Thi hành án là đề tài không mấy mới mẻ nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách toàn diện để giải quyết. ở nước ta, thi hành án diễn ra trong thực tiễn rất phức tạp và có nhiều biến động qua các thời kì lịch sử khác nhau nhưng việc triển khai nghiên cứu lí luận về thi hành án thì còn nhiều hạn chế. Mấy năm gần đây, một số đề tài nghiên cứu về thi hành án đã được triển khai như Đề tài 95-98-114/ĐT – “Những cơ sở lí luận và thực tiễn về định chế thừa phát lại” do Viện Nghiên cứu khoa học pháp lí Bộ tư pháp phối hợp với Sở tư pháp thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; Đề tài 96 – 98 – 027/ĐT – “Mô hình quản lí thống nhất công tác thi hành án” do Cục quản lí thi hành án dân sự Bộ tư pháp chủ trì thực hiện… Nhưng có thể nói, các đề tài đó mới chỉ bước đầu đặt ra và giải quyết được một số vấn đề, khía cạnh của thi hành án với phạm vi và mức độ nhất định. Về mặt lí luận, hiện vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết, xung quanh chúng vẫn còn những tranh luận với những ý kiến rất khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một số vấn đề còn vướng mắc về mặt lí luận và ở những mức độ khác nhau đưa ra sự phân tích và thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề đó.
Về thuật ngữ
Hiện nay, trong sách báo pháp lí cũng như trên thực tiễn, cụm từ ghép “thi hành án” thường được dùng chung với các từ khác trong các nhóm từ như công tác thi hành án, hoạt động thi hành án, lĩnh vực thi hành án, giai đoạn thi hành án… Xét về mặt cấu trúc ngữ pháp, trong các nhóm từ trên, các từ công tác, hoạt động, lĩnh vực, giai đoạn là danh từ có nghĩa chung nhất của nội hàm xác định; còn “thi hành án” lại đóng vai trò với nghĩa là định ngữ, vì vậy nếu hiểu các nhóm từ đó như khái niệm “thi hành án” thì chưa đúng. Bởi vì, thứ nhất, các từ công tác, hoạt động, lĩnh vực, giai đoạn có nghĩa không giống nhau nên khi ghép với “thi hành án” chúng cũng hàm chứa những nội dung khác nhau; thứ hai, nếu sử dụng các nhóm từ đó cùng với các từ như bản chất, đặc điểm, chức năng, hình thức, mô hình… thì sự sai lệch lại tăng thêm. Chẳng hạn, khi nói bản chất của công tác thi hành án; đặc điểm của hoạt động thi hành án; hình thức hoạt động thi hành án (lẽ ra phải là bản chất, đặc điểm, hình thức của thi hành án)… thì những từ công tác, hoạt động không còn ý nghĩa ban đầu; ở đây chỉ thấy nổi rõ nghĩa của thi hành án. Theo chúng tôi, khái niệm thường được biểu đạt bằng danh từ hay cụm từ, trong đó danh từ hay cụm từ là từ loại còn tính từ chỉ kết hợp để hình thành khái niệm nhánh trong từ loại đó. Ví dụ, khái niệm quản lí được hiểu là sự tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lí lên đối tượng quản lí.(1) Từ khái niệm đó, ta có thể phân biệt quản lí kinh tế với quản lí văn hoá, xã hội và trong các trường hợp này, quản lí luôn đóng vai trò danh từ.
Với sự phân tích trên và để bảo đảm tính logic của các khái niệm khoa học có liên quan đến thi hành án, theo chúng tôi “thi hành án” cần sử dụng như khái niệm độc lập. Theo đó, chúng ta có những khái niệm chỉ loại hình thi hành án như thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án kinh tế, thi hành án lao động, thi hành án hành chính. Cũng từ cách hiểu này, chúng ta có thể nhìn nhận các vấn đề cơ bản của thi hành án như bản chất, đặc trưng, chức năng, hình thức, nguyên tắc, phương pháp, mô hình tổ chức của thi hành án… ở những cấp độ chung và cụ thể theo từng loại hình và những cụm từ như công tác thi hành án, lĩnh vực thi hành án, hoạt động thi hành án sẽ được sử dụng theo đúng nghĩa của chúng.
Về khái niệm thi hành án
Hiện còn có những ý kiến rất khác nhau về khái niệm này nhưng tựu chung những ý kiến đó đều thể hiện rõ ở hai quan niệm cơ bản: Coi thi hành án là giai đoạn của tố tụng và thi hành án là dạng hoạt động hành chính – tư pháp. Quan niệm thứ nhất cho rằng, thi hành án là một giai đoạn của tố tụng, vì: “Có xét xử thì phải có thi hành án, thi hành án dựa trên cơ sở của của công tác xét xử. Xét xử và thi hành án là hai mặt thống nhất của quá trình bảo vệ lợi ích của đương sự“. (2) Quan điểm này thừa nhận “không phải mọi hoạt động trong quá trình thi hành án và quyết định của tòa án đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật tố tụng…” nhưng lại cho rằng thi hành án “thực chất là hoạt động tố tụng của tòa án, của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm bảo đảm cho bản án và quyết định của tòa án được thi hành một cách chính xác, kịp thời“.(3) Quan niệm thứ hai lại cho rằng thi hành án là dạng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Theo quan niệm này thì tố tụng là quá trình tiến hành giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật; quá trình này trải qua nhiều giai đoạn nhưng các giai đoạn có liên quan mật thiết với nhau trong thể thống nhất và xét xử là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng cho nên bản án, quyết định của toà án là kết quả cuối cùng đánh dấu sự kết thúc của quá trình tố tụng.
Theo chúng tôi, thi hành án không thể là giai đoạn của tố tụng, bởi vì thi hành án có mục đích khác với mục đích của tố tụng. Điều này thể hiện ở chỗ, mục đích của tố tụng là xác định các chứng cứ để khôi phục lại trạng thái ban đầu của sự việc. Nói cách khác, tố tụng là quá trình đi tìm sự thật của các vụ việc đã diễn ra để trên cơ sở đó đưa ra cách giải quyết vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật. Với mục đích đó, toàn bộ quá trình tố tụng diễn ra theo quy trình hết sức chặt chẽ và phải bảo đảm các nguyên tắc như bình đẳng, công khai, dân chủ, tôn trọng quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng… và khi có phán quyết của toà án thì quá trình tố tụng kết thúc. Trong khi đó, thi hành án là quá trình tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện các bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, có thể nói một cách hình ảnh rằng, tố tụng là quá trình đi tìm chân lí để áp dụng công lí (pháp luật); còn thi hành án là quá trình thực thi chân lí bằng công lí. ở đây chân lí đã rõ, có tội hay vô tội, đúng hay sai đã được phân xử rõ ràng, thi hành án chỉ nhằm thực hiện các bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình này có thể do các chủ thể bị thi hành án tự giác thi hành hoặc do các cơ quan có thẩm quyền (không phải chỉ có tòa án) buộc các chủ thể đó phải thi hành.
Về bản chất của thi hành án
Thi hành án là dạng hoạt động chấp hành, quản lí và thể hiện rõ tính chất hành chính, vì vậy, nó phải thuộc chức năng của quyền hành pháp. Là dạng hoạt động chấp hành vì thi hành án chỉ được tiến hành trên cơ sở các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và trong khuôn khổ luật định; toàn bộ quá trình thi hành án với những hoạt động, biện pháp, cách thức khác nhau đều nhằm thực hiện những nội dung đã được thể hiện trong các bản án, quyết định của toà án và theo các quy định cụ thể của pháp luật. Là dạng hoạt động quản lí vì thi hành án là sự tác động tới đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của toà án; phải tuân theo các quy định của pháp luật; giáo dục họ có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, tôn trọng kỉ luật nhà nước và trở thành người lương thiện (đối với những người bị kết án phạt tù). Để thực hiện các hoạt động chấp hành và quản lí nói trên, phương pháp thuyết phục, giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù (trong thi hành án hình sự đó là phương pháp chủ yếu và có tính tiên quyết).
Có ý kiến cho rằng, thi hành án là dạng hoạt động mang tính hành chính – tư pháp vì: Thứ nhất, căn cứ để thi hành án là các bản án và quyết định của toàn án; thứ hai, có sự tham gia của các cơ quan tư pháp (theo nghĩa rộng) vào quá trình thi hành án. Chúng tôi cho rằng quan niệm như vậy có nhiều điểm hợp lí. Tuy nhiên, như đã phân tích ở đoạn trên, cái căn bản trong thi hành án là tính chất chấp hành, quản lí và phương pháp bắt buộc, nghĩa là tính hành chính là cái nổi trội, cơ bản, quán xuyến. Vì vậy, có thể dùng “cái gạch ngang” giữa hành chính và tư pháp để phản ánh bản chất của thi hành án. Vấn đề đặt ra là có thể xác định được mức độ (liều lượng) của tính hành chính và tính tư pháp trong thi hành án hay không? Thật khó có thể xác định rõ được điều này. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã cho thấy rằng, đặc điểm của mỗi loại hình thi hành án cũng như của mỗi nhóm vụ việc trong từng loại hình thi hành án quy định mức độ của tính hành chính và tính tư pháp. Theo chúng tôi, trong thi hành án, tính tư pháp luôn thể hiện ở mức độ hạn chế hơn so với tính hành chính.
Các đặc trưng của thi hành án
Thi hành án có những đặc trưng cơ bản sau:
– Thi hành án là quá trình diễn ra sau quá trình xét xử của toà án. Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở để tiến hành các hoạt động thi hành án. Vì vậy, có thể nói không có kết quả của hoạt động xét xử thì cũng không có hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, thi hành án lại không phải là giai đoạn tố tụng (cuối cùng); bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không phải là cơ sở duy nhất để tiến hành các hoạt động thi hành án; thi hành án đòi hỏi những nguyên tắc, thủ tục và cách thức hoạt động riêng. Ví dụ, để có thể tiến hành các hoạt động thi hành án thì phải có quyết định thi hành án và phải dựa trên những quy định cụ thể về thi hành án…
– Thi hành án là dạng hoạt động có tính chấp hành, vì thi hành án chỉ được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật quy định nhằm thực hiện các các bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ở đây tính chất chấp hành trong thi hành án có những nét riêng thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, nó chủ yếu do cơ quan tư pháp (theo nghĩa rộng) hay đối tượng phải thi hành án tiến hành; thứ hai, cơ sở để tiến hành các hoạt động thi hành án bao gồm các quy định của pháp luật (được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật) và bản án, quyết định của toà án (văn bản áp dụng pháp luật) đã có hiệu lực pháp luật; thứ ba, mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành án là bảo đảm cho các nội dung của các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi chứ không phải là ra các văn bản áp dụng pháp luật hoặc các quyết định có tính điều hành, nét đặc trưng của cơ quan hành chính.
– Thi hành án là dạng hoạt động có tính quản lí vì thi hành án luôn đòi hỏi các yếu tố kế hoạch, tổ chức, đôn đốc, kiểm tra, xử lí… nhằm tác động tới các đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của toà án, phải tuân theo các quy định của pháp luật; giáo dục họ có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, tôn trọng kỉ luật nhà nước và trở thành người lương thiện (đối với những người bị kết án phạt tù). ở đây, tính chất quản lí cũng có đặc trưng riêng về chủ thể quản lí, đối tượng và khách thể quản lí; phạm vi và phương pháp quản lí…
– Trong thi hành án, phương pháp thuyết phục, giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù (trong thi hành án hình sự đó là phương pháp chủ yếu và có tính tiên quyết). Điều này xuất phát từ tính chất của thi hành án như đã nêu ở trên. Ngay cả trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thực thi hành nghĩa vụ của mình thì cũng là vì họ hiểu rằng toà án đã phán xét, sự thực đã được làm sáng tỏ (nghĩa là trước đó họ đã không tự nguyện) và nếu không thi hành thì họ sẽ phải chịu các biện pháp cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình thi hành án, nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án và quyết định của toà án có những nội dung phức tạp. Thực tế đã cho thấy rõ, trong thi hành án vai trò của các cơ quan tư pháp là rất quan trọng, nhất là các cơ quan thi hành án nhưng trong nhiều trường hợp nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp và có sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng thì việc thi hành các bản án phức tạp khó đạt được kết quả tốt.
Về nội dung thi hành án
Có ý kiến cho rằng nội dung thi hành án rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động từ khi ra quyết định thi hành án cho đến khi giải quyết xong tất cả các vấn đề của người phải thi hành án, nghĩa là đến khi các đương sự hay người bị kết án trở lại trạng thái bình thường, trong đó có việc phải tạo điều kiện cho người phải thi hành án phạt tù có việc làm để bảo đảm cuộc sống bình thường. Có ý kiến khác lại cho rằng nội dung thi hành án chỉ giới hạn ở việc thực thi về mặt pháp luật các nội dung thể hiện trong các bản án, quyết định của toà án. Ví dụ, trong thi hành án dân sự khi người thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ được xác định trong bản án hay quyết định của toà án là xong còn hậu quả xã hội có liên quan đến các đương sự thì họ phải tự lo liệu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức giải quyết theo thủ tục khác. Trong thi hành án phạt tù, thi hành án sẽ kết thúc khi người bị kết án tù đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc được đặc xá. Tình trạng của người này sau khi ra tù thế nào được giải quyết theo thủ tục khác. Chúng tôi nghiêng về quan niệm thứ hai, bởi vì bất cứ dạng hoạt động nào cũng chỉ có giới hạn của nó. Đối với thi hành án, nếu mở rộng giới hạn của nó như quan niệm thứ nhất thì khó có thể bảo đảm được tính hiện thực cuả nó.
Về các loại hình thi hành án
Hiện nay, ở nước ta có 5 loại hình thi hành án: Dân sự, hình sự, kinh tế, lao động, hành chính. Bên cạnh những điểm chung, mỗi loại hình thi hành án lại có những đặc điểm riêng và trong không ít trường hợp chúng có sự đan xen lẫn nhau. Chính sự đan xen này làm nảy sinh những vướng mắc về mặt lí luận. Chẳng hạn như việc phạt tiền, tiêu huỷ tang tài vật trong án hình sự; việc nhận người làm việc lại trong án lao động có thuộc phạm vi thi hành án dân sự không? Phạm vi thi hành án dân sự có phải chỉ là những vấn đề có liên quan đến tài sản và bồi hoàn hay bao gồm tất cả những vấn đề có tính dân sự? Những vấn đề liên quan đến bán đấu giá tài sản, tuyên bố phá sản… có thuộc phạm vi thi hành án dân sự không?… Tình hình đó đòi hỏi phải nghiên cứu cơ sở lí luận cho việc xác định tính đặc thù và phân định giới hạn của mỗi loại hình thi hành án để từ đó xác định nội dung, nguyên tắc, phương pháp và biện pháp phù hợp cho mỗi loại hình đồng thời xây dựng mô hình tổ chức và quản lí thi hành án hợp lí và có hiệu quả. Thực tế hiện nay ở nước ta đã cho thấy rõ tính bức xúc của các vấn đề nói trên.
Về mô hình tổ chức và quản lí thi hành án
Có thể nói hiện nay vấn đề về mô hình tổ chức và quản lí thi hành án ở nước ta chưa có được phương án tổng thể và có tính khả thi. Vì vậy, tình trạng vừa tản mạn vừa chồng chéo là không thể tránh khỏi. Để có được mô hình tổ chức và quản lí thi hành án mang tính thống nhất và có tính khả thi thì cần thiết phải nghiên cứu và giải quyết đồng bộ các vấn đề nêu trên đồng thời phải chú trọng tới việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về thi hành án và xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án. Theo chúng tôi, căn cứ vào bản chất, đặc trưng, mục đích, nội dung của thi hành án như đã phân tích ở trên, mô hình thi hành án ở nước ta cần xây dựng theo hướng xây dựng hệ thống tổ chức và quản lí thống nhất tất cả các loại hình thi hành án do Chính phủ thống nhất quản lí.
Vấn đề xã hội hoá trong thi hành án
Xuất phát từ bản chất, đặc trưng của thi hành án cũng như từ thực tiễn thi hành án, có thể thấy rõ là có cơ sở để thực hiện vấn đề xã hội hóa trong thi hành án. Xã hội hoá thi hành án đúng đắn chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm nhẹ bộ máy tổ chức, biên chế; phát huy vai trò và sức mạnh của các tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc giáo dục, thuyết phục, cảm hoá người bị thi hành án tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình; giảm nhẹ sức ép về tâm lí và tạo điều kiện thuận lợi để gắn công tác thi hành án với việc giải quyết các vấn đề xã hội… Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề rất khó đòi hỏi phải có sự nghiên cứu cơ bản, toàn diện cả về mặt lí luận và thực tiễn.
Vấn đề hoàn thiện pháp luật về thi hành án
Mấy năm vừa qua, công tác xây dựng pháp luật về thi hành án đã có bước phát triển lớn so với trước đây. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài thì công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải được đẩy mạnh nhiều hơn nữa và phải đặt công tác này trong mối quan hệ với công tác xây dựng pháp luật của các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, tài chính, lao động, bảo hiểm xã hội…
Từ những phân tích trên, có thể rút ra mấy điểm sau:
– Chất lượng và hiệu quả của thi hành án phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng xét xử của toà án, vì vậy bên cạnh việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án thì cũng phải chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng xét xử của toà án.
– Thi hành án có tính chấp hành và quản lí nhưng hai tính chất này trong thi hành án có những đặc điểm riêng, vì vậy phải chú trọng xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định mức độ (liều lượng) của việc sử dụng kết hợp các biện pháp hành chính và tư pháp trong tổ chức và hoạt động thi hành án nói chung và mỗi loại hình thi hành án nói riêng để bảo đảm chất lượng và hiệu quả thi hành án.
– Phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ trong thi hành án có ý nghĩa rất qua trọng, vì vậy để bảo đảm cho các cơ quan thi hành án hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức để bảo đảm cho nó có đủ năng lực, sức mạnh và phương tiện để thực thi nhiệm vụ.
– Cần có mô hình tổ chức thi hành án phù hợp, đồng bộ đồng thời cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia vào quá trình thi hành án.
– Cần phải xác định rõ những đặc trưng chung và riêng của các loại hình thi hành án và có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng của thi hành án nói chung và mỗi loại hình thi hành án nói riêng./.
(1).Xem: Cơ sở của khoa học quản lí, Nxb. CTQG, H. 1997, tr.7.
(2).Xem: Nguyễn Công Bình – “Mấy vấn đề về thi hành án dân sự trong việc soạn thảo bộ luật tố tụng dân sự”, Tạp chí luật học, số 5/1998, tr.43, 44.
(3).Xem: Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường đại học luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội 2000, tr.282.
Để lại một phản hồi