Hành nghề luật sư ở một số nước trên thế giới

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Luật sư

Tìm hiểu về hoạt động, hình thức và phương thức hành nghề luật sư ở một số nước trên thế giới như Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga.

..

Những nội dung liên quan:

..

Hành nghề luật sư ở Đức

Ở Đức chỉ có một hình thức hành nghề luật sư duy nhất (Rechtsanwalt). Rechtsanwalt là luật sư hành nghề độc lập, tư vấn cho khách hàng về tất cả các vấn đề pháp lý và đại diện cho họ trước chính quyền và Tòa án hoặc các cơ quan giải quyết tranh chấp khác. Rechtsanwalt quản trị tư pháp với nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là nguyên tắc độc lập (mục 1, Đạo luật luật sư Liên bang “Bundesrechtsanwaltsordnung”). Một luật sư nội bộ trong doanh nghiệp (in-house) (Syndikusrechtsanwalt) cũng được phân loại là Rechtsanwalt (phần 46 (2), Đạo luật luật sư Liên bang). Luật pháp Đức cũng công nhận luật sư sáng chế (Patentanwalt). Một Patentanwalt không phải là một luật sư đủ tiêu chuẩn, mà thay vào đó là một nhà khoa học hoặc kỹ sư được đào tạo pháp lý đặc biệt. Một Patentanwalt tư vấn và đại diện cho khách hàng trong các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là trong các thủ tục tố tụng trước văn phòng sáng chế hoặc Tòa án sáng chế. Bên cạnh lĩnh vực cụ thể này, Patentanwalt có quyền hạn rất hạn chế (phần 3-4, Đạo luật về luật sư sáng chế (Patentanwaltsordnung)).

Điều kiện trở thành luật sư

Các luật sư phải vượt qua hai kỳ thi cấp tiểu bang. Kỳ thi cấp tiểu bang đầu tiên kết thúc quá trình giáo dục học thuật ở trường đại học và kỳ thi thứ hai kết thúc quá trình thực tập hai năm tiếp theo (Hội đồng trọng tài). Yêu cầu này là giống nhau đối với hành nghề độc lập và luật sư nội bộ.

Luật sư nước ngoài từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể hành nghề tư nhân như một luật sư nước ngoài tại Đức. Sau khi hành nghề tại Đức trong ba năm, một luật sư EU có thể đăng ký để được nhận vào làm luật sư Đức (Chỉ thị số 98/5/EC về tiêu chuẩn của luật sư – Chỉ thị về Chứng chỉ luật sư). Luật sư từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể xin phép hành nghề tại Đức theo luật của quốc gia xuất xứ của họ, cũng như luật quốc tế (mục 206, Đạo luật luật sư Liên bang). Luật sư sáng chế phải hoàn thành bằng đại học khoa học hoặc kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm thực tế và trải qua thời gian đào tạo luật sư 34 tháng. Các yêu cầu để được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề Ngoài các bằng cấp cần thiết, luật sư phải có đủ bảo hiểm. Khi các yêu cầu này được đáp ứng, ứng viên sẽ tự động được nhận vào đoàn luật sư (bar) bằng cách được nhận một chứng chỉ bằng văn bản. Hiện tại, không có yêu cầu gia hạn chứng chỉ hoặc trải qua bất kỳ hình thức giáo dục nào. Về hạn chế nghề nghiệp, ở Đức, các luật sư không bị giới hạn khả năng tư vấn hoặc đại diện cho khách hàng của họ, kể cả về không gian địa lý hoặc lĩnh vực hành nghề. Ngoại lệ duy nhất là việc đại diện cho khách hàng trong các thủ tục tố tụng dân sự trước Tòa án Tư pháp Liên bang (Bundesgerichtshof), Tòa án cao nhất của Đức về các vấn đề dân sự và hình sự. Trong trường hợp này, bên kiện phải chỉ định một luật sư đã được nhận vào hành nghề tại Tòa án Công lý Liên bang. Lĩnh vực hành nghề của luật sư sáng chế thường được giới hạn trong các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và công nghiệp. Các quy tắc ứng xử, các quy tắc và/hoặc nguyên tắc mà luật sư bắt buộc phải tuân thủ Các quyền và nhiệm vụ chung của luật sư được hệ thống hóa trong Đạo luật luật sư Liên bang (Bundesrechtsanwaltsordnung). Điều này được bổ sung bởi Quy tắc hành nghề (Berufsordnung für Rechtsanwälte), do Hiệp hội luật sư Liên bang Đức (Bundesrechtsanwaltskammer) thực hiện. Cả hai bộ quy tắc đều có thể truy cập được qua internet. Ví dụ: Hiệp hội luật sư Liên bang Đức cung cấp cả hai bản này để tải xuống bằng tiếng Đức và tiếng Anh tại: www.brak.de/fuer-anwaelte/berufsrecht. Đạo luật quan trọng điều chỉnh nghề luật sư là Đạo luật luật sư Liên bang (Bundesrechtsanwaltsordnung). Đạo luật này quy định các quyền, nhiệm vụ cơ bản của luật sư và đặt ra khuôn khổ cho việc hành nghề của luật sư. Ngoài ra còn có Quy tắc hành nghề, được Hiệp hội luật sư Liên bang Đức thông qua như một hành động tự điều chỉnh của nghề luật. Quyền tiến hành tố tụng tại Tòa án Trong một vấn đề dân sự trước Tòa án cấp huyện địa phương, các bên có quyền tự tiến hành tranh tụng. Tuy nhiên, điều này chỉ được phép trong trường hợp ban đầu với số tiền đang tranh chấp là 5.000 EUR hoặc ít hơn. Trong các vấn đề dân sự khác, các bên phải có luật sư đại diện. Trong thủ tục tố tụng trước Tòa án Công lý Liên bang (FCJ), các bên phải được đại diện bởi một luật sư đã được nhận vào FCJ. Cá nhân bị buộc tội trong các vấn đề hình sự nhỏ có quyền tự đại diện cho mình. Trong các vụ án lớn, chẳng hạn như tội phạm hình sự trong lĩnh vực tài chính, hoặc các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, bị cáo phải được luật sư bào chữa (mục 140, BLTTHS Đức (Strafprozessordnung)). Các bên tham gia tố tụng hành chính được quyền tiến hành tố tụng nhân danh mình. Nếu một bên chọn được đại diện, điều này không nhất thiết phải do luật sư thực hiện. Họ có thể chọn được đại diện, ví dụ, bởi một giáo sư luật, một cố vấn thuế hoặc một đại diện của công đoàn (phần 67, Quy tắc của Tòa án Hành chính Đức (Verwaltungsgerichtsordnung)).

Luật sư biện hộ có vị trí được bảo đảm bởi vì chỉ có các luật sư biện hộ là thành viên của đoàn luật sư mới được phép đại diện trước Tòa. Mỗi khu vực lãnh thổ mà trong đó có Tòa án tư pháp phúc thẩm của bang (OLG) đều thành lập một đoàn luật sư. Các luật sư muốn biện hộ trước Tòa phải có giấy phép của đoàn luật sư.

Hình thức tổ chức hành nghề

Luật pháp Đức cho phép các công ty luật được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Các công ty luật có thể được thành lập như một công ty cổ phần hoặc một công ty theo luật nước ngoài (ví dụ: Một công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn theo luật của Anh “LLP”). Tuy nhiên, đa số là các hình thức tổ chức truyền thống và phổ biến nhất vẫn là công ty hợp danh (Gesellschaft bürgerlichen Rechts) (phần 705 và phần sau, Bộ luật Dân sự Đức – Bürgerliches Gesetzbuch).

Không có hạn chế nào đối với các luật sư hoạt động độc lập để cung cấp các dịch vụ pháp lý trên cơ sở tự do. Về nguyên tắc, bất kỳ luật sư nào cũng có thể tư vấn cho khách hàng về mọi vụ việc và mọi quy mô.

Theo truyền thống, việc cung cấp các dịch vụ pháp lý được dành riêng cho các luật sư. Tuy nhiên, các dịch vụ pháp lý có thể được cung cấp như một dịch vụ bổ sung cho một nghề chính khác (mục 5, Đạo luật Dịch vụ Pháp lý – Rechtsdienstleistungsgesetz). Điều này bao gồm: lời khuyên pháp lý do các cố vấn bảo hiểm cung cấp liên quan đến các khía cạnh pháp lý của bảo hiểm, hoặc của các ngân hàng liên quan đến các vấn đề quản lý đầu tư. Ngoài ra, mục 2, tiểu mục 2 của Đạo luật Dịch vụ Pháp lý cho phép đòi nợ (Inkasso) như thực hiện một dịch vụ pháp lý.

Các công ty luật thường cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp cho các tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận. Sinh viên luật cũng được phép cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, với một số hạn chế nhất định.

Các hoạt động đa ngành (MDP) – Các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý thay thế

MDP được phép hoạt động trong một số trường hợp hạn chế. Các luật sư được phép thành lập MDP với các luật sư bằng sáng chế, chuyên gia tư vấn thuế, đại lý thuế, kế toán và kiểm toán viên được chứng nhận cho mục đích thực hành nghề nghiệp chung (mục 59a, Đạo luật luật sư Liên bang). Tuy nhiên, trong một quyết định gần đây, Tòa án Hiến pháp Liên bang cho rằng giới hạn này vi phạm quyền hiến pháp được tự do theo đuổi các hoạt động nghề nghiệp (Bundesverfassungsgericht, quyết định ngày 12/01/2016, trường hợp số 1 BvL 6/13).

Luật sư nước ngoài

LS nước ngoài chỉ có thể hành nghề tại Đức theo nguyên tắc giải thích luật. Nếu không được phép, luật sư không thể tư vấn, đặc biệt là về luật pháp Đức, và đại diện cho khách hàng tại Tòa án Đức. Các công ty luật nước ngoài có thể thiết lập sự hiện diện tại Đức nhưng để tư vấn đầy đủ cho khách hàng, các luật sư phải đủ điều kiện ở Đức. Các công ty luật nước ngoài được hưởng ít sự bảo vệ hơn so với các công ty luật của Đức.

Lĩnh vực đặc thù hình sự

Đức là một quốc gia có nghề luật phát triển. Theo đó, người bào chữa trong vụ án hình sự ở Đức bao gồm các luật sư và giảng viên các khoa Luật của các trường Đại học. Tất cả các thành phần tố tụng như Thẩm phán, Công tố viên và luật sư đều tốt nghiệp cử nhân luật, sau đó trải qua 2 kỳ đào tạo và thi tuyển như nhau, sau khi nhận được chứng chỉ tốt nghiệp kỳ thi thứ 2, lúc đó tuỳ theo nguyện vọng mà họ chọn nghề Thẩm phán, Công tố hay luật sư. Có thể nói, với quy trình đào tạo này, trình độ và phẩm chất của mỗi Thẩm phán, Công tố hay luật sư gần như ngang bằng nhau, dành cho nhau sự tôn trọng, bình đẳng ngay từ điểm xuất phát nghề nghiệp của mỗi chủ thể. Ngoài ra, ở CHLB Đức đã hình thành chế độ luật sư chuyên ngành, có tiêu chuẩn và trình độ đạt đến mức chuyên sâu, do Đoàn luật sư Liên bang công nhận.

Ở Đức, một người dân có quyền nhờ không quá 03 luật sư và 01 luật sư chỉ được bảo vệ một khách hàng trong một vụ án. Điều này có sự khác biệt với BLTTHS Việt Nam. Luật sư ở Đức có địa vị pháp lý hoàn toàn bình đẳng với Thẩm phán, Công tố viên, không chịu bất cứ áp lực nào, không chịu sự chỉ đạo của Nhà nước, hoạt động độc lập theo luật riêng của mình. Luật sư ở Đức có thể tham gia vào tố tụng hình sự theo 02 kênh chính: (1) Do khách hàng tự tìm đến luật sư và yêu cầu; (2) Nhà nước chỉ định luật sư trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng ở mức từ 01 năm tù giam trở lên và ở trong tình trạng bị hạn chế về tâm thần. Quyền của luật sư rất rộng, ngoài các quy định chung mà ở Việt Nam cũng đã thể hiện, luật sư có quyền tiếp xúc với khách hàng của mình ngay từ khi bị cảnh sát thẩm vấn, được tiếp xúc riêng tư và cuộc trao đổi không bị nghe trộm. Đặc biệt là ngay trong trường hợp cơ quan tố tụng đặt máy nghe trộm một người, nếu người đó đang nói chuyện với luật sư thì ngay lập tức việc nghe trộm phải dừng lại. Các thư từ của khách hàng gửi từ trại giam ra cho luật sư và của luật sư gửi vào cho khách hàng đều được giữ bí mật…

Ví dụ 6: Tại Trại tạm giam cấp sơ thẩm Tegel (Tegel Jail) mà người Đức thường gọi là Trại tạm giam Moabit, thủ tục làm việc của luật sư với khách hàng của mình trong Trại tạm giam được thực hiện khá đơn giản. Luật sư vào làm việc chỉ cần xuất trình thẻ luật sư mà không có bất cứ giấy tờ nào khác. Các phòng làm việc sáng sủa, được bố trí riêng biệt, không có phương tiện và người giám sát, theo dõi hoặc ghi âm vì luật ở Đức coi bí mật giữa luật sư và khách hàng được tôn trọng tuyệt đối.

Hành nghề luật sư ở Hoa Kỳ

Muốn trở thành luật sư ở Hoa Kỳ phải qua một kỳ thi để công nhận là luật sư (Bar examination). Người muốn tham gia kỳ thi này phải tốt nghiệp trường luật (law school). Những người muốn được vào học tại một trường luật phải có một bằng cử nhân có nghĩa là phải tốt nghiệp một trường đại học nào đó trước đó.

Xem chi tiết tại bài viết: Hành nghề luật sư ở Hoa Kỳ

Hành nghề luật sư ở Pháp

Điều kiện để trở thành luật sư

Khi tốt nghiệp đại học, sinh viên luật tại Pháp được trang bị những kiến thức cơ bản và quan trọng về luật pháp, tuy nhiên những kiến thức này là chưa đủ để có thể hành nghề luật. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, cử nhân luật phải tiếp tục tham gia các khóa đào tạo chuyên biệt dành cho các ngành nghề cụ thể. Đối với nghề Thẩm phán, cử nhân phải thi vào học tại Trường đào tạo Thẩm phán tại Bordeaux trong thời gian 30 tháng. Để trở thành luật sư cần phải vượt qua kỳ thi để vào Trường Luật (EDA) – trường đại học được tổ chức như một phần của Viện Nghiên cứu Tư pháp (IEJ). Đây là điều kiện bắt buộc để tiếp cận với nghề nghiệp. Kỳ thi này chỉ có thể được thực hiện ba lần và ứng viên phải là người đã hoàn thành năm đầu tiên của chương trình thạc sĩ luật bốn năm hoặc có bằng cấp tương đương. Những sinh viên vượt qua kỳ thi sẽ tham gia một chương trình giáo dục chuyên nghiệp, có tính chất thực tế, do một trường luật cung cấp. Có 15 EDA ở Pháp cung cấp đào tạo ban đầu và liên tục.

Nghị định thi hành ngày 21/12/2004 đã thay đổi các quy định về đào tạo ban đầu của luật sư. Sáu tháng của khóa đào tạo do EDA cung cấp được dành để tiếp thu các kiến thức cơ bản, đặc biệt nhấn mạnh vào quy chế, đạo đức nghề nghiệp và các khía cạnh thực tế của hành nghề luật sư. Chương trình đào tạo này được áp dụng chung cho tất cả sinh viên luật. Sáu đến tám tháng tiếp theo được dành để thực hiện một dự án sư phạm cá nhân (PPI). Mục đích của học kỳ này là khuyến khích sinh viên luật xác định các lựa chọn cá nhân của họ và chuẩn bị cho việc hòa nhập vào cuộc sống nghề nghiệp. Trong học kỳ thứ ba, sinh viên luật thực tập tại một văn phòng luật. Khi hoàn thành khóa đào tạo này, sinh viên luật phải vượt qua kỳ thi Chứng chỉ năng khiếu về nghề pháp lý (gọi tắt là CAPA). Sau đó, họ tuyên thệ trước Tòa án và đăng ký vào đoàn luật sư mà họ lựa chọn. Chỉ khi đó, họ mới có danh hiệu luật sư đầy đủ năng lực (Avocat). Hội đồng các Hiệp hội luật sư Quốc gia (Conseil national des barreaux) hiện đang xem xét một cải cách sâu rộng về đào tạo ban đầu; chủ yếu, điều này sẽ tập trung vào việc đào tạo dưới hình thức thực tập.

Ở Pháp, sau khi trải qua tất cả các khóa học cần thiết và vượt qua được tất cả các kỳ thi, các luật gia phải trải qua thời kỳ tập sự 2 năm. Luật sư tập sự chưa thể làm việc độc lập ngay với tư cách một luật sư bào chữa ở phiên tòa, họ buộc phải làm việc với tư cách cộng tác viên cho một luật sư khác hoặc làm việc với tư cách một luật sư tư vấn. Sau thời gian tập sự nếu có nhận xét tốt của luật sư hướng dẫn tập sự, người thực tập sẽ được nhận giấy chứng nhận hết tập sự và trở thành luật sư chính thức.

Các miễn trừ để được trở thành luật sư trong một số trường hợp

– Điều 97 và 98 của Nghị định số 1011 ngày 27/11/1991 Các giáo sư đại học và những người đã hành nghề pháp lý, chẳng hạn như Thẩm phán (Điều 97) được miễn các yêu cầu về bằng cấp, đào tạo lý thuyết và thực hành, CAPA và thực tập. Cố vấn pháp lý cho các công ty hoặc liên đoàn lao động, nhân viên văn phòng luật và một số chuyên gia tư pháp khác được miễn đào tạo lý thuyết, thực hành và CAPA nếu họ có thể chứng minh rằng họ có ít nhất tám năm kinh nghiệm trong nghề (Điều 98). Những người này phải thi đánh giá kiến thức về đạo đức nghề nghiệp. Các EDA cung cấp một khóa học chuẩn bị bắt buộc trong hai mươi giờ cho kỳ thi này.

– Điều 99 của Nghị định ngày 27/11/1991 Công dân châu Âu được miễn đào tạo thực hành và CAPA nếu họ đáp ứng các điều kiện nhất định về giáo dục và thực hành nghề nghiệp, nhưng trong một số tình huống nhất định, họ có thể được yêu cầu tham gia kỳ kiểm tra năng lực. Các ứng cử viên phải chứng minh rằng họ đáp ứng tất cả các yêu cầu để trở thành một luật sư đủ điều kiện tại quốc gia xuất xứ của họ; và khi được yêu cầu, họ đã hoàn thành khóa thực tập, bên cạnh việc học đại học và kiểm tra năng lực hoặc trình độ chuyên môn. Hội đồng các Hiệp hội luật sư Quốc gia (Conseil national des barreaux) quy định số môn học, tối đa là bốn môn, trong đó các ứng viên châu Âu phải làm bài kiểm tra năng lực. Một bài kiểm tra vấn đáp kéo dài khoảng 20 phút cho mỗi đối tượng này là bắt buộc, với thời gian chuẩn bị khoảng nửa giờ.

– Điều 100 của Nghị định ngày 27/11/1991

Công dân từ những nơi khác không thuộc châu Âu được miễn đào tạo thực hành và CAPA nếu họ đáp ứng các yêu cầu về giáo dục và thực hành nghề nghiệp, nhưng họ phải thực hiện một bài kiểm tra đánh giá kiến thức của họ về luật pháp của Pháp. Các đơn yêu cầu phải được gửi đến Hội đồng các Hiệp hội luật sư Quốc gia (Conseil national des barreaux). Kỳ thi đánh giá này bao gồm:

+ Hai bài kiểm tra viết kéo dài ba giờ mỗi bài: một bài kiểm tra biện hộ trong các vấn đề dân sự và một bài kiểm tra viết về tư vấn pháp luật trong một chủ đề do thí sinh lựa chọn trong luật hành chính, kinh doanh, lao động hoặc hình sự.

+ Hai bài thi vấn đáp: một bài báo cáo dài khoảng 20 phút, về một chủ đề do thí sinh bốc thăm ngẫu nhiên về các thủ tục hành chính, dân sự của Pháp hoặc hệ thống luật pháp của Pháp và một cuộc phỏng vấn khoảng 15 phút với hội đồng thi, tập trung vào chuyên môn và đạo đức.

Ngoài ra, theo Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau (ARM), các luật sư đã đăng ký với Hiệp hội luật sư (bar) Québec chỉ phải tham gia một bài kiểm tra đánh giá kiến thức cơ bản của họ về luật pháp.

– Chỉ thị số 98/5/CE:

Pháp cũng đã kết hợp Chỉ thị 98/5/CE, cho phép các công dân thuộc cộng đồng châu Âu có đầy đủ điều kiện ở quốc gia của họ được hành nghề tại Pháp và đại diện cho khách hàng của họ trước Tòa. Sau ba năm hành nghề thực tế thường xuyên ở Pháp, họ có thể đăng ký danh hiệu Avocat và được đăng ký vào một hiệp hội luật sư của Pháp.

Cuối cùng là việc đăng ký vào Đoàn luật sư, các luật sư xác lập tình trạng cư trú nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nơi họ được đăng ký ngay sau khi đăng ký vào Hiệp hội luật sư (bar) và kết thúc thực tập. Sau khi trở thành luật sư họ có một số nghĩa vụ như thành lập văn phòng (do họ sở hữu, thuê hoặc cho thuê lại), khai báo tại một trung tâm đăng ký kinh doanh trong vòng tám ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, thanh toán phí cho Hiệp hội luật sư (bar), Quỹ luật sư Quốc gia Pháp (CNBF), Hội đồng các Hiệp hội luật sư Quốc gia (Conseil national des barreaux) và URSSAF, lập kế hoạch cho bảo hiểm nghề nghiệp và bảo hiểm chống lại các tổn thất trong hoạt động, thực hiện nghĩa vụ kế toán, thực hiện bảo hiểm trách nhiệm về nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, đóng góp quỹ hưu trí và hoàn thành việc đào tạo chuyên môn hàng năm (với số lượng khoảng 20 giờ/năm)…

Hình thức hành nghề

Trong một thời gian dài, việc thực hành với tư cách là luật sư độc lập được duy trì. Kể từ Đạo luật số 71-1130 ngày 31/12/1971, cơ quan lập pháp đã thiết lập một số cơ cấu hành nghề nhóm, từ đó cho phép các văn phòng luật phát triển và hiện đại hóa trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Tại thời điểm này, luật sư có thể được hành nghề dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng hầu hết các luật sư hành nghề riêng lẻ. Những luật sư làm việc trong công ty hợp danh chiếm tỷ lệ không cao; Luật sư làm việc theo tập thể/nhóm ngày càng tăng. Số lượng những người hành nghề trong công ty có cơ cấu đóng (không mở cho các thành viên bên ngoài tham gia) tương đối ổn định, cho dù là công ty luật hợp danh (10% số nhóm), công ty liên doanh (0,7% số nhóm), hay công ty dân sự chuyên nghiệp (37% làm việc trong một tập thể/nhóm). Một giai đoạn mới bắt đầu với việc thông qua Đạo luật số 90-1258 ngày 31/12/1990, đạo luật này đã bổ sung các hình thức hoạt động bằng cách tạo ra các công ty đại chúng trên thị trường vốn mở có cấu trúc quy định tương thích với hoạt động tự do của luật sư.

Các hoạt động chỉ có luật sư được độc quyền thực hiện

Điều 4 của Đạo luật số 71-1130 ngày 31/12/1971 về cải cách một số ngành nghề tư pháp và luật pháp, Đạo luật này đưa ra nguyên tắc cơ bản rằng luật sư có độc quyền trong việc hỗ trợ và đại diện cho các bên (đại diện pháp lý đầy đủ và ràng buộc) và biện hộ trước các Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm, các khu vực tài phán hành chính và tư pháp, và tất cả các cơ quan tài phán hoặc kỷ luật.

Độc quyền này không có giới hạn về lãnh thổ. Tất cả các luật sư có thể đại diện, hỗ trợ và bào chữa trước tất cả các khu vực pháp lý hoặc ủy ban hành chính của Pháp.

Mặc dù sự khác biệt giữa chức năng bào chữa và biện hộ hầu như đã biến mất đối với các ngành nghề pháp lý, nhưng nó vẫn tồn tại ở cấp độ lãnh thổ: luật sư có thể bào chữa ở mọi nơi, kể cả bên ngoài phạm vi quyền hạn của các đoàn luật sư của họ.

Các luật sư không được độc quyền tuyệt đối trong việc hỗ trợ và đại diện trong mọi lĩnh vực và trước tất cả các Tòa án:

– Việc đại diện của luật sư là không bắt buộc trước các Tòa án trong hệ thống tư pháp được xem xét bởi các Thẩm phán, Tòa án địa phương, Tòa án việc làm, Tòa án an sinh xã hội, Tòa án kinh doanh, Tòa án đất nông nghiệp và Tòa án hình sự.

– Các viên chức Tòa án được gọi là “hội đồng luật sư” hoặc “LS của Hội đồng nhà nước và Tòa án giám đốc thẩm” (hai Tòa án tối cao), là một phần của cơ cấu tổ chức tách biệt với các luật sư khác; họ có đặc quyền đại diện cho các bên trước hai khu vực pháp lý này. Tại thời điểm này những luật sư này có khoảng một trăm người.

Các hoạt động được chia sẻ với các ngành khác

Điều 54 Mục II của Đạo luật số 71-1130 ngày 31/12/1971, được sửa đổi bởi Đạo luật số 90-1259 ngày 31/12/1990, xác định các điều kiện mà theo đó bất kỳ ai, trực tiếp hoặc thông qua một bên trung gian, có thể thường xuyên hoặc được trả tiền, đưa ra tư vấn pháp lý hoặc soạn thảo các văn bản pháp lý riêng thay mặt cho người khác.

Như vậy, luật sư chia sẻ nhiệm vụ của họ với các ngành nghề khác khi họ tư vấn cho khách hàng của mình; ra thông báo hoặc kêu gọi đấu thầu; soạn thảo hợp đồng, chứng chỉ hoặc giao dịch riêng tư; hoặc soạn thảo bất kỳ tài liệu nào liên quan đến luật doanh nghiệp, chẳng hạn như báo cáo thường niên, đại hội đồng, thỏa thuận sáp nhập, v.v.. Tuy nhiên, luật sư là những chuyên gia duy nhất có quyền soạn thảo và chính thức hóa các văn bản pháp luật có giá trị tranh tụng cao nhất.

Với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của các cá nhân, các lĩnh vực hoạt động mới dành cho luật sư cũng xuất hiện như luật sư đại diện hỗ trợ giao dịch tài sản và đại diện cho giới nghệ sĩ. Điều L. 222-7 của Bộ luật Thể thao cũng cho phép luật sư hoạt động như một đại lý thể thao mà không cần được cấp phép. Luật sư cũng có thể hoạt động như Hòa giải viên, giúp các đương sự giải quyết các tranh chấp của họ bằng một quy trình nhất định, nếu thành công, sẽ dẫn đến một giải quyết hòa giải. Về vấn đề này, thủ tục có sự tham gia do luật sư hỗ trợ là một phương pháp mới, thay thế để giải quyết các vụ kiện tụng; nó được khởi xướng bởi Bộ luật Dân sự của Pháp với mục đích khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp của họ bằng thương lượng.

Các luật sư cũng tham gia vào hoạt động của các Trọng tài viên, hoạt động như một Thẩm phán hoàn toàn độc lập, có thể đưa ra một thỏa thuận có hiệu lực thi hành dựa trên luật của Pháp, hoặc trong một số trường hợp, một thỏa thuận quốc tế hiện hành.

Các luật sư cũng có thể tham gia việc vận động hành lang, đóng vai trò là đại diện của khách hàng của họ trước các cơ quan chức năng trong nước hoặc quốc tế. Trong tình huống này, họ phải nói rõ cho các cơ quan có thẩm quyền biết danh tính và lợi ích của những người mà họ đang đại diện.

Quy chế nghề nghiệp – Nghĩa vụ của luật sư

Lời thề của tất cả các luật sư Pháp trước khi hành nghề là cơ sở đạo đức của luật sư Pháp: “Tôi xin thề, với tư cách là một luật sư, thực hiện nghĩa vụ của mình với phẩm giá, lương tâm, độc lập, liêm chính và nhân văn”.

Đạo đức

Luật sư phải tuân theo một số quy tắc pháp lý và đạo đức nhất định trong các mối quan hệ nghề nghiệp và ngoại nghề của họ. Nguyên tắc độc lập bảo đảm rằng các lời khuyên mà luật sư đưa ra cho khách hàng của họ sẽ không bao giờ bị hướng dẫn bởi lợi ích cá nhân hoặc áp lực bên ngoài. Nguyên tắc trung thành có nghĩa là luật sư không được tư vấn hoặc bào chữa cho hai bên mà lợi ích của họ có thể xung đột (quy tắc xung đột lợi ích). Nguyên tắc bảo mật bao gồm các giao tiếp bằng lời nói hoặc văn bản giữa luật sư và khách hàng của họ, giữa luật sư và chủ tịch đoàn luật sư quận của họ, ngoại trừ bất kỳ thông tin nào họ có thể có được trong quá trình trao đổi với đối phương.

Tôn trọng bí mật nghề nghiệp, nghiêm cấm luật sư tiết lộ cho bên thứ ba bất kỳ thông tin hoặc bí mật nào mà họ có thể nhận được từ khách hàng của mình. Đây là quy định mang tính bao trùm, tuyệt đối và không bị giới hạn bởi thời gian; nó áp dụng cho tất cả các vấn đề pháp lý và trong tất cả các lĩnh vực áp dụng của chúng, chẳng hạn như tư vấn, bào chữa, v.v.. Ngoài nghĩa vụ đạo đức, tuân thủ bí mật nghề nghiệp là nghĩa vụ pháp lý và vi phạm quy định này là phạm tội hình sự.

Kỷ luật

Khi luật sư vi phạm nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp thì không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn bị kỷ luật cảnh cáo, tạm đình chỉ quyền hành nghề, tước quyền hành nghề. Đạo luật số 2004 -130 ngày 11/02/2004 và Nghị định số 2005-531 ngày 24/5/2005 thiết lập các quy tắc về thủ tục kỷ luật.

Đại diện cơ quan công tố, người tiếp nhận các khiếu nại và nếu cần thiết, sẽ xử lý bằng cách thực hiện một cuộc điều tra dựa trên đạo đức về các sự kiện bị cáo buộc, hoặc Tổng chưởng lý của Tòa án phúc thẩm.

Cơ quan công tố có thể tiến hành đóng hồ sơ, hoặc ra lệnh khiển trách riêng; hoặc, nếu sự việc được chứng minh, cơ quan có thể ngay lập tức, hoặc sau một cuộc điều tra về đạo đức, chuyển vụ việc cho hội đồng kỷ luật tổ chức các phiên điều trần sơ thẩm về những vi phạm của các luật sư. Chỉ có Hội đồng của Hiệp hội luật sư Paris được giữ lại các đặc quyền của mình trong khu vực của họ.

Hành nghề luật sư ở Anh1

Để trở thành luật sư ở Anh, các sinh viên phải thực hiện một quy trình đào tạo lâu năm và cơ bản, bao gồm cả luật thực định và thực tập như sau:

Về cơ bản, có ba giai đoạn tương ứng với:

• Giai đoạn học đại học và sau đại học.

• Giai đoạn học nghề (đào tạo chuyên môn trước khi có bằng cấp).

• Giai đoạn thực hành (tiếp tục bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp (CPD) sau khi có bằng cấp).

Để trở thành luật sư, cần phải có bằng luật, sau đó là học một khóa về thực hành pháp lý (LPC). Sau LPC, cần phải hoàn thành hợp đồng đào tạo hai năm với một công ty luật hoặc chủ lao động khác. Sau khi hoàn thành hợp đồng đào tạo, người học mới đủ điều kiện làm việc với tư cách là luật sư ở Anh và xứ Wales.

Hình thức hành nghề

Luật sư ở Anh luật sư có thể hành nghề với tư cách là luật sư độc lập, có thể thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc công ty hợp danh TNHH… Sau khi hoàn thành khóa đào tạo của luật sư (bao gồm cả giai đoạn học tập, dạy nghề và học việc được gọi là học viên), luật sư nộp đơn cho một vị trí cố định trong một công ty luật. Luật sư có thể tự hành nghề với tư cách là luật sư độc lập với điều kiện là họ đã hành nghề tổng cộng ba năm sau khi hoàn thành chương trình học với đầy đủ quyền trong công ty hoặc văn phòng của người có chuyên môn. Luật sư cũng có thể làm việc trong một cơ sở hành nghề đa lĩnh vực (MDP). Hầu hết MDP được Cơ quan quản lý luật sư (SRA) quy định và được phân biệt với các công ty luật bởi các quy tắc cho phép những người không phải là luật sư nắm giữ quyền sở hữu. Luật sư có thể trở thành chủ sở hữu hoặc người quản lý MDP.

Khung pháp lý để điều chỉnh các dịch vụ pháp lý ở Anh và xứ Wales được quy định trong Đạo luật Dịch vụ Pháp lý năm 2007 (LSA). Theo luật sưA, chỉ các cá nhân và công ty được một cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt (AR) chỉ định mới có quyền cung cấp các dịch vụ pháp lý. Sáu loại dịch vụ pháp lý được thực hiện là:

– Đại diện cho khách hàng trong các vụ kiện tụng tại Tòa.

– Tiến hành các vụ kiện tụng và bảo vệ cho khách hàng tại Tòa. – Hoạt động liên quan đến pháp lý khác.

– Hoạt động chứng thực di chúc.

– Hoạt động công chứng.

– Việc quản lý và thực hiện các lời tuyên thệ.

Lưu ý rằng, khi một chuyên gia được AR ủy quyền thực hành các dịch vụ pháp lý dành riêng, họ sẽ phải chịu sự điều chỉnh của AR đó liên quan đến việc thực hiện các hoạt động pháp lý dành riêng cũng như các hoạt động hợp pháp khác của họ.

Các luật sư có thể được ủy quyền để thực hiện các hoạt động pháp lý theo luật sưA là:

– Luật sư tư vấn (Solicitor) là thành viên của Hội Luật gia và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định do một cơ quan độc lập có tên là Cơ quan quản lý luật sư (Solicitors Regulatory Authority – SRA) ban hành. Bên cạnh các quy định về tổ chức hoạt động còn có các quy định điều chỉnh đạo đức nghề luật của các luật sư trong hành nghề luật. Thông thường, luật sư tư vấn không có quyền tranh tụng trước Tòa (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Phần lớn luật sư hành nghề theo hình thức này. Luật sư tư vấn thường tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của họ, cung cấp lời khuyên và hỗ trợ pháp lý về nhiều vấn đề. Họ đại diện cho khách hàng tại các Tòa án cấp dưới (Tòa Sơ thẩm, Tòa án theo từng Hạt). Họ cũng có thể đại diện cho khách hàng tại các Tòa án cấp cao hơn (Tòa thượng thẩm, Tòa án cấp cao, Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao) nơi họ được quyền tiếp cận cao hơn. Tuy nhiên, họ chỉ đại diện chứ không làm luật sư bào chữa. Họ là những người trực tiếp chuyển vụ việc cho luật sư tranh tụng nếu cần thiết phải khởi kiện ra Tòa. Hiếm khi khách hàng trực tiếp thuê luật sư tranh tụng mà thông thường vụ việc do các luật sư tư vấn chuyển sau khi đã nghiên cứu và xem xét.

– Luật sư tranh tụng (Barristers) có số lượng lớn thứ hai trong số những người hành nghề luật sư tại Anh được phép tiến hành các hoạt động pháp lý. Họ là cố vấn pháp lý và những luật sư bào chữa tại phòng xử án. Luật sư tranh tụng là thành viên của Hội đồng luật sư của Anh và xứ Wales và có quyền tranh tụng trước Tòa. Những luật sư này được quản lý bởi Hội đồng của Hiệp hội luật sư – Bar Standards Board (BSB). Các luật sư tranh tụng đồng thời cũng phải là thành viên của Inn of Court. Có bốn Inn of court là Inner Temple, Lincoln’s Inn, Middle Temple và Grays Inn. Các luật sư tranh tụng không hoạt động dưới một công ty luật nào mà họ tự đăng ký hoạt động trong các “Chamber” và Hiệp hội luật sư có một danh sách liệt kê tất cả các luật sư đang hoạt động theo tên.

– Nhân viên thực thi pháp luật: Các học viên của trường luật được đào tạo về các chuyên ngành luật, lĩnh vực luật cụ thể. Công việc hàng ngày của những người này tương tự như công việc của một luật sư tư vấn. Những người này được phép lựa chọn để trở thành luật sư tư vấn trong một hoặc hai năm sau khi học tại các trường luật này và thường được miễn một số khóa đào tạo mà sinh viên tốt nghiệp phải hoàn thành để đủ điều kiện trở thành luật sư tư vấn. Việc điều chỉnh hoạt động của các nhân viên này được quy định tại CILEx.

– Người được cấp phép thực hiện dịch vụ pháp lý trong các giao dịch chuyển nhượng tài sản/bất động sản. Những người được cấp phép là chuyên gia pháp lý chuyên trách giải quyết các giao dịch tài sản. Điều chỉnh hoạt động của những người này là Ủy ban cấp phép cho người cung cấp dịch vụ pháp lý về các giao dịch về tài sản.

– Luật sư sáng chế là các chuyên gia cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực cấp bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Điều chỉnh hoạt động của luật sư cấp bằng sáng chế là Ủy ban luật sư thương hiệu.

– Luật sư nhãn hiệu thương mại là người có đủ điều kiện để hành nghề trong các vấn đề liên quan đến luật về nhãn hiệu thương mại và thực hành việc cung cấp tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu và thiết kế. AR dành cho luật sư về nhãn hiệu thương mại là Ban quản lý sở hữu trí tuệ.

– Luật sư về giá và chi phí bảo đảm rằng khách hàng của một công ty được tính phí hợp lý cho công việc được thực hiện thay mặt cho khách hàng. Họ có thể đại diện cho khách hàng trước Tòa khi có vấn đề về chi phí. AR cho luật sư chi phí là Ban tiêu chuẩn luật sư chi phí.

– Công chứng viên: Công chứng viên là những luật sư được chỉ định hành nghề công chứng. Công chứng viên chứng thực chữ ký và các văn bản.

– Kế toán viên: Chức danh “kế toán viên” cho biết người đó đã được đào tạo chuyên sâu tối thiểu ba năm, vượt qua một loạt các kỳ kiểm tra về quản lý tài chính, kiểm toán, chiến lược kinh doanh và thuế, đồng thời cam kết tiếp tục phát triển chuyên môn để nâng cao kỹ năng của họ. Các Kế toán viên được quản lý bởi Viện Kế toán và Công chứng ở Anh và xứ Wales (ICAEW).

Những người cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng không do Đạo luật dịch vụ pháp lý năm 2007 (LSA) quản lý

Đây là những cá nhân và pháp nhân cung cấp dịch vụ pháp lý như một nghề chính, được khách hàng ủy quyền và được quản lý bởi một cơ quan quản lý không phải là AR theo luật sưA. Những cơ quan này bao gồm:

• Các Công ty quản lý khiếu nại được chỉ định bởi cơ quan quản lý khiếu nại.

• Các chuyên gia tư vấn về vấn đề nhập cư do Văn phòng Ủy viên dịch vụ nhập cư quy định.

Ngoài ra còn có những người hành nghề trong các lĩnh vực khác như các luật sư chuyên viết di chúc và quản lý tài sản, các luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các luật sư chuyên về lĩnh vực việc làm.

Các yêu cầu để được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề luật sư

• Luật sư tư vấn

Yêu cầu để có chứng chỉ hành nghề được điều chỉnh bởi Quy tắc khung về thực hành (SRA 2019) và theo Đạo luật về luật sư năm 1974. Nhìn chung, một người phải có chứng chỉ hành nghề nếu họ làm việc với tư cách là luật sư tư vấn. Họ có thể hoạt động độc lập, có thể tham gia vào một công ty. Chứng chỉ hành nghề phải được gia hạn hàng năm và phải nộp lệ phí.

• Luật sư tranh tụng

Luật sư chỉ được quyền thực hiện một cách hợp pháp hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nếu họ được BSB (LSA) cho phép. Để hành nghề ở Anh và xứ Wales, luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề hàng năm. Chứng chỉ này được gia hạn trực tuyến thông qua một quy trình tái cấp phép được trả phí. Các luật sư nhìn chung được hành nghề tại các nước châu Âu khác và không có giới hạn cho việc này

Các quy định điều chỉnh nguyên tắc hành nghề của

Luật sư SRA 2019 đưa ra các tiêu chuẩn và yêu cầu mà các pháp nhân được ủy quyền cũng như các luật sư riêng lẻ phải tuân thủ thường xuyên, cụ thể:

Sổ tay SRA bao gồm ba loại tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau:

• Nguyên tắc SRA. Đây là mười tiêu chuẩn bắt buộc về đạo đức và nghề nghiệp mà tất cả những người hành nghề phải tuân thủ. Các nguyên tắc làm nền tảng cho tất cả các yêu cầu khác.

• Bộ Quy tắc ứng xử SRA 2019 (SRA Code of behavior). Điều này nêu ra các tiêu chuẩn đạo đức mà SRA khuyến khích đối với luật sư. SRA cũng cung cấp “các hành vi chỉ định” (IB) để minh họa cách thức đạt được các kết quả nhưng nhấn mạnh rằng những điều này là không bắt buộc và các tổ chức có thể đáp ứng các kết quả bằng các cách khác. Điều này nhằm phù hợp với nguyên tắc chung của OFR.

• Một tập hợp các yêu cầu và quy tắc liên quan đến các yếu tố cụ thể của việc điều hành một công ty cung cấp dịch vụ pháp lý được quy định trong Quy tắc hoạt động SRA 2019.

Sổ tay luật sư tranh tụng

• Phần 2 của Sổ tay luật sư (BSB Handbook) cung cấp quy tắc ứng xử cho luật sư. Sổ tay bao gồm Nhiệm vụ cốt lõi (CD), Kết quả (o), Hướng dẫn (g), Quy tắc và Quy định (r). Ấn bản thứ hai của Sổ tay BSB được xuất bản vào tháng 4/2015.

Người có quyền tranh tụng trước Tòa

Tiến hành tranh tụng là một hoạt động được cung cấp dịch vụ theo luật sưA. Những người sau có quyền tiến hành kiện tụng khi họ được AR của họ cho phép làm như vậy:

• Luật sư tư vấn.

• Luật sư tranh tụng.

• Các Giám đốc pháp chế (Legal Executive).

• Luật sư sáng chế.

• Luật sư thương hiệu.

• Luật sư về giá và chi phí. BSB hiện cho phép cả luật sư hành nghề độc lập và luật sư làm việc cho các công ty tiến hành các vụ kiện tụng. Có ba cách để luật sư có thể được tiến hành các vụ kiện tụng:

• Luật sư hành nghề độc lập và luật sư làm việc trong các công ty có thể xin gia hạn chứng chỉ hành nghề bằng cách đáp ứng các yêu cầu của rS47 của Quy tắc phạm vi hành nghề trong Sổ tay BSB (quy trình này đã được áp dụng từ ngày 22/01/2014).

• Luật sư trước đây được thực hiện tiến hành các vụ tranh tụng theo Phụ lục I của Bộ Quy tắc ứng xử cũ (Phiên bản thứ 8) hiện vẫn tiếp tục được tranh tụng, với điều kiện họ vẫn đang hành nghề.

• Bằng cách tự các luật sư có quyền tiến hành các vụ kiện theo các quy định pháp luật gốc.

Hành nghề luật sư ở Nga

Vào năm 2003, sau khi Nga trở thành Nhà nước liên bang, Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin đã ký ban hành Luật Luật sư và hành nghề luật sư, tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển của nghề luật sư tại Liên bang Nga nói chung và Saint Petersburg nói riêng. Liên đoàn luật sư Liên bang Nga ngoài tư cách đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các luật sư trong hành nghề, còn có hai nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển mối quan hệ chuẩn mực với Hiệp hội Thẩm phán Liên bang Nga, đồng thời tham gia vào quá trình góp ý, sửa đổi và hoàn thiện các dự án Luật của Liên bang. Ngoài ra, hoạt động của Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn luật sư Liên bang Nga nhằm bảo vệ quyền hành nghề của luật sư và phát hiện, xử lý các vi phạm trong hành nghề.

Ở Liên bang Nga, có những tổ chức hành nghề như Capital Legal Services, được thành lập cách đây 20 năm, với cấu trúc là một công ty TNHH hành nghề luật, theo đánh giá của Chambers & Partners và Legal, Công ty được xếp hạng nằm trong Top 500 các hãng luật lớn trên thế giới, chuyên tư vấn pháp lý về Luật Doanh nghiệp, M&A, chống độc quyền, hợp tác công tư và giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Lĩnh vực chuyên sâu của các luật sư trong Công ty chủ yếu tư vấn về kinh doanh bất động sản và xây dựng, kinh doanh hàng không, đường sắt, đại diện tham gia tranh tụng và giải quyết tranh chấp, luật lao động và sở hữu trí tuệ…, tư vấn cho các tập đoàn quốc tế và các ngân hàng tại Nga. Có sự khác biệt giữa mô hình công ty TNHH hành nghề luật với văn phòng luật sư, ngoài phương pháp tính thuế, thì cấu trúc của văn phòng luật sư lỏng lẻo, hoạt động bị hạn chế hơn, các luật sư không thể tham gia quan hệ lao động với các luật sư khác vì có vị trí ngang bằng nhau, phải đăng ký hoạt động hành nghề tại Bộ Tư pháp. Mô hình Công ty TNHH hành nghề luật không cần phải có giấy phép thành lập của Bộ Tư pháp, chỉ đăng ký hoạt động theo hệ thống tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp quốc gia, có chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, mỗi luật sư có vị trí khác nhau theo tầng nấc quản trị, người có kinh nghiệm vào nghề lâu năm sẽ hướng dẫn người ít kinh nghiệm hơn.

Điều kiện để trở thành luật sư

Để trở thành luật sư ở Nga, các luật sư cần tốt nghiệp trường/khoa luật và có bằng cử nhân luật, sau đó phải trải qua quá trình đào tạo nghề luật sư và kỳ thi quốc gia nghiêm ngặt. Sau khi đã trở thành luật sư chính thức, mỗi luật sư đều phải đọc lời tuyên thệ trang trọng tại trụ sở cơ quan tư pháp, thề tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích, bí mật của khách hàng…

Các luật sư ở Nga chia thành hai nhóm chính:

– luật sư là thành viên của đoàn luật sư có tổ chức chặt chẽ (thành viên của hội luật sư tư vấn hoặc hội luật sư bào chữa). Người bào chữa là người đã được nhận tư cách người bào chữa và có quyền thực hiện việc cung cấp dịch vụ bào chữa theo Luật Liên bang “Về người biện hộ và luật sư ở Liên bang Nga”.

– luật sư không phải là thành viên của bất kỳ tổ chức nào.

Sự khác biệt chính giữa hai loại luật sư này là chỉ những người bào chữa mới được phép đại diện cho thân chủ trong các vụ án hình sự.

Ngoài ra còn có một bộ phận không chính thức giữa luật sư hành nghề độc lập và luật sư nội bộ (in-house). Những luật sư tranh tụng có thể hoạt động trong cả hai nhóm, nhưng họ ít phổ biến hơn trong nhóm luật sư nội bộ.

Hiện tại không có hạn chế pháp lý nào áp dụng cho các luật sư làm việc trong các công ty luật và phòng/ban pháp luật tại các công ty (LS nội bộ), miễn là họ không cung cấp dịch vụ pháp lý trong các vụ án hình sự (nếu họ không phải là người bào chữa). Tuy nhiên, trên thực tế, bằng cử nhân luật là một yêu cầu chung cho luật sư hoạt động theo bất kỳ hình thức nào.

Để có được tư cách là luật sư tranh tụng, các điều kiện tiên quyết sau phải được đáp ứng:

• Bằng cấp đào tạo (bằng cử nhân luật hoặc cao hơn).

• Kinh nghiệm hành nghề luật sư (hai năm hành nghề luật sư hoặc tập sự tại cơ quan).

• Không có tiền án, tiền sự.

• Có đầy đủ năng lực pháp lý.

Sau đó, một người đáp ứng các yêu cầu này phải vượt qua một kỳ kiểm tra đặc biệt để trở thành luật sư tranh tụng. Giấy phép hành nghề xác nhận tư cách người bào chữa có giá trị suốt đời.

Theo nguyên tắc chung, không có giới hạn nào về luật sư tư vấn trên khắp nước Nga. Tuy nhiên, luật pháp có thể đặt ra một số yêu cầu nhất định, chẳng hạn như chỉ người bào chữa mới có thể đại diện cho thân chủ trong các vấn đề hình sự.

Không có quy tắc chung nào áp dụng cho luật sư không phải là luật sư tranh tụng. Thay vào đó, các vấn đề tố tụng được quy định bởi các quy tắc tố tụng điều chỉnh các loại vụ việc tố tụng khác nhau (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, trọng tài (thương mại) và thủ tục hành chính), bắt buộc thông thạo đối với bất kỳ người tham gia tố tụng nào có liên quan.

Hoạt động của những luật sư tranh tụng được quy định bởi Luật Liên bang “Về hoạt động tranh tụng và Đoàn luật sư ở Liên bang Nga” và bởi Quy tắc đạo đức. Quy tắc này bao gồm hai phần: một phần mô tả các nguyên tắc và điều khoản chung về hành vi nghề nghiệp của những người bào chữa và phần còn lại bao gồm các quy tắc cơ bản để xử lý kỷ luật.

Luật chính là Luật liên bang “Về các hoạt động tranh tụng và Đoàn luật sư ở Liên bang Nga”, cũng như các luật liên bang quy định các ngành nghề pháp lý riêng biệt, ví dụ, Thẩm phán, Công chứng viên, v.v..

Không có yêu cầu đặc biệt nào liên quan đến quyền tiến hành tranh tụng tại Tòa án. Tuy nhiên:

• Chỉ những luật sư tranh tụng mới có thể đại diện cho thân chủ trong các vụ án hình sự (bao gồm cả kiện tụng trước Tòa).

• Một bên tham gia một vụ việc tố tụng tại Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga phải được đại diện bởi một người biện hộ hoặc một người có bằng cấp về luật.

• Người đại diện trong thủ tục hành chính phải có trình độ cao hơn về luật. Quyền và nhiệm vụ của người đại diện tại Tòa án do Bộ luật tố tụng quy định đối với từng loại tranh tụng. Nói chung, mỗi người tham gia một vụ án có quyền:

• Truy cập các tài liệu của vụ việc.

• Tham gia kiểm tra bằng chứng.

• Đặt câu hỏi cho những người tham gia khác.

• Tuyên bố.

• Giải thích cho Tòa án.

• Trình bày lập luận về tất cả các vấn đề nảy sinh trong quá trình xem xét vụ việc.

Hình thức hành nghề luật sư

Các công ty luật thường được tổ chức dưới dạng công ty TNHH (LLC), tổ chức hoạt động pháp luật khác (trường đại học và văn phòng) và văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các công ty luật quốc tế tại các thành phố lớn (ví dụ: Moscow và Saint Petersburg).

Cũng có thể hành nghề luật sư mà không cần thành lập công ty luật. Luật sư có thể chọn hành nghề luật sư với tư cách là người hành nghề duy nhất, trong khi các luật sư hành nghề khác có thể cung cấp hỗ trợ pháp lý trên cơ sở các thỏa thuận riêng với khách hàng của họ (hoạt động với tư cách là người hành nghề duy nhất hoặc thay mặt cho công ty luật của họ).

Không có yêu cầu chung nào được áp dụng đối với người cung cấp dịch vụ pháp lý ngoại trừ một số yêu cầu nhất định đối với người bào chữa. Tư vấn pháp lý có thể được thực hiện bởi các luật sư với tư cách cá nhân hoặc là một bộ phận của một công ty luật.

Luật sư phải cung cấp một số dịch vụ chuyên nghiệp miễn phí theo Luật Liên bang “Về hỗ trợ pháp lý miễn phí ở Liên bang Nga”. Các dịch vụ chuyên nghiệp được tổ chức bởi các văn phòng luật sư tại các khu vực. Trên thực tế, các luật sư khác không phải là người bào chữa (đặc biệt là đại diện cho các công ty luật quốc tế và Nga hàng đầu) cung cấp hỗ trợ pháp lý trên cơ sở chuyên nghiệp theo sáng kiến của riêng họ, nhưng việc này là không bắt buộc.

Lĩnh vực đặc thù hình sự

Liên bang Nga là một ví dụ điển hình cho sự giao thoa giữa mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và thẩm vấn. Điều 123 (3) của Hiến pháp Liên bang Nga khẳng định: “các thủ tục tố tụng sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tranh tụng và công bằng giữa các bên”. Điều 15 BLTTHS năm 2001 nêu ra các nguyên tắc áp dụng đối với các vụ án hình sự. “Các nguyên tắc tranh tụng” và “các quyền bình đẳng của các bên” là các khái niệm có những giải thích và định nghĩa theo hệ thống châu Âu lục địa, đa dạng hóa đáng kể, đưa nước Nga tiến đến gần hơn với mô hình tố tụng tranh tụng kiểu Anh – Mỹ. Sự thay đổi này trở nên rõ ràng khi so sánh những giải thích cũ và mới về các chức năng của Tòa án, Cơ quan điều tra và Công tố. Tòa án không phải là một cơ quan công tố hình sự và sẽ không làm chức năng công tố hoặc gỡ tội trong một vụ án. Tòa án sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết cho các bên thực hiện các nghĩa vụ tố tụng và các quyền được trao cho họ. Thậm chí trước khi Bộ luật mới được thông qua, Tòa án Hiến pháp, dựa trên Hiến pháp đã quyết định rằng một Tòa án “có thể không tự thực hiện các chức năng tố tụng đặc biệt của các bên.” Điều này giải thích các nguyên tắc tranh tụng theo hướng tách biệt nghiêm ngặt giữa chức năng của Tòa án trong việc giải quyết vụ án với chức năng công tố và gỡ tội.1

Quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự tại Liên bang Nga thể hiện thông qua quy định luật sư phải có mặt, trừ khi bị từ chối. Nếu lời khai của một nghi can hay một bị can, giống như lời khai của một nhân chứng được gọi là một dạng chứng cứ, thì các nghi can hay bị can không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu đưa ra nội dung lời khai gian dối để làm chứng cứ.Trước khi buổi thẩm vấn bắt đầu, Điều tra viên hình sự có nghĩa vụ giải thích một số quyền bao gồm quyền “không đưa ra bất kỳ giải thích hay nội dung khai báo nào liên quan đến một cáo buộc hay nghi ngờ”. Có thể nói một trong các quyền quan trọng nhất của một nghi can hay của một bị can là quyền có luật sư. Luật sư không chỉ đưa ra định hướng hay tư vấn pháp lý mà còn là người đại diện chuyên nghiệp của nghi can hay bị can, làm giảm đi sự mất cân bằng về vị trí tố tụng, đồng thời khuyến khích họ sử dụng các quyền của mình.

Trong quá trình điều tra, nhìn chung luật sư không được phép tham gia điều tra, ngoại trừ các hoạt động có sự tham dự của bị can (ví dụ thực nghiệm hiện trường) hoặc có yêu cầu của bị can (ví dụ thẩm vấn một nhân chứng gỡ tội). Trừ khi luật sư bào chữa có thể thuyết phục được Điều tra viên (hay Thẩm phán trong trường hợp sự từ chối bị kháng cáo) cho phép mình tham dự buổi thẩm vấn một nhân chứng, thường thì chỉ duy nhất một Điều tra viên hình sự sẽ có mặt trong buổi hỏi cung. Luật sư bào chữa có thể có mặt khi bị can đưa ra lời khai trước Điều tra viên, có cơ hội tiếp cận nội dung hồ sơ vụ án và có “ý kiến bằng văn bản đối với độ chính xác và đầy đủ nội dung của một biên bản chính thức thể hiện một hoạt động điều tra cụ thể.” Tuy nhiên rất khó cho luật sư khi đánh giá và đặt câu hỏi về “độ chính xác và đầy đủ” trong một biên bản lời khai nhân chứng khi luật sư không tham dự nghe nhân chứng trình bày trong quá trình thẩm vấn. Đối với các biên bản hoạt động tố tụng khác cũng có vấn đề tương tự như vậy.

BLTTHS Liên bang Nga năm 2001 đã luật hóa phán quyết của Tòa án Hiến pháp bằng việc quy định quyền có luật sư bào chữa bắt đầu khi một người bị bắt trên thực tế hoặc “kể từ thời điểm bất kỳ một biện pháp tố tụng ngăn chặn hay hoạt động tố tụng nào được áp dụng đối với các quyền và sự tự do của người bị nghi ngờ thực hiện một tội phạm”. Quy định này chỉ rõ “thời điểm bắt giữ thực tế” là thời điểm người bị bắt bị tước đoạt quyền tự do đi lại trên thực tế”. Bộ luật này cũng đưa ra các định nghĩa thế nào là quyền tiếp cận luật sư trong giai đoạn ngay trước khi buổi thẩm vấn đầu tiên được tiến hành bởi Điều tra viên. Các định nghĩa nêu rõ một nghi can “có quyền có một buổi gặp riêng với luật sư” và một bị can (người đã bị cáo buộc về một tội phạm) có quyền “gặp riêng luật sư không giới hạn về số lần và thời gian gặp mặt”. Điều 92 (4) quy định mỗi lần nghi can được gặp luật sư trong thời gian có thể hơn 02 giờ, thậm chí trong trường hợp nghi can cần thiết tham dự một hoạt động điều tra.

4.9/5 - (41549 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền