Đương nhiên được xóa án tích tại BLHS 2015

xoa-an-tich

Đương nhiên được xóa án tích được quy định tại điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

 

Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

 

Bình luận về đương nhiên được xóa án tích được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Đầu tiên dễ nhận thấy rằng, Điều luật này đồ sộ hơn so với Điều 64 BLHS 1999 khi quy định về cùng một nội dung. Điều luật này quy định nhiều vấn đề hơn và cũng chứa nhiều nội dung mới hơn. Cụ thể:

1. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn sớm hơn

Nếu như quy định tại Bộ Luật cũ thời điểm tính thời hạn bắt đầu từ khi người phạm tội chấp hành xong bản án thì Bộ luật mới bắt đầu tính kể từ khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo. Quy định mới này sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp người phạm tội phải chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung và một số trách nhiệm pháp lý khác. Bởi lẽ chấp hành xong bản án là phải chấp hành hết tất cả những quyết định có trong Bản án đó bao gồm cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các trách nhiệm pháp lý khác. Nếu chiếu theo quy định mới chỉ cẩn người phạm tội chấp hành xong hình phạt chính (không phụ thuộc vào việc đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, trách nhiệm khác hay chưa) là đã bắt đầu tính thời hạn xóa án tích.

Do thời điểm bắt đầu tính thời hạn sớm hơn nên rất có thể sẽ phát sinh trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c Khoản 2. Do vậy nhà làm luật cũng đã dự liệu trong trường hợp này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

2. Thời hạn xóa án tích ngắn hơn

Việc rút ngắn này rất dễ dàng nhận thấy. Ví dụ: Bộ luật cũ quy định thời hạn là 05 năm trong trường hợp hình phạt tù đến 15 năm nhưng Bộ Luật mới rút ngắn lại còn 03 năm; thời hạn là 07 năm trong trường hợp phạt tù trên 15 năm nhưng Bộ Luật mới rút ngắn lại còn 05 năm.

Bên cạnh việc rút ngắn thời hạn, một điểm mới cũng đáng lưu ý là quy định tại Điểm d Khoản 2. Cụ thể quy định cũ hoàn toàn không đề cập đến thời hạn xóa án tích đối với trường hợp người bị kết án tù chung thân hoặc tử hình. Điều này dễ hiểu vì hình phạt tù chung thân không xác định được thời điểm chấp hành xong hình phạt còn hình phạt tử hình thì người bị kết án sẽ không còn sau khi chấp hành xong bản án. Tuy vậy, trong trường hợp người bị kết án chung thân, tử hình nhưng được giảm án (sang hình phạt tù có thời hạn) thì việc thiếu quy định về thời hạn xóa án tích trong trường hợp này sẽ tạo ra một lỗ hổng pháp lý, chúng ta có thể hình dung được lỗ hổng này sẽ gây ra khó khăn như thế nào trong việc áp dụng chế định xóa án tích dành cho những đối tượng rơi vào trường hợp đặc biệt trên. Rất may đến BLHS mới thì lỗ hổng trên đã được nhà làm luật bổ sung một cách kịp thời.

3. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Bộ Luật mới đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án tại Điều 63. Thay vào đó giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích nếu có thỏa điều kiện.

Quy đinh này góp phần giảm tải việc quyết định xóa án tích của Tòa án cũng như giúp cho việc xóa án tích được thực hiện một cách nhanh chóng và trôi chảy hơn do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có một hệ thống dữ liệu thông tin thống nhất trên cơ sở nền tảng dữ liệu điện tử nên việc thực hiện cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo mọi thứ được vận hành một cách suôn sẻ thì giữa Tòa án, cơ quan thi hành án và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu tư pháp phải có cơ chế vận hành, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hiện nay vấn đề phối hợp này vẫn tắt nghẽn một số chỗ, đặc biệt là việc thẩm quyền thu thập thông tin cũng như lỗ hổng thông tin trong một số trường hợp đặc biệt. Vấn đề này tác giả sẽ có dịp phân tích chuyên sâu hơn ở một đề tài riêng.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền