Góp ý Dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi)

Luật thanh niên

Tóm tắt: Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Tuy nhiên, trong Dự thảo luật vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể: (i) phương pháp tiếp cận thanh niên như là chủ thể quan hệ pháp luật; là đối tượng thụ hưởng chính sách, pháp luật về thanh niên; và là chủ thể thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên; và (ii) quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

 

>>> Xem thêm: Hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

 

Abstract: The bill of Law on the Youth (amendment) is being under discussions and comments by the National Assembly. However, there are still shortages and shortcomings in the draft Law that need to be further reviewed for improvements, namely: (i) the approach to the youth as the subject of legal relations; beneficiaries of youth policies and laws; and the subject implementing the policies and laws on youth; and (ii) the rights and obligations of the youth.

 

Góp ý Dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi)

Mục lục:

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên

2. Tính logic giữa việc giải thích từ ngữ với nội dung của Dự thảo Luật

3. Đối tượng áp dụng

4. Một số quy định cụ thể

5. Kiến nghị

 

Dự thảo Luật thanh niên

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên

Việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên phải căn cứ vào vị trí, vai trò của thanh niên trong các quan hệ xã hội với tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật; là đối tượng thụ hưởng chính sách, pháp luật về thanh niên; và là chủ thể thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên. Để xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (Dự thảo Luật), phải xác định vấn đề cốt lõi “chính sách, pháp luật về thanh niên là gì?”.  Dự thảo Luật chưa xác định được vấn đề nêu trên nên chưa giải quyết được vấn đề Luật Thanh niên là luật khung hay luật quy định chi tiết chính sách, pháp luật về thanh niên. Toàn bộ các quy định Điều 39 đến Điều 44 của Chương III “Chính sách đối với thanh niên” đều được thiết kế theo công thức “Nhà nước có chính sách….” nhưng chính sách cụ thể là gì thì không rõ. Với những quy định như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc minh bạch và tính khả thi trong văn bản quy phạm pháp luật[1].

2. Tính logic giữa việc giải thích từ ngữ với nội dung của Dự thảo Luật

Thứ nhất, nội dung của Điều 1 là quy phạm định nghĩa nên phải thuộc nội dung của Điều 4 – giải thích.

Thứ hai, Điều 4 có 5 chủ thể quan hệ của pháp luật về thanh niên là “Thanh niên xung phong”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên di cư”, “Thanh niên có triển vọng tài năng” và “Thanh niên khuyết tật”được giải thích theo nghĩa là cá nhân và việc thực hiện chính sách này phải thông qua một tổ chức của thanh niên hoặc cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, cơ sở nghiên cứu nơi thanh niên làm việc, học tập hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, với những chính sách quy định tại các Điều 39, 40, 41, 42 và 44 thì tổ chức của thanh niên, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, cơ sở nghiên cứu nơi thanh niên làm việc, học tập hoặc nghiên cứu hầu như không được đề cập tới như một chủ thể bảo đảm cho thanh niên được thụ hưởng chính sách, pháp luật về thanh niên.

3. Đối tượng áp dụng

Điều 3 quy định rất nhiều đối tượng bị áp dụng Luật Thanh niên, bao gồm: các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ hội, quỹ, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, gia đình, công dân Việt Nam… Theo đó, các cơ quan, tổ chức này là những chủ thể bảo đảm cho thanh niên được thụ hưởng chính sách, pháp luật về thanh niên, tuy nhiên Chương VI Dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của một số chủ thể (nhà trường, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế) là chưa bảo đảm sự thống nhất giữa các điều khoản trong Dự thảo Luật.

4. Một số quy định cụ thể

Thứ nhất, một số quy định chung

– Điều 5 Dự thảo Luật mới chỉ quy định “Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên” mà không quy định nguyên tắc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên là chưa đầy đủ, bởi lẽ, quyền và nghĩa vụ của thanh niên chỉ là một bộ phận của chính sách, pháp luật về thanh niên.

– Tên Điều 8 “Nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên” không logic với nội dung được đề cập trong điều luật. Bởi lẽ, nguồn lực bảo đảm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên bao gồm nguồn lực về con người và nguồn lực vật chất (kinh phí) hoạt động, nhưng nội dung điều luật mới chỉ quy định về nguồn lực tài chính. Một nguồn tài chính rất lớn của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là đoàn phí nhưng chưa được quy định tại Điều luật này.

Thứ hai, quy định về quyền

– Theo chúng tôi, cần nghiên cứu, rà soát để bảo đảm đầy đủ các lĩnh vực hoạt động đặc thù của thanh niên như khi tham gia tổ chức: Thanh niên xung phong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách có khó khăn, gian khổ; Thanh niên tình nguyện hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội…

– Các quyền đã được quy định trong dự thảo Luật Thanh niên phải bảo đảm  đồng bộ với các văn bản pháp luật chuyên ngành, như:

+ Quy định về quyền trong học tập phải đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp

+ Quy định về quyền trong lao động việc làm phải đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động, nhất là quy định tại Chương XI “Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số loại lao động khác”.

+ Quy định về quyền trong bảo vệ sức khỏe phải đồng bộ với quy định của Luật Khám chữa bệnh, Luật Phòng chống HIV/AIDS.

+ Quy định về quyền trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao phải đồng bộ với quy định của Luật Thể dục, thể thao.

+ Quy định về quyền trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên phải đồng bộ với quy định của Luật Khoa học, công nghệ, Luật Bảo vệ tài nguyên, môi trường…

+ Quy định về quyền trong hôn nhân và gia đình phải đồng bộ với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

– Về kỹ thuật lập pháp, có thể quy định theo hướng nguyên tắc hoặc viện dẫn tùy theo việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra quyết định Luật Thanh niên là luật khung hay luật quy định chi tiết về chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Thứ ba, quy định về nghĩa vụ của thanh niên

– Cần nghiên cứu, rà soát để quy định nghĩa vụ của thanh niên trong các hoạt động đặc thù của thanh niên như khi tham gia tổ chức: Thanh niên xung phong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách có khó khăn, gian khổ; Thanh niên tình nguyện hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội…

– Nghiên cứu để quy định cụ thể nội dụng cần điều chỉnh, không quy định chung chung để bảo đảm tính khả thi của Luật.

5. Kiến nghị

– Thứ nhất,việc xây dựng Luật Thanh niên phải xuất phát từ việc nghiên cứu về thanh niên trên các phương diện thanh niên là chủ thể quan hệ pháp luật; là đối tượng thụ hưởng chính sách, pháp luật về thanh niên; và là chủ thể thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên.

– Thứ hai,về hình thức, vai trò của thanh niên được thể hiện thông qua các tổ chức và hoạt động của các tổ chức của thanh niên. Theo nghĩa này, chính sách, pháp luật về thanh niên chính là chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức của thanh niên với tư cách là một loại chủ thể quan hệ pháp luật đặc biệt.

– Thứ ba,về nội dung, Luật Thanh niên phải đề cập tới các nhóm nội dung: i) chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức của thanh niên, ii) quyền và nghĩa vụ của các tổ chức thanh niên khi tham gia hoạt động xây dựng kinh tế, bảo vệ Tổ quốc hoặc thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tính chất phong trào./.

Tác giả: TS. Nguyễn Mai Bộ – Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (392), tháng 8/2019.


[1] Xem: Khoản 3 và 4 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

5/5 - (2 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền