Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân

Chuyên mụcLuật hình sự Chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân quy định tại Điều 309 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

 

Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bình luận:

Điều luật quy định sáu tội phạm gồm:

– Tội sản xuất trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

– Tội tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

– Tội vận chuyển trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

– Tội sử dụng trái phép chất phóng xạ,vật liệu hạt nhân.

– Tội mua bán trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

– Tội chiếm đoạt trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

1. Khái niệm

a, Sản xuất trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Được hiểu là hành vi làm ra chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trái với quy định của pháp luật.

Cần lưu ý: Hoạt động chế tạo và hoạt động sản xuất có sự khác nhau ở chỗ:

– Về tính chất: Hoạt động chế tạo là hoạt động mang tính chất sáng tạo, tìm tòi (tìm ra phương thức, kĩ thuật, công nghệ,…) để tạo ra một sản phẩm mới. Việc bắt chước để làm ra một sản phẩm tương tự cũng có thể được coi là chế tạo.

Đối với hoạt động sản xuất thì chủ yếu là làm ra hàng loạt sản phẩm trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ… đã hoàn thiện trong giai đoạn chế tạo đã thực hiện trước đó.

– Về mục đích: Hoạt động chế tạo chỉ nhằm tạo ra một loại sản phẩm mới hoặc bắt chước làm ra một sản phẩm mới để khẳng định sự thành công, sự hoàn thiện một sản phẩm mới (ví dụ: Làm hàng mẫu trước khi sản xuất hàng loạt) với kĩ thuật , công nghệ mới.

Đối với hoạt động sản xuất thì mục đích chủ yếu là làm ra sản phẩm với số lượng nhiều để đáp ứng một nhu cầu nhất định (như sản xuất súng tiểu liên AK để trang bị cho quân đội, sản xuất máy bơm nước để bán ra thị trường…).

– Về thứ tự thời gian: Đối với hoạt động chế tạo luôn diễn ra trước hoạt động sản xuất nếu xét trên cùng một loại sản phẩm. Đầu tiên bao giờ cũng phải chế tạo ra một sản phẩm mới và sau đó là sản xuất ra hàng loạt sản phẩm đó.

b, Tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (xem giải thích tương tự ở tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự).

c, Vận chuyển trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (xem giải thích tương tự ở tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự).

d, Sử dụng trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (xem giải thích tương tự ở tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự).

đ, Mua bán trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (xem giải thích tương tự ở tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự).

e, Chiếm đoạt trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (xem giải thích tương tự ở tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự).

Lưu ý: Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sự dụng, mua bán các đối tượng nêu trên được coi là trái phép khi thực hiện mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung với giấy phép.

g, Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân ra hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn mức miễn trừ (khoản 8 điều 3 Luật năng lượng nguyên tử).

h, Vật liệu hạt nhân là vật liệu có khả năng phân hạch bao gồm plutoni có hàm lượng plutoni 238 không lớn hon 80%, urani 233, urani đã làm giàu đồng vị urani 235 hoặc đồng vị urani 233, urani có thành phần đồng vị như trong tự nhiên trừ urani dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng ( điều 3 Luật năng lượng nguyên tử).

2. Các yếu tố cấu thành Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có một trong các hành vi sau:

a, Có hành vi sản xuất trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

b, Có hành vi tàng trữ trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

c, Có hành vi vận chuyển trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

d, Có hành vi sử dụng trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

đ, Có hành vi mua bán trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

e, Có hành vi chiếm đoạt trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.

Lưu ý: Thiệt hại, giá trị chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc.

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quy định về quản lí chất phóng xạ của Nhà nước.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

c) Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

d) Khung bốn (khoản 4)

Có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) – Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, trang 437 – 440).

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền