Tìm hiểu về hình thức và phương thức hành nghề của luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành.
..
Những nội dung liên quan:
- Hành nghề luật sư ở một số nước trên thế giới
- Điều kiện trở thành và hành nghề luật sư ở Hoa Kỳ
- Sự hình thành, phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam và trên thế giới
..
Hình thức hành nghề của luật sư
Luật sư được lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề sau đây: (1) Hành nghề trong Tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập Tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng lao động cho Tổ chức hành nghề luật sư; (2) Hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định tại Điều 49 Luật Luật sư năm 2006.
* Hành nghề trong Tổ chức hành nghề luật sư
Hành nghề trong Tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện thông qua việc thành lập Tổ chức hành nghề luật sư hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho các Tổ chức hành nghề luật sư. Theo quy định tại Điều 32 Luật Luật sư năm 2006, Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: (a) Văn phòng luật sư; (b) Công ty luật. Các tổ chức hành nghề này phải hội đủ các điều kiện thành lập, được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Văn phòng luật sư:
Theo Điều 33 Luật Luật sư năm 2006, văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng. Tên của văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.
– Công ty luật:
Theo Điều 34 Luật Luật sư năm 2006, Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật TNHH. Thành viên của công ty luật phải là luật sư. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn. Công ty luật TNHH bao gồm công ty luật TNHH hai thành viên trở lên và công ty luật TNHH một thành viên. Công ty luật TNHH hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật TNHH một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.
Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH hai thành viên trở lên thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật TNHH một thành viên là Giám đốc công ty. Tên của công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH hai thành viên trở lên do các thành viên thỏa thuận lựa chọn, tên của công ty luật TNHH một thành viên do chủ sở hữu lựa chọn và theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật TNHH”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tổ chức hành nghề luật sư phải có đầy đủ hồ sơ và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.
Điều 39 Luật Luật sư năm 2006 quy định quyền của Tổ chức hành nghề luật sư:
(1) Thực hiện dịch vụ pháp lý; (2) Nhận thù lao từ khách hàng;
(3) Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho Tổ chức hành nghề luật sư;
(4) Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi được yêu cầu;
(5) Hợp tác với Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;
(6) Thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước; (7) Đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài; (8) Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 40 Luật Luật sư năm 2006 quy định nghĩa vụ của Tổ chức hành nghề luật sư:
(1) Hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động; (2) Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng;
(3) Cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư;
(4) Tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư; (5) Bồi thường thiệt hại do lỗi mà luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng;
(6) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; (7) Chấp hành quy định của Luật Luật sư và pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê;
(8) Chấp hành các yêu cầu của CQNN có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra;
(9) Nhận người tập sự hành nghề luật sư và cử luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự được tập sự, giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề luật sư;
(10) Thực hiện việc quản lý và bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
(11) Thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức mình theo quy định của pháp luật;
(12) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
* Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân
Theo Điều 49 Luật Luật sư năm 2006, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là Tổ chức hành nghề luật sư. Trường hợp hợp đồng lao động có thỏa thuận thì luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho hoạt động hành nghề của mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được CQNN yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên. Về thủ tục, Điều 50 Luật Luật sư năm 2006 quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên.
Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động được quy định tại Điều 53 Luật Luật sư năm 2006, theo đó luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động được thực hiện dịch vụ pháp lý theo nội dung hợp đồng lao động đã giao kết với cơ quan, tổ chức. Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động, của cơ quan, tổ chức thuê luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phương thức hành nghề của luật sư
* Gặp, làm việc trực tiếp hoặc qua điện thoại với khách hàng
Khách hàng đến với luật sư từ nhiều kênh khác nhau và nhiều thành phần, có thể là những doanh nhân có kiến thức và trải nghiệm, người có chức vụ quyền hạn bị vướng vào vòng tố tụng, hay người thuộc diện đối tượng chính sách, người nghèo khổ không có tiền trang trải thù lao luật sư… Do sự đa dạng nêu trên, việc ứng xử, tiếp xúc, làm việc trực tiếp, lắng nghe ý kiến, nội dung sự việc của khách hàng là một kỹ năng, phương pháp làm việc vô cùng quan trọng, duy trì được mối quan hệ lâu dài và tạo được sự tin cậy đối với khách hàng.
Một điều tra về lỗi thường gặp trong giao tiếp của luật sư cho thấy: 1/3 số luật sư chỉ biết nói mà không biết lắng nghe, 1/3 khác thì chỉ nghe dù không hiểu mà không biết cách làm rõ vấn đề, và 1/3 còn lại thì hiểu vấn đề nhưng lại không được đối tác chấp nhận.[1]
Mỗi luật sư đều cần cố gắng tích lũy kinh nghiệm trong ứng xử và giao tiếp, qua đó thể hiện tâm thế của một người có kiến thức, trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc các quan hệ xã hội, chân thành lắng nghe và tận tâm hỗ trợ, giúp đỡ khách hàng trong khả năng phù hợp của mình.
Trường hợp luật sư làm việc trực tiếp với khách hàng, mỗi luật sư không chỉ cần có thái độ lắng nghe, thấu hiểu, đặt vấn đề mang tính gợi mở, mà cần biết cách thức tiếp cận bản chất vụ việc theo tư duy pháp lý, hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ ban đầu, tìm hiểu thân thế, gia cảnh, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phát sinh nhu cầu trợ giúp pháp lý. Điều quan trọng là không làm cho khách hàng ảo tưởng rằng luật sư có khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng bằng mọi giá, gây tâm lý hoang mang hoặc “thổi phồng” tính phức tạp của vấn đề nhằm mục đích có được mức thù lao cao… Ngoài ra, trong trường hợp luật sư tiếp nhận ý kiến ban đầu của khách hàng qua điện thoại, cần biết cách lắng nghe qua âm lượng ngôn ngữ, thông tin trao đổi, nếu vụ việc cần trình bày trực tiếp, tham khảo hồ sơ ban đầu thì có thể hẹn với khách hàng lịch làm việc trực tiếp tại trụ sở tổ chức hành nghề của mình hoặc địa điểm khác thích hợp. Thực tế hiện nay do diện khách hàng đa dạng, có thể có cả khách hàng là doanh nhân, pháp nhân nước ngoài, nên nhiều luật sư có kinh nghiệm đã chỉ ra các cách thức trong tiếp xúc, làm việc trực tiếp, những điều cần biết và cần tránh do phong tục, văn hóa của người nước ngoài có sự khác biệt nhất định.
* Trao đổi, giao dịch với khách hàng thông qua hình thức văn bản viết
Đây là một trong những phương thức làm việc chủ yếu của luật sư trong giao tiếp với khách hàng. Thông thường, khi khách hàng có nhu cầu đến với luật sư, khách hàng sẽ cung cấp tài liệu, hồ sơ ban đầu, sau khi nghiên cứu, luật sư cần có ý kiến nhận diện, đánh giá về mặt pháp lý nhằm định hướng xử lý vụ việc. Ý kiến đánh giá về mặt pháp lý này được lập bằng văn bản gửi cho khách hàng làm cơ sở cho việc thiết lập quan hệ cung cấp dịch vụ pháp lý, là cơ sở triển khai các bước tiếp theo trong công việc của luật sư. Mặt khác, luật sư cũng cần hướng dẫn và soạn thảo cho khách hàng các thủ tục yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, các đơn từ trình bày với các Cơ quan tiến hành tố tụng…
Ngoài ra, với tư cách là luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, luật sư soạn thảo ý kiến, quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại phiên tòa. Các thông tin, cơ sở dữ liệu hình thành nên các loại văn bản nói trên do luật sư tiếp nhận từ khách hàng, sao chụp hồ sơ vụ án trong quá trình tham gia tố tụng hoặc từ các nguồn khác do luật sư thu thập được. Mỗi loại văn bản đều có hình thức, bố cục khác nhau, luật sư là người tư vấn, trợ giúp pháp lý cần trao đổi thống nhất với khách hàng trước khi ban hành để bảo đảm sự nhất quán, đồng thuận về định hướng và quan điểm giải quyết vụ việc. Trong hoạt động tư vấn, luật sư nghiên cứu và hình thành văn bản nêu ý kiến pháp lý nhận định về vụ việc, định hướng giải quyết. Trong hoạt động tham gia tố tụng, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư cần chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch thẩm vấn, quan điểm pháp lý nhằm bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình, hành chính… Các văn bản nói trên sẽ được gửi đến các Cơ quan tiến hành tố tụng trước thời điểm xét xử hoặc sau khi kết thúc phần tranh tụng tại phiên tòa.
* Trao đổi, giao dịch với khách hàng thông qua các hình thức, phương tiện điện tử
Trao đổi, giao dịch thông qua các hình thức và phương tiện điện tử trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin hiện đang được các luật sư sử dụng phổ biến. Ngoài một số hình thức ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến hiện nay như Zalo, Viber, WhatsApp…, phần lớn các Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư đều đăng ký tên miền hoặc địa chỉ của hình thức giao dịch bằng thư điện tử (email). Theo nhiều luật sư có kinh nghiệm, giao dịch thông qua email thật sự là một cách thức giao dịch rất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách kịp thời, hạn chế được thời gian tiếp xúc, gặp gỡ không cần thiết. Ngoài email trao đổi, luật sư có thể gửi kèm theo các tài liệu, văn bản có liên quan. Các tính năng của email cho phép người sử dụng có thể quản lý hộp thư theo ngày tháng, tên người gửi và đánh dấu màu sắc theo tầm quan trọng của email. Những tiện ích này sẽ giúp cho luật sư quản lý được công việc, nội dung trao đổi với khách hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Ngoài ra, theo nhiều luật sư hành nghề tư vấn, nhất là tư vấn cho khách hàng nước ngoài còn xây dựng trang thông tin điện tử riêng (website) có tính năng tiếp nhận thông tin phản hồi. Một số luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư thiết lập các trang mạng xã hội, như Facebook, LinkedIn để quảng bá các hoạt động hành nghề. Những trang mạng xã hội này đều có tính năng tiếp nhận thông tin phản hồi. Các nội dung cung cấp qua trang thông tin điện tử thường ngắn gọn và ít thông tin. Luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư cần có cơ chế phản hồi nhanh chóng khi tiếp nhận được thông tin qua trang điện tử để giữ mối quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhiều luật sư có thói quen chỉ xử lý, tiếp nhận, trả lời email với khách hàng trong giờ làm việc hành chính. Thói quen này có mặt tích cực, thể hiện tính nghiêm túc, chuyên nghiệp, nhưng trong một số trường hợp khi khách hàng có công việc đột xuất hoặc do múi giờ của khách hàng ở nước ngoài khác biệt với múi giờ ở Việt Nam nên dẫn đến chậm xử lý, trả lời yêu cầu của khách hàng. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, các luật sư đa số đều sử dụng Smartphone nên nếu được, cần trả lời hoặc xử lý kịp thời các yêu cầu đột xuất của khách hàng. Nhiều khách hàng tỏ ra xúc động và trân trọng luật sư khi biết được ý kiến hồi âm của luật sư qua email vào lúc 2- 3 giờ sáng…
[1] Liên đoàn luật sư Việt Nam – JICA Pháp luật 2020, Sổ tay Luật sư (tập 1), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 102.
Để lại một phản hồi