Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật lao động

Chuyên mụcLuật lao động, Thảo luận pháp luật Bộ luật Lao động

Có bao nhiêu phương pháp điều chỉnh của luật lao động? Phân tích phương pháp điều chỉnh đặc thù của luật lao động? Phương pháp mệnh lệnh được thể hiện như thế nào trong các quy định của luật lao động?

..

Các nội dung liên quan:

..

Khái niệm Luật Lao động

Luật Lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương và người sử dụng lao động thuê mướn có trả công lao động và những quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Chứng minh Luật Lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Để được xác định là một ngành luật độc lập thì ngành luật đó phải có đối tượng điều chỉnh riêng, phương pháp điều chỉnh riêng, nguyên tắc hoạt động riêng, nguồn luật riêng. Như vậy để khẳng định Luật Lao động là ngành luật độc lập thì ta phải căn cứ vào các yếu tố sau:

  1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động
    1. Quan hệ lao động
    2. Các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động
      1. Quan hệ về việc làm
      2. Quan hệ học nghề
      3. Quan hệ bồi thường thiệt hại
      4. Quan hệ về đại diện lao động
      5. Quan hệ bảo hiểm xã hội
      6. Quan hệ giải quyết tranh chấp lao động và đình công
      7. Quan hệ quản lý nhà nước về lao động
  2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Lao động
    1. Phương pháp thỏa thuận
    2. Phương pháp mệnh lệnh
    3. Phương pháp tác động xã hội
  3. Các nguyên tắc cơ bản của Luật Lao động
  4. Nguồn của Luật Lao động

Sa thải lao động

I. Đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động

Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là một hoặc một nhóm quan hệ cùng loại có cùng đặc điểm, tính chất được các quy phạm pháp luật của ngành luật đó điều chỉnh.

Đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động bao gồm:

  1. Quan hệ lao động;
  2. Các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.

Quan hệ lao động

1. Quan hệ lao động

– Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay tồn tại rất nhiều các quan hệ lao động nhưng Luật Lao động chỉ điều chỉnh quan hệ lao động làm công ăn lương trên cơ sở thuê mướn trả công sức lao động giữa người lao động với người sủ dụng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế.

+ Về bản chất đây là mối quan hệ giữa một bên là người lao động để thỏa mãn mục tiêu lợi nhuận với một bên là người lao động có nhu cầu việc làm để đảm bảo thu nhập trong quá trình sử dụng sức lao động này, tính ổn định hoàn toàn phụ thuộc vào các bên.

+ Cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ lao động này là việc giao kết hợp đồng giữa các bên. Người lao động cam kết làm việc cho người sử dụng lao động để được trả lương còn người sử dụng lao động là trả lương để duy trì quan hệ lao động và mục tiêu lợi nhuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên mà không có sự can thiệp của bên thứ 3.

+ Trong quan hệ lao động này khi xảy ra các xung đột về quyền, nghĩa vụ thì việc giải quyết các tranh chấp sẽ được thực hiện thông qua phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án theo thủ tục giải quyết tranh chấp lao động do Luật Lao động điều chỉnh.

– Các quan hệ lao động gần gũi với Luật Lao động Các quan hệ lao động gần gũi với Luật Lao động bao gồm quan hệ lao động giữa cán bộ, công chức với nhà nước trong bộ máy nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp; Quan hệ lao động giữa xã viên và hợp tác xã trong hợp tác xã; Quan hệ lao động giữa người lao động và người thuê mướn lao động nhằm hoàn thành một công việc chỉ tính kết quả việc.

+ Quan hệ lao động giữa cán bộ, công chức với nhà nước trong bộ máy nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp

* Người lao động là công chức là những người lao động trong bộ máy nhà nước và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vừa là người lao động làm công ăn lương vừa là người đại diện cho quyền lực Nhà nước nên phải tuân thủ kỷ luật, mệnh lệnh cấp trên, bảo vệ hình ảnh của cơ quan.

* Cơ sở pháp lý xác định mối quan hệ giữa công chức với Nhà nước là quyết định tuyển dụng có tính chất hành chính chứ không phải là thỏa thuận giữa các bên trê cơ sở giao kết hợp đồng.

* Trường hợp xảy ra xung đột về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ này là phải thực hiện thông qua con đường hành chính mang nặng tính chất mệnh lệnh, quyền lực của nhà nước thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật hành chính.

+ Quan hệ lao động giữa xã viên và hợp tác xã trong hợp tác xã.

* Quan hệ này xã viên vừa là người lao động vừa là quản lý sở hữu tư liệu sản xuất trong hợp tác xã

* Cơ sở pháp lý xác lập quan hệ này là việc xác lập kết nạp của xã viên vào hợp tác xã chứ không phải bằng hình thức tuyển dụng theo quy định của nhà nước hay theo thỏa thuận giao kết hợp đồng. Nên việc xác lập thực hiện quan hệ đó là kết nạp, khen thưởng, quản lý, điều hành đều do trực tiếp hợp tác xã quyết định theo điều lệ của hợp tác xã và quy định của pháp luật hợp tác xã.

* Trường hợp xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa các chủ thể trong hợp tác xã sẽ được giải quyết trong nội bộ hợp tác xã hoặc thông qua các cơ quan tài phán kinh tế,theo thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh.

+ Quan hệ lao động giữa người lao động và người thuê mướn lao động nhằm hoàn thành một công việc chỉ tính kết quả công việc.

* Đây là quan hệ lao động người thuê mướn chỉ tính đến kết quả công việc mà không quan tâm quá trình tạo ra kết quả đó, và người lao động được trả công khi thực hiện công việc đó theo sản phẩm hay theo hình thức công nhận

* Cơ sở pháp lý để xác định qua hệ đó là sự thỏa thuận giữa các chủ thể thông qua việc giao kết hợp đồng dân sự và điều chỉnh bởi pháp luật dân sự.

* Trong quan hệ pháp luật này khi xảy ra xung đột thì việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định của pháp luật dân sự do luật dân sự điều chỉnh.

2. Các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động

Luật Lao động Việt Nam không chỉ điều chỉnh quan hệ lao động mà ngoài ra, nó còn điều chỉnh một số quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Đó là những quan hệ phát sinh từ quan hệ lao động, gắn liền với việc sử dụng lao động hoặc làm ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ lao động. Theo pháp luật hiện hành, những quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động bao gồm:

a. Quan hệ về việc làm

Quan hệ việc làm là quan hệ xã hội được hình thành để thiết lập quan hệ lao động bởi vì không có việc làm thì không có sự làm việc, không có yếu tố trả lương vì thế quan hệ việc làm cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động Quan hệ việc làm là quan hệ xã hội được hình thành giữa người lao động có nhu cầu việc làm với người sử dụng lao động có nhu cầu về nhân công để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận Quan hệ việc làm thể hiện ở ba loại chủ yếu sau đây:

* Quan hệ giữa Nhà nước và người lao động: quan hệ này được thể hiện ở chỗ nhà nước là người tổ chức, xác lập, thực hiện các chính sách việc làm, nhà nước có trách nhiệm tham gia cùng với người sử dụng lao động giải quyết việc làm cho người lao động, nhà nước ban hành các quy định pháp luật, chế độ chính sách và giám sát việc thực hiện các quan hệ đó.

* Quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong việc giải quyết và đảm bảo việc làm cho người lao động theo cam kết của các bên và quy định trong pháp Luật Lao động. Theo đó pháp luật quy định người lao động được hưởng quyền tự do lựa chọn việc làm,nơi làm việc,công việc để làm…Người sử dụng lao động cũng có quyền tuyển dụng, sử dụng và phân bổ người lao động theo yêu cầu, tính chất công việc.

* Quan hệ giữa các trung tâm giới thiệu việc làm,các cơ sở dịch vụ việc làm với người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức,cá nhân khác có nhu cầu.

b. Quan hệ học nghề

Học nghề, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp là tạo điều kiện cho người lao động có việc làm và duy trì ổn định về công việc đó,do đó vấn đề học nghề cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động. Quan hệ học nghề là quan hệ xã hội được hình thành giữa người học nghề có nhu cầu với cơ sở dạy nghề nhằm mục đích nâng cao kiến thức nghề nhất định Quan hệ học nghề vừa là quan hệ ảnh hưởng trực tiếp với quan hệ lao động thường đan xen với quan hệ lao động hoặc nhiều khi phát sinh trước tạo điều kiện cho quan hệ lao động được hình thành nghĩa là có một số trường hợp họ tham gia học nghề trước để trau dồi kĩ năng có tay nghề cao rồi mới tham gia làm việc nếu như vậy cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ tốt hơn. Nhưng cũng có một số trường hợp quan hệ việc làm xuất hiện sau khi quan hệ lao động được hình thành nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp để giữ được việc làm và thăng tiến trong công việc,đồng thời chất lượng của quan hệ học nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội và tính bền vững của việc làm, đến trình độ chuyên môn và mức thu nhập của người lao động trong quan hệ lao động.Mặt khác ta có thể nhìn thấy ở một khía cạnh nào đó có nhiều người tham gia học nghề chỉ mang tính chất đào tạo, giáo dục mà không tham gia làm việc, việc học của họ không phục vụ cho việc làm.Chính vì thế có thể nói quan hệ học nghề vừa là quan hệ phát sinh từ quan hệ lao động vừa là quan hệ độc lập

c. Quan hệ bồi thường thiệt hại

Trong quan hệ lao động là có sự khác nhau về địa vị giữa các chủ thể và các xung đột về quyền và nghĩa vụ, khi thực hiện các nghĩa vụ đó thì phải có các nghĩa vụ bồi thường do đó bồi thường thiệt hại cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động Quan hệ bồi thường thiệt hại do Luật Lao động điều chỉnh được hình thành giữa một bên trong quan hệ đó gây thiệt hại về tài sản, sức khoẻ hay vi phạm khác cho phía bên kia thì phải có nghĩa vụ bồi thường được các quy phạm pháp luật điều chỉnh Các quan hệ bồi thường thiệt hại do Luật Lao động điều chỉnh bao gồm: Quan hệ bồi thường thiệt hại về tài sản, Quan hệ bồi thường do vi phạm hợp đồng, Quan hệ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe người lao động.

d. Quan hệ về đại diện lao động

Quan hệ đại diện lao động là mối quan hệ xã hội giữa tổ chức đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện của người sử dụng lao động nhằm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động được các quy phạm pháp Luật Lao động điều chỉnh do đó quan quan hệ đại diện lao động cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động. Tham gia vào quan hệ lao động thì giữa các chủ thể có địa vị khác nhau,người lao động luôn phải phụ thuộc vào người sử dụng lao động do đó để hạn chế sự lạm dụng của người sử dụng lao động, duy trì ổn định quan hệ lao động và thoả mãn được mục tiêu cho mỗi bên thì cần có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể người lao động. Như vậy công đoàn với tư cách là đại diện cho tập thể NLĐ, tham gia vào mối quan hệ với bên sử dụng lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ như: việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác. Ngoài ra, Công đoàn còn là người đại diện cho lực lượng lao động xã hội trong mối quan hệ với Nhà nước khi hoạch định chính sách, pháp luật, trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp Luật Lao động.

e. Quan hệ bảo hiểm xã hội

Trong quan hệ lao động luôn tiềm ẩn các rủi ro làm cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn vì vậy để đảm bảo đời sống cho người lao động khi họ mất hoặc giảm khả năng lao động, hay hết tuổi lao động được Nhà nước đảm bảo bằng nhiều loại quỹ khác nhau, trong đó có quỹ bảo hiểm xã hội. Do đó quan hệ bảo hiểm xã hội cũng thuộc tượng điều chỉnh của Luật Lao động Quan hệ bảo hiểm xã hội gồm :quan hệ trong việc tạo thành quỹ bảo hiểm, quan hệ trong việc chi trả bảo hiểm xã hội.

f. Quan hệ giải quyết tranh chấp lao động và đình công

Trong quan hệ lao động việc đảm bảo quyền lợi nghĩa vụ của mỗi bên trên cơ sở thoả thuận và đảm bảo thực hiện nó nhưng cũng do việc đảm bảo các quyền và nghĩa vụ đó là nguyên nhân dẫn đến xung đột của mỗi bên, đặc biệt trong lĩnh vực lao động thì giữa các bên có địa vị xã hội khác nhau do đó việc xảy ra mâu thuẫn là không thể tránh khỏi vì vậy việc giải quyết các tranh chấp lao động và đình công cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động. Quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động và đình công là quan hệ xã hội được hình thành giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động và giải quyết đình công với các bên trong quan hệ lao động. Trong quá trình thực hiện quan hệ lao động thì giữa các chủ thể có thể xảy ra những bất đồng, xung đột giữa cá nhân hay tập thể lao động về quyền và lợi ích.Trường hợp không thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng thì sẽ giải quyết bằng con đường toà án,có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đó để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho các chủ thể đó.

g. Quan hệ quản lý nhà nước về lao động

Trong quan hệ lao động nhằm duy trì quan hệ giữa các chủ thể và thoả mãn mục tiêu,lợi ích cho các chủ thể thì cần phải có sự tham gia của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì thế quản lý nhà nước về lao động cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động. Quan hệ về quản lí lao động là quan hệ quan hệ giữa Nhà nước hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các cấp, ngành, doanh nghiệp hoặc NSDLĐ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng lao động. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý lao động của mình, Nhà nước có quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp Luật Lao động.

Ngoài ra trong phạm vi quyền hạn nhất định người sử dụng lao động cũng có quyền quản lý điều hành người lao động, nâng cao ý thức của người lao động thông qua việc ban hành các nội quy,quy định nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Mục đích của quan hệ này là nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và lợi ích chung của xã hội, đảm bảo cho các quan hệ lao động đã xác lập được hài hòa, ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất.

=> Có thể thấy rằng đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động mang những đặc trưng riêng không giống bất cứ ngành luật nào,chính điều đó đã góp phần chứng minh rằng Luật Lao động là một ngành luật độc lập. Tuy nhiên chỉ đối tượng điều chỉnh không thôi chưa thể bộc lộ rõ nét tính độc lập của Luật Lao động mà chúng ta phải kể đến phương pháp điều chỉnh.

II. Phương pháp điều chỉnh của Luật Lao động

Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là cách thức, là biện pháp tác động của nhà nước lên các quan hệ xã hội do ngành luật ấy điều chỉnh.

Xuất phát từ tính chất đặc điểm của quan hệ lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động/

Các phương pháp điều chỉn Luật lao động sử dụng là:

  1. Phương pháp thỏa thuận;
  2. Phương pháp mệnh lệnh;
  3. Phương pháp tác động xã hội.
Phương pháp thỏa thuận
Phương pháp thỏa thuận

1. Phương pháp thỏa thuận

Đây là phương pháp điều chỉnh quan trọng của luật lao động trong nền kinh tế thị trường phương pháp này được sử dụng trong việc thiết lập quan hệ lao động (Giao kết hợp đồng lao động, chấm dứt HĐLĐ, phương pháp này được sử dụng khi ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động…

Ngoài ra, nguyên tắc thương lượng, hoà giải, trọng tài được sử dụng trong giải quyết tranh chấp lao động cũng có thể được hiểu là biểu hiện của phương pháp thoả thuận.

2. Phương pháp mệnh lệnh

Phương pháp mệnh lệnh áp dụng để xác định nghĩa vụ của NLĐ đối với NSDLĐ. Trong quá trình lao động NSDLĐ có quyền kiểm tra, giám sát công việc của NLĐ, có quyền điều chuyển lao động, có quyền ban hành nội quy lao động…. mà NLĐ phải có nghĩa vụ chấp hành.

Phương pháp mệnh lệnh được thể hiện như thế nào trong các quy định của luật lao động?

Phương pháp mệnh lệnh thể hiện tính chất quyền uy, phục tùng của các chủ thể trong mối quan hệ. Trong những quan hệ xã hội do luật lao động điều chỉnh, đặc biệt là quan hệ lao động mặc dù khi tham gia quan hệ mỗi chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ có tính độc lập nhưng kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào việc tổ chức và điều hành quá trình lao động của người sử dụng lao động. Với tư cách là chủ thể quản lí, người sử dụng lao động cổ quyền đưa ra các yêu cầu, chỉ thị, mệnh lệnh… thể hiện trong nội quy, quy chế, những quy định về tổ chức, sắp xếp lao động và người lao động có nghĩa vụ thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh trong luật hành chính với luật lao động. Phương pháp mệnh lệnh trong luật hành chính bao giờ cũng mang tính cứng rắn và thể hiện quyền lực nhà nước bởi vì đây là phương pháp được sử dụng trong quan hệ quản lí hành chính nhà nước giữa các chủ thể có địa vị pháp lí không bình đẳng. Còn trong luật lao động, phương pháp mệnh lệnh có tính chất mềm dẻo, linh hoạt hơn bởi vì nó không thể hiện quyền lực nhà nước mà chỉ thể hiện quyền uy của người sử dụng lao động với người lao động và ở khía cạnh nào đó nó xuất hiện trên cơ sở và nhằm điều chỉnh quan hệ có tính hợp đồng trong luật lao động.

3. Phương pháp tác động xã hội (thông qua hoạt động của tổ chức Công đoàn tác động vào các quan hệ phát sinh trong quá trình lao động)

Phương pháp tác động xã hộiphương pháp điều chỉnh đặc thù của luật lao động, theo phương pháp này để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình lao động có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn, tuy nhiên mức độ phạm vi tham gia do pháp luật quy định nhằm đảm bảo tính tự chủ của NSDLĐ.

Phân tích phương pháp điều chỉnh đặc thù của luật lao động.

Trong quan hệ lao động, các chủ thể tham gia quan hệ này có địa vị kinh tế không bình đẳng, do đó tổ chức Công đoàn – với tư cách là đại diện tập thể người lao động, do người lao động tự nguyện lập nên – có chức năng đại diện tập thể người lao động trong quan hệ với người sử dụng lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khi các quyền, lợi ích hợp pháp của họ có nguy cơ bị xâm phạm. Điều này khẳng định rằng, sự hiện diện của tổ chức Công đoàn là chính đáng, không thể thiếu được.

=> Từ sự phân tích ở trên ta cũng có thể thấy rằng phương pháp điều chỉnh của Luật Lao động mang những đặc trưng riêng không giống bất cứ ngành luật nào, chính điều đó đã góp phần chứng minh rằng Luật Lao động là một ngành luật độc lập.

Người lao động nước ngoài

III. Các nguyên tắc cơ bản của Luật Lao động

>>> Tham khảo: Các nguyên tắc cơ bản của Luật Lao động

=> Luật Lao động bên cạnh các đối tượng điều chỉnh riêng, phương pháp điều chỉnh riêng thì Luật Lao động cũng có hệ thống các nguyên tắc hoạt động riêng không giống với nguyên tắc của luật dân sự, thương mại hay luật hành chính. Do đó nguyên tắc cơ bản đã góp phần làm rõ quan điểm Luật Lao động là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

IV. Nguồn của Luật Lao động

>>> Tham khảo: Nguồn của Luật Lao động

Tóm lại: Luật Lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Namđối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, nguyên tắc, nguồn luật riêng, chính các yếu tố trên tạo nên nét riêng biệt cho Luật Lao động không giống bất cứ ngành luật nào, nhìn vào các căn cứ trên ta có thể dễ dàng xác định được đó là Luật Lao động.


Từ khóa liên quan: có bao nhiêu phương pháp điều chỉnh của luật lao động, phân tích phương pháp điều chỉnh đặc thù của luật lao động, phương pháp mệnh lệnh được thể hiện như thế nào trong các quy định của luật lao động, phương pháp mệnh lệnh được thể hiện như thế nào trong các quy định của luật lao động?, phương pháp mệnh lệnh được thể hiện như thế nào trong các quy định của luật lao động? so sánh phương pháp mệnh lệnh trong luật lao động với phương pháp mệnh lệnh trong quan hệ pháp luật hành chính?,…

5/5 - (12023 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền