Cơ cấu tổ chức trong các trường đại học công lập theo Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Luật Giáo dục đai học năm 2012

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 hiện đang được soạn thảo. Một trong những cơ sở quan trọng khi xây dựng Dự án luật này là những định hướng từ Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được Ban Chấp hành trung ương thông qua ngày 25/10/2017 (Nghị quyết 19-NQ/TW). Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học hiện chưa quán triệt đầy đủ, trọn vẹn các định hướng ghi trong Nghị quyết 19-NQ/TW. Do vậy, Dự thảo Luật này cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

 

Abstract: The law on amendments of a number of articles under the Law on Higher Education of 2012 is currently being developed. One of the important grounds for this bill is the orientation in the Resolution No. 19-NQ/TW on continuation for renovation of the organization and management system of, improvement of the quality and efficiency of the performance of the public service units approved by the Central Committee on 25 Oct. 2017 (the Resolution 19-NQ/TW). However, it does not seem that the bill of law to amend the Law on Higher Education is not fully undertaken and fully described in the Resolution 19-NQ / TW. Therefore, this draft law needs to receive further improvements.

 

1. Mô hình tổ chức quản lý trường đại học

1.1 Bất cập trong quy định về mô hình tổ chức quản lý trường đại học

Cơ cấu tổ chức của trường đại học được quy định tại Điều 14 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012[1] (Dự thảo Luật). So sánh quy định của Dự thảo Luật và Điều 14 Luật GDĐH hiện hành, chúng tôi nhận thấy, quy định về cơ cấu tổ chức của trường đại học công lập theo Khoản 1 gần như không có thay đổi so với Luật GDĐH hiện hành. Sự thay đổi chỉ là bổ sung thêm mô hình quản lý của trường đại học tư thục và đại học có vốn nước ngoài. Đồng thời, từ Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 14 của Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã có sự phân loại trường đại học theo vốn sở hữu và thiết kế mô hình quản trị khác nhau. Trong đó có ba mức độ khác nhau về bộ máy quản lý của trường đại học:

– Với trường đại học công lập, mô hình quản lý được thiết kế bao gồm: Hội đồng trường; Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng; Phòng, Ban chức năng và Khoa, Bộ môn.

– Với các trường tư thục, mô hình quản lý bao gồm: Đại hội đồng cổ đông (hoặc Chủ tịch trường hoặc Hội đồng quản trị); Hội đồng quản trị; Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng; Phòng, Ban chức năng và Khoa, Bộ môn; và Ban kiểm soát.

– Trường đại học có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức.

Chúng tôi cho rằng, cách quy định này là lỗi thời, bất bình đẳng và không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW.

Sự lỗi thời thể hiện ở việc phân chia mô hình quản lý theo vốn góp. Ngay từ năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp trên tinh thần xóa bỏ sự phân biệt về vốn góp khi quản lý các doanh nghiệp, dù đó là vốn Nhà nước, vốn tư nhân hay vốn nước ngoài. Nhưng, Dự thảo Luật lại tạo ra sự phân biệt rõ ràng, mỗi loại trường đại học có cơ cấu quản lý khác nhau tùy theo nguồn vốn đầu tư. Rõ ràng, sự phân biệt này hoàn toàn chưa thoát được tư duy “bao cấp” và “hành chính hóa” trong quản lý giáo dục, nhất là quản lý các cơ sở đào tạo công lập. Cho đến nay, với tinh thần đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19/NQ-TW, các đơn vị sự nghiệp sẽ được quản lý theo mô hình doanh nghiệp. Chỉ khi các đơn vị sự nghiệp (trong đó có các trường đại học) được quản lý theo mô hình doanh nghiệp, Nhà nước mới có cơ hội giảm bớt sự bao cấp và gánh nặng tài chính, gánh nặng nhân sự… và các đơn vị sự nghiệp có cơ hội hoạt động hiệu quả trong môi trường cạnh tranh.

Sự bất bình đẳng thể hiện ở chỗ, theo Điều 14 của Dự thảo Luật, các trường đại học có vốn nước ngoài từ 51% trở lên được toàn quyền định đoạt mô hình quản lý. Các trường đại học còn lại đều phải tuân theo mô hình quản lý do luật định, bị áp dụng chế độ kiểm soát không khác gì Luật GDĐH hiện hành và các cơ quan quản lý nhà nước có thể can thiệp khá sâu vào việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt, nhất là Thành viên Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Như vậy, các trường đại học công lập và tư thục phải có cơ cấu quản lý chặt chẽ trong khi các trường đại học có vốn nước ngoài lại “được thả nổi” về mô hình quản trị. Điều này tạo nên “vùng tự do” trong quản lý và vùng này dành riêng cho các trường có vốn nước ngoài. Sự bất bình đẳng này là mối nguy cơ lớn cho cả một quá trình quản lý giáo dục và chắc chắn tạo nên sự bất lợi cho các trường đại học công lập và tư thục khi hoạt động ngay trên lãnh thổ Việt Nam.

Hơn nữa, với các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên (lưu ý chỉ là vốn đầu tư nước ngoài – chưa cần chủ thể đầu tư là một trường danh tiếng hoặc không danh tiếng, thậm chí có thể là nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm giáo dục), pháp luật hoàn toàn không quy định về cơ cấu quản lý, tiêu chuẩn của người đứng đầu, chức danh đại diện theo pháp luật, và cũng chẳng quy trách nhiệm cho bất kỳ ai ngoài nhà đầu tư. Điều này đặt ra hàng hoạt vấn đề pháp lý (i) ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính về chương trình và chất lượng đào tạo; (ii) trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài có là pháp nhân theo pháp luật Việt Nam không; (iii) trong những trường hợp có sự lừa đảo trong đào tạo, chúng ta sẽ quy trách nhiệm cho ai và ai là người có trách nhiệm giải trình?…

Chúng tôi cho rằng, sự khác biệt giữa các trường đại học theo vốn sở hữu đơn giản là chỉ khẳng định chủ sở hữu của trường đó là ai. Do đó, sự khác biệt trong cơ cấu quản lý giữa các trường đại học công lập, đại học tư thục và đại học tư thục có vốn nước ngoài chỉ đơn giản là cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan nào và cách thức thành lập, cách thức vận hành của cơ quan đó. Tất cả các chế định khác như chế định về hiệu trưởng, về bộ máy điều hành, bộ máy chuyên môn là phải giống nhau. Phải có sự bình đẳng về quản lý theo nguyên tắc đã tự do định đoạt thì tất cả đều có cơ hội giống nhau hoặc đã kiểm soát chặt thì việc kiểm soát chặt phải áp dụng chung cho mọi trường đại học. Nếu Ban soạn thảo cho rằng, có những quy định chỉ có thể áp dụng cho các trường trong nước mà không thể áp dụng cho các trường có vốn đầu tư nước ngoài thì rõ ràng, phải xem lại giá trị đích thực của quy định đó và xác định có cần thiết áp dụng quy định đó cho các trường đại học có vốn đầu tư trong nước hay không.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật không phù hợp với thực tiễn hoạt động của khối các trường đại học công lập và chưa theo định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW. Nghị quyết 19-NQ/TW phân hóa rõ đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn và chưa tự chủ (ở đây là các cơ sở GDĐH tự chủ hoàn toàn và cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ). Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ các giải pháp tổng thể, toàn diện trong cải cách bộ máy quản lý của các cơ sở GDĐH tự chủ hoàn toàn. Đối với tổ chức quản lý của các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn, Nghị quyết 19-NQ/TW có nêu định hướng tại tiểu mục 5, mục III “Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp”. Rất tiếc, Dự thảo Luật chỉ đặt ra một mô hình chung cho cả hai loại hình đại học công lập (dù có tự chủ hay không) mà chưa phân hóa mô hình quản lý riêng cho các cơ sở GDĐH tự chủ hoàn toàn, chưa thiết kế theo mô hình quản trị doanh nghiệp đối với nhóm trường đại học tự chủ.

1.2 Kiến nghị sửa đổi

Từ các phân tích nêu trên, giải pháp cần làm khi xây dựng cơ cấu quản lý của các trường đại học theo Điều 14 trong Dự thảo Luật là:

– Phải đảm bảo xây dựng được mô hình quản trị chung và tối thiểu cho các trường đại học. Trong đó, ngay cả các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài (dù mức đầu tư là bao nhiêu) cũng phải tuân thủ cơ cấu tối thiểu trong quản lý và điều hành. Cơ cấu này gồm các nội dung sau: những bộ phận quản trị cơ bản (Hội đồng trường, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông…); chức danh điều hành và nguyên tắc xác định người đại diện theo pháp luật; xác định người (hoặc nhóm người) có trách nhiệm cao nhất trước pháp luật, trước người học và các đối tác…

– Đối với các trường đại học công lập đã tự chủ về tài chính hoàn toàn, mô hình quản lý phải tuân thủ đúng định hướng: “Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp” tiểu mục 5, mục III của Nghị quyết 19-NQ/TW. Các cơ quan, chức danh quản lý điều hành (trừ Hội đồng trường) của trường đại học công lập tự chủ tài chính được áp dụng tương tự các trường tư thục. Các chức vụ quản lý khác ngoài Hội đồng trường của một trường đại học công lập tự chủ tài chính phải được áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình theo quy định áp dụng cho trường tư thục. Bởi theo quy định trong Dự thảo Luật, mô hình quản lý của trường đại học tư thục hoàn toàn giống với mô hình quản lý của một doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014. Chỉ khi quy định như vậy, chúng ta mới đảm bảo: sự tuân thủ đúng định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW; khuyến khích các trường tự chủ và sự tạo sự bình đẳng trong hoạt động giữa trường tư và trường công tự chủ.

– Điều 14 nên phân chia thành các nhóm nội dung trong cơ cấu quản lý và tổ chức của một trường đại học để tránh nhầm lẫn về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của từng bộ phận như sau: 1) Bộ máy quản lý, các cơ quan và chức danh quản lý điều hành bao gồm: cơ quan quản lý có thẩm quyền cao nhất: Hội đồng trường của Trường công lập (tương tự là Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị của Trường tư thục…); cơ quan điều hành (Hiệu trưởng); và Ban kiểm soát (đối với Trường tư thục); 2) Cơ cấu tổ chức: trường đại học ngoài trụ sở chính còn có thể có các phân hiệu (giống chi nhánh của một doanh nghiệp); cơ sở thực hành, tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; văn phòng đại diện (việc thành lập văn phòng đại diện là quyền cơ bản của một tổ chức, đơn vị sự nghiệp); doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác do trường đại học lập theo Luật Doanh nghiệp (nếu có). 3) Tổ chức chuyên môn: các Khoa, Bộ môn, Tổ chức khoa học và công nghệ; Hội đồng khoa học và đào tạo; các Hội đồng tư vấn. Trên cơ sở phân định này, chúng ta thiết kế rõ sự phân bổ quyền lực và khả năng can thiệp vào chuyên môn, quản lý và điều hành của từng bộ phận. Đồng thời, Điều 14 sẽ tránh được sự phức tạp, trộn lẫn các nội dung khác về bản chất vào cùng một quy định.

2. Hội đồng trường

2.1 Bất cập trong quy định về Hội đồng trường 

Những điểm mới trong quy định về Hội đồng trường trong Dự thảo Luật không làm thay đổi bản chất trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường. Dự thảo Luật đang lặp lại nguyên văn Khoản 2 Điều 16 Luật GDĐH hiện hành, “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường…”. Nếu theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW (tiểu mục 5, Mục III), có thể thấy, Dự thảo Luật chưa tiếp thu nguyên tắc đã đặt ra là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các Trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của Trường đại học”.

Dự thảo Luật có nhiều thay đổi về thẩm quyền cho Hội đồng trường. Tuy nhiên, điểm đ Khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật đặt ra cơ chế khá phức tạp và chưa mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập khi Hội đồng trường “quyết định nhân sự Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận”. Quy định này chưa hợp lý và chưa đảm bảo tinh thần tự chủ mà Nghị quyết 19-NQ/TW đã đặt ra. Theo đó, (1) Dự thảo Luật giao quyền quyết định nhân sự Ban Giám hiệu cho Hội đồng trường nhưng lại đặt ra cơ chế “công nhận” và giao quyền “công nhận” cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Hội đồng trường hoàn toàn không là cơ quan có quyền cao nhất về nhân sự của trường đại học. Mặc dù Dự thảo Luật không sử dụng từ “cơ quan chủ quản”, song với sự xuất hiện của cụm từ “cơ quan quản lý có thẩm quyền” cho thấy, “cơ quan chủ quản” vẫn tiếp tục tồn tại trong việc quản lý một trường đại học công lập; (2) Vấn đề phát sinh là khi tiếp tục tồn tại mô hình quản lý “cơ quan chủ quản” thì Luật GDĐH cũng cần phải định rõ thẩm quyền, phạm vi, khả năng và cách thức can thiệp vào hoạt động của cơ quan chủ quản đối với trường đại học. Trường đại học chỉ có thể tự chủ theo đúng định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW khi xác định rõ thẩm quyền, cách thức cũng như phạm vi quản lý của cơ quan chủ quản. Rất tiếc, Dự thảo Luật hoàn toàn không có quy định về giới hạn quản lý của cơ quan chủ quản đối với các trường đại học. Hạn chế này có thể tạo ra cơ hội cho sự quản lý và can thiệp của các cơ quan quản lý một cách tùy tiện, sâu rộng vào các trường và phá vỡ hoàn toàn kế hoạch xây dựng mô hình tự chủ đối với các cơ sở đào tạo đại học công lập.

2.2 Kiến nghị sửa đổi  

Thứ nhất, thay đổi cách quản lý các cơ sở đào tạo đại học bằng việc tăng cường sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở này. Vấn đề tự chủ không thể là “khẩu hiệu” và chỉ được thể hiện trong các “chính sách, chủ trương” mà phải là thể hiện bằng pháp luật. Trong đó, việc tự chủ phải thể hiện dứt khoát và mạnh mẽ trong mô hình quản lý. Luật GDĐH phải được sửa đổi triệt để về mô hình quản trị theo đúng định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW. Về mô hình quản trị, chúng ta nên xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH theo cách thức sau:

Một là, đối với các trường đại học công lập, Nhà nước quản lý thông qua Hội đồng trường. Do đó, cơ chế duy nhất để thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với Trường đại học là Hội đồng trường. Theo đó, Nhà nước cử đại diện quản lý bằng cách bổ nhiệm các thành viên của Hội đồng trường. Đối chiếu với mô hình quản trị các doanh nghiệp, chủ sở hữu các công ty quản trị thông qua bộ máy đại diện (cổ đông quản lý qua việc bầu Hội đồng quản trị); khi đã cử đại diện, chủ sở hữu trao quyền quyết định cho Hội đồng quản trị để quyết định việc quản lý doanh nghiệp. Mô hình này đã và đang áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Áp dụng tương tự với các trường đại học công lập, Nhà nước cần phải quản lý thông qua Hội đồng trường. Tuy nhiên, có các vấn đề cần phải thể hiện rõ:

– Phải có quy định khẳng định vai trò của Hội đồng trường theo đúng tinh thần của Khoản 5 Tiểu mục III, Nghị quyết 19-NQ/TW là “Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của Trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.

– Hội đồng trường là cơ quan bắt buộc trong các Trường đại học công lập, bao gồm trường tự chủ và trường chưa tự chủ.

– Phải có quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền bổ nhiệm Thành viên Hội đồng trường;

– Chủ tịch Hội đồng trường là chức vụ quản lý chứ không phải là chức danh như Dự thảo Luật đang quy định tại Khoản 7 Điều 16.

Hai là, một khi Hội đồng trường được xác lập là cơ quan đại diện chủ sở hữu và là cơ quan thực thi quyền cao nhất của Trường đại học thì tất yếu bộ máy điều hành (các thành viên Ban giám hiệu, Trưởng phó Phòng, Ban, Khoa…) phải được tạo lập theo đúng nguyên tắc tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các trường đại học công lập đã tự chủ về tài chính hoàn toàn, ngoài việc đảm bảo áp dụng đúng mô hình quản trị doanh nghiệp cho nhóm các trường đại học này, chúng tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần soạn lại các quy định của Dự thảo Luật như sau:

– Về nguyên tắc, một trường đại học công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính không phải và không bao giờ còn là một đơn vị sự nghiệp công lập bao cấp, nên khung pháp luật áp dụng cho mô hình này tuyệt đối không còn là cơ chế quản lý hành chính và cơ chế quản lý bao cấp.

– Đại học công lập tự chủ hoàn toàn được quản trị như doanh nghiệp và không áp dụng chế độ “công chức” đối với mọi chức vụ quản lý và người lao động. Vì thế, không áp dụng bất cứ quy định về công chức nào đối với bất kỳ nhân sự nào của trường (bao gồm và không giới hạn ở các thành viên Ban giám hiệu – kể cả Hiệu trưởng, Trưởng, phó các Phòng, Ban, Khoa, Giảng viên, Viên chức…). Trong cơ chế này, chúng ta không định tuổi bổ nhiệm, nhiệm kỳ, tuổi về hưu (nếu còn làm việc tốt và còn được nhà trường tín nhiệm và ký hợp đồng thuê làm việc)…;

– Hội đồng trường của một trường đại học nói chung và trường đại học tự chủ hoàn toàn chỉ có thực quyền khi pháp luật và Nhà nước mạnh dạn thực hiện cơ chế “bỏ Bộ chủ quản và bỏ cơ chế chủ quản”. Hội đồng trường chọn Hiệu trưởng và quyết nghị bổ nhiệm. Hiệu trưởng chọn Phó hiệu trưởng trở xuống và quyết định bổ nhiệm.

– Đã được quản trị như doanh nghiệp thì đại học công lập tự chủ hoàn toàn phải được quản trị theo Luật Doanh nghiệp (về bộ máy quản lý, về sáp nhập, chia tách, giải thể, thành lập…). Dự thảo Luật không nên quy định bên trong đại học công lập tự chủ có bao nhiêu cấp tổ chức. Đó là quyền của Hội đồng trường. Tùy theo tình hình phát triển của trường và nhu cầu xã hội, Hội đồng trường quyết định nhà trường có mấy cấp quản lý. Bên trong đại học có thể có Trường trực thuộc, Khoa, Phân hiệu, Cơ sở, Phòng, Ban, đơn vị sản xuất, công ty… Việc Dự thảo Luật tự chế định các cấp quản lý nội bộ của một đơn vị tự chủ là đi ngược với xu thế tự chủ và ngược lại với định hướng cụ thể của Nghị quyết 19-NQ/TW. Pháp luật giao quyền quyết định về các cấp quản lý nội bộ của trường cho Hội đồng trường. Hội đồng trường còn có quyền chọn và quyết định Hiệu trưởng thì việc quyết định cơ cấu quản lý và tổ chức nội bộ của trường phải giao cho Hội đồng trường thì Hội đồng trường mới có thực quyền và là cơ quan có quyền cao nhất trong Trường theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW.

– Tất cả những vấn đề còn lại: đầu tư, mua sắm, quy chế chi tiêu, liên kết nước ngoài, liên doanh, liên kết, quyết định cho nhân sự đi nước ngoài, tổ chức hội thảo quốc tế, việc tổ chức Đảng – Đoàn thể trong Nhà trường… đều áp dụng theo Luật Doanh nghiệp hoặc áp dụng theo các Quy định đối với đại học tư thục, đại học có vốn đầu tư  nước ngoài.

– Là doanh nghiệp đặc biệt, thuộc sở hữu nhà nước trong lĩnh vực giáo dục dù là tự chủ hoàn toàn; nên đại học tự chủ phải được hưởng các ưu đãi về thuế: phải miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện nay các trường đều đang bị áp loại thuế này); miễn thuế trị giá gia tăng đối với các hoạt động kinh doanh, miễn thuế thu nhập từ tiền lãi do Ngân hàng trả (hiện nay các trường đều đang bị áp loại thuế này)… nhằm có nguồn tài chính tài trợ học bổng cho con em nghèo và con em diện chính sách (Ngân sách Nhà nước không cần tài trợ nữa); được giao đất không qua đấu giá, miễn tiền thuê và tiền sử dụng đất…

3. Quy định về Hiệu trưởng

3.1 Bất cập trong các quy định về Hiệu trưởng  

Các quy định về Hiệu trưởng được đề cập tại Điều 20 của Dự thảo Luật. Nếu so sánh Điều 20 của Dự thảo Luật với Điều 20 Luật GDĐH hiện hành, có thể thấy, những quy định mới về Hiệu trưởng của trường đại học chỉ áp dụng cho các trường đại học ngoài công lập. Các quy định về Hiệu trưởng của trường đại học công lập không có bất kỳ sự thay đổi nào so với quy định của Luật GDĐH, cụ thể: 1) Hiệu trưởng trường đại học công lập vẫn do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận sau khi Hội đồng trường quyết định. Điều này cho thấy, Ban soạn thảo chưa sẵn sàng bỏ cơ chế quản lý đối với các trường đại học công lập. Do đó, cơ quan chủ quản vẫn là cơ quan có quyền cao nhất trong việc quản lý trường đại học. Trong đó, chức danh điều hành do cơ quan chủ quản công nhận. 2) Các tiêu chuẩn của Hiệu trưởng và giới hạn hai nhiệm kỳ của Hiệu trưởng trường đại học công lập hoàn toàn không có sự khác biệt so với Luật GDĐH hiện hành.

Về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 19-NQ/TW đã nêu ra nhiều giải pháp mang tính toàn diện, tổng thể và hệ thống để đổi mới cơ chế và bộ máy quản lý. Trong đó, có 07 vấn đề quan trọng có thể áp dụng cho các cơ sở GDĐH, bao gồm: (1) “đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở GDĐH” (mục III.4); (2) áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp (mục III.4 và 5); (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các Trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của Trường đại học; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường (mục III.5); (4) Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý. Bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ và các đơn vị trọng điểm, chuyên sâu (mục III.7); (5) Thí điểm thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập (mục III.3); (6) thực hiện hợp đồng viên chức có thời hạn (mục III.3); (7) không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (mục III.3).

Như vây, chúng ta thấy Dự thảo Luật chưa tiếp thu những định hướng có tính “cách mạng” trong quản trị trường đại học của Nghị quyết 19-NQ/TW. Riêng các quy định về Hiệu trưởng của Trường đại học, Dự thảo Luật vẫn mang đậm màu sắc và nguyên tắc của quản lý hành chính mà chưa phải là quản trị đại học theo mô hình doanh nghiệp.

3.2 Kiến nghị

Dự thảo Luật cần phân định rạch ròi mô hình quản trị của một đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính với quản trị một đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính. Tiểu mục 3, Mục III, Nghị quyết 19-NQ/TW xác định “Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập”. Như vậy, với vai trò điều hành, Hiệu trưởng sẽ như một giám đốc điều hành. Mặt khác, Nghị quyết 19-NQ/TW cũng đã xác định “Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp”.

Cần bỏ những quy định cứng nhắc về nhiệm kỳ, về các điều kiện cứng áp dụng với chức vụ Hiệu trưởng trường công lập, kể cả quy trình bổ nhiệm và công nhận – nhất là đối với các trường tự chủ. Các trường đại học tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Nhà nước về chất lượng và hiệu quả điều hành. Nhà nước kiểm soát bộ máy điều hành thông qua Hội đồng trường. Từng thành viên trong Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về các quyết định của mình, trong đó có việc lựa chọn và bổ nhiệm Hiệu trưởng. Nếu chúng ta tự tin với cơ chế tự chủ thì chúng ta phải tự tin xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm đối với các trường đại học và cụ thể là cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trường. Do đó, vấn đề cần giải quyết là xây dựng một cơ chế mạnh cho Hội đồng trường cả về thẩm quyền và trách nhiệm. Đồng thời, phải mạnh mẽ mở rộng và làm thông thoáng cho các quy định khác theo hướng giao trách nhiệm hơn nữa cho các trường đại học trong việc lựa chọn, quyết định Hiệu trưởng. Vì thế, sẽ không còn quy định về tiêu chuẩn mà sẽ do từng Trường đại học tự đặt ra các tiêu chuẩn về Hiệu trưởng.

Nghị quyết 19-NQ/TW và pháp luật hiện hành đều không áp dụng chế độ công chức cho bất kỳ chức danh nào trong các trường đại học tự chủ hoàn toàn về tài chính. Vì lẽ đó, sẽ không còn áp dụng các chế độ kiểm soát và quản lý công chức dành cho Hiệu trưởng và các thành viên khác trong Ban giám hiệu. Mặt khác, Nghị quyết 19-NQ/TW cũng đặt ra cơ chế thí điểm rất thoáng dành cho các đơn vị sự nghiệp công lập là cho phép thuê giám đốc. Một khi Nghị quyết của Trung ương Đảng đã chấp nhận cho thí điểm thuê giám đốc thì việc thuê Hiệu trưởng hoàn toàn có thể áp dụng và nên khuyến khích áp dụng cho các trường đại học công lập đã tự chủ tài chính./.

Nguyễn Ngọc Sơn, TS. Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16 kỳ 2 tháng 8/2018.

 


[1] Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Dự thảo lần thứ ba) tại: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspxItemID=1394&LanID=1524&TabIndex=1

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền