Về quyền tố cáo của người được thi hành án?

nguoi-duoc-thi-hanh-an
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Tố cáo là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Tố cáo là cụm từ khá quen thuộc trong pháp luật cũng như cuộc sống thường nhật vẫn thường sử dụng. Thế nhưng, những người trong cuộc (liên quan trực tiếp) bị cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trực tiếp xâm phạm đến quyền lợi của họ có quyền tố cáo hay không? Khi nào thì có quyền tố cáo?

 

Các nội dung liên quan được tìm kiếm:

 

Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Do vậy, những cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết tố cáo của công dân không những am hiểu pháp luật sâu, rộng mà còn phải có tâm và tầm. Tức là giải quyết phải công bằng, vô tư, khách quan, kịp thời, đúng pháp luật.

Đương nhiên, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có văn bản hướng dẫn giải quyết  tố cáo riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ trao đổi trong lĩnh vực thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án. Khi nào thì họ không có quyền tố cáo? Tố cáo trong thi hành án dân sự quy định tại Điều 154 Luật Thi hành án dân sự “Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.

Như vậy, chủ thể tố cáo trong thi hành án dân sự là rất rộng, bất kỳ ai. Tóm lại là Công dân khi họ cho rằng hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên và công chức khác công tác trong cơ quan thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, thì họ có quyền tố cáo. Để tiện việc theo dõi, bình luận, trao đổi, xin đưa ra ví dụ sau:

Theo bản án của Tòa án và Quyết định thi hành án thì người phải thi hành án phải thi hành số tiền gốc là 180.000.000đ (một trăm tám mươi triệu đồng); Tiền lãi tạm tính đến ngày 04/3/2004 là 10.147.667đ (mười triệu, một trăm bốn mươi bảy ngàn, sáu trăm sáu mươi bảy đồng) và tiền lãi phát sinh. Trong quá trình tổ chức thi hành án, người phải thi hành án đã thi hành được 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng), số tiền còn lại cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục đôn đốc, động viên, thuyết phục người này tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án đã tự nguyện viết đơn giao tài sản đã thế chấp để thi hành án. Ngày 12/8/2005 tự nguyện đến cơ quan thi hành án dân sự giao các tài sản để thi hành án, cụ thể: Đất ao 1.500m2; đất trồng lúa 8.100m2; đất trồng cây lâu năm 129.900m2. Tổng diện tích tự nguyện giao là 139.500m2 đất. Trong đó: Có 2.210 cây cao su tiểu điền trồng năm thứ 3; cây mỳ (sắn) cao sản 5,99ha và cây mỳ (sắn) trồng xen cao su 4,62ha. Sau đó cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh, kiểm tra, tiếp nhận và tiến hành các thủ tục bán đấu giá tài sản để thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Mọi văn bản giấy tờ về thi hành án, người phải thi hành án đều được tham gia ký, xác nhận, không có ý kiến gì thắc mắc, khiếu nại. Sau khi tài sản đã bán để thi hành án được hơn 03 tháng thì người phải thi hành án khiếu nại cho rằng định giá không đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện cho rằng thời hiệu khiếu nại đã hết nên không thụ lý mà trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại biết.

Ngày 06/12/2017 người phải thi hành án có đơn tố cáo với cùng nội dung theo đơn khiếu nại trước đây. Cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp đã ra quyết định thụ lý tố cáo và tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, vẫn còn có các quan điểm khác nhau về việc này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng người phải thi hành án đã khiếu nại thì không có quyền tố cáo. Mặt khác toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án, người phải thi hành án đều tham gia, đều đồng ý, ký xác nhận, không hề có ý kiến gì cũng không hề khiếu nại. Đến ngày 11/9/2006 mới có đơn khiếu nại và đã được giải quyết. Mãi đến ngày 06/12/2017 mới có đơn tố cáo, nhưng nội dung tố cáo như đơn khiếu nại trước, nên không xem xét giải quyết.

Quan điểm thứ hai thì đưa ra người phải thi hành án khiếu nại cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đã trả lời bằng văn bản là thời hiệu khiếu nại đã hết, nên không được xem xét giải quyết. Như vậy đơn khiếu nại của người phải thi hành án mới được xem xét về mặt hình thức mà chưa xem xét về mặt nội dung. Vì vậy, đơn tố cáo phải được thụ lý để xem xét, giải quyết về mặt nội dung.

Do khác nhau về quan điểm “không ai chịu ai”, nên cơ quan này có văn bản xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Cơ quan cấp trên cho rằng mặc dù đơn khiếu nại và đơn tố cáo có cùng nội dung. Nhưng đơn khiếu nại mới được giải quyết về mặt hình thức, mà chưa xem xét về nội dung. Do vậy, không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 luật Tố cáo. Cấp trên đã căn cứ vào đơn tố cáo, Điều 154, 157 Luật Thi hành án dân sự, mục 3 Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn và yêu cầu cơ quan này xem xét thực hiện.

Người viết bài này cho rằng, dù quan điểm nào đi chăng nữa, cũng phải có căn cứ, đúng pháp luật. Vấn đề ở đây cần phải được xem xét, giải quyết là người phải thi hành án đã khiếu nại, nay tố cáo có được thụ lý hay không?

Theo Điều 154 Luật Thi hành án dân sự quy định thì người phải thi hành án đương nhiên có quyền tố cáo. Bởi, họ cũng là công dân, hơn nữa họ là người phải THA, bị cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành án đối với họ, đương nhiên họ có quyền tố cáo.

Tuy nhiên, Điều 17 Thông tư số 07/2014 TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ qui định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị (gọi tắt là TT 07/2014), thì: “Đối với đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo của mình thì cơ quan, người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết nội dung tố cáo”. Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 02/2016 TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp qui định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự (gọi tắt là TT 02/2016), thì: “Trường hợp đơn tố cáo đã được chuyển, hướng dẫn, trả lời, giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng đương sự vẫn tiếp tục có đơn cùng nội dung; đơn đồng thời đề gửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc đã mời người tố cáo hai lần để xác định nội dung tố cáo nhưng người tố cáo không đến, không cung cấp thông tin, tài liệu thì lưu đơn”.

Theo Điều 17 TT 07/2014 và Khoản 3 Điều 15 TT 02/2016 hướng dẫn, nếu người phải thi hành án đã khiếu nại, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc khiếu nại theo quy định của pháp luật nhưng người phải thi hành án thấy không đạt được mục đích như mình mong muốn nay chuyển sang tố cáo cùng một nội dung như đơn khiếu nại lần trước. Không có gì mới, không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ mới để chứng minh cho việc tố cáo của mình thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thụ lý nội dung tố cáo.

Ngược lại, người phải thi hành án đã khiếu nại, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do hết thời hiệu khiếu nại, nay họ chuyển sang tố cáo, thì cơ quan có thẩm quyền phải thụ lý và giải quyết tố cáo theo pháp luật quy định.

Trở lại vấn đề nêu trên, sau khi tự nguyện giao tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý để thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã xử lý theo pháp luật quy định để thi hành án. Sau đó, người phải thi hành án khiếu nại, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ban hành văn bản trả lời thời hiệu khiếu nại đã hết, nên không xem xét giải quyết. Mãi đến ngày 06/12/2017 người phải thi hành án tiếp tục có đơn tố cáo với cùng nội dung theo đơn khiếu nại trước đây.

Ở đây cho thấy, người phải thi hành án trước đây đã có đơn khiếu nại nhưng thời hiệu khiếu nại đã hết theo Điều 59 Pháp lệnh Thi hành án dan sự năm 2004, cơ quan thi hành án dân sự đã trả lời mà không giải quyết nội dung đơn khiếu nại hay nói cách khác là mới giải quyết về mặt hình thức, chưa giải quyết về nội dung. Theo hai điều luật hướng dẫn nêu trên cho thấy để đảm bảo quyền tố cáo của công dân (nhất là người trong cuộc), cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phải thụ lý, và giải quyết đơn tố cáo của người phải thi hành án theo mục 2 Luật Thi hành án dân sự.

Trên đây là quan điểm của người viết, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của quí độc giả. Nhất là những người làm công tác thi hành án dân sự, các chuyên gia pháp luật, các luật gia, luật sư, để pháp Luật Thi hành án dân sự ngày càng hoàn thiện, công tác thi hành án dân sự ngày càng có hiệu quả.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn

 


Các tìm kiếm liên quan đến Về quyền tố cáo của người được thi hành án, quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự, luật thi hành án dân sự, đơn khiếu nại thi hành án dân sự, luật tố cáo, quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự, thông tư số 02/2016/tt-btp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, tố cáo là gì

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.