Có ra quyết định thi hành án với doanh nghiệp bị giải thể không?

Chuyên mụcLuật doanh nghiệp, Thảo luận pháp luật, Thi hành án dân sự Giải thể doanh nghiệp

Trường hợp người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác thì xử lý như thế nào? Đình chỉ hay vẫn tiếp tục thi hành án dân sự?

 

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định khá chi tiết về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án trong dân sự (Điều 54). Tuy nhiên, trong thực tiễn đang phát sinh một số vướng mắc, khó khăn khi doanh nghiệp bị giải thể theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Cơ quan Thi hành án dân sự có được ra Quyết định thi hành án theo đơn hay không? Chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự là ai?

 

Nội dung vụ án:

Theo hợp đồng xây dựng số 01/HĐTC ngày 05/3/2011 giữa ông Dương Minh Đ và Công ty xây dựng S, hai bên thỏa thuận thời gian thi công căn nhà tại TP. Hồ Chí Minh cho ông Đ từ 6 đến 7 tháng và toàn bộ các công đoạn thiết kế, thi công, vật tư đều do Công ty S chịu trách nhiệm mà không tổ chức giám sát thi công.

Sau khi bàn giao nhà vào tháng 12/2011, ngày 10/01/2012, Công ty S thanh lý hợp đồng thì chủ đầu tư là ông Dương Minh Đ cho rằng Công ty S đã giao nhà không đúng chất lượng nên không thanh lý hợp đồng mà khởi kiện đòi bồi thường hợp đồng theo kết quả kiểm định của Công ty Cổ phần giám định N với tổng chi phí để khắc phục công trình trên là 5.011.169.000 đồng.

TAND cấp quận đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Dương Minh Đ, buộc Công ty xây dựng S phải trả cho ông Đ là 5.011.169.000 đồng. Sau khi có bản án sơ thẩm, Công ty S có đơn kháng cáo. Quá trình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì Công ty S giải thể. Do không triệu tập được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn nên Tòa án phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Tiếp theo, ngày 29/11/2016, Chi cục thi hành án dân sự có Quyết định thi hành án theo yêu cầu, cho thi hành án đối với Công ty xây dựng S (đã giải thể ngày 25/3/2016), và xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn gồm: ông Hoàng Thế B, ông Hoàng Văn T và ông Nguyễn Thế H. Những người này phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo bản án sơ thẩm.

Xung quanh Quyết định thi hành án theo yêu cầu, có ba quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp doanh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giải mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh”. Và “Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp” (khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp).

Cũng theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì “trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết trước khi ra quyết định. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản để thi hành án không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó”. Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên thì Cơ quan Thi hành án dân sự ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu và xác định những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của Công ty S đồng thời là những người quản lý doanh nghiệp theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án là đúng.

Quan điểm thứ hai cho rằng, theo quy định điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), quy định Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp: … “đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác”. Theo đó, khi một tổ chức bị giải thể mà nghĩa vụ không được chuyển giao cho tổ chức khác thì Cơ quan Thi hành án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc chứ không thực hiện được việc chuyển giao nghĩa vụ cho cá nhân người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 54 Luật Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Do đó, trường hợp này, lẽ ra Cơ quan thi hành án dân sự cấp quận phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc do nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác. Quyết định thi hành án theo yêu cầu xác định các cá nhân người quản lý doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo Bản án sơ thẩm là không chính xác.

Quan điểm thứ ba, đồng thời cũng là quan điểm của tác giả: Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định khá chi tiết, rõ ràng về các trường hợp và điều kiện để giải thể doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Trường hợp này, rõ ràng, Công ty S vẫn đang trong quá trình giải quyết tranh chấp và đang còn phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, không đảm bảo về điều kiện để thực hiện giải thể doanh nghiệp. Trường hợp này phải làm rõ nếu cơ quan ra Quyết định giải thể (Sở Kế hoạch và Đầu tư) là trái pháp luật và Công ty S không còn tài sản để thi hành án thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó theo quy định tại Điều 54 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Trường hợp cá nhân người quản lý doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì cần buộc cá nhân người quản lý công ty có liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do việc không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nếu có căn cứ cho rằng có việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, lừa dối nhằm mục đích vụ lợi thì phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự mới có tác dụng răn đe, giáo dục.

Trên đây là các quan điểm khác nhau xung quanh việc ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự. Do có sự chưa thống nhất giữa Điều 54 và Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và giữa Luật Thi hành án dân sự năm 2014 với Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên thực tiễn đã phát sinh lúng túng trong quá trình giải quyết.

Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (http://kiemsat.vn/co-ra-quyet-dinh-thi-hanh-an-voi-doanh-nghiep-bi-giai-the-khong-50933.html)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền