Phân tích các loại khách thể của tội phạm

Chuyên mụcLuật hình sự, Tội phạm học Tội phạm

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị các hành vi phạm tội xâm hại đến. Việc quy định những quan hệ xã hội nào được luật hình sự bảo vệ là khách thể của tội phạm phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội nhưng thường thì nó là các quan hệ xã hội quan trọng trong đời sống xã hội.

Khách thể của tội phạm là gì? 

Khách thể của tội phạm quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.

Các nội dung liên quan: 

Việc xác định khách thể của tội phạm thể hiện ở các phương diện như sau: Là căn cứ để định tội; Là căn cứ quan trọng để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác; Là căn cứ quan trọng để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; Thông qua khách thể của tội phạm có thể thấy được bản chất giai cấp của luật hình sự Việt Nam.

Các loại khách thể của tội phạm

Khoa học Luật hình sự dựa trên mức độ khái quát của các quan hệ xã hội đã chia khách thể của tội phạm thành ba loại: Khách thể chung của tội phạm, Khách thể loại của tội phạm, Khách thể trực tiếp của tội phạm. Cụ thể:

Khách thể chung của tội phạm

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp tất cả các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và được Luật hình sự bảo vệ. Theo Luật hình sự Việt Nam, khách thể chung của tội phạm là những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây phương hại đến khách thể chung là một trong những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8. Chính vì vậy, thông qua khách thể chung, chúng ta có thể thấy được nhiệm vụ của Bộ luật hình sự và bản chất giai cấp của nó. Hay nói đúng hơn là thấy được chính sách hình sự của một quốc gia.

Khách thể loại của tội phạm

Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị một nhóm tội phạm xâm hại. Khách thể loại có vai trò quan trọng về mặt lập pháp. Nó là cơ sở để Bộ luật hình sự xây dựng các chương trong phần các tội phạm.

Tội phạm trên thực tế dù rất đa dạng về các mặt chủ thể, chủ quan, khách quan nhưng nếu xâm hại đến các quan hệ xã hội có cùng tính chất sẽ được xếp chung vào một chương. Thông qua việc xem xét các nhóm khách thể nhất định, chúng ta có thể đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể khi trực tiếp xâm hại đến một trong số các khách thể của nhóm.

Việc sắp xếp các chương trong phần các tội phạm dựa theo khách thể loại là hết sức hợp lý và khoa học. Nếu chúng ta sắp xếp theo các cơ sở khác (chủ quan, chủ thể…)thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều tội phạm có bản chất rất khác nhau lại nằm cùng một chương. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm và việc xử lý chúng.

Các tội phạm được quy định trong cùng một chương phần các tội phạm (có cùng khách thể loại) bao giờ cũng xâm hại đến khách thể loại của chúng. Tuy nhiên, từng tội phạm trong một chương đó không phải luôn xâm hại cùng khách thể trực tiếp. Điều đó có nghĩa là mỗi tội phạm có khách thể trực tiếp riêng của nó.

Khách thể trực tiếp của tội phạm

Khách thể trực tiếp của tội phạm là một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể bị hành vi phạm tội cụ thể xâm hại. Thông qua việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại (xâm hại) đối với khách thể trực tiếp mà tội phạm đã gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại của tội phạm.

Giết người

Ví dụ về khách thể của tội phạm

Ví dụ 1: A trộm cắp tài sản của B. A đã xâm hại đến khách thể trực tiếp là quyền sở hữu tài sản của B và gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại là quyền sở hữu của công dân.

Một tội phạm có thể xâm hại đến nhiều khách thể nhưng không phải lúc nào tất cả các khách thể đó đều được xem là khách thể trực tiếp. Khách thể trực tiếp khi đó là quan hệ xã hội mà tội phạm gây thiệt hại thể hiện được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Các nội dung liên quan: 

Ví dụ 2: Hành vi trộm cắp dây điện thoại đang sử dụng vừa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu XHCN vừa gây thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc. Nhưng rõ ràng, thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc mới thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do đó, hành vi phạm tội phải được xác định là tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia chứ không phải Đtội trộm cắp tài sản.

Trong nhiều trường hợp, nếu một tội phạm xâm phạm đến nhiều khách thể mà xâm phạm đến khách thể nào cũng thể hiện được bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, chúng ta cần xem xét dấu hiệu thứ hai để xác định khách thể loại. Đó là: khách thể đó phải luôn bị tội phạm cụ thể đó xâm hại trong mọi trường hợp, hoặc người phạm tội muốn xâm hại khách thể nào (lỗi)….

Chẳng hạn, hành vi giật túi xách của người đi đường làm cho chủ sở hữu ngã dẫn đến thương tích. Ở đây có hai khách thể bị xâm hại là quyền sở hữu và sức khoẻ. Tuy nhiên, quyền sở hữu đúng là khách thể trực tiếp của hành vi “cướp giật tài sản”, sức khoẻ không là khách thể trực tiếp của hành vi này.

Một tội phạm có thể có một khách thể trực tiếp hoặc nhiều khách thể trực tiếp. Tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp khi hành vi phạm tội xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội  mà việc xem xét sự gây thiệt hại đối với bất cứ một quan hệ xã hội nào cũng không thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và nhiều khách thể đó luôn bị xâm hại ở mọi trường hợp phạm tội.

Ví dụ 3: Hành vi cướp tài sản vừa xâm hại đến quan hệ nhân thân vừa xâm hại đến quan hệ sở hữu. Bản chất nguy hiểm của hành vi cướp tài sản chỉ được thể hiện đầy đủ qua cả việc xâm hại quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Chính vì thế, cả hai khách thể đều là khách thể trực tiếp của tội phạm.

Khách thể trực tiếp là cơ sở thể hiện rõ nhất bản chất của tội phạm cụ thể. Nó giúp  xác định đúng tội danh và đánh giá đúng đắn tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm  tội cụ thể.

Ví dụ về khách thể của tội phạm?

Ví dụ về khách thể của tội phạm: A trộm cắp tài sản của B. A đã xâm hại đến khách thể trực tiếp là quyền sở hữu tài sản của B và gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại là quyền sở hữu của công dân.
Một tội phạm có thể xâm hại đến nhiều khách thể nhưng không phải lúc nào tất cả các khách thể đó đều được xem là khách thể trực tiếp. Khách thể trực tiếp khi đó là quan hệ xã hội mà tội phạm gây thiệt hại thể hiện được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là gì?

Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là các tội phạm này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đối tượng tác động của các tội phạm này là con người cụ thể. Theo đó, con người phải là một cơ thể còn sống và có thời điểm tính từ khi sinh ra cho đến khi chết.
– Tính mạng ở đây được hiểu là quyền sống của con người. Quyền sống là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Các tội xâm phạm tới tính mạng con người được hiểu là sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động là con người đang còn sống.
– Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hoà trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khỏe con người là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây ra những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng tạo của nạn nhân.
– Nhân phẩm được hiểu là phẩm chất, giá trị của một con người cụ thể và được pháp luật bảo vệ. Nhân phẩm là tổng hợp những phẩm chất mang tính đặc trưng của mỗi cá nhân, những yếu tố đặc trưng này tạo nên giá trị một con người.
– Danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp và là cái nhằm mang lại danh dự, nhằm tỏ rõ sự kính trọng của xã hội, của tập thể. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, bị coi thường, bị khinh rẻ trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tùy thuộc vào vị thế, vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội.

5/5 - (19084 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền