều tổ chức, định chế quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tham gia và hoà nhập tốt trong OGP nếu có quyết tâm chính trị đủ mạnh và sự tích cực, chủ động trong công tác tổ chức./.

Tài liệu tham khảo

1. Dan tri Online, Đan Mạch dừng 3 dự án ODA tại Việt Nam vì nghi vấn gian lận, 01/06/2012, tại http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-mach-dung-3-du-an-oda-tai-viet-nam-vi-nghi-van-gian-lan-1338942454.htm

2. Dan tri Online, Nếu không vì lo ngại tham nhũng, Mỹ đã là “nhà đầu tư số 1” của Việt Nam? 23/05/2016, tại http://dantri.com.vn/kinh-doanh/neu-khong-vi-lo-ngai-tham-nhung-my-da-la-nha-dau-tu-so-1-cua-viet-nam-20160523105642753.htm.

3. Dantri Online, Mất lòng tin vì lãnh đạo can thiệp làm “xẹp” án tham nhũng, http://dantri.com.vn/xa-hoi/mat-long-tin-vi-lanh-dao-can-thiep-lam-xep-an-tham-nhung-1379990485.htm

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội 5 năm 2016-2020, tr.28,29.

5. Vũ Công Giao và Nguyễn Quang Nam (2016), “Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến đối tác Chính phủ mở (OGP) của Việt Nam”báo cáo biên soạn cho Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Xã hội (CENSOGOR) và Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), 10/2016.

6. Jonathan Pincus 2015, Báo cáo đầu vào cho Báo cáo Việt Nam 2035.

7. Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo về nhà nước kiến tạo phát triển, tháng 3/2017.

8. Kusi Hornberger, Joseph Battat, and Peter Kusek. How Much Does Investment Climate Matter? Viewpoint Note Number 327.

9. Trần Ngọc Tiến (2017), trong Người xưa chống tham nhũng: Sĩ phu thức giả chống tham quan, Báo Thanh niên Online, 15/5/2017, tại https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-xua-chong-tham-nhung-si-phu-thuc-gia-chong-tham-quan-835155.html

10. Stephen Osborne (2018), The New Public Governance?: Emerging Perspectives on the Theory and Practice of Public Governance, Taylor & Francis Publisher.

11. Tuyên bố về Chính phủ mở (Open Government Declaration) tại https://www.opengovpartnership.org/open-government-declaration

12. Nguyễn Thị Kiều Viễn (2015), “Chính phủ mở – con đường phía trước”, VietnamNet ngày 7/01/2015, tại: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-phu-mo-con-duong-phia-truoc-215384.html.

13. VOV Online, Quan liêu, tham nhũng làm méo mó chính sách, giảm lòng tin, 24/10/2015,http://vov.vn/chinh-tri/dang/quan-lieu-tham-nhung-lam-meo-mo-chinh-sach-giam-long-tin-443639.vov

14. VietnamNet, Chống tham nhũng không được thì mất lòng tin của dân, 28/6/2016, tại http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/78564/chong-tham-nhung-khong-duoc-thi-mat-long-tin-cua-dan.html

15. VietnamNet, Cải cách thể chế: Nhà nước muốn làm hay không? 29/04/2014, tại http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/173091/cai-cach-the-che-nha-nuoc-muon-lam-hay-khong.html;

16. VietnamNet, Cải cách thể chế: Không thể chậm nữa,14/03/2015, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/225309/cai-cach-the-che-khong-the-cham-nua.html.

17. Nhóm Ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ (Báo cáo tổng quan), Hà Nội, 2016, tại https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/23724/VN2035Vietnamese.pdf

18. VN Express, Nhật tạm ngừng cho VN vay ưu đãi vì vụ PCI, 4/12/2008, tại http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhat-tam-ngung-cho-vn-vay-uu-dai-vi-vu-pci-2693836.html và Nhật tạm ngừng cấp ODA cho dự án đường sắt tiêu cực, 4/6/2014, tại http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/nhat-tam-ngung-cap-oda-cho-du-an-duong-sat-tieu-cuc-2999721.html

19. XU Runya, SUN Qigui; SI Wei (2015), “The Third Wave of Public Administration: The New Public Governance”,Canadian Social Science, Vol. 11, No. 7, 2015, pp. 11-21;

Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 2 + 3/2019
Tác giả: PGS. TS. Vũ Công Giao – Khoa Luật ĐHQG Hà Nội

[1] Xem Nguyễn Thị Kiều Viễn, “Chính phủ mở – con đường phía trước”, VietnamNet ngày 7/01/2015, tại: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-phu-mo-con-duong-phia-truoc-215384.html.

[2] Xem Nguyễn Thị Kiều Viễn, “Chính phủ mở – con đường phía trước”, tlđd.

[3] Xem thêm về OGP tại https://www.opengovpartnership.org/about/about-ogp

[4] Xem Nguyễn Thị Kiều Viễn, “Chính phủ mở – con đường phía trước”, tlđd.

[5] Xem Tuyên bố về Chính phủ mở (Open Government Declaration) tại https://www.opengovpartnership.org/open-government-declaration

[6] Nguồn: OGP, https://www.opengovpartnership.org/stories/how-ogp-delivering-civil-society-quick-look-latest-figures

[7] Xem Nguyễn Thị Kiều Viễn, “Chính phủ mở – con đường phía trước”, tlđd.

[8] Xem Vũ Công Giao và Nguyễn Quang Nam, “Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến đối tác Chính phủ mở (OGP) của Việt Nam”, báo cáo biên soạn cho Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Xã hội (CENSOGOR) và Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), 10/2016.

[9] https://www.opengovpartnership.org/open-government-declaration

[10] https://www.eiu.com/public/topical_report.aspx?campaignid=Democracy0115

[11]Xem Nguyễn Thị Kiều Viễn, “Chính phủ mở – con đường phía trước”, tlđd.

[12]Tính đến 6/2018, UNCAC đã có hơn 186 nước thành viên, bao gồm Việt Nam. Nguồn: https://www.unodc.org/unodc/en/corruption/ratification-status.html

[13]Về nhà nước kiến tạo phát triển, xem thêm Kỷ yếu hội thảo cùng tên do Khoa Luật ĐHQG Hà Nội tổ chức vào tháng 3/2017.

[14]Về quản trị công mới, xem Stephen Osborne (2018), The New Public Governance? : Emerging Perspectives on the Theory and Practice of Public Governance, Taylor & Francis Publisher. Cũng xem XU Runya, SUN Qigui; SI Wei (2015), “The Third Wave of Public Administration: The New Public Governance”,Canadian Social Science, Vol. 11, No. 7, 2015, pp. 11-21;

[15] Xem Vũ Công Giao và Nguyễn Quang Nam, tlđd.

[16] Năm nguy cơ mất nước theo Lê Quý Đôn là: (i) sĩ phu thức giả ngoảnh mặt đi trước thời cuộc; (ii) xã tắc tham nhũng tràn lan; (iii) binh kiêu ngạo, tướng thoái hóa; (iv) học trò không kính trọng thầy giáo; (v) trẻ con khinh thường người già. Dẫn theo Trần Ngọc Tiến, trong Người xưa chống tham nhũng: Sĩ phu thức giả chống tham quan, Báo Thanh niên Online, 15/5/2017, tại https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-xua-chong-tham-nhung-si-phu-thuc-gia-chong-tham-quan-835155.html

[17] VOV Online, Quan liêu, tham nhũng làm méo mó chính sách, giảm lòng tin, 24/10/2015,http://vov.vn/chinh-tri/dang/quan-lieu-tham-nhung-lam-meo-mo-chinh-sach-giam-long-tin-443639.vov

[18]  VietnamNet, Chống tham nhũng không được thì mất lòng tin của dân, 28/6/2016, tại http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/78564/chong-tham-nhung-khong-duoc-thi-mat-long-tin-cua-dan.html

[19] VietnamNet, Cải cách thể chế: Nhà nước muốn làm hay không?29/04/2014, tại http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/173091/cai-cach-the-che-nha-nuoc-muon-lam-hay-khong.html;

[20] VietnamNet, Cải cách thể chế: Không thể chậm nữa,14/03/2015, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/225309/cai-cach-the-che-khong-the-cham-nua.html.

[21] Nhóm Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ (Báo cáo tổng quan), Hà Nội, 2016, tr. 4-5,
tại https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/23724/VN2035Vietnamese.pdf

[22] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội 5 năm 2016-2020, tr.28-29.

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, tlđd, tr.51,56.

[24] Jonathan Pincus 2015, Báo cáo đầu vào cho Báo cáo Việt Nam 2035, cũng xem: Báo cáo Việt Nam 2035, tlđd, tr.98.

[25] VN Express, Nhật tạm ngừng cho VN vay ưu đãi vì vụ PCI, 4/12/2008, tại http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhat-tam-ngung-cho-vn-vay-uu-dai-vi-vu-pci-2693836.html và Nhật tạm ngừng cấp ODA cho dự án đường sắt tiêu cực, 4/6/2014, tại http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/nhat-tam-ngung-cap-oda-cho-du-an-duong-sat-tieu-cuc-2999721.html

[26] Dan tri Online, Đan Mạch dừng 3 dự án ODA tại Việt Nam vì nghi vấn gian lận, 01/06/2012,
tại http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-mach-dung-3-du-an-oda-tai-viet-nam-vi-nghi-van-gian-lan-1338942454.htm

[27] Đại đoàn kết – Báo mới, Tham nhũng làm nản lòng nhà đầu tư, 25/03/2011, tại http://www.baomoi.com/tham-nhung-lam-nan-long-nha-dau-tu/c/5936897.epi; Dan tri Online, Nếu không vì lo ngại tham nhũng, Mỹ đã là “nhà đầu tư số 1” của Việt Nam? 23/05/2016, tại http://dantri.com.vn/kinh-doanh/neu-khong-vi-lo-ngai-tham-nhung-my-da-la-nha-dau-tu-so-1-cua-viet-nam-20160523105642753.htm.

[28] Báo cáo PAPI các năm tại http://papi.org.vn/.

[29] Các cam kết này được đưa ra tại lễ kỷ niệm sinh nhật OGP lần thứ 3 tại trụ sở Liên hiệp quốc tại New York ngày 24/9/2014. Tham khảo chi tiết tại đây: http://www.opengovpartnership.org/blog/open-government-partnership/2014/09/24/outcome-statement-ogp-high-level-event-citizen-action

[30] Nguồn: Openness is key to development cooperation, tại http://www.aidtransparency.net/news/openness-is-key-to-development-cooperation

[31] Báo cáo PAPI 2015, tr. xxii.

[32]Mất lòng tin vì lãnh đạo can thiệp làm “xẹp” án tham nhũng, Dantri Online, http://dantri.com.vn/xa-hoi/mat-long-tin-vi-lanh-dao-can-thiep-lam-xep-an-tham-nhung-1379990485.htm

[33] Nguồn: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-4882-2015–nam-cua-dau-an-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do.html

[34] Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới, nhằm xây dựng một tương lai không có đói nghèo và bất công.

[35] Xem :
https://www.youtube.com/watch?v=QSDJSrkDQng; http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/42/35793/hnd-quang-tri-to -chuc-hoi-nghi-truyen-thong-du-an-dan-cham-diem-m-score

[36] Hiến pháp 2013. Điều 9, Mục 1.

[37] Báo cáo PAPI năm 2015, tr.2.

[38] Báo cáo Việt Nam 2035, các trang 96-98.

[39] Kusi Hornberger, Joseph Battat, and Peter Kusek. How Much Does Investment Climate Matter? Viewpoint Note Number 327.

5/5 - (27449 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền