Những hình thức chính thể từng được xác định trong các hiến pháp Việt Nam?

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Thảo luận pháp luật Hiến pháp

Những hình thức chính thể nào đã từng được xác định trong các hiến pháp của Việt Nam?

 

Các nội dung liên quan:

 

Theo Hiến pháp Việt Nam năm 1946, chính thể Việt Nam là dân chủ cộng hoà, loại hình tổ chức nhà nước đoạn tuyệt hoàn toàn chế độ truyền ngôi, thế tập, hướng đến việc tranh thủ mọi lực lượng trong và ngoài nước, chống lại sự phụ thuộc vào đế quốc thực dân, giành độc lập cho dân tộc. Theo Hiến pháp này, hình thức nhà nước dân chủ cộng hoà có nhiều dấu ấn của cộng hoà đại nghị, bởi vì ở đây Quốc hội (Nghị viện nhân dân) được quy định là cơ quan nhà nước cao nhất. Chính phủ được thành lập dựa trên Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và chỉ hoạt động khi vẫn được Quốc hội tín nhiệm. Nhưng khác hình thức tổ chức cộng hoà đại nghị ở chỗ trong cơ cấu tổ chức nhà nước của Hiến pháp 1946 có chế định nguyên thủ quốc gia với một quyền năng rất lớn, không khác một tổng thống trong chính thể cộng hoà tổng thống. Chủ tịch nước không những là nguyên thủ quốc gia, mà còn là người trực tiếp lãnh đạo bộ máy hành pháp. Chủ tịch nước, mặc dù được Nghị viện bầu ra, nhưng không chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Từ những đặc điểm này, có thể thấy hình thức chính thể theo Hiến pháp 1946 gần giống như chính thể cộng hoà lưỡng tính.

Sang đến Hiến pháp 1959, mặc dù tên gọi của chính thể không thay đổi, vẫn là dân chủ cộng hòa, nhưng những đặc điểm của cộng hoà tổng thống đã giảm đi. Điều này được thể hiện bằng việc quy định nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước) không còn đồng thời là người trực tiếp điều hành bộ máy hành pháp, mà nghiêng về chức năng tượng trưng cho sự bền vững, thống nhất của dân tộc, như của những nguyên thủ quốc gia của các chính thể cộng hoà đại nghị và quân chủ đại nghị. Chủ tịch nước chính thức hoá các quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoặc của Hội đồng Chính phủ.

Chính thể Việt Nam theo Hiến pháp 1980 là cộng hoà XHCN, về cơ bản tổ chức quyền lực nhà nước so với mô hình của Hiến pháp 1959 không có thay đổi lớn. Những đặc điểm của mô hình nhà nước XHCN trước đây chưa thật rõ, thì bây giờ thể hiện rõ nét. Với cơ chế tập thể lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia không phải là một cá nhân mà do Hội đồng Nhà nước, được Quốc hội bầu ra, đảm nhiệm. Hội đồng Nhà nước đồng thời là cơ quan thường trực của Quốc hội. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách thức tổ chức nhà nước theo Hiến pháp 1980, thể hiện cơ chế tập trung và mang nhiều yếu tố chủ quan, đã làm cho nền kinh tế, xã hội Việt Nam bị kìm hãm. Hiến pháp 1992, về cơ bản vẫn là hình thức chính thể cộng hoà XHCN nhưng đã có những điều chỉnh nhất định về bộ máy nhà nước (chẳng hạn nguyên thủ quốc gia trở lại vai trò cá nhân Chủ tịch nước…).

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền