Định tội danh trong trường hợp người thực hành có hành vi “thái quá”

Chuyên mụcĐịnh tội danh và quyết định hình phạt, Luật hình sự dinh-toi-danh

Người thực hành đóng một vai trò rất quan trọng trong một vụ án có đồng phạm. Kết quả của hành vi mà người thực hành thực hiện sẽ giúp chúng ta xác định được tội phạm có được thực hiện hay không, và thực hiện đến mức độ nào (hoàn thành hay chưa đạt). Nhưng trong số những hành vi mà người thực hành thực hiện để đạt được kết quả mà người đó và những người đồng phạm khác mong muốn, có thể có những hành vi vượt quá ý định ban đầu của những người đồng phạm khác, và hành vi vượt quá này đã gây ra hậu quả không như mong muốn đối với những đồng phạm khác. Khoa học luật hình sự gọi hành vi đó là hành vi “thái quá” của người thực hành.

 

Các nội dung liên quan được tìm kiếm:

 

Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 tuy không có định nghĩa chính xác như thế nào là hành vi “thái quá”, nhưng thông qua thực tiễn xét xử những vụ án có đồng phạm, chúng ta có thể hiểu một cách khái quát về hành vi “thái quá”, theo đó “thái quá” là một hành vi vượt quá của người thực hành mà những người đồng phạm khác không có ý định thực hiện. Ví dụ, A và B chỉ bàn với nhau đi trộm tài sản, nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội, thì B lại giết chết chủ nhà. Trong trường hợp này, A và B là đồng phạm với nhau về tội trộm cắp tài sản, nhưng A có đồng phạm với B về “tội giết người” hay không? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải xác định xem hành vi của B có phải là hành vi “thái quá” hay không; nếu phải
thì chúng ta cũng phải xác định xem thái độ của A đối với hành vi “thái quá” đó của B như thế nào. Giải đáp được những vấn đề đó, chúng ta sẽ có những cơ sở pháp lý để xác định xem có đồng phạm trong vụ án hay không.

“Thái quá” về chất lượng của hành vi là trường hợp người thực hành đã có hành vi thái quá khi cùng thực hiện một tội phạm đã được bàn tính từ trước với những đồng phạm khác, và hành vi “thái quá” này của người thực hành đã đủ dấu hiệu cấu thành một tội phạm khác và tội phạm này không cùng tính chất với tội phạm mà những đồng phạm khác có ý định thực hiện. Chẳng hạn như ví dụ trên, nếu A chỉ có ý định trộm cắp tài sản, nhưng B lại gây ra hậu quả chết người, như vậy B đã có hành vi “thái quá”, và tội giết người mà B thực hiện không có cùng tính chất với tội trộm cắp mà A có ý định thực hiện. Thế nên, A không phải là đồng phạm với B về tội giết người.

“Thái quá” về số lượng của hành vi là trường hợp hành vi “thái quá” của người thực hành thực hiện cấu thành một tội phạm khác có cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện; hoặc hành vi thái quá chưa cấu thành một tội phạm khác, mà nó vẫn nằm trong một cấu thành mà những người đồng phạm có ý định thực hiện.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền