Ngành luật rất rộng lớn và nhiều tiềm năng

Chuyên mụcBạn có biết?, Cafe Dân Luật Ngành luật rất rộng lớn và nhiều tiềm năng
(Ảnh minh họa: Hocluat.vn)

Các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Luật có thể lựa chọn 1 trong 2 hướng đi chính: Thứ nhất, làm những công việc trực tiếp liên quan đến luật (luật sư, công tố viên,…); Thứ hai, làm ngành khác và sử dụng hiểu biết về quy định luật pháp để thực hiện tốt hơn công việc của mình (viết báo về pháp luật, làm kinh doanh nhưng có nền tảng kiến thức về luật,…). Về bản chất, ngành nào cũng đều bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, nên số lượng những công việc như vậy không hề ít.

Có thể bạn quan tâm:

Riêng trong ngành Luật cũng có nhiều cách phân chia. Tôi sẽ giới thiệu 2 cách phân chia chính.

Cách thứ nhất, chúng ta có thể chia công việc theo 2 khối: Khối công và Khối tư.

  • Khối công: Liên quan đến Nhà nước, làm việc ở các tổ chức như toà án, viện kiểm sát, các cơ quan hành chính,… Trái với suy nghĩ của nhiều người, thực tế, khối lượng công việc mà các cán bộ trong khối công thường phải tiếp nhận và xử lý là cực kỳ lớn. Do đó, nếu có lỡ gặp phải trường hợp công việc, thủ tục hành chính của mình bị giải quyết chậm hơn so với dự kiến, chúng ta cũng nên thông cảm.

  • Khối tư: Liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Đơn cử, bạn có thể làm tư vấn luật trong các công ty, doanh nghiệp từ quy mô nhỏ cho đến những tập đoàn lớn, bởi bất cứ doanh nghiệp nào khi tham gia thị trường cũng cần hiểu luật cấm gì và không cấm gì, bất cứ thỏa thuận hợp đồng nào cũng cần đặt trong khuôn khổ pháp luật. Với đối tượng người dân, bạn có thể làm luật sư tư vấn hôn nhân, giải quyết tranh chấp gia đình,… Tất cả những nhu cầu này đều rất lớn và chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai.

Khi làm việc trong khối công, bạn cơ bản chỉ được làm những điều luật cho phép. Còn khi làm trong khối tư, bạn sẽ được làm những điều luật không cấm. Đây là 2 khía cạnh rất khác nhau, định hình lối tư duy, xử lý công việc đặc thù của người làm trong từng khối, và câu hỏi mà trước khi làm bất cứ điều gì tôi cũng phải trả lời rất rõ: “Luật cho mình làm gì?”; “Luật không cho mình làm gì?”; “Luật cấm mình làm gì?”; “Luật không cấm mình làm gì?”.

Cách thứ hai là chia công việc về 3 mảng: Dân sự, Hình sự và Hành chính.

  • Dân sự: Bao gồm tất cả các mảng như hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động,…
  • Hình sự: Xử lý các vi phạm pháp luật có hình thành tội danh, ảnh hưởng đến trật tự pháp luật xã hội.
  • Hành chính: Giải quyết các vấn đề thủ tục pháp lý như thuế, đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh,…

Dù phân chia thế nào, cần khẳng định tiềm năng phát triển của hầu hết các lĩnh vực trong ngành đều rất lớn. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và tích cực tham gia quá trình hội nhập toàn cầu. Doanh nghiệp mới mở ra, doanh nghiệp cũ giải thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngừng mở rộng và phát triển. Sau đại dịch vừa rồi, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có đến 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể. Ngành luật là ngành rất đặc biệt vì khi xã hội biến động theo hướng phát triển hay đi xuống thì luôn kéo theo các vấn đề cần giải quyết kèm theo, do đó, nhu cầu được tư vấn vẫn luôn rất nhiều. Vì thế, nhân sự ngành luật, bất kể ở mảng dân sự, hình sự hay hành chính đều có khoảng lớn dư địa để phát triển.

Có thể bạn quan tâm:

Phía trên là trích những chia sẻ từ cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành Xã hội và Nhân văn có gì?” Vì thấy bài viết về ngành Luật rất bổ ích nên mình muốn chia sẻ cùng mọi người trong group, hy vọng sẽ giúp ích cho mọi người :>

Nguồn: HLU Dank Meme, Hoàng Phương

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền