Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều luật theo Luật hình sự Việt Nam

Chuyên mụcĐịnh tội danh và quyết định hình phạt, Luật hình sự dinh-toi-danh

Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều luật theo Luật hình sự Việt Nam. Trong thực tiễn áp dụng Luật hình sự có thể xảy ra những trường hợp hành vi của chủ thể đồng thời thỏa mãn nhiều điều luật khác nhau quy định về cấu thành tội phạm; quy định về tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

Các nội dung liên quan:

 

Lý luận Luật hình sự xem đó là những trường hợp “phạm nhiều luật”, và các trường hợp “phạm nhiều luật”có thể thuộc một trong các dạng hành vi sau:

  • Hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm nhưng chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội và bị xử về một tội.
  • Hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm về hình thức nhưng về thực chất chỉ thỏa mãn một cấu thành tội phạm và do vậy chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội.

Trường hợp “phạm nhiều luật” khi hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau có thể thuộc một hoặc trong các trường hợp sau đây:

  • Trường hợp đầu tiên là trường hợp chủ thể có nhiều hành vi và các hành vi này có quan hệ với nhau. Trong đó, hành vi xảy ra trước được xem là điều kiện cần thiết cho hành vi sau có thể xảy ra hoặc hành vi sau là diễn biến tất yếu của hành vi trước. Ví dụ, chủ thể có hành vi bán trái phép chất ma tuý mà trước đó họ đã tàng trữ trái phép hoặc chủ thể có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý mà trước đó họ có hành vi mua bán trái phép. Và trong những trường hợp này, chủ thể chỉ bị xem là phạm một tội đó là “mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý” (Điều 251 BLHS 2015) hoặc (Điều 252 BLHS 2015).
  • Trường hợp thứ hai mà chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội mặc dù các hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau là trường hợp hành vi trước đã thu hút tính nguy hiểm của hành vi sau do các hành vi có cùng đối tượng tác động và cùng khách thể. Ví dụ, chủ thể có hành vi trộm cắp tài sản và sau đó có hành vi huỷ hoại tài sản đó. Trường hợp này, hành vi huỷ hoại tài sản của người khác tuy thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội huỷ hoại tài sản nhưng tính nguy hiểm của nó được coi đã bị hành vi trộm cắp tài sản trước đó thu hút. Do vậy, chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội, là tội “trộm cắp tài sản” (Điều 173 BLHS 2015).

Trường hợp “phạm nhiều luật” khi hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm về hình thức, nhưng không áp dụng tất cả các điều luật quy định các cấu thành tội phạm đó mà chỉ được phép chọn một trong số đó để áp dụng. Quan hệ đặc biệt của các cặp cấu thành tội phạm trong trường hợp này có thể là:

  • Quan hệ giữa trường hợp chung với trường hợp riêng. Ví dụ, quan hệ giữa điều 128
    (tội vô ý làm chết người) với điều 260 (tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ – trong trường hợp làm chết người) là quan hệ giữa cái chung (vô ý làm chết người) và cái riêng (vô ý làm chết người trong lĩnh vực cụ thể – lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ). Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm trong lĩnh vực cụ thể thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm chung, nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm trong lĩnh vực cụ thể để áp dụng.
  • Quan hệ giữa trường hợp bình thường với trường hợp tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Ví dụ, quan hệ giữa điều 123 (tội giết người) với điều 124 (tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ), với điều 126 (tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội) là quan hệ giữa tội giết người bình thường và tội giết người giảm nhẹ; quan hệ giữa điều 141 (tội hiếp dâm) với điều 146 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi) là quan hệ giữa tội hiếp dâm bình thường và tội hiếp dâm tăng nặng… Trong trường hợp này, hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội bình thường nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm của tội tăng nặng hoặc giảm nhẹ để áp dụng.
  • Quan hệ thu hút. Ví dụ, quan hệ giữa điều 133 (tội đe doạ giết người) với điều 168
    (tội cướp tài sản) là quan hệ giữa cấu thành tội phạm thu hút và cấu thành tội phạm bị thu hút. Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản – trong trường hợp đe doạ dùng vũ lực tước đoạt tính mạng thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội đe doạ giết người nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản để áp dụng.
  • Quan hệ giữa cấu thành tội phạm của một tội với cấu thành tội phạm tăng nặng của một tội khác. Ví dụ, dấu hiệu định tội của tội vô ý làm chết người (điều 128) (hậu quả chết người và lỗi vô ý đối với hậu quả này) được nhà làm luật quy định là dấu hiệu định khung  tăng nặng của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 104 khoản 4); dấu hiệu định tội của tội buôn lậu (điều 188) (qua biên giới) được quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng của tội mua bán trái phép chất ma tuý (điều 251 khoản 2)… Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm tăng nặng thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội còn lại nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm tăng nặng để áp dụng.
  • Quan hệ giữa cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm với cấu thành tội phạm của tội phạm độc lập khác. Ví dụ, hành vi giúp sức đưa, nhận hối lộ (các điều 353, 354 trong mối liên hệ với điều 17 BLHS 2015) được quy định thành tội môi giới hối lộ (điều 365 BLHS 2015)… Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội độc lập thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm nhưng chỉ được chọn cấu thành của tội độc lập để áp dụng.

 


Các tìm kiếm liên quan đến Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều luật, phương pháp định tội danh trong đồng phạm, phạm nhiều tội, phạm nhiều tội và phạm tội nhiều lần, trường hợp phạm nhiều tội, định tội danh và quyết định hình phạt, một người phạm nhiều tội, chuyển hoá tội danh là gì, định tội danh trong luật hình sự

5/5 - (13481 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền