Chế độ kinh tế quy định trong hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam?

Chuyên mụcLuật hiến pháp luat-kinh-te

Chế độ kinh tế là gì? Được quy định như thế nào trong hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam?

 

Các nội dung liên quan:

 

Giống như cũng như hiến pháp của các nước XHCN trước đây, một điểm rất khác trong Hiến pháp Việt Nam so với các quốc gia khác là có những chương riêng quy định về chế độ kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều này phần nào xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa Mác về mối quan hệ biện chứng giữa chính trị với các yếu tố khác, đặc biệt là kinh tế (kinh tế quyết định chính trị, chính trị cũng tác động ngược trở lại kinh tế). Chế độ kinh tế được quy định trong hiến pháp các nước XHCN thường bao gồm chính sách kinh tế, các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, quản lý kinh tế, chính sách lao động, sản xuất và phân phối, đường lối kinh tế đối ngoại.

Lĩnh vực kinh tế thường không được quy định trong các hiến pháp cổ điển và hiến pháp của các nước phát triển. Hiến pháp khi mới xuất hiện chủ yếu nhằm để bảo vệ tự do của con người thoát khỏi sự chuyên chế của nhà nước phong kiến. Theo chủ nghĩa tư bản tự do, nhà nước không can thiệp vào kinh tế. Nếu có thì chỉ là việc hiến pháp xác định sở hữu là quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người. Mọi hoạt động kinh tế do thị trường điều tiết (bàn tay vô hình). Đối với các quốc gia đang phát triển hoặc có nền kinh tế chuyển đổi, vai trò của nhà nước có ý nghĩa quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, nên hiến pháp các nước này thường có những quy định về chế độ kinh tế của quốc gia nhưng cũng chỉ bằng một số điều khoản (Ví dụ, Hiến pháp Philippin, Hàn Quốc…).

Chế độ kinh tế trong Hiến pháp Việt Nam 1992, quy định tại Chương II, được xác định là hướng đến phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN (Điều 15). Đây là một bước tiến nếu so với đường lối kinh tế kế hoạch, tập trung, ngăn sông cấm chợ và sử dụng tem phiếu mà đã gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội trước đó. Hiến pháp 1992 quy định những nội dung mới về chế độ kinh tế như chính sách kinh tế, hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, quản lý kinh tế, kinh tế đối ngoại… Điều 16 xác định rõ các mục đích của chính sách kinh tế nhà nước trong giai đoạn hiện nay là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân… Tuy nhiên, việc quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tỏ ra không phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, các quy định về sở hữu toàn dân về đất đai, định hướng phát triển ‘kinh tế thị trường XHCN”…gây ra nhiều tranh cãi. Những điều này được cho là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế xã hội trong những năm gần đây, là một trong những lý do dẫn đến cần phải cải cách kinh tế và sửa đổi hiến pháp.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền