Tầm quan trọng và một số lưu ý về kỹ năng viết của Luật sư

Chuyên mụcCafe Dân Luật, Kỹ năng mềm Soạn thảo văn bản

Dân gian Việt Nam thường gọi luật sư là “thầy cãi”, thoạt nghe người ta nghĩ rằng luật sư phải giỏi nói. Đúng là giỏi nói rất quan trọng, tuy nhiên thực tế bây giờ thì kỹ năng viết mới là quan trọng nhất trong nghề luật sư.

Có một vài lý do chính để lý giải. Thứ nhất, đây là kỹ năng mà bạn sẽ sử dụng nhiều nhất. Khi xin việc bạn phải viết CV, thư xin việc; khi hành nghề bạn phải viết các loại báo cáo, thư từ, bản tư vấn, bản tranh luận, hợp đồng…v.v. Trong công việc của luật sư, những sản phẩm quan trọng nhất thường phải được thể hiện bằng văn bản. Khi là luật sư tư vấn, khách hàng có thể nghe luật sư nói nhưng phần lớn họ sẽ yêu cầu một thư trả lời. Khi tranh tụng, nhiều người nghĩ rằng phải giỏi đấu khẩu mới thắng, tuy nhiên trước phiên xử, các luật sư thường phải nộp bản viết tranh luận để thuyết phục tòa án theo luận điểm của mình và thẩm phán thường phải đọc kỹ bản tranh luận mới nắm hết ý chứ không chỉ dựa vào phần tranh luận tại phiên xử. Nói như vậy để thấy luật sư phải viết rất nhiều. Khác với kỹ năng nói thể hiện tốc độ tư duy, kỹ năng viết thể hiện chiều sâu tư duy. Trong giao tiếp, người ta chỉ có 0.5 – 2 giây suy nghĩ để nói, nhưng có nhiều thời gian suy nghĩ hơn để viết, vì vậy viết thể hiện tư duy và suy nghĩ ở mức độ sâu sắc nhất của một luật sư. Cá nhân tôi thấy để đánh giá một luật sư hay thẩm phán giỏi hay không thì chỉ cần xem cách tranh luận hoặc cách viết của họ. Đọc bài báo, bản tranh luận, bản án, ý kiến là có thể cảm nhận được tầm tư duy và hiểu biết của một luật sư, nó đáng tin cậy hơn nhiều so với bằng cấp hay việc xếp hạng của các tạp chí, vốn thường bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố marketing. Mong rằng các bạn theo đuổi nghề luật sư hiểu được tầm quan trọng và rèn luyện kỹ năng viết của mình. Ở bài viết đầu tiên về kỹ năng viết, tôi sẽ chia sẻ với các bạn lỗi mà luật sư, cử nhân luật thường mắc phải khi viết để các bạn lưu ý.

Dài dòng và rườm rà

100 người sẽ nói với bạn rằng họ thích ngắn gọn súc tích và 95 người sẽ viết dài dòng hơn mức cần thiết. Đây là một căn bệnh thường gặp trong cách viết của nhiều người. Nhưng làm sao để đo được thế nào là dài? 1 mặt giấy hay 5 trang hay 40 trang? Tất nhiên là nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính phức tạp của vấn đề, bối cảnh giao tiếp, mục đích viết…v.v. Tuy nhiên, mỗi tình huống sẽ có một chuẩn mực nhất định nào đó. Để bạn dễ hình dung, tôi sẽ lấy ví dụ về email: email chào hàng chỉ nên dưới 200 từ. Bạn nên hạn chế để email dài khiến người đọc phải dùng nút dùng chuột kéo (scrool down) thì mới đọc hết. Nhưng tôi có rất nhiều ý và nếu viết ngắn thì không đủ? Xin thưa rằng tình huống đó không nhiều và nguyên nhân phần lớn do bạn chưa biết cách sắp xếp ý và cắt bỏ những thứ dư thừa.

Có lúc người ta viết dài vì nhiều ý, nhưng nhiều khi viết dài mà đếm ra ý lại rất ít. Nó dài vì ý tứ rườm rà, không được diễn đạt cô đọng hoặc ý bị trùng lặp…v.v. Dân gian có câu “con cà con kê” là thế. Ở trên nói rồi, ở giữa lại nhắc lại và cuối cùng lại như ở trên. Trường luật nhiều khi không có môn dạy cách viết, nhưng thật ra lý thuyết về chọn lọc và lập dàn ý đã được dạy trong môn Ngữ văn của chúng ta từ thời cấp 2/cấp 3 rồi. Hãy bắt đầu với việc lập dàn ý, nó sẽ giúp bạn giảm bớt sự rườm rà.
Nhưng nói đi cũng xin nói lại, là luật sư viết tốt phải biết kiểm soát độ dài văn bản của mình. Thực tế sẽ có những lúc bạn cần làm cho một văn bản dài hơn mức cần thiết vì có lý do khác. Tuy nhiên về cơ bản, mọi người không thích đọc những thứ dài dòng, trừ khi đó là tiểu thuyết ngôn tình hay truyện trinh thám.

Không rõ mục đích và đối tượng

Trước khi đặt bút, hãy nghĩ bạn viết để làm gì và viết cho ai? báo cáo tình hình cho cấp trên, đưa ra tư vấn để khách hàng quyết định hay thuyết phục thẩm phán theo quan điểm của bạn…v.v. Xác định rõ những điều ở trên sẽ khiến bạn bớt lan man và tập trung vào đúng trọng tâm.

Việc xác định rõ đối tượng và mục đích cũng sẽ giúp bạn lựa chọn được cách viết và giọng điệu phù hợp. Người đọc của bạn có thể là một người dân thường chưa học hết lớp 12 và chỉ quan tâm đến một câu trả lời cô đọng để quyết định, cũng có thể là một thẩm phán lão luyện cần rà soát chi tiết các lập luận của bạn, bạn cần biết cách viết phù hợp cho từng trường hợp trên. Với từng nhóm người đọc bạn sẽ phải điều chỉnh ngôn ngữ sử dụng của mình (dùng từ chuyên ngành thế nào, có nên viết tắt nhiều không…) để truyền tải ý tưởng một cách hiệu quả nhất.

Lạm dụng từ chuyên ngành và viết tắt

Như tôi có nói ở trên, bạn cần hiểu mình viết cho ai. Những người theo ngành luật thường mắc một thói quen là lạm dùng từ chuyên môn “pháp lý” không đúng chỗ. Hãy hình dung bạn bị ho rồi đi đến bác sĩ làm một loạt xét nghiệm, bác sĩ trả lời rằng “mẫu máu của bạn phản ứng dương tính với virus ABC99” hay bạn nghe kế toán của bạn thông báo rằng “Chúng tôi đã ghi nợ số tiền 5 triệu đồng vào tài khoản số 1112 của công ty anh”. Tôi cá là những câu nọ sẽ trở nên khó lọt tai, và bạn thích nghe những câu thông dụng hơn như “anh không bị bệnh X” hay “tài khoản ngân hàng cty của anh mới tăng thêm 5 triệu”. Khi giao tiếp với những người ngoại đạo (viết cũng như nói), tôi không khuyến khích sử dùng thuật ngữ chuyên ngành nếu chúng ta có cách diễn đặt khác dễ hiểu hơn.

Một cái nữa là bạn nên biết cách viết tắt hợp lý. Khi viết tắt bạn cần đảm bảo rằng những người đọc sẽ hiểu được từ đó. Có những từ viết tắt rất thông dụng với nhóm người này nhưng hoàn toàn xa lạ với nhóm người nọ. Tôi đã từng thấy một email từ người viết với từ FIY&A (For your information & Action) nhưng người đọc lại hiểu thành “for your information and affirm”! Người viết nghĩ rằng họ tiết kiệm thời gian với từ viết tắt nhưng có lúc người đọc không hiểu và lại phải hỏi lại. Kết quả là cả 2 đều mất thêm thời gian.

Post đầu tiên về kỹ năng viết xin dừng tại đây (cho đỡ dài dòng ?). Viết hiệu quả là một kỹ năng khó, cách để rèn luyện kỹ năng này tốt nhất là bạn phải ĐỌC nhiều và VIẾT nhiều. Hy vọng các bạn nghề luật sẽ nhớ những lưu ý trên mỗi khi viết./.

Page sẽ update thêm các nội dung liên quan đến kỹ năng viết trong những bài sắp tới.

Nguồn: Page The skilled lawyers – Kỹ năng luật sư (fb.com/theskilledlawyers)

5/5 - (2 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền